Giáo lý cơ bản của Maharaj đề cập đến con người và thế giới nói chung, bản chất thực sự của thứ mà một cá nhân xem là ‘chính mình’ và là bản chất của thế giới hiện tượng. Những cuộc nói chuyện luôn dựa trên cơ sở của người-với-người, và nói chung cả Maharaj và khách đến thăm đều không có sự trợ giúp nào khác từ những gì được viết trong kinh sách, dù chúng có thể đáng kính và truyền thống đến đâu. Thật vậy, chính cách tiếp cận thực dụng này của Maharaj đã khiến những người tìm kiếm tâm linh thực sự, người không nhất thiết phải là sinh viên triết học, thấy được sự trung thực rõ ràng. Nói cách khác, những gì người khác đã nói (điều mà Maharaj thường gọi là ‘tin đồn’, hoặc ‘niềm tin chung’) không được chấp nhận là chân lý của chính Thượng Đế, ngay cả khi nó xuất hiện trong các văn bản linh thiêng nhất. Bên cạnh những ưu điểm khác, cách tiếp cận như vậy ngăn chặn khả năng có những câu hỏi có tính mặc định các tiền đề là một sự thật. Như trong trường hợp của một người tín đồ đang cố gắng thuyết giáo cho một người bạn, nói với anh ta rằng có một ‘người-đàn ông của Chúa’ có thể trò chuyện với các thiên thần, và khi được hỏi về tính xác thực của tuyên bố như vậy, anh ta đã thốt lên: Liệu một người có thể nói chuyện với thiên thần có thể nói dối không?
Những vị khách thường xuyên đến thăm Maharaj đều biết rằng ông hoàn toàn loại bỏ khái niệm về việc tái sinh giống như là điều hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng khi có một tham chiếu đến chủ đề này đã đưa đến một câu trả lời rõ ràng từ ông, một khách mới đến đã bị sốc tới mức không dám tin, đặc biệt là anh ta tình cờ lại theo Ấn Độ giáo. Trong một dịp như vậy, một vị khách trẻ tuổi, mặc áo choàng màu hoàng thổ truyền thống biểu thị lòng trung thành của anh ấy với một giáo phái Ấn Độ giáo nhất định, với ngọn lửa cuồng tín bùng cháy trong mắt anh ấy, bày tỏ cú sốc của mình khi Maharaj không chấp nhận lý thuyết tái sinh, nền tảng của triết học Ấn Độ giáo. Anh ta nhìn xung quanh để tìm kiếm sự ủng hộ về mặt tinh thần nhưng chắc hẳn đã hơi thất vọng bởi những nụ cười dịu dàng của sự thấu hiểu (nhưng không phải là sự đồng tình!) từ những người khác.
Maharaj nhìn tu sĩ trẻ với một sự đồng cảm nhất định, có lẽ là cho lòng nhiệt thành lầm lạc, và nói với anh ta một cách tử tế khác thường: Tuyên bố của tôi về việc tái sinh là chuyện vô lý chẳng có gì là phi lý cả. Bạn sẽ còn sốc hơn nữa nếu tiếp tục đến đây. Tôi không dạy bất cứ triết học, tôn giáo nào; và cơ sở cho các cuộc nói chuyện của tôi không liên quan tới bất cứ văn bản truyền thống nào. Tôi chỉ nói chuyện từ kinh nghiệm trực tiếp của tôi kể từ khi Guru của tôi khai mở đôi mắt tôi – đôi mắt tâm linh của tôi. Tôi không có ý định làm tổn thương cảm xúc của bất kỳ ai. Do đó, tôi liên tục nhắc nhở mọi người rằng họ có thể tự do rời đi nếu họ không thích những gì họ đang nghe. Những gì họ sẽ nghe từ tôi sẽ là sự thật trực tiếp, như tôi đã trải nghiệm, không phải như thứ mọi người muốn nghe. Tôi e rằng tôi không phù hợp với quan niệm của mọi người.
Một cách tiếp cận như vậy hoàn toàn không gây ngạc nhiên và cũng đã thu hút người thanh niên, sau đó anh đã khiêm tốn bày tỏ mong muốn tiếp tục lắng nghe Maharaj.
