VẤN NGÃ – NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM
Những tuyên bố triết học của Sri Ramana rất giống với những người được ủng hộ bởi những người theo trường phái advaita vedanta (bất nhị thuyết pháp), một trường phái triết học Ấn Độ đã phát triển mạnh hơn nghìn năm. Sri Ramana và những giáo đồ bất nhị đồng ý về hầu hết các vấn đề lý thuyết nhưng thái độ của họ đối với việc thực hành là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Sri Ramana ủng hộ việc vấn ngã, những vị thầy bất nhị tiến bộ nhất đã đề xuất một hệ thống thiền định khẳng định rằng
Chân Ngã là thực tại duy nhất. Những khẳng định như ‘Ta là Brahman (Đại Ngã)’ hoặc ‘Ta là Người’ được sử dụng như một kiểu tụng thần chú (mantra), hoặc ít gặp hơn là người ta cố gắng thiền định để trải nghiệm cái ý nghĩa ẩn chứa trong các khẳng định đó.
Bởi vì vấn ngã thường được bắt đầu từ câu hỏi ‘Ta là ai?’, rất nhiều các tín đồ truyền thống của bất nhị sẽ giả định câu trả lời là ‘Ta là Brahman’, và họ sẽ lặp lại giải pháp như vậy mãi trong tâm trí họ. Sri Ramana đã chỉ trích cách tiếp cận này bởi nếu khi tâm trí liên tục tham gia vào tìm kiếm câu trả lời hoặc lặp lại các giải pháp cho câu hỏi truy vấn thì nó sẽ không bao giờ chìm vào nguồn của nó để mà biến mất. Ông cũng đồng thời phê bình rằng kẻ nào sử dụng ‘Ta là ai?’ như một mantra sẽ làm mất đi mục tiêu ý nghĩa ban đầu của vấn ngã. Câu hỏi ‘Ta là ai?’ không phải một lời mời để phân tích tâm trí và đưa ra kết luận về bản chất của nó, và cũng không phải một dạng mantra, nó chỉ đơn giản là một công cụ để điều hướng sự chú tâm từ các vật thể, đối tượng của suy nghĩ tới cái suy nghĩ, cái nhận thức các đối tượng đó. Theo quan điểm của Sri Ramana, giải pháp cho câu hỏi ‘Ta là ai?’ không thể tìm thấy trong tâm trí mà câu trả lời đích thực là sự trải nghiệm trống vắng tâm trí.
Một sự hiểu lầm phổ biến khác nảy sinh từ niềm tin của người Hindu rằng Chân Ngã có thể được khám phá bằng cách tinh thần từ chối tất cả các đối tượng của suy nghĩ và nhận thức như là những thứ Không phải-Chân Ngã. Theo truyền thống, điều này được gọi là cách tiếp cận neti-neti (không phải cái này, cũng không phải cái này). Người thực hành hệ thống này từ chối bằng lời nói tất cả các đối tượng mà cái tôi đồng nhất: ‘tôi không phải tâm trí ‘,’ tôi không phải là cơ thể ‘, v.v. – với kỳ vọng rằng cái Tôi thực sự cuối cùng sẽ được trải nghiệm ở dạng thuần khiết không bị ô nhiễm của nó. Ấn Độ giáo gọi thực hành này là ‘tự phân tích bản thân’ và vì cái tên đó, nó thường bị nhầm lẫn với phương pháp của Sri Ramana. Thái độ của Ramana đối với hệ thống tự phân tích bản thân truyền thống này là hoàn toàn tiêu cực và ông không khuyến khích những tín đồ của mình thực hành nó bởi ông nói với họ rằng đó là một hoạt động tâm trí và không thể đưa họ ra ngoài tâm trí. Với tiêu chuẩn của ông thì phương pháp này không hiệu quả, ông nói rằng cái ngã niệm vẫn còn duy trì vì dù nó có loại bỏ rằng tôi không phải cơ thể, tôi không phải tâm trí nhưng nó vẫn không thể tự loại bỏ chính nó.
