H: Trong những giai đoạn đầu của sự tu tập, liệu việc buông bỏ mọi nghĩa vụ của cuộc sống và tìm kiếm nơi cô độc có hữu ích không?
Đ: Buông bỏ phải luôn là ở trong tâm trí, không phải trong việc đi vào rừng hay tới nơi vắng vẻ hoặc từ bỏ nghĩa vụ của một người. Cái chính là làm cho tâm trí không hướng ra ngoài mà hướng vào bên trong. Dù một người có đi tới nơi chốn nào đi nữa, hay buông bỏ mọi nghĩa vụ, tâm trí của anh ta cũng không thực sự được nghỉ ngơi. Tất cả những sự kiện này xảy ra theo định mệnh. Tất cả các hoạt động mà cơ thể phải trải qua đã được tiền định ngay tại khi nó được ra đời. Việc bạn chấp nhận hoặc từ chối chúng làm cho tâm trí không ngơi nghỉ. Sự tự do duy nhất bạn có là hướng tâm trí của bạn vào trong và buông bỏ các hoạt động ở đó.
H: Nhưng có phải điều gì đó giúp đỡ được ta chứ, đặc biệt là đối với người mới bắt đầu, giống như một hàng rào quanh một cây non? Ví dụ, chẳng phải kinh sách của chúng ta cũng nói rằng việc hành hương đến những ngôi đền linh thiêng hoặc tham gia sat-sanga là hữu ích sao?
Đ: Ai nói rằng chúng không hữu ích? Nhưng chỉ là bạn không thể làm mãi những việc như vậy được, trong khi việc hướng tâm trí vào bên trong thì luôn có thể khả thi. Nhiều người
mong muốn cuộc hành hương hoặc sat-sanga mà bạn đề cập, nhưng tất cả họ đều có thể làm được sao?
H: Tại sao chúng ta không cần làm những việc bên ngoài mà chỉ phải hướng vào bên trong mình?
Đ: Nếu bạn muốn đi tới những cái bản nguyên, bạn phải hỏi xem bạn là ai và tìm ra ai là người đang có sự tự do hoặc có định mệnh. Bạn là ai và tại sao bạn có được một cơ thể có nhiều hạn chế này?
H: Một nơi thanh tịnh có cần thiết cho vichara (truy vấn) không?
Đ: Sự thanh tịnh đã ở khắp mọi nơi. Cá nhân luôn thanh tịnh. Công việc của một người là tìm ra nó ở bên trong, chứ không phải tìm kiếm nó bên ngoài bản thân anh ấy. Thanh tịnh là ở trong tâm trí của ta. Một người có thể bận bịu ở trong thế giới và vẫn duy trì sự thanh tịnh của tâm trí. Người như vậy chính là đang thanh tịnh. Một người khác có thể ở trong một khu rừng, nhưng vẫn không thể kiểm soát được tâm trí của mình. Người như vậy không thể nói là thanh tịnh. Thanh tịnh là một chức năng của tâm trí. Một người còn bám víu với ham muốn không thể có được sự thanh tịnh ở bất cứ nơi nào anh ta ở, trong khi một người không còn chấp trước luôn ở trong thanh tịnh.
H: Vậy là một người có thể tham gia vào công việc và không có ham muốn và duy trì sự sự thanh tịnh. Có phải như vậy không?
Đ: Đúng. Công việc được thực hiện với sự bám víu là một cái gông cùm, ngược lại công việc được thực hiện với sự vô chấp trước không tác động đến người làm. Một người
hoạt động như vậy, ngay cả khi đang làm việc, luôn ở trong thanh tịnh.
H: Cuộc sống hàng ngày của chúng tôi không tương thích với những trạng thái như vậy.
