Đâu cần quá bận tâm tới giấc mơ

Một số người hỏi tôi: ‘Tại sao người này lại nói như này?’ ‘Tại sao người kia lại có khả năng kia?’ ‘Tại sao có chuyện lạ nào đó ở đâu đó lại xảy ra?’ ‘Tại sao lại có bất công, khổ đâu ở nơi này hay nơi khác?’,…

Tất nhiên trong giấc mơ cuộc đời đầy náo nhiệt này mọi chuyện đều có thể xảy ra, và nhân vật nào cũng có thể nói một điều gì đó. Ta không có nghĩa vụ phải tìm hiểu và giải thích nguyên nhân của mọi thứ. Bản năng của bản ngã luôn muốn thu thập thông tin, tích lũy kiến thức về mọi thứ bên ngoài nó. Nó luôn biết cách đánh lạc hướng dẫn ta nhìn ra bên ngoài, để chìm sâu hơn trong giấc mơ, rất khó để ta có thể tĩnh lặng quay ngược vào bên trong. Vì khi ta bắt đầu quay vào bên trong mình ta sẽ dần nhận ra bản ngã không tồn tại. Đó là lý do ta không thể nào ngồi im một chỗ quá lâu, ta sẽ luôn tìm cách giải trí, hoặc làm một thứ gì đó để quên đi sự tồn tại, sự hiện hữu thuần túy của mình.

Ta luôn đặt câu hỏi về rất nhiều thứ nhưng không thể chịu được câu hỏi về cái người hỏi là ai, ta là ai? Khi chưa giải quyết được câu hỏi đầu tiên đó thì những câu hỏi khác có nghĩa lý gì? Có câu nói sai một ly đi một dặm. Kiến giải sai lầm về bản thân dẫn tới kiến giải sai lầm về toàn bộ thế gian. Bạn hỏi về nhiều thứ nhưng những thứ đó chỉ nằm trong thế giới của bạn, không phải thế giới của tôi. Thế giới của bạn là hoàn toàn của riêng bạn, được nhận thức theo cách riêng của bạn. Chỉ khi nào bạn định nghĩa được bản thân bạn đúng như bản thân tôi định nghĩa thì chúng ta mới ở chung một thế giới, nhưng lúc đó giữa hai ta đã không còn gì phải nói, không còn câu hỏi đáp nào nữa, tính nhị nguyên chấm dứt. Thực tại bất nhị là thứ vô cùng đơn giản. Ngược lại thế giới nhị nguyên là một rừng rậm phức tạp với vô số ngóc ngách để đào bới, để tìm hiểu. Khi tôi viết những dòng chữ này tôi đang chấp tính nhị nguyên vì tôi tưởng tượng ra có những độc giả, những người khác, những nhân vật nào đó đang đọc những dòng này. Ngược lại, đối với người đọc, người viết ra những chữ này – là tôi, cũng là một người khác, một nhân vật nào đó trong thế giới của họ. Nhưng những điều đó đều chỉ nằm trong trí tưởng tượng trong tâm trí của tôi, và nếu tôi tin nó là thực đủ mạnh thì nó sẽ là thực. Tương tự, khi một ai đó hỏi tôi về Chúa, Phật, hay một ai đó, tôi cũng phải tưởng tượng ra người hỏi là thực và có Chúa, Phật thực tồn tại nữa, để có thể trả lời câu hỏi của họ. Điều đó đôi khi khá là tốn sức vì nó không đúng trong Sự Thật của tôi, có thể nói là Sự Thật duy nhất, là Chân Lý. Do đó mọi thuyết giảng, mọi hỏi đáp chỉ mang tính tương đối, và chỉ Sự Tĩnh Lặng mới truyền tải được Chân Lý.

Khi ta thức tỉnh khỏi một giấc mơ, giấc mơ nhanh chóng trở nên mơ hồ và tan biến khỏi ký ức. Ta chỉ nhớ được mang máng những chi tiết quan trọng và độc đáo của giấc mơ đó. Điều tương tự cũng đang xảy ra với tôi. Khi tôi trò chuyện hoặc làm việc với một ai đó, tôi phải vận dụng ký ức để nhớ lại khuôn mẫu rằng mình đã từng là một con người thế này, một nhân vật thế này, ở trong một bối cảnh thế này, để áp dụng vào, vậy mới có thể giao tiếp một cách bình thường với người khác. Nhưng khi sự kiện đó kết thúc, mọi thứ nhanh chóng nhạt nhòa đi, tôi không bận tâm tới nó nữa và tôi sẽ không bao giờ nhầm lẫn bản chất thực của mình với nhân vật mà tôi đang đóng vai.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.