Những tín đồ của trường phái ‘Ta là Brahman’ hoặc Neti-neti có niềm tin chung rằng Chân Ngã có thể được khám phá ra bởi tâm trí, hoặc do sự khẳng định hoặc do phủ định. Niềm tin rằng tâm trí có thể, bằng cách các hoạt động của riêng mình, đạt tới Chân Ngã là gốc rễ của hầu hết các quan niệm sai lầm về thực hành vấn ngã. Một ví dụ cổ điển cho điều này là niềm tin rằng vấn ngã liên quan đến việc tập trung vào một trung tâm cụ thể trong cơ thể được gọi là trung tâm Trái Tim. Quan điểm này được công nhận rộng rãi là kết quả của việc hiểu sai một số điều dạy của Sri Ramana về Trái Tim, và để tìm hiểu niềm tin này đã đến như thế nào thì ta cần xem xét kỹ hơn những ý tưởng của ông ấy về đề tài này. Bởi bì Sri Ramana thường nói rằng ‘hãy tìm ra cái tôi khởi sinh từ đâu’, ‘hãy tìm cái nguồn của tâm trí’, rất nhiều người cho rằng họ nên tập trung vào một trung tâm cụ thể khi thực hành vấn ngã. Sri Ramana phủ nhận điều này bằng cách giải thích nhiều lần rằng nguồn gốc của tâm trí hay của cái tôi chỉ được tìm ra bởi sự chú tâm vào cái ngã niệm chứ không phải tập trung vào một phần nhất định trên cơ thể. Ông đôi khi nói rằng đặt sự chú ý vào trung tâm này là sự thực hành tập trung tốt, nhưng ông không bao giờ liên kết nó với việc vấn ngã. Ông cũng thỉnh thoảng nói rằng thiền định vào Trái Tim là một
cách hiệu quả để đạt được Chân Ngã, nhưng một lần nữa, ông chưa bao giờ nói rằng điều này nên được thực hiện bằng cách tập trung vào trung tâm của Trái Tim (một nơi chốn cụ thể trên cơ thể). Thay vào đó ông nói rằng người ta nên thiền định về Trái Tim ‘như nó vốn là’. Trái Tim ‘như nó vốn là’ không phải là một địa điểm, nó là Chân Ngã nội tại và người ta chỉ có thể nhận thức được bản chất thực sự của nó bởi là chính nó. Nó không thể đạt được bằng sự tập trung. Mặc dù có một số nhận xét có thể không rõ ràng về thuyết giáo Trái tim và trung tâm Trái tim, trong tất cả các ghi chép của ông và các cuộc trò chuyện được ghi lại không có một tuyên bố nào ủng hộ rằng vấn ngã phải được thực hành bằng cách tập trung vào cái trung tâm này. Trên thực tế, bằng cách kiểm tra chặt chẽ các khẳng định của ông về chủ để đó người ta chỉ có thể kết luận rằng trong khi kinh nghiệm của Chân Ngã sẽ đưa đến nhận thức về trung tâm này chứ sự tập trung vào trung tâm này sẽ không dẫn đến kinh nghiệm của Chân Ngã.
H: Tôi bắt đầu tự hỏi mình ‘Ta là ai?’, loại bỏ rằng ta không phải cơ thể, ta không phải hơi thở, nhưng rồi tôi không thể tiến xa hơn được.
Đ: Chà, đó cũng là mức độ xa nhất mà trí tuệ có thể đi tới được. Tiến trình của bạn mới chỉ là với trí tuệ. Sự thật là tất cả các kinh sách đề cập đến tiến trình này chỉ để hướng dẫn người ta tìm biết chân lý. Chân lý không thể được chỉ ra trực tiếp. Do đó mới có tiến trình trí tuệ này. Bạn thấy đấy, cái tôi đang loại bỏ tất cả cái ‘không phải-tôi’ không thể tự loại bỏ chính nó. Để nói rằng ‘Tôi không phải cái này’, ‘Tôi không phải cái kia’ thì phải có một cái tôi ban đầu. Cái tôi này chỉ có thể là bản ngã hoặc ngã niệm. Khi cái ngã niệm này khởi lên, tất cả các niệm khác cũng lên theo. Ngã niệm là cái niệm gốc rễ. Nếu cái gốc rễ bị nhổ bỏ thì thì tất cả những thứ khác đều bị nhổ bỏ theo đồng thời. Do đó, hãy tìm kiếm gốc rễ của cái tôi, tự vấn bản thân rằng ‘Tôi là ai? ‘.Tìm ra nguồn gốc của nó, và sau đó tất cả những ý tưởng khác sẽ biến mất và Chân Ngã thuần khiết sẽ duy tại.
H: Làm thế nào để thực hiện điều đó?
Đ: Cái Tôi luôn ở đó – trong giấc ngủ sâu, trong giấc mơ và trong lúc thức. Người đã ngủ cũng là một với người đang nói hiện tại. Luôn có cảm giác về cái Tôi này. Nếu không, bạn có thể từ chối sự tồn tại của bạn không? Bạn không thể. Bạn nói rằng ‘Tôi tồn tại’. Hãy tìm ra cái ‘Tôi’ là ai.
