Tôi chưa từng là một tín đồ Ki tô giáo và gần đây tôi mới biết tới một câu trích nổi tiếng trong Kinh Thánh (Matthew 10: 34-11: 1):
“Chớ tưởng Ta đến đem bình an cho trái đất; Ta đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Ta đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. Ai yêu cha yêu mẹ hơn Ta, thì không xứng với Ta. Ai yêu con trai con gái hơn Ta, thì không xứng với Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không xứng với Ta. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm thấy được.“
Khi lần đầu đọc câu này tôi đã hiểu ngay ý của Jesus là gì, vì nó chính xác đúng như trải nghiệm trong quá khứ của tôi, trong cuộc hành trình – cuộc chiến tranh tâm linh của tôi. Nó không đơn giản như những linh mục thường diễn giải đại loại rằng: phải yêu Chúa hơn tất cả, phải sùng đạo hơn tất cả. Với tôi nó có một tầng ý nghĩa khác, đơn giản hơn, nó chính xác là theo nghĩa đen trên mặt chữ luôn.
Khi những tiếng gọi của Chân Lý đầu tiên vang lên, và tôi không còn lựa chọn nào ngoài theo đuổi, kiếm tìm Chân Lý. Toàn bộ cuộc sống của tôi trở thành đống lộn xộn không tưởng, tôi bỏ học đại học ở một trường có tiếng, chống đối lại bố mẹ, suýt đòi đi ẩn tu, cắt đứt liên lạc với hầu hết bạn bè, gần như trầm cảm trong hai năm, mọi mối quan hệ đổ vỡ, bố mẹ tôi đã cạn hết nước mắt vì tôi. Đây thực sự là một trận chiến khó khăn. Tôi phải đặt Chân Lý lên hàng đầu và Chân Lý là thứ ẩn sâu dưới mọi tầng lớp bản ngã của tôi, và tôi buộc phải phá dỡ mọi thứ. Thể tháo dỡ một cách nhẹ nhàng êm đẹp gần như là chuyện bất khả thi. Tại sao tôi phải làm vậy? Bởi vì có sự mâu thuẫn, có xung đột trong tôi. Chẳng hạn: tôi được dạy rằng mình phải trở thành mình người thành công, giàu có, tốt bụng,.. thì mới được hạnh phúc, được chào đón trong cuộc sống; đồng thời tôi cũng cảm thấy hố sâu ám ảnh kinh hoàng của sự vô thường, của sự vô nghĩa, mọi thứ không trường tồn, không gì còn mãi, nỗ lực của tôi chắc chắn sẽ tan biến trở về với cát bụi, ngày mai tôi có thể chết, có thể mất đi mọi thứ bất cứ lúc nào. Mọi người đều có sự mâu thuẫn nội tâm này, nhưng phần lớn thì phớt lờ đi, hoặc tìm cách chắp nối tạm bợ bằng các niềm tin, tín ngưỡng khác. Tôi thì không thể làm vậy. Tôi không thể đứng hai chân trên hai con thuyền ngược chiều. Tôi đã đưa ra lựa chọn. Tôi đã đánh bom hủy diệt mọi thứ mà tôi cho là quan trọng nhất của mình. Tôi đã nhảy lên con thuyền trôi thẳng xuống vực sâu của sự không biết(hoặc là con thuyền nào cũng dẫn tới đó mà thôi). Đó là sự “liều mạng” mà Jesus nói tới, hãy tìm và sẽ thấy.
Đó là cách quá trình đã hoạt động với tôi và tôi không nghĩ có một ai có thể làm theo cách khác. Đúng thời điểm đó tôi được giới thiệu tới sách của Jed McKenna và tôi cảm giác như người chết đuối vớ được cọc. Sách của ông đã giúp tôi hiểu ra nhiều thứ và khiến cuộc chiến này trở nên dễ dàng hơn. Một con sâu muốn hóa thành bướm thì nó phải cắt đứt mọi mối liên hệ xưa cũ với những con sâu khác, để tiến mình vào trong kén, không ai có thể hỗ trợ nó ngoài chính nó. Ở trong kén, nó vừa cô độc và đau đớn, nhức nhối khi mọi thứ trong nó đang biến đổi. Nếu nó không dứt khoát quan điểm, những con sâu khác có thể đến và lôi nó ra trở lại. Đây dường như là trận chiến sinh tử mà cái chết là chắc chắn. Nó phải lựa chọn chết đi cái bản ngã cũ, thân phận cũ. “Ai giữ lấy mình thì sẽ mất”, nếu nó cứ cố giữ lại thân thể cũ của nó, nó sẽ chết trong kén. Nó phải giết chính nó. Khi nó thành công đột phá ra kén, nó tiến vào một mô thức sống mới. Những con sâu khác sẽ không thể hiểu và cho rằng con sâu đó đã phản bội chúng, đã mất đi. Hòa bình, yên bình, đồng nghĩa với say ngủ. Tất nhiên, con bướm có thể lựa chọn quay lại tiếp tục sống với những con sâu khác, nhưng về bản chất nó đã không còn là con sâu nữa.