Maharaj sau đó nói: Bạn đã bao giờ thực sự nghĩ đến bản chất cốt yếu của con người chưa? Hãy quên đi những gì bạn đã đọc, những gì bạn đã được dạy. Bạn đã đưa ra bất kỳ suy nghĩ độc lập nào về câu hỏi này chưa? Tôi nhắc lại ‘độc lập’ – trầm lặng, suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc, như thể bạn là chúng sinh duy nhất trên trái đất và không có ai để hướng dẫn bạn? Hoặc, để đánh lừa bạn! Những yếu tố cần thiết cho cái mà bạn coi là ‘bạn’ là gì. Rõ ràng là cơ thể. Nhưng cái cơ thể hiện đang ở trong toàn thịnh, khỏe và mạnh mẽ này đã từng chỉ là một giọt nhỏ hoặc một đốm nhỏ của tinh chất hóa học trong sự thụ thai đã diễn ra trong bụng mẹ của bạn. Hãy suy ngẫm. ‘Bạn’ có làm gì để được hình thành như vậy không? ‘Bạn’ có muốn được thụ thai? Có được tư vấn cho ‘bạn’ không? Hơn nữa, và điều quan trọng là cái gì ‘tiềm ẩn’ trong một giọt tinh chất đã khiến nó phát triển thành một em bé phát triển đầy đủ bằng máu, thịt, tủy, xương, đầu tiên trong bụng mẹ của bạn và sau đó trên thế giới này cho đến bây giờ ngồi trước tôi thảo luận về triết học? Cơ thể, trong quá trình phát triển, đã sản sinh ra những hình ảnh khác nhau mà bạn đã coi là ‘bạn’ vào những thời điểm khác nhau, nhưng không có hình ảnh nào ở lại với bạn liên tục; và trong khi đó có một cái gì đó thực sự vẫn tồn tại mà không có bất kỳ thay đổi nào. Đó chẳng phải là cảm giác sống và hiện hữu của bạn, cái ý thức mang lại cảm quan và năng lượng cho bộ máy tâm thần được gọi là ‘cơ thể’? Ý thức này được đặt nhiều tên khác nhau: Hiện Hữu, Ta-tồn-tại, tự ngã, Atma, v.v. và các tên khác như Maya, God, Love, v.v. Thế giới chỉ tồn tại đối với bạn nếu ý thức này ở đó. Nếu bạn không tỉnh táo, chẳng hạn như trong giấc ngủ sâu, thế giới có thể tồn tại với bạn không?
Bây giờ, bạn có hiểu được điều gì đã khiến bạn tự cho mình là ‘bạn’ theo bản năng không – sự kết hợp này của cơ thể vật chất, sinh lực (Prana) là nguyên lý hoạt động, và ý thức cho phép các giác quan vật lý nhận thức được mọi thứ. Bạn có vẻ là cơ thể bên ngoài, nhưng thứ bạn là là cái ý thức.
Chúng ta hãy trở lại vấn đề tái sinh của bạn. Cái được ‘sinh ra’, cơ thể khách quan, tất nhiên sẽ ‘chết’; sau đó nó sẽ bị giải thể, tức là bị tiêu diệt không thể thu hồi, sinh lực sẽ rời khỏi cơ thể và hòa nhập với không khí bên ngoài. Phần khách quan của những gì đã từng là một chúng sinh sẽ bị tiêu diệt, không bao giờ được tái sinh làm cùng một cơ thể. Và ý thức không phải là một đối tượng, không phải là một ‘sự vật’ chút nào— do đó, ý thức, với tư cách là một cái gì đó không khách quan, không thể được ‘sinh ra’, không thể ‘chết’ và chắc chắn không thể được ‘tái sinh’.
Đây là những sự thật không thể chối cãi, phải không — những sự thật về những con người có tri giác được biểu lộ có tính hiện tượng? Là một quá trình hoạt động của vật tự thể, sự biểu hiện của các hiện tượng diễn ra, trong đó các hình tướng được tạo ra và bị phá hủy. Ai là người được sinh ra? Và ai chết? Và ai sẽ tái sinh?
Nếu đúng như vậy, bạn có thể hỏi làm thế nào mà khái niệm Karma, nhân quả và luân hồi tái sinh lại khởi lên? Câu trả lời là thay vì một chúng sinh mang tính hiện tượng tự chấp nhận mình là một biểu lộ của cái bất biểu lộ (và do đó là một khía cạnh của vật tự thể phi hiện tượng), một sự nhận dạng nhầm lẫn với một thực thể giả lập đã diễn ra và một bóng ma với một tồn tại được cho là độc lập tự trị được tạo ra. Bóng ma này được cho là có sự lựa chọn quyết định và hành động. Cái được sinh ra đó là cái bóng ma này, để sống, để đau khổ và để chết. Và trong quá trình này, chính bóng ma này phải chịu trách nhiệm về quá trình của quan hệ nhân quả được gọi là Karma, chấp nhận ‘trói buộc’ và ‘tái sinh’, và tìm kiếm một sự ‘giải thoát’.
Nói cách khác, Maharaj kết luận, quá trình biểu lộ tự nhiên của các hiện tượng đã phóng chiếu ra một bóng ma với một sự tồn tại được cho là tự trị, độc lập, và trên cái tự ngã bóng ma này được nạp vào khái niệm về nhân quả của các hành động tưởng tượng – tức là Karma, trói buộc và tái sinh!
Bây giờ bạn đã hiểu tại sao tôi lật tẩy lý thuyết tái sinh chưa?