Chúng ta hãy quên đi dòng chảy của thời gian;
Chúng ta hãy quên đi những quan niệm xung đột.
Chúng ta hãy thỉnh cầu tới sự vô tận,
Và đặt vị trí của chúng ta lên trên đó.
-Trang Tử-
Khi tôi về đến nhà thì đó là khoảng thời gian yên tĩnh cho thiền định nên tôi nhón chân đi lên tầng và chạy vào phòng tắm. Tôi có một phòng tắm xuất sắc, chuyện đó khá là đáng xấu hổ, nó hoàn toàn vượt xa so với một ngôi nhà có gốc rễ nông nghiệp như vậy, cũng giống như phòng xem TV như rạp chiếu phim tại gia đó. Khi Sonaya tới đây thì vốn lẽ tự nhiên cô ấy phải trú ở căn buồng dành cho khách ở trên tầng. Nhưng ngôi nhà khi đó chỉ có một phòng tắm hoàn chỉnh vì thế chúng tôi phải dùng chung, điều đó hơi khó xử cho cả hai chúng tôi. Chúng tôi đã quyết định (okay, là do cô ấy quyết định) giải pháp tốt nhất là chuyển đổi một căn phòng ngủ trên tầng thành một phòng tắm chính kết nối với phòng ngủ của tôi. Ban đầu cô ấy cho tôi tham gia vào việc lên kế hoạch nhưng sau đó cô ấy nhanh chóng trở nên bực tức trước mong muốn của tôi về một phòng tắm với công năng đơn giản. Cô ấy lúc đó đã có quyền kiểm soát việc nhà cửa rồi, vậy nên cô ấy đã loại trừ tôi ra khỏi quá trình và thực hiện những gì cô ấy muốn.
Và kết quả mà tôi nhận được là một phòng tắm mà bạn vẫn hay thấy trên những tạp chí về thiết kế. Cô ấy tạo ra nó với phong cách gỗ cây anh đào và đá granite đen tao nhã mà không xâm phạm quá mức tới cảm giác tổng thể của ngôi nhà. Sự thiết kế mang đậm chất Nhật Bản trong sự đơn giản, và chắc chắn là tôi không thể mơ ước tới một thứ gì khác tốt hơn cái này. Có một lần tôi đã than thở về chi phí của nó và Sonaya đã nhìn tôi như thể tôi bị ngu ngốc. Cô ấy biết rằng tiền bạc chỉ là một thứ dòng chảy – rằng nó đến và đi và nếu bạn không làm gián đoạn dòng chảy thì nó sẽ luôn có rất nhiều. Là tôi đôi khi quên mất điều đó.
Không phải tốn quá lâu để làm nóng nước. Một bình nóng lạnh to đã được lắp đặt trên gác mái chỉ dành cho phòng tắm này, đặc biệt để cung cấp nước cho hệ thống tắm đa vòi sen và cái bồn tắm massage cỡ lớn màu đen. Tôi đã nhúng mũi vào quá trình thi công đủ lâu chỉ để năn nỉ họ thay đổi cho bình nóng lạnh đó cũng cấp nước cho cả phòng tắm của Sonaya bởi vì vào thời điểm đó các vị khách cũng đã bắt đầu đến cư trú ở dưới tầng và tôi không muốn Sonaya bị hết nước nóng bởi nhu cầu dùng quá tải. Phòng tắm của cô ấy thì không có bồn tắm nên cô ấy lấy phòng của tôi vài lần một tuần để ngâm mình trong dầu thơm với nến và âm nhạc.
Khi đang tắm, tâm trí tôi ghé thăm lại tới buổi chiều ngày hôm nay ở bãi cỏ với Jolene. Tôi đã sử dụng một biến thể của ẩn dụ Hang Plato để soi sáng sự khác biệt giữa giác ngộ và huyền bí học và cô ấy có vẻ đã hiểu khá tốt. Nếu bạn chưa để ý, thì tôi là một người hay sử dụng ẩn dụ ví von. Thực tế, một sự ví von cho việc tại sao tôi lại thích ví von: Nếu bạn cố gắng diễn tả ngọn lửa cho một người chưa từng nhìn thấy nó hay cảm nhận nó, vậy thì rất có thể bạn sẽ mắc kẹt với việc phải so sánh ngọn lửa với một thứ gì đó mà họ đã quen thuộc. Tất nhiên, nó không thể thay thế cho việc trải nghiệm trực tiếp ngọn lửa; nó chỉ là cách tốt nhất mà bạn có thể làm trong những trường hợp đó. Nó có một mục đích thêm vào nữa là nếu họ bắt gặp ngọn lửa thực, họ sẽ biết được thứ mình đang nhìn thấy là gì.