H: Tôi hành thiền neti-neti (không phải cái này, cũng không phải cái này)
Đ: Không – đó không phải là thiền. Hãy tìm cái nguồn. Bạn phải đạt được cái nguồn mà không được phép thất bại. Cái tôi giả dối sẽ biến mất và cái Tôi thực sự sẽ được nhận ra. Cái tôi giả không thể tồn tại độc lập khỏi cái Tôi thực. Hiện tại bạn có sự đồng nhất sai lầm về của bản thân với cơ thể, giác quan,v.v. Bạn tiến hành loại bỏ những thứ này, và đó là neti-neti. Phương pháp này chỉ có thể thực hiện được bằng cách giữ lại một cái mà không thể bị loại bỏ. Đó là iti (cái mà tồn tại).
H: Khi tôi nghĩ ‘Tôi là ai?’, câu trả lời tới là ‘Tôi không phải là cơ thể vật lý này mà tôi là Ý Thức, là Chân Ngã’. Và bất chợt một câu hỏi khác xuất hiện ‘Tại sao cái Ngã lại xuất hiện bên trong maya (ảo ảnh)?’ hoặc nói cách khác là ‘Tại sao Thượng Đế lại tạo ra thế giới?’
Đ: Hỏi rằng ‘Ta là ai?’ thực sự có nghĩa là cố gắng tìm ra nguồn gốc của bản ngã hoặc cái ngã niệm. Bạn không được nghĩ về những suy nghĩ khác, chẳng hạn như ‘Tôi không phải là cơ thể này’. Tìm kiếm nguồn gốc của cái tôi phục vụ như một phương tiện để loại bỏ tất cả những suy nghĩ khác. Chúng ta không nên cung cấp phạm vi cho những suy nghĩ khác hoạt động, chẳng hạn như trường hợp bạn đề cập, mà phải giữ tập trung chú ý vào việc tìm ra nguồn gốc của cái ngã niệm bởi truy vấn nó, mỗi khi ý nghĩ nảy sinh, ý nghĩ đó nảy sinh với ai. Nếu câu trả lời là Tôi thì tiếp tục hỏi ‘Tôi là ai?’
H: Tôi có nên tụng niệm ‘Tôi là ai?’ liên tục như một mantra không?
Đ: Không. ‘Tôi là ai?’ không phải là một mantra. Nó có nghĩa là bạn phải tìm ra nơi ở trong bạn đã nảy sinh ngã niệm, nơi đó là nguồn gốc của tất cả những suy nghĩ khác.
H: Tôi có nên thiền chú vào câu khẳng định ‘Ta là Brahman’ không?
Đ: Kinh sách nói thế không có nghĩa là để tự nghĩ rằng ‘Ta là Brahman’. Cái ‘Ta’ đó đều được mọi người biết đến. Brahman tồn tại như như cái Ta trong tất cả mọi người. Tìm ra cái Ta đó. Cái Ta vốn đã là Brahman. Bạn không cần phải nghĩ như vậy. Đơn giản là tìm ra cái Ta đó.
H: Chẳng phải phương pháp loại bỏ các vỏ bọc (neti-neti) có được nhắc đến trong các kinh sách sao?
Đ: Sau khi ngã niệm khởi lên, có một sự đồng hóa sai lầm rằng ta là cơ thể, là những giác quan, là tâm trí. Cái Tôi đã sai lầm kết hợp với chúng và cái Tôi đích thực đã bị che khuất khỏi tầm nhìn. Để chuyển hóa cái Tôi thuần khiết ra khỏi cái tôi đã vấy bẩn, phương pháp loại bỏ đó được đề cập đến. Nhưng nó không có nghĩa chính xác rằng loại bỏ mọi thứ không phải Ta, mà nó là sự tìm lại cái Ta đích thực. Chân Ngã là cái Ta vô tận. Cái Ta đó là hoàn hảo. Nó là vĩnh hằng. Nó là vô thủy vô chung. Những cái ta khác thì được sinh và chết đi. Chúng là vô thường. Hãy nhìn xem những suy nghĩ luôn biến đổi này thuộc về ai. Ta sẽ thấy rõ chúng xuất hiện sau khi ngã niệm khởi lên. Hãy nắm giữ lấy cái ngã niệm đó và nó sẽ lặn xuống. Truy vết tới tận cái nguồn của nó. Sau đó duy chỉ Chân Ngã tồn tại một mình.
H: Nó rất khó để làm theo. Tôi hiểu về lý thuyết. Nhưng việc thực hành là như nào?