Đ: Tại sao bạn nghĩ rằng bạn đang hoạt động? Lấy một ví dụ đơn giản về việc bạn đến đây. Bạn rời nhà với một chiếc xe ngựa, bắt một chuyến tàu, xuống tàu tại ga xe lửa, lên xe ngựa ở đó và đi tới đạo tràng này. Khi được hỏi, bạn nói rằng bạn đã đi suốt chặng đường từ thị trấn của bạn tới đây. Nó có đúng không? Sự thật là bạn vẫn duy trì như chính bạn và chỉ có sự truyền tải từ các phương tiện trong suốt quãng đường. Những chuyển động đó không phải của riêng bạn, chúng là hoạt động của Thượng Đế.
H: Làm thế nào để có thể vô vi và tâm tịnh trong khi ta đang ở giữa các nhiệm vụ gia đình luôn thường trực?
Đ: Những hoạt động của một nhà thông thái chỉ tồn tại trong mắt người khác và chúng không thuộc về anh ta, mặc dù anh ấy có thể đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, anh ta thực sự không làm gì cả. Do đó, các hoạt động của anh ấy không cản trở sự vô vi và bình yên tâm trí của mình. Vì anh ấy biết sự thật rằng tất cả các hoạt động chỉ diễn ra trong sự hiện diện của anh ấy và anh ấy không hề làm gì cả. Do đó, anh ấy sẽ vẫn là nhân chứng thầm lặng của tất cả các hoạt động đang diễn ra.
H: Việc hướng vào bên trong có khó khăn hơn với những người phương Tây không?
Đ: Đúng, họ là những người có tính rajas [hoạt động quá mức về mặt tinh thần] và năng lượng của họ hướng ra ngoài. Chúng ta phải tĩnh lặng trong nội tâm, không quên Chân Ngã, và sau đó bên ngoài chúng ta có thể tiếp tục hoạt động. Liệu một người đàn ông đóng vai phụ nữ trên sân khấu có thể quên mất rằng mình là đàn ông? Tương tự, chúng ta cũng phải đóng vai trò của mình trên sân khấu của cuộc đời, nhưng chúng ta không được đồng nhất mình với những vai đó.
H: Làm thế nào để ta loại bỏ sự lười biếng về tâm linh của người khác?
Đ: Bạn đã xóa bỏ sự lười biếng của riêng bạn chưa? Chuyển các truy vấn của bạn về phía Chân Ngã. Lực lượng được thiết lập bên trong bạn cũng sẽ hoạt động trên những người khác.
H: Nhưng làm thế nào tôi có thể giúp một người khác giải quyết những vấn đề, những rắc rối của họ?
Đ: Tại sao đi luận bàn về người khác – trong khi vốn chỉ có cái một mà thôi. Hãy cố gắng nhận ra rằng không có tôi, không có bạn, không có anh ấy, chỉ có một Chân Ngã duy nhất là tất cả. Nếu bạn tin vào vấn đề của người khác, bạn đang tin vào một cái gì đó bên ngoài Chân Ngã. Cách tốt nhất để bạn giúp anh ta là bằng cách nhận ra tính nhất thể của mọi thứ hơn là bằng hoạt động bên ngoài.
H: Người có đồng tình với việc kiêng tình dục không?
Đ: Một brahmachari [tu sĩ độc thân] chân chính là người sống trong Brahman. Sau đó, không còn câu hỏi về ham muốn nữa.
H: Tại đạo tràng của Sri Aurobindo, có một quy tắc cứng nhắc là các cặp đôi đã kết hôn chỉ được phép sống ở đó với điều kiện họ không có quan hệ tình dục.
Đ: Tác dụng của việc cấm đoán đó là gì? Nếu ham muốn tồn tại trong tâm trí, thì buộc người ta kiêng cữ đâu có ích lợi gì?
H: Hôn nhân có phải là một cản trở với sự tiến bộ về tâm linh không?