Jolene không quen thuộc với câu chuyện ngụ ngôn Hang Plato, càng lạ lẫm với phiên bản biến thể của tôi với rạp chiếu phim, vì thế tôi phải tóm lược nhanh từ đầu cho cô ấy. “Có một người ngồi trong rạp chiếu phim, nhưng anh ta không thực sự biết rằng mình ở trong rạp chiếu phim. Anh ấy được đặt ngồi theo một cách mà tất cả những gì anh ta có thể thấy chỉ là cái màn hình – không nhìn thấy những ghế khác, không thấy những người xem khác, chỉ thấy màn hình mà thôi. Còn gì nữa, anh ta còn bị trói xiềng xích. Anh ta không thể cử động, không thể nhìn ra chỗ khác. Đầu và thân thể anh ta bị cố định một chỗ bởi xiềng xích.”
“Đây thực sự không phải là Plato, đúng không?”
“Không chỉ thế, anh ta đã luôn ở đây trong suốt cuộc sống của mình. Đó là thực tại duy nhất mà anh ta từng biết – ngồi ở đây, quan sát những hình ảnh đến và đi trên màn ảnh, lắng nghe âm thanh. Đó là tất cả những gì anh ta biết về thực tại.”
“Chú đang bịa chuyện.”
“Vậy nên, hãy nghĩ về việc khi cháu đi xem một bộ phim thì nó như thế nào. Cháu đã từng nghe thuật ngữ ‘sẵn lòng đình chỉ sự hoài nghi’ (willing suspension of disbelief)?”
Cô ấy lắc đầu không biết.
“Đó là một giao kèo mà cháu thực hiện mỗi khi đi xem phim. Cháu chấp nhận nới lỏng tính phân biệt của mình và để cho bộ phim đi vào. Cháu biết rằng bộ phim không phải là thực tại, nhưng cháu vẫn sẽ ngồi trong hai tiếng và cho phép bản thân mình trải nghiệm nó như thể nó là thực tại. Cháu đình chỉ sự hoài nghi của mình để hình thành một liên kết đồng cảm với hoàn cảnh của các nhân vật và đối lại thì bộ phim cũng đồng ý không làm quá phi thực tế để cho cháu có thể tin vào nó tương đối dễ dàng. Có lý chưa?”
“Giống như chơi trò giả vờ?”
“Chuẩn xác. Và rồi, khi bộ phim kết thúc, cháu sẽ trở lại với ánh sáng gay gắt của thực tại và ngưng việc đình chỉ hoài nghi. Okay?”
“Chắc chắn rồi.”
“Vậy cái người đàn ông kia đang ngồi ở đó, quan sát bộ phim, hoàn toàn bị đắm chìm và tin rằng bấy nhiêu đó là toàn bộ cuộc sống. Anh ta không hề có sự hoài nghi. Anh ta có sự ràng buộc cảm xúc với những nhân vật và sự kiện trên màn ảnh. Xét cho cùng thì anh ta cũng đâu có biết thứ gì khác? Những hình ảnh trên màn hình là thực tại và là cuộc sống.”
“Okay,” cô ấy nói, có chút gì đó mơ hồ.
“Nhưng bỗng đến một ngày, vì bất cứ lý do nào đó, anh ta chợt nhìn xuống dưới và để ý thấy rằng những xiềng xích của mình không thực sự bị khóa. Việc anh ta bị bắt nhốt hóa ra chỉ là một ảo tưởng mà chưa từng bị hoài nghi.”
“Tuyệt!”