Đ: Các phương pháp khác dành cho những người không thể thực hiện vấn ngã. Ngay cả để trì chú niệm ‘Ta là Brahman’ hoặc nghĩ về nó, cần phải có một người thực hiện hành vi. Người đó là ai? Đó là ‘Ta’. Hãy là cái Ta đó. Đó là phương pháp trực tiếp. Các phương pháp khác cuối cùng cũng sẽ dẫn mọi người đến phương pháp truy vấn Chân Ngã này.
H: Tôi có nhận thức về cái Ta này. Tuy nhiên những rắc rối không chấm dứt.
Đ: Cái ngã niệm này không thuần khiết. Nó bị vấy bẩn với sự đồng hóa với cơ thể và các giác quan. Hãy nhìn xem các rắc rối đang xảy đến với ai. Chúng xảy đến với cái ngã niệm. Hãy nắm giữ lấy nó. Và sau đó các suy nghĩ khác sẽ biến mất.
H: Vâng. Nhưng làm thế nào để thực hiện điều đó? Đó là toàn bộ sự rắc rối.
Đ: Hãy suy nghĩ ‘Ta,Ta’ và giữ vào duy chỉ ý nghĩ đó, loại bỏ mọi suy nghĩ khác.
H: Sự khẳng định ‘Ta là Thượng Đế’ có hữu hiệu hơn so với truy vấn ‘Ta là ai?’ không? Sự khẳng định mang tính tích cực, những phương pháp khác mang tính tiêu cực. Hơn nữa nó còn ám chỉ sự riêng rẽ.
Đ: Khi mà bạn tìm kiếm cách để giác ngộ, tôi đưa ra lời khuyên đó để bạn tìm thấy Chân Ngã của mình. Việc bạn tìm kiếm phương pháp đã biểu thị sự riêng rẽ.
H: Khẳng định rằng ‘Ta là đấng tối cao’ không phải tốt hơn hỏi ‘Ta là ai?’ sao?
Đ: Ai khẳng định? Hẳn là phải có một ai đó làm điều này. Hãy tìm ra người đó.
H: Thiền định không tốt hơn sự truy vấn sao?
Đ: Thiền định ngụ ý hình ảnh tinh thần, trong khi truy vấn là đối với thực tại. Cái trước là khách quan, trong khi cái sau là chủ quan.
H: Hẳn là phải có một cách tiếp cận khoa học với chủ đề này.
Đ: Tránh xa cái không thực và tìm kiếm thực tại chính là khoa học.
H: Ý tôi là phải có sự loại bỏ dần dần, trước hết là tâm trí, sau đó là trí tuệ, sau đó là bản ngã.
Đ: Duy nhất Chân Ngã là thực. Tất cả những cái khác là không thực. Tâm trí và trí tuệ không tách biệt khỏi bạn. Kinh Thánh nói, ‘Hãy tĩnh lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.’ Tĩnh lặng là điều kiện cần thiết duy nhất để nhận ra Chân Ngã là Thượng Đế.
H: Soham mantra (khẳng định: Ta là Ngài – Thượng Đế) có đồng nghĩa với ‘Ta là ai?’ không?
Đ: Cái ta là chung với giữa hai phương pháp trên nhưng chúng khác nhau. Tại sao ta phải tụng niệm soham? Một người cần phải tìm ra cái Ta chân chính. Trong câu hỏi ‘Ta là ai?’ thì cái ta ở đây ám chỉ bản ngã. Hãy cố lần theo dấu vết của nó về nguồn của nó, và ta sẽ thấy nó không có sự tồn tại độc lập và hòa nhập vào trong cái Ta đích thực.
Bạn thấy sự khó khăn. Truy vấn khác về phương pháp so với thiền sivoham hoặc soham (Ta là Siva hoặc Ta là Ngài’). Tôi đặt nhấn mạnh vào tri thức tự biết mình nhiều hơn, vì bạn phải quan tâm đến bản thân mình trước khi bạn tiếp tục tìm hiểu thế giới và Chúa của nó. Thiền định soham hay thiền định “ Ta là Brahman ” ít nhiều là một suy nghĩ. Nhưng việc tìm kiếm cái Tôi mà tôi nói đến là một phương pháp trực tiếp, quả thực vượt trội so với các thiền kia. Thời điểm bạn bắt đầu tìm kiếm cái tôi và ngày càng đi sâu hơn, cái Tôi thực sự đang chờ đợi ở đó để đưa bạn vào. Sau đó, bất cứ điều gì cần hoàn thành sẽ được thực hiện bởi một cái gì đó khác mà không có bạn không tham gia trong đó. Trong quá trình này, tất cả các nghi hoặc và các cuộc thảo luận tự động bị hủy bỏ giống như một người quên đi trong giấc ngủ, trong lúc này, tất cả sự chú tâm của bạn đều dành cho sự tồn tại của chính mình.
