Khi số lượng khách tham gia ít, Maharaj có xu hướng nói chuyện một cách thân mật và dân dã hơn. Nhưng khi căn phòng gác xép nhỏ của ông ấy có đông người, đầu tiên ông sẽ hỏi xem có ai có có câu hỏi gì không, nhưng ông sẽ thường chế định thêm quy tắc hay đúng hơn là một điều kiện mang tính xây dựng rằng câu hỏi không nên liên quan đến việc ta nên làm gì hoặc không nên làm gì trên thế giới này. Nói cách khác, các câu hỏi nên hỏi mà không đồng hóa chính mình với cơ thể! Hạn chế này, có thể được cho là nhằm mục đích ngăn chặn những câu hỏi hời hợt và lấp lửng, chúng chỉ làm lãng phí thời gian. Mọi người cũng sẽ hiểu rằng họ sẽ không nên hỏi về cách xoay sở với sự phức tạp của những vấn đề cá nhân. Maharaj nói rõ ràng rằng ông không phải là một nhà tiên tri cũng không phải là một người có phép màu nhiệm.
Một buổi sáng, có người hỏi tại sao người ta phải chịu đau khổ. Tại sao bất hạnh tồn tại. Maharaj ngồi yên trong một lúc và sau đó bắt đầu nói nhẹ nhàng: Mỗi cảm xúc hay cảm giác mà một người trải nghiệm đều là một chuyển động trong ý thức. Khi một người cảm thấy buồn bã hoặc bất hạnh, điều đó có nghĩa là một sự kiện đã không thỏa mãn nhu cầu hoặc mong muốn được cảm nhận tại thời điểm đó. Tuy nhiên, một sự kiện có thể gây ra nỗi buồn cho một cá nhân có thể đem lại hạnh phúc cho người khác; và một lần nữa, một sự kiện đã gây ra bất hạnh cho một người cụ thể tại một thời điểm có thể mang lại hạnh phúc cho chính người đó vào một thời điểm khác, tùy thuộc vào những gì anh ta nghĩ rằng anh ta mong muốn tại thời điểm đó. Người ta nghĩ một trải nghiệm là hạnh phúc hoặc bất hạnh, vui sướng hoặc đau khổ là do các nhân tố liên quan nào? Một, phải có ý thức; hai, phải có quan niệm về một thực thể, con người, với những mong muốn của nó; ba, phải có một sự kiện trong không-thời gian.
Một sự kiện có thể xảy ra và thậm chí đúng với mong muốn của anh ta, nhưng nếu không có ý thức, anh ta sẽ không quan tâm đến cả sự kiện lẫn sự ảnh hưởng của nó. Cái ý thức là nhân tố chính và là cái hành động! Thật vậy, ‘cái-Ta-thực-là’ thậm chí không nhận thức được sự tồn tại của chính nó cho đến khi tri thức ‘Ta tồn tại’ khởi sinh. Trong tình trạng nguyên thủy ban đầu đó, không có khả năng xảy ra bất kỳ nhu cầu, mong muốn, hy vọng, tham vọng, khoái lạc hay nỗi đau nào, – tất cả những điều này đều đi kèm với cơ thể. Ngay cả sau sự xuất hiện của ý thức, những gì được cảm nhận là một sự hiện diện có ý thức như vậy – ‘Ta tồn tại’ (không phải ta là cái này, hoặc cái kia). Chỉ sau khi ý thức đã xác định chính nó với hình thức bên ngoài của nó thì một thực thể hư cấu ra đời. Và thực thể này không là gì ngoài một quan niệm. Nó không có sự tồn tại độc lập của riêng nó.
Cùng với ý thức, khái niệm về không-thời gian, mà không có nó thì ta không thể nhận thức được các hiện tượng được biểu lộ. Để sự biểu lộ có thể được nhận thức về mặt cảm quan, nó nhất thiết phải có một khối lượng phụ thuộc trong khái niệm về không gian; và sự biểu lộ được mở rộng như một sự kiện trong thời gian, cần phải có khái niệm về thời gian. Hạnh phúc và bất hạnh và tất cả những khái niệm khác biệt, những mặt đối lập hoặc mâu thuẫn liên quan với nhau không thực sự tự tồn tại; chúng không thể làm như vậy bởi vì chúng không là gì khác ngoài việc đối tượng hóa khái niệm trong không-thời gian. Và nếu những mặt đối nghịch này chồng chéo lên nhau bất cứ lúc nào, chúng sẽ hủy bỏ lẫn nhau và khôi phục lại sự cân bằng.
Chúng ta là Cái Tuyệt Đối (không thời gian, không khoảng cách, không điều kiện, hoàn toàn không có thuộc tính hoặc danh tính, là sự tồn tại thuần túy) không thể biết đau đớn hay khoái lạc là gì, bởi vì không có gì khách quan bên trong cái mà ta thực là, và chỉ một đối tượng mới có thể đâu khổ hoặc có bất kỳ loại kinh nghiệm nào. Những gì ta biểu kiến ra như là các đối tượng riêng biệt là hiện tượng được biểu lộ- giới hạn thời gian, hữu hạn và có thể cảm nhận được thông qua giác quan. Chúng ta chỉ có thể đau khổ khi nhận dạng nhầm lẫn mình với các đối tượng riêng biệt! Ít nhất chúng ta cũng nên hiểu điều này đúng không?
Đứng lại trong trạng thái toàn vẹn nguyên thủy của bạn, trạng thái trước khi bạn được ‘sinh ra’, khi không có tri thức ‘Ta tồn tại’ và do đó, không có nhu cầu và ham muốn theo bất kỳ hình thức nào. Mọi đau khổ sẽ kết thúc ngay khi bạn đứng riêng biệt trong nhận thức thuần túy rằng cái giả là giả, cái tạm thời chỉ là tạm thời. Một khi bạn thấy rằng sự tồn tại của cái giả tạm phụ thuộc quan niệm về không-thời gian, bạn đã đến gần với bản thể thực sự của bạn. Một khi bạn nhận, người mà đang đau khổ chỉ là cái thực thể hư cấu mà bạn tự tưởng tượng mình là, bạn sẽ thức tỉnh trong sự trọn vẹn của chân tánh của bạn, trong đó sự thánh thiện và sự chữa lành được ẩn chứa.
Sau cùng, Maharaj đề cập đến câu nói ‘căn bệnh kinh khủng mà các bác sĩ đã nói với tôi’. Việc đề cập đến căn bệnh ung thư thường sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc. Nhưng mà phản ứng của tôi hoàn toàn khác: Ai bệnh? Rõ ràng, thứ được ‘sinh ra’ sẽ ‘chết đi’ khi thời gian đến hẹn. Tất nhiên, cái ‘vật chất’ là nguồn gốc của bộ máy tâm thần đặc biệt này sẽ dần trở nên tồi tệ do sự lão hóa và sẽ được công bố là ‘chết’, và ý thức trong bộ máy sẽ được giải phóng để hợp nhất với cái ý thức toàn khắp. Còn tôi thì sao? Chưa bao giờ có một cái ‘tôi’ va cũng không bao giờ có thể có một cái ‘tôi’. Ta vẫn luôn có thường hằng hiện hữu một cách tuyệt đối. Thật vậy, sự trống vắng của cái tôi tương đối sẽ là sự hiện diện tuyệt đối của Ta, và thời điểm của ‘cái chết’ sẽ là khoảnh khắc của sự ngây ngất tuyệt vời nhất, là nhận thức cảm quan cuối cùng của bộ máy tâm thần.