“Ừ, đó là điều anh ta đang nghĩ, nhưng cũng đồng thời sợ hãi nữa. Rồi anh ta tự giải thoát mình khỏi trói buộc, và lần đầu tiên trong đời, đứng thẳng lên và nhìn xung quanh. Bấy giờ anh ta mới vỡ lẽ ra rằng có một cấp độ khác của thực tại mà anh ta trước đó đã hoàn toàn vô tri. Điều đó làm anh ta tự hỏi về những hình ảnh trên màn hình, những thứ mà anh ta đã luôn mặc nhận là thực tại mà chưa từng đặt dấu hỏi, rồi anh ta nhìn xung quanh và thấy những ánh sáng chập chờn trên không và lần theo tới nguồn của chúng.”
“Đó là gian phòng của người trình chiếu,” cô ấy nói.
“Đúng. Vậy giờ thì chúng ta ở đâu? Người đàn ông của chúng ta đã tự giải thoát mình khỏi ảo tưởng và bắt đầu quá trình thức tỉnh tới một thực tại lớn hơn, phải không?”
Cô ấy gật đầu.
“Trong rạp chiếu phim tối tăm, anh ta đã luôn quan sát ánh sáng đúng không? Ánh sáng phản chiếu trên bề mặt màn ảnh? Nhưng giờ đây anh ta đã thấy được nguồn của ánh sáng, nguồn của những hình ảnh mà trước đây anh ta đã nhầm lẫn là thực tại. Và bây giờ anh ta lại xác định rằng gian phòng của người trình chiếu là nguồn chân chính của thực tại bởi vì ánh sáng đi ra từ đó – ánh sáng duy nhất ở toàn bộ nơi đó.”
“Thôi nào,” Jolene nói, cảm giác rằng tôi đang kéo dài thêm chuyện.
“Này, đây là một câu chuyện thức tỉnh, không phải chuyện kể ru ngủ. Nếu cháu có vấn đề với nó, đi mà nói với Plato.”
“Hmmm, được rồi. Tiếp đi.”
“Cháu hiểu đại ý rồi đúng không? Người đàn ông đó đang ở giai đoạn đầu tiên của việc đột phá ra tự do và khám phá sự thật. Anh ta hiểu ra rằng những gì anh ta đã luôn tưởng là thực tại chỉ là một thủ thuật hai chiều của ánh sáng và bóng tối. Anh ta đã vén màn và lộ diện ra người phù thủy.”
“Vâng, cháu hiểu ,” cô ấy mỉm cười, thích thú với tôi.
“Ảo tưởng!” tôi hét lên.
“Cháu hiểu rồi,” cô ấy nói, cười khúc khích.
“Okay. Và rồi người đàn ông đó lấy hết can đảm để đi xem xung quanh rạp chiếu phim. Như cháu có thể tưởng tượng, anh ta cần một chút thời gian để thích ứng với một thực tại mới, rộng mở và phong phú hơn rất nhiều. Những cơ bắp và giác quan của anh ta cần thời gian để thích nghi, chưa kể đến phải đối phó với cú sốc tâm lý với sự thật rằng cuộc sống của anh ta từ trước tới nay chỉ là một thứ giả tạo.”
“Chú có chắc đây là triết học Plato?” cô ấy hỏi một cách tinh nghịch. “Của triết gia Plato đó?”
“Tin chú đi, cái cháu đang được nghe là một phiên bản thân thiện với người dùng.” Cô ấy cười và tôi nói tiếp. “Người đàn ông của chúng ta có thể thấy một lối đi dẫn tới một cánh cửa, và có ánh sáng chiếu ra bên dưới khe cửa. Có thể anh ta nhìn thấy nó, có thể không. Cháu hiểu toàn bộ chứ?”
“Chỉ thế thôi sao?”
“Không, đó chỉ là những gì đang diễn ra. Bây giờ chúng ta sẽ sử dụng nó để trả lời cho câu hỏi của cháu.”
“Cháu đã quên mất câu hỏi của cháu là gì.”
“Chú sẽ chờ.”
“Ồ đúng rồi! Sự khác biệt giữa giác ngộ và huyền bí học.” Cô ấy đang học cách làm cho tôi nhức nhối. Cô ấy ngồi vòng tay quanh đầu gối như thể đó là một tư thế hoàn toàn đang chú ý của cô ấy và rồi tôi nói tiếp.