H: Điều gì có thể đảm bảo rằng có một cái gì đó khác đang chờ đợi ở đó và chào đón tôi?
Đ: Khi linh hồn một người phát triển đến lúc chín muồi, họ sẽ bị điều này thuyết phục.
H: Làm thế nào để có sự phát triển đó?
Đ: Rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Nhưng dù sự phát triển trước đó có như nào thì vấn ngã sẽ làm tăng tốc sự phát triển đó.
H: Lý luận đó như một vòng tròn luẩn quẩn. Tôi đã phát triển và tôi thích hợp để thực hành vấn ngã và thực hành vấn ngã làm tôi phát triển.
Đ: Tâm trí luôn gặp loại khó khăn này. Nó muốn một cái lý thuyết chắc chắn để thỏa mãn chính nó. Thực sự, không có lý thuyết nào là cần thiết cho một người nghiêm túc mong muốn tiếp cận Thượng Đế hoặc nhận ra sự thật và chân tánh của chính mình.
H: Tôi không nghi ngờ gì về phương pháp do Bhagavan dạy là trực tiếp. Nhưng nó quá khó khăn. Chúng tôi không biết làm thế nào để bắt đầu nó. Nếu cứ hỏi ‘Ta là ai’, ‘Ta là ai’ nó sẽ giống như một japa [tụng niệm lặp lại tên của Chúa] hoặc một mantra, nó trở nên buồn tẻ. Trong các phương pháp khác thì có một cái gì đó sơ bộ và tích cực mà người ta có thể bắt đầu và sau đó đi từng bước từng bước. Nhưng trong phương pháp của Bhagavan, không có điều đó, và tìm kiếm cái Tôi ngay lập tức, mặc dù trực tiếp, nó vẫn rất khó.
Đ: Bản thân bạn thừa nhận đó là phương pháp trực tiếp. Nó là trực tiếp và một phương pháp dễ dàng. Nếu theo đuổi những thứ khác xa lạ với chúng ta thì là dễ như vậy, tại sao đến với chính bản thân mình lại quá khó? Bạn nói rằng ‘Ta nên bắt đầu từ đâu?’ Thực ra không hề có bắt đầu cũng không có kết thúc. Bạn ở chính tại nơi khởi đầu và nơi kết thức. Nếu bạn ở đây còn Chân Ngã ở đâu đó khác thì bạn phải tiếp cận nó, bạn có thể được chỉ dạy nên bắt đầu thế nào, tiến triển, kết thúc ra sao. Giả sử rằng bạn đang ở Ramanasramam và hỏi ‘Làm thế nào để tới Ramanasramam? Tôi cần bắt đầu như nào và tiếp cận nó ra sao?’, thì người ta có thể nói gì được?
Một người tìm kiếm Chân Ngã cũng giống như vậy. Anh ta vẫn luôn là Chân Ngã và không gì khác. Bạn nói rằng ‘Ta là ai’ trở thành một japa. Tôi không có ý nói bạn phải tụng niệm ‘Ta là ai?’ liên tục. Trong trường hợp đó thì những suy nghĩ sẽ không chết đi dễ dàng. Trong phương pháp trực tiếp như bạn đã nói, việc tự hỏi ‘Ta là ai?’, thì bạn tập trung vào bên trong bản thân mình, nơi mà ngã niệm , nguồn gốc của tất cả suy nghĩ, khởi lên. Khi mà Chân Ngã ở bên trong bạn chứ không phải bên ngoài, tôi yêu cầu bạn đi sâu vào bên trong bạn chứ không phải hướng ra ngoài. Đâu có gì dễ hơn là đi vào bên trong bản thân mình? Tuy nhiên sự thật là phương pháp này có vẻ vẫn khó khăn và không thuyết phục đối với một số người. Đó là lý do mà có rất nhiều phương pháp khác đã được truyền dạy. Mỗi phương pháp sẽ thích hợp với từng người như nó là dễ dàng và tốt nhất. Nó phụ thuộc vào pakva hoặc khả năng của họ. Nhưng với một số người, không có phương pháp nào khác ngoài con đường vấn ngã thuyết phục được họ. Họ sẽ hỏi bạn rằng: ‘Bạn muốn tôi biết cái này hoặc thấy cái nọ. Nhưng ai là người biết, người thấy?’ Nếu bạn lựa chọn các phương pháp khác thì sẽ luôn phải có người thực hiện hành vi. Người đó không thể trốn thoát. Bạn phải tìm ra người thực hiện hành vi đó là ai. Bạn sẽ không thể nào kết thúc thực hành thiền định cho đến lúc đó. Vậy nên dần dần người ta sẽ phải tìm hiểu ‘Ta là ai?’. Bạn than thở rằng không có gì sơ bộ hoặc tích cực để bắt đầu. Bạn có cái tôi đó để bắt đầu. Bạn biết bạn luôn tồn tại, trong khi cơ thể thì không phải luôn tồn tại, ví dụ như trong ngủ. Giấc ngủ tiết lộ rằng bạn tồn tại ngay cả khi không có cơ thể. Chúng ta đồng hóa cái Tôi với một cơ thể, chúng ta coi cái Tôi là có một cơ thể, và có giới hạn, và do đó chúng ta có những các rắc rối. Tất cả những gì ta phải làm là từ bỏ việc xác định Bản Thân với cơ thể, với các hình thức và giới hạn, và rồi chúng ta sẽ biết mình vẫn luôn là Chân Ngã như vậy.