Đ: Đời sống gia đình không phải là một cản trở, nhưng người gia chủ phải làm hết sức mình để thực hành tự kiểm soát. Nếu một người đàn ông có mong muốn mạnh mẽ về
đời sống cao hơn thì xu hướng tình dục sẽ giảm dần. Khi tâm trí bị phá hủy, các ham muốn khác cũng bị phá hủy.
H: Tôi đã phạm tội lỗi tà dâm.
Đ: Ngay cả khi bạn đã có trải nghiệm đó, miễn là sau đó bạn không nghĩ rằng mình là người làm thì nó không quan trọng. Chân Ngã không nhận thức bất kỳ tội lỗi nào
và buông bỏ tình dục là ở nội tâm, chứ không chỉ đơn thuần về thể xác.
H: Tôi bị cuốn theo khi nhìn thấy bộ ngực của một phụ nữ hàng xóm trẻ trung và tôi thường bị dụ hoặc ngoại tình với cô ấy. Tôi nên làm gì?
Đ: Bạn luôn thuần khiết. Các giác quan và cơ thể của bạn là thứ cám dỗ bạn và bạn đã nhầm lẫn chúng là bản thể thực sự của mình. Vì vậy, trước tiên hãy biết ai đang bị cám dỗ và ai đang ở đó để cám dỗ. Nhưng ngay cả khi bạn đã thực hiện ngoại tình, sau này cũng đừng nghĩ tới nó, vì chính bản thân bạn luôn thuần khiết.. Bạn không phải là kẻ tội lỗi.
H: Làm thế nào để chúng ta nhổ bỏ gốc rễ của tình dục?
Đ: Bằng cách loại bỏ ý tưởng sai lầm rằng cơ thể là Chân Ngã. Trong Chân Ngã không hề có tình dục. Hãy là chính mình và sau đó bạn sẽ không có những rắc rối về tình dục.
H: Nhịn ăn có chữa được chứng ham muốn tình dục không?
Đ: Có, nhưng nó chỉ tác dụng tạm thời. Nhịn trong tinh thần mới là sự hỗ trợ thực sự. Bản thân việc nhịn ăn không phải là một kết thúc. Phải có sự phát triển tâm linh bên cạnh. Nhịn ăn toàn phần khiến tinh thần trở nên quá yếu. Nhiệm vụ tâm linh của chúng ta phải được thực hiện với sự nhịn ăn thích hợp thì mới có ích lợi.
H: Có thể tiến bộ tâm linh thông qua nhịn ăn không?
Đ: Cái nên nhịn là ở trong tinh thần [nhịn không suy nghĩ]. Chỉ kiêng thực phẩm sẽ không tốt, thậm chí nó sẽ làm tâm trí khó chịu. Sự bộc lộ tâm linh sẽ đến bằng cách điều tiết việc ăn uống. Nhưng nếu, trong thời gian nhịn ăn một tháng, triển vọng tâm linh đã duy trì, sau đó trong khoảng mười ngày nghỉ dừng việc nhịn ăn (nếu việc nghỉ nhịn ăn đúng đắn và ăn uống hợp lý tiếp sau đó) tâm trí sẽ trở nên thuần khiết và ổn định, và nó sẽ duy trì như vậy.
Những ngày đầu tiên khi tôi đến đây, tôi đã nhắm mắt chìm sâu vào thiền định đến nỗi tôi hầu như không biết thời gian đang là ngày hay đêm. Tôi không có thức ăn và không ngủ. Khi mà có chuyển động trong cơ thể thì bạn sẽ cần thức ăn. Nếu bạn có thức ăn, bạn sẽ cần ngủ. Nếu không có chuyển động, bạn không cần ngủ. Để duy trì sự sống thì ta chỉ cần một lượng rất ít thực phẩm. Đó từng là kinh nghiệm của tôi. Sẽ có người này hoặc người khác mời tôi một cốc đồ uống ăn kiêng nào đó bất cứ khi nào tôi mở mắt. Đó là tất cả những gì tôi đã ăn. Nhưng hãy nhớ một điều: ngoại trừ khi ta bị hấp thu vào trạng thái mà tâm trí bất động, ta không thể từ bỏ giấc ngủ hoặc thức ăn hoàn toàn. Khi cơ thể và tâm trí tham gia vào các hoạt động theo đuổi thông thường của cuộc sống, cơ thể sẽ quay cuồng nếu bạn bỏ ăn và ngủ.