“Một khi anh ta đã vượt qua cú sốc ban đầu và đã thích nghi với thực tại mới, anh ta thấy rằng rạp chiếu phim này khá rộng và chứa đầy những người như anh ta, bận bịu với đủ thứ hoạt động khác nhau.”
“Plato đã nói như vậy sao?” cô ấy hỏi.
“Không, hiện tại thì là chú đang nói. Plato không hề có vui thú với câu chuyện tới mức này. Cái mà chúng ta đang thấy là…”
“Có rất nhiều người trong rạp chiếu phim bận bịu với đủ thứ hoạt động khác nhau?” cô ấy lên giọng.
“Ồ thật sao?” tôi lên giọng lại. “Những kiểu người nào? Những kiểu hoạt động nào?”
Cô ấy có chút hoang mang. “Cháu không biết. Đó là rạp chiếu phim của chú mà.”
“Bây giờ nó là của cháu,” tôi đáp lại.
Rồi cô ấy suy nghĩ về điều đó. Thật đáng khen, cô ấy đã không trả lời buột miệng ra ngay lập tức. Tôi biết rằng tâm trí cô ấy đang suy xét lại cái rạp chiếu phim – cố gắng chắp ghép nó lại thành tổng thể. Nếu tôi chỉ có thể sử dụng duy nhất một công cụ hỗ trợ giảng dạy, nó sẽ là ẩn dụ hang của Plato phiên bản cập nhật này. Gần như mọi khía cạnh trong hành trình thức tỉnh đều có thể được giải thích trong khuôn khổ của rạp chiếu phim, và trên cái lối đi dẫn tới cửa ra. Tất nhiên, tôi đã không trung thành với bản chuyện ngụ ngôn gốc, nhưng tôi nghĩ rằng Plato sẽ chấp thuận.
“Đại sư Yamamata ở trong rạp chiếu phim,” cô ấy nói với sự chắc chắn.
“Okay. Ông ấy đang làm gì?”
“Giảng dạy?”
“Dạy ai?”
“Cháu?”
“Chú không biết, Jolene. Tại sao cháu đã đến gặp ông ấy? Tại sao cháu lại ở đây với chú? Tại sao bây giờ cháu lại không ra ngoài mua sắm với những cô bạn hay là chia sẻ một cốc sữa mạch nha với gã bạn thân?”
“Bởi vì cháu không còn bị những hình ảnh trên màn hình đánh lừa nữa?” Cô ấy lại đặt câu hỏi với nó và nhìn tôi, muốn được tôi nói cho biết.
“Cháu nói cho chú,” tôi nói.
Cô ấy suy nghĩ về điều đó một lúc rồi mới nói.
“Khi cháu mười lăm tuổi và ngồi cùng cha mẹ trong nhà thờ cháu đã có một suy nghĩ hoàn toàn mạnh mẽ và kinh ngạc. Cháu nhìn vào sau gáy của những người ngồi trên những hàng ghế phía trước và bỗng chợt ngộ ra rằng họ giống như những con bò, những loài gia súc, giống… giống như họ không phải thực sự là những con người. Như thể họ là những con bò đang giả vờ là con người. Cháu đã nghĩ rằng nó rất buồn cười và đã bắt đầu cười một cách không thể kiểm soát được và cháu đã phải giả vờ là mình đang ho và chuồn ra đằng sau. Mẹ của cháu đã thực sự rất cáu.”
Cô ấy ngừng lại, có thể là để lần đầu tiên đưa ra kết luận. “Nhưng vấn đề là, nó chưa bao giờ thực sự dừng lại. Cháu vẫn nhìn hầu hết tất cả mọi người theo cách đó. Những giáo viên của cháu, gia đình của cháu, những người bạn của cháu. Giống như họ không thực sự tỉnh táo, hoặc giống như họ không hiểu điều đó, hoặc giống như họ không thực sự ở đó.”
Cô ấy ngừng lại tiếp, suy nghĩ trước khi nói. Luôn luôn là một dấu hiệu tốt.