H: Tôi có phải suy nghĩ ‘Ta là ai?’ không?
Đ: Bạn đã biết rằng cái ngã niệm khởi sinh lên. Hãy nắm giữ lấy nó và lần theo về nguồn của nó.
H: Tôi có thể biết cách thực hiện không?
Đ: Hãy làm theo những gì tôi đã nói và bạn sẽ thấy.
H: Tôi không hiểu rằng mình nên làm gì.
Đ: Nếu đối tượng này là một thứ khách quan thì có cách để chỉ dẫn khách quan. Nhưng cái này lại là thứ chủ quan.
H: Nhưng tôi không hiểu.
Đ: Gì cơ? Bạn không hiểu rằng bạn tồn tại sao?
H: Làm ơn chỉ cho tôi con đường.
Đ: Đâu có cần thiết phải chỉ ra con đường ở bên trong nhà bạn đúng không? Cái đó cũng ở bên trong bạn.
H: Ngài đã nói rằng Trái Tim là trung tâm của Chân Ngã.
Đ: Đúng vậy, nó là trung tâm tối cao duy nhất của Chân Ngã. Bạn không cần nghi ngờ về nó. Chân Ngã thực sự ở đó trong Trái tim đằng sau jiva hoặc bản ngã.
H: Bây giờ xin vui lòng cho tôi biết vị trí của nó trong cơ thể.
Đ: Bạn không thể biết nó với tâm trí của bạn. Bạn không thể nhận ra nó bởi trí tưởng tượng khi tôi nói với bạn đây là trung tâm [chỉ sang bên ngực phải]. Cách trực tiếp duy nhất để nhận ra nó là ngừng tưởng tượng và cố gắng là chính mình. Khi bạn nhận ra, bạn sẽ tự động cảm thấy rằng trung tâm là ở đó. Đây là trung tâm, Trái Tim, được nhắc đến trong kinh sách như hritguha [khoang của trái tim], arul [ân sủng], ullam [trái tim].
H: Tôi không tìm thấy sách vở nào nói nó tồn tại ở đó cả.
Đ: Một thời gian rất lâu sau khi tôi đến đây, tôi bắt gặp một câu thơ trong phiên bản tiếng Malayalam của Ashtangahridayam, tác phẩm tiêu chuẩn về ayurveda [y học Hindu], trong đó ojas sthana [nguồn của sức sống cơ thể hoặc nơi có ánh sáng] được đề cập là nằm ở bên phải của ngực và được gọi là trụ sở của ý thức [samvit]. Nhưng tôi biết không còn có tác phẩm nào khác đề cập đến việc nó được đặt ở đó.
H: Sao tôi có thể chắc chắn rằng cổ nhân ám chỉ trung tâm này bằng thuật ngữ ‘Trái Tim’?
Đ: Vâng, đúng là như vậy. Nhưng bạn nên cố gắng có trải nghiệm về nó hơn là cố xác định vị trí của nó. Một người không cần phải tìm ra vị trí đôi mắt của mình khi anh ta muốn nhìn. Trái tim luôn mở ra cho bạn nếu bạn quan tâm để nhập vào trong nó, nó luôn hỗ trợ tất cả các chuyển động của bạn ngay cả khi bạn không biết. Có lẽ nói rằng Chân Ngã là Trái tim đúng hơn là nói rằng nó ở trong Trái tim. Thực sự thì Chân Ngã cũng là trung tâm của chính nó. Nó ở khắp mọi nơi, nhận thức về bản thân nó như là ‘Trái Tim’, là sự nhận thức tự tánh.
