Nếu bạn có con và sống cùng với nó, bạn sẽ học được rất nhiều điều quý giá từ đứa trẻ này. Một trong số đó chính là cái tâm của trẻ em hay còn gọi là “xích tử chi tâm”, cái tâm bản lai của một con người từ lúc mới sinh.
Cái tâm của một đứa trẻ là một cái tâm hồn nhiên, lấy sự tồn tại, sự hiện hữu là một niềm vui và các hoạt động của nó trên thế gian này chỉ là một hoạt động để hợp tác, khám phá, sáng tạo để nhân niềm vui đó lên nhiều lần. Đó là cái tâm quy hàng vô điều kiện, quy hàng tới người cha mẹ, hay những người giáo dưỡng nó. Nó không chút âu lo phiền muộn, không chút ý tưởng nào về trách nhiệm cá nhân với thế giới này, nó đặt toàn bộ gánh nặng lên người cha mẹ và tin tưởng hoàn toàn vào sự dẫn dắt của họ. Ngay cả khi nó ốm đau, đó chỉ là nỗi đau về thể xác, chứ không có sự khổ sở trong tinh thần. Khái niệm về khổ chỉ được thành lập khi chúng ta đặt ra những tiêu chuẩn về sự hạnh phúc và tự nhận định cuộc sống của mình đang ở dưới mức tiêu chuẩn đó, trên một khía cạnh nào đó. Với của một em bé, ý nghĩa của sự tồn tại chỉ đơn giản là tìm kiếm niềm vui và điều đó đã vô tình mang tới niềm vui cho những người xung quanh.
Cái tâm của trẻ em dần dần bị thui chột đi theo thời gian chúng ta lớn lên. Khi chúng ta mới sinh ra, có thể chúng ta được thương yêu vô điều kiện, lớn dần chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần phải hoàn thành theo được những điều kiện nào đó, mình cần phải “đủ tốt” để được thương yêu. Những điều kiện đó có thể như là: một đứa trẻ 4 tuổi, phải không được đái dầm; 5 tuổi phải biết viết bảng chữ cái; 6 tuổi phải biết các phép toán cộng trừ cơ bản,… Chúng ta càng lớn thì càng nhiều điều kiện càng nhiều tiêu chuẩn được áp đặt lên mình, nếu không hoàn thành các tiêu chuẩn đó, chúng ta bị mắng nhiếc, thậm chí đánh chửi bởi chính những người nuôi dưỡng mình. Chúng ta cảm thấy sống không còn là thuần túy niềm vui mà nó còn là phải hoàn thành trách nhiệm cá nhân, phải hoàn thành những điều kiện nào đó mới đạt được hạnh phúc, nhưng nếu cố gắng rồi mà vẫn không được thì thật là bất hạnh, chúng ta đã biết thế nào là khổ. Đó là một điều đáng buồn.
Cái tâm trẻ em là thứ mang lại cho chúng ta sự hạnh phúc, sự hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Chúa Jesus đã nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại, mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt.18,3-4)
Còn Lão Tử cũng nói: “Đức có dày cũng không thể so sánh được với trẻ em sơ sinh.” (Đạo Đức Kinh chương 55). Ngay cả cái tên Lão Tử cũng hàm chứa ý ông là một đứa trẻ cao tuổi.
Khi chúng ta lớn dần lên, liệu chúng ta có thể giữ vững được xích tử chi tâm? Điều đó gần như là bất khả thi khi chúng ta sống trong bối cảnh xã hội hiện tại. Nhưng thay vì chỉ hoài niệm về tuổi thơ, chúng ta vẫn có thể tìm lại về cái tâm trẻ em đó. Điều này đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ về góc nhìn và quan điểm với cuộc sống trở về giống như một em bé, cụ thể như sau:
- Sống và hiện hữu là một niềm vui, luôn là như vậy.
- Ta không hề có gánh nặng về trách nhiệm và nghĩa vụ. Mọi điều ta làm điều là ta lựa chọn và những hành động đó chỉ là sự hợp tác, khám phá, sáng tạo để nhân niềm vui của sự hiện hữu lên nhiều lần. Những thứ mà ta vốn coi là nghĩa vụ và trách nhiệm, giờ ta hãy coi nó là một hành động hợp tác với vũ trụ, là sự khám phá và sáng tạo. Không bận tâm tới quá khứ, không lo lắng về tương lai, mỗi ngày thức dậy là một ngày mới, như ngày đầu tiên ta ra đời, sẽ luôn có sự mới mẻ và niềm vui trong đó.
- Quy hàng tuyệt đối với Cha Mẹ của Ta. Chính là VŨ TRỤ này. Nó đã mang ta tới cuộc sống này thì nó sẽ dẫn dắt ta đi qua. Hãy tin tưởng vũ trụ như cách bạn tin tưởng một người lái tàu, và đặt toàn bộ hành lý của bạn, những gánh nặng của bạn trên con tàu đó và để nó chở bạn đi.
Nếu ta muốn đạt được hạnh phúc thì nên tìm lại cái tâm trẻ em của mình, và có thể nó còn khiến ta đi xa hơn nữa.