“Đó là lý do cháu bắt đầu tới ngôi nhà của chú từ năm ngoái. Đó là lý do tại sao cháu đi nghe đại sư Yamamata giảng. Cháu đã muốn ở gần những người mà trông họ không giống như bị chiếm đoạt thể xác bởi người ngoài hành tinh. Có phải cháu rất kỳ dị hoặc bị làm sao không? Cháu cảm thấy như cháu là người tỉnh táo còn những người khác đều điên rồi, hoặc giống như cháu thức tỉnh còn tất cả bọn họ say ngủ, nhưng suy nghĩ như vậy nghe thật giống như là một sự điên khùng theo đúng nghĩa.”
Tôi nhớ lại lời thỉnh cầu đầy xúc động về việc đối xử với cô ấy một cách nghiêm túc với lời nói rằng “Cháu không muốn cũng là một người như vậy…” nhưng tôi đã không nghĩ tiếp nữa. Bây giờ thì tôi đã biết cô ấy đã thực sự muốn nói điều gì. Là không muốn làm một con bò.
“Cháu lo lắng về điều đó?” tôi hỏi.
“Vâng, cháu nghĩ rất nhiều về nó. Tư tưởng đó luôn luôn ở bên cạnh cháu. Cháu cảm thấy như mình không còn là một phần của thế giới nữa, giống như là, bằng một cách nào đó, cháu đã…té ra ngoài.”
“Chúng ta hãy sử dụng ẩn dụ với rạp chiếu phim lần nữa,” tôi nói. “Lúc trước chú đã không đề cập tới, nhưng khi người đàn ông của chúng ta thoát khỏi xiềng xích và đứng dậy, một trong những điều đầu tiên anh ta nhìn thấy đó là, rạp chiếu phim chứa đầy người, những người mà anh ta yêu thương và quan tâm, đang bị giam giữ tại chỗ với cùng một loại xiềng xích không bị khóa đó, và đang quan sát những hình ảnh trên màn hình như thể đó là tất cả mọi thứ tồn tại. Okay?”
“Okay.”
“Anh ta sẽ làm gì?”
Cô ấy trả lời mà không hề do dự. “Cố gắng giúp đỡ họ. Khiến họ, chú biết đấy, thoát ra. Thức tỉnh. Cởi bỏ xiếng xích và nhìn xung quanh. Nhìn xem điều gì đang thực sự xảy ra.”
“Đó có phải là điều mà cháu đã làm?”
“Vâng, kiểu như vậy. Đó cũng là lúc mà cháu bắt đầu tự hỏi liệu mình có đang thất bại. Cháu đã cố nói với mẹ cháu và một vài người bạn, và thậm chí cả anh trai cháu nhưng họ đều coi cháu như một đứa khùng ngốc. Jolene đang ở trên mây, đại loại như vậy. Cháu ngừng không nói về vấn đề đó nữa khi mà họ bắt đầu khó chịu và thô lỗ khi nghe, như thể nó đang đe dọa tới họ hay gì đó.”
“Một lời cảnh báo nho nhỏ cho cháu này, Jolene. Mọi người không thích phiên bản thực tại của họ cứ bị người khác con mẹ nó chọc phá. Cứ làm vậy nếu như cháu vẫn còn muốn bộc bạch xả ra, nhưng hãy chuẩn bị cho những kết quả không hay.”
Cô ấy không hề chớp mắt trước ngôn ngữ thô tục đó. Khi đòi hỏi cần phải nhấn mạnh thì tôi không hề do dự nói một cách dữ dội. Kéo một ai đó ra khỏi sự xung động vị tha trong giai đoạn đầu này đòi hỏi tôi phải làm vậy.
Lúc này tôi nằm ngả lưng xuống, khép đôi mắt, ngâm mình dưới ánh mặt trời. “Vậy sự khác biệt giữa huyền bí học và giác ngộ là gì?” tôi hỏi cô ấy.
Cô ấy dành thời gian suy nghĩ. Vài phút đã trôi qua trong khi tôi đang trôi dạt trong mơ màng. Và rồi, khiến tôi hân hoan, cô ấy đã trả lời câu hỏi một cách chính xác.
“Cháu không biết.”