H: Trong trường hợp đó, làm thế nào nó có thể được cụ thể hóa ở bất kỳ phần nào của cơ thể? Cố định một vị trí cho Trái Tim sẽ ngụ ý thiết lập những giới hạn cho cái vốn vượt ra ngoài không gian và thời gian.
Đ: Đúng vậy. Nhưng người đặt câu hỏi về vị trí của Trái tim coi bản thân đang tồn tại với hoặc ở trong thân thể. Trong khi đặt câu hỏi hiện tại, bạn có nói rằng cơ thể của bạn một mình ở đây còn bạn đang nói từ một nơi khác? Không, bạn chấp nhận sự tồn tại của cơ thể bạn. Theo quan điểm này, những tham chiếu đến một cơ thể vật chất được tạo ra.
Thực sự mà nói, ý thức thuần khiết là không thể phân chia được, nó không có các bộ phận. Nó không có hình tướng, không có ‘có’ và ‘không có’. Không có phải hoặc trái với nó. Ý thức thuần khiết, là Trái Tim, bao gồm tất cả, và không có gì ở bên ngoài hoặc ngoài nó. Đó là sự thật tối hậu. Từ quan điểm tuyệt đối này, Trái Tim, Chân Ngã hoặc ý thức có thể không có vị trí cụ thể được chỉ định cho nó trong cơ thể vật lý. Nguyên nhân là gì? Bản thân cơ thể cũng chỉ là hình chiếu của tâm trí, và tâm trí chỉ là sự phản chiếu kém mờ nhạt của Trái Tim rực rỡ. Làm thế nào cái chưa đựng tất cả mọi thứ, tự nó bị giới hạn như một phần nhỏ bên trong cơ thể vật chất, thứ vốn chỉ là một hiện tượng nhỏ, một biểu lộ hữu hình của một thực tại?
Nhưng mọi người không hiểu điều này. Họ không thể không suy nghĩ trong với các thuật ngữ của cơ thể vật chất và thế giới. Ví dụ, bạn nói, ‘Tôi đã đến đạo tràng này từ đất nước của tôi ở xa qua dãy Himalayas.’ Nhưng đó không phải sự thực. Cái ‘đến’ và ‘đi’ hay bất kỳ chuyển động nào có thể ở đâu với chân tánh của bạn, là cái tánh tinh thần ở toàn khắp mọi nơi. Bạn vẫn luôn tại nơi mà bạn đã luôn luôn ở. Chỉ là cái cơ thể của bạn di chuyển hoặc được vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cho đến khi nó tới đạo tràng này. Đây là sự thật đơn giản, nhưng đối với một người xem xét mình bản thân là một chủ thể sống trong một thế giới khách quan, điều này có vẻ như một cái gì đó hoàn toàn viển vông!
Vì để giao tiếp trong một cấp độ phổ thông, ta mới đưa ra một vị trí cụ thể cho Trái Tim ở trong cơ thể vật lý.
H: Vậy phát biểu của Sri Bhagavan rằng trải nghiệm về Trái Tim nằm ở một nơi cụ thể trong ngực nên được hiểu như thế nào?
Đ: Một khi bạn chấp nhận điều đó từ quan điểm thực sự và tuyệt đối, Trái Tim là như ý thức thuần khiết vượt không gian và thời gian, nó sẽ dễ dàng để bạn hiểu phần còn lại theo quan điểm chính xác của nó.
H: Trái tim được cho là ở bên phải, bên trái hoặc ở trung tâm. Với những quan điểm khác biệt như vậy, làm thế nào để chúng ta thiền về nó?
Đ: Bạn tồn tại và nó tồn tại là một sự thật. Dhyana [thiền] là do bạn, của bạn, và trong bạn. Nó phải diễn ra tại nơi bạn đang ở. Nó không thể ở bên ngoài bạn. Vì thế
bạn là trung tâm của dbyana và đó là Trái Tim. Nghi ngờ chỉ nảy sinh khi bạn xác định nó với một cái gì đó hữu hình và vật lý. Trái Tim không phải khái niệm, không phải đối tượng để thiền định. Mà nó là chỗ ngồi của thiền định. Chân Ngã tồn tại một mình. Bạn nhìn thấy cơ thể trong Trái Tim, thế giới cũng ở trong đó. Không có gì tách biệt khỏi nó. Vì vậy, tất cả các loại nỗ lực chỉ nằm ở đó.
H: Ngài nói rằng ngã niệm đến từ trung tâm Trái Tim. Chúng ta có nên tìm kiếm nguồn của nó ở đó?
