Đạo Đức Kinh chương 5 chép:
1. Trời đất bất nhân, coi vạn vật như con chó rơm.
2. Thánh nhân bất nhân, coi bách tính như con chó rơm.
Đoạn này thật thâm thúy và thú vị, đã gây nhiều tranh cãi cho các học giả. Theo chú giải thì con chó rơm là vật dụng mà người ta bện cỏ, rơm thành chó, để dùng khi tế lễ; trước khi dùng đến, người ta quí báu chắt chiu; khi lễ xong rồi, người ta đem vứt bỏ.
Khi hiểu con chó rơm nghĩa là gì, mới đọc qua hai câu trên, chúng ta có xu hướng ban đầu cho rằng tác giả đang có ý oán trách người thánh nhân. Giống như trời đất vô cảm với vạn vật đã đành, cái gọi là “thánh nhân” kia cũng bất nhân, coi thường con người. Do đó, các học giả nghiên cứu thường cố gắng diễn giải theo những ý nghĩa tốt đẹp, đại khái kiểu như là trời đất và thánh nhân đối xử công bình với vạn vật và con người, không có sự tư vị, thiên vị của con người, do đó nói là “bất nhân”. Ở đây chúng ta mắc một lối tư duy nhị nguyên, tức là luôn phân biệt thành tốt và xấu, “thánh nhân”, “trời đất” hay “Đạo” là cái tốt. Người ta cho rằng họ giúp ích, làm lợi lạc cho chúng sinh, nên họ phải là tốt đẹp. Vì thế bất cứ câu nào liên quan đều phải diễn giải ra hướng tốt đẹp hoặc tích cực.
Ở đoạn này, cũng như toàn bộ Đạo Đức Kinh, tác giả chỉ mô tả sự thật khách quan từ góc nhìn của một thánh nhân, không pha lẫn cảm xúc hay tư vị gì. Giống như ông đứng từ một đỉnh cao rồi ông mô tả vạn vật theo góc nhìn đó, chẳng có gì tốt cũng chẳng có gì xấu. Khi ta lên tới một độ cao ít nhất là ngang bằng ông thì mới hiểu chính xác ông nói gì. Jed McKenna đã từng đề cập tới câu này trong sách của ông ấy nhưng không giải thích cặn kẽ. Rất nhiều năm sau từ lần đầu tiên đọc, tôi mới thực sự hiểu được ý của Jed và Lão Tử.
Thánh nhân coi bách tính, (cũng như vạn vật) cũng như con chó rơm. Chỉ là một thứ gì đó có vẻ ngoài hình thức, không có thực chất, không hề có giá trị nội tại. Con chó rơm chỉ có giá trị khi con người đồng thuận gán cho nó một giá trị ảo, một giá trị nhân tạo. Con chó rơm vốn chẳng đáng 1 đồng, nhưng nếu tập thể một cộng đồng cho rằng nó đại biểu cho một thứ gì đó có ý nghĩa trong việc cúng tế, vậy là nó có giá trị rồi. Nhưng điều này chỉ là tạm thời, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị trong một bối cảnh nhất định, khi nó rời ra khỏi bối cảnh, nó lập tức là vô dụng. Xét rộng ra, toàn bộ những đối tượng khác trong thế giới của con người cũng đều như con chó rơm, xét rộng hơn nữa, chính bản thân con người cũng là con chó rơm. Chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá trị trong một bối cảnh nhất định, rời ra khỏi bối cảnh, không còn ý nghĩa gì cả. Ví dụ: Trong bối cảnh xã hội con người, chúng ta đồng thuận gán cho đồng tiền một giá trị và ý nghĩa nào đó, vì thế nó có hữu dụng. Rời ra khỏi xã hội văn minh, như khi con người lạc vào một hoang đảo, tiền trở lại bản chất vô dụng của nó như con chó rơm. Điều tương tự cũng xảy ra với con người, một vị tổng thống có vẻ rất vĩ đại trong bối cảnh xã hội con người, nhưng nếu ông lạc vào hoang đảo, toàn bộ giá trị và ý nghĩa của ông ta tan thành mây khói.
Ở đây bạn có thể nói rằng: có những đồ vật bản thân nó vẫn có giá trị nội tại, không phải giá trị nhân tạo, ví dụ như đồ ăn, nước uống, những thứ nhu yếu phẩm cho sự sinh tồn của con người. Gần như là thế, nhưng nó vẫn chỉ đúng trong bối cảnh mà bạn là con người. Hãy ghi nhớ điều này. Chỉ khi bạn tự đồng hóa bản thân với cơ thể con người này, tự định nghĩa bản thân là một con người, vậy thì những thứ cần thiết cho sự sinh tồn của bạn mới có ý nghĩa và giá trị. Về bản chất, chúng vẫn là thứ chỉ có giá trị ảo do bạn gán vào trong bối cảnh bạn là một con người. Tôi có thể lấy ví dụ: ở một số trường phái tu luyện Yoga, họ cho rằng họ là linh hồn bất diệt, cơ thể chỉ là giả tạm, họ coi thường cả việc ăn uống, thậm chí họ có thể nhịn ăn rất nhiều ngày, vậy thì những nhu yếu phẩm cho việc sinh tồn không có giá trị với họ nhiều như bạn nghĩ. Vậy thì ta có thể đưa ra kết luận rằng: mọi thứ, mọi đối tượng trên thế gian này chỉ có giá trị và ý nghĩa tương đối do chính bản thân chúng ta quy ước mà thôi, tất cả đều như con chó rơm. Sau cùng thì chúng ta vẫn phải rời khỏi cái bối cảnh mà ta tự đồng hóa mình như là một con người này, sau cùng thì mọi thứ mà chúng ta trân quý nhất cũng bị vứt bỏ như một thứ vô dụng.
Thánh nhân thì sao? Thánh nhân “bất nhân”. Chữ bất nhân này nên hiểu đúng theo nghĩa đen, tức là không phải con người. Họ đã không còn đồng hóa mình là một con người, họ là một tồn tại khác, một mô thức sống khác, họ đã bước ra khỏi cái bối cảnh này, giống như một diễn viên tự bước ra khỏi vở kịch và rời bỏ thân phận của mình. Họ quay lại quan sát và nhìn thấy vạn vật đúng như bản chất của nó. Đạo Đức Kinh chỉ là một tài liệu ghi chép lại sự quan sát của một thánh nhân.