Trong cuộc đời, sẽ luôn có thời điểm nào đó mà chúng ta cảm thấy có gì đó không đúng, rằng ta không biết mình là ai, mình đang ở đâu hay ý nghĩa cuộc sống là gì,… ta cảm thấy rất hoang mang. Tâm lý học gọi đó là “existential crisis”, sự khủng hoảng hiện sinh. Nó đúng phần nào đó nhưng vẫn chưa đủ. Tôi gọi đó là cái tâm cầu đạo, cái tâm muốn tìm ra chân lý, tìm ra sự thật của cuộc đời này. Trẻ em không thể có cái tâm cầu đạo này, (trừ trường hợp bị nhồi sọ từ rất nhỏ, và nó cũng không phải tâm cầu đạo chân chính), nó thường thức tỉnh khi chúng ta đã lớn một chút, khi đã có một số trải nghiệm nhất định.
Hãy tưởng tượng một tình huống mà ta bất chợt bị kéo ra khỏi nhà, và bị mang tới một công viên giải trí cực kỳ to lớn. Ta ngay lập tức bị thu hút, hấp dẫn và nhảy vào đó khám phá, chơi đùa, đó là khi cái tâm trẻ em mới được thức tỉnh và hoạt động mạnh mẽ. Ta có thể rất mải mê chơi, chúng ta quên đi cả thời gian, nhưng sâu trong tiềm thức ta vẫn biết mình sau cùng thì cũng phải trở về nhà, vì đó là nơi ta thực sự thuộc về. Có thể là ta chơi quá nhiều quá lâu khiến ta tự thấy chán, thấy mệt, và muốn đi về nhà. Có thể là chúng ta gặp một cú sốc nào đó, như là bị ngã đau khi chơi, chúng ta muốn về nhà ngay lập tức. Có thể là người nào đó nhắc nhở chúng ta cần phải về. Cái tâm muốn về nhà có thể kêu gọi một lần, nhưng chúng ta phớt lờ đi vì ở đây vẫn còn chỗ khác để khám phá, để chơi đùa. Nó sẽ kêu gọi thêm lần nữa và nhiều lần khác, cho đến khi chúng ta cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở về nhà.
Cái tâm cầu đạo cũng là như vậy. Chỉ đơn giản là cầu một con đường để trở về nhà. Những người có đạo tâm mạnh thì đi một mạch trực tiếp về nhà theo bản năng. Một số thì mất thời gian tự lần mò đường thoát ra. Một số khác được ai đó chỉ đường. Một số khác thì đi được nửa đường thì lại bị trò chơi nào khác trong công viên hấp dẫn. Một số khác thì đi lòng vòng và bị xao nhãng hơn. Nhưng sau cùng thì không có ai ở mãi mãi trong công viên giải trí.
Cái tâm cầu đạo không phải ai ban cho. Nó vốn là một nhân tố nội tại, nó nằm ở ngay trung tâm chúng ta. Nó chỉ chờ thời cơ thích hợp để thức tỉnh, như một hạt giống nảy mầm khi đã hội tụ đầu đủ điều kiện. Chúng ta vun trồng hạt giống hay phớt lờ nó là lựa chọn của mỗi người, nhưng hạt giống này là bất diệt. Nếu chúng ta được một ai đó truyền cảm hứng về việc tu đạo, người đó có thể là một bậc chân sư vĩ đại, hay một tu sĩ lang thang hành khất, hoặc có thể là một con vật hay một sự kiện nào đó, chúng ta hãy cảm thấy biết ơn. Nó giống như một người đã tưới thêm nước cho hạt giống của chúng ta chóng nảy mầm.
Việc trở về nhà nghĩ theo một hướng thì nó là một điều rất khó khăn. Chúng ta đến đó với bàn tay trắng thì sẽ trở về trắng tay. Mọi sở hữu, mọi vui buồn, mọi vai diễn kịch trong công viên giải trí sẽ phải bị bỏ lại phía sau, không có ngoại lệ. Nhưng nghĩ theo hướng khác, nó lại là một sự nhẽ nhõm, bình yên khôn tả. Hai cách nghĩ này cũng đều là quan niệm trong bối cảnh của công viên giải trí. Sau cùng thì nó cũng phải được buông xuống nốt.