Đ: Tôi yêu cầu bạn tìm xem nơi mà cái tôi phát sinh trong cơ thể bạn, nhưng nó thực sự không hoàn toàn chính xác khi nói rằng cái tôi trỗi dậy và hợp nhất trong Trái Tim ở phía bên phải của ngực. Trái tim là một tên khác của thực tại và nó không ở bên trong cũng như bên ngoài cơ thể. Không thể có vào hoặc ra với nó, vì chỉ có một mình nó tồn tại.
H: Tôi có nên chú tâm về ngực bên phải khi thiền định về Trái Tim?
Đ: Trái Tim không phải là thứ vật lý. Thiền không nên ở bên phải hay bên trái. Thiền định phải dựa trên Chân Ngã. Mọi người đều biết là ta. Ta là ai? Nó sẽ không bên trong cũng không bên ngoài, không trên bên phải cũng như bên trái. `Ta tồn tại’- đó là tất cả. Hãy bỏ lại những ý tưởng về bên phải hay bên trái. Chúng gắn liền với cơ thể. Trái Tim là Chân Ngã. Hãy nhận ra nó và sau đó bạn sẽ tự thấy được. Không cần biết Trái tim là gì và nó ở đâu. Nó sẽ tự làm rõ ràng khi bạn bắt đầu cuộc tìm kiếm Chân Ngã.
H: Trái Tim được đề cập đến trong câu thơ của Upadesa Saram là gì? “An trú trong trái tim là karma, yoga, bhakti và jnana tốt nhất.”
Đ: Đó là nguồn gốc của tất cả, mà trong đó tất cả sinh linh sống, và cuối cùng tất cả hợp nhất trong đó, chính là Trái Tim được nói đến.
H: Làm sao chúng ta có thể nghĩ bàn về một Trái Tim như vậy?
Đ: Tại sao bạn nên nghĩ bàn về bất cứ điều gì? Bạn chỉ cần nhìn ra nơi mà cái tôi khởi lên. Tại nơi mà mọi suy nghĩ về các sinh mệnh hiện thân phát sinh được gọi là Trái Tim. Tất cả các mô tả về nó chỉ là những khái niệm tinh thần.
H: Người ta cho rằng có sáu cơ quan có màu sắc khác nhau trong lồng ngực, trong đó Trái Tim được cho là nó lệch sang bên phải khoảng 2 ngón tay từ đường giữa của ngực, nhưng Trái Tim cũng đồng thời vô hình. Vậy chúng ta có nên không tưởng tượng nó có hình dạng và thiền định về nó?
Đ: Không. Chỉ có nhiệm vụ truy vấn ‘Ta là ai?’ là cần thiết. Cái mà duy trì qua trạng thái ngủ và thức giấc đều giống nhau. Nhưng trong lúc thức ta có cảm giác bất hạnh và những nỗ lực để loại bỏ nó. Khi tôi hỏi bạn ai đã thức dậy từ giấc ngủ, bạn nói ‘Tôi’. Bây giờ hãy nhanh chóng nắm bắt lấy cái ‘tôi’ đó. Nếu thực hiện điều này, cái tồn tại vĩnh hằng sẽ tự lộ diện. Truy vấn về cái ‘tôi’ mới là mục tiêu chứ không phải thiền định về trung tâm Trái Tim. Không có gì là bên trong hay bên ngoài. Cả hai đều có nghĩa là một hoặc không có gì. Tất nhiên cũng có việc thực hành thiền định vào trung tâm Trái Tim. Nó chỉ là một bài thực hành và không phải là truy vấn. Chỉ người thiền định về Trái Tim có thể vẫn còn ý thức khi tâm trí không còn hoạt động và tĩnh lặng, trong khi những người thiền định về các trung tâm khác không thể có ý thức được như vậy và chỉ biết tâm trí đã từng tĩnh lặng khi nó hoạt động trở lại. Nếu người ta cho rằng Chân Ngã ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, sức mạnh của suy nghĩ sẽ khiến cho họ nhận thấy rằng dường như Chân Ngã ở tại vị trí đó thật. Tuy nhiên, Trái Tim yêu dấu một mình là nơi trú ẩn để cho cái tôi đó khởi lên và lặn xuống. Biết rằng mặc dù người ta nói rằng Trái tim tồn tại cả bên trong và bên ngoài, trong sự thật tuyệt đối thì nó không tồn tại cả bên trong và bên ngoài, bởi vì thân thể, thứ được đặt làm mốc cơ sở để phân định bên trong và bên ngoài, cũng chỉ là sự tưởng tượng của tâm trí tư duy. Trái Tim, cội nguồn, là khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối của tất cả. Trái tim, không gian tối cao, không bao giờ là một hình tướng. Nó là ánh sáng của sự thật.