Có những lý thuyết khác nhau liên quan đến việc một Sadhaka nên ở ăn và ngủ ở một mức độ nào. Một số người nói rằng tốt cho sức khỏe khi đi đi ngủ lúc 10 giờ tối và thức dậy lúc 2 giờ sáng. Điều đó có nghĩa là bốn giờ ngủ là đủ. Một số người nói rằng ngủ bốn giờ là không đủ, mà phải là sáu giờ. Tựu chung là giấc ngủ và thức ăn không nên quá nhiều. Nếu bạn muốn cắt bỏ một trong hai hoàn toàn, tâm trí của bạn sẽ luôn hướng về chúng. Vì vậy, Sadhaka nên làm mọi thứ trong chừng mực. Sẽ không có hại gì nếu ăn ba đến bốn lần một ngày. Nhưng đừng nói rằng “Tôi muốn loại thức ăn này chứ không phải loại đó” và vân vân. Hơn thế nữa, bạn ăn những bữa ăn này trong mười hai giờ thức tỉnh và không ăn trong mười hai giờ ngủ. Nhưng giấc ngủ có dẫn bạn đến giải thoát không? Thật là sai lầm khi tin rằng việc ngừng ăn đơn giản vậy dẫn tới được giải thoát.
H: Thế còn chế độ ăn kiêng thì sao?
Đ: Thức ăn ảnh hưởng đến tâm trí. Để thực hành bất kỳ loại yoga nào, ăn chay là hoàn toàn cần thiết vì nó làm cho trí óc minh mẫn hơn, nhiều tính sattvic hơn [tinh khiết và hài hòa].
H: Người ta có thể nhận được sự soi sáng tâm linh khi mà vẫn ăn thịt không?
Đ: Có chứ, nhưng nên từ bỏ chúng dần dần và làm quen với thực phẩm có tính sattvic. Tuy nhiên, một khi bạn đã đạt được sự soi sáng, thì bạn có ăn thứ gì cũng tạo ra ít sự khác biệt hơn, giống như trong một ngọn lửa lớn, thì nhiên liệu nào đưa vào để đốt cũng không quan trọng.
H: Người Châu Âu chúng tôi đã quen với một chế độ ăn uống cụ thể và sự thay đổi của chế độ ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe và làm suy yếu trí óc. Giữ gìn sức khỏe thể chất của một người có cần thiết không?
Đ: Khá cần thiết. Cơ thể càng yếu thì tâm trí càng phát triển mạnh.
H: Khi không có chế độ ăn uống thông thường của chúng tôi, sức khỏe của chúng tôi bị ảnh hưởng và trí óc mất sức.
Đ: Theo ý bạn sức mạnh của tâm trí là gì?
H: Sức mạnh để loại bỏ các chấp trước với thế gian.
Đ: Chất lượng của thực phẩm ảnh hưởng đến tâm trí. Tâm trí được nuôi dưỡng bởi thức ăn hấp thụ.
H: Thật sao! Vậy thì làm thế nào để người châu Âu có thể tự điều chỉnh để chỉ phù hợp với thức ăn có tính sattvic?
Đ: Thói quen chỉ là sự điều chỉnh đối với môi trường. Tâm trí mới là vấn đề. Thực tế là tâm trí đã được đào tạo để suy nghĩ rằng một số thức ăn nhất định ngon và tốt. Thực phẩm dinh dưỡng có ở trong chế độ ăn mặn hay ăn chay là như nhau. Nhưng tâm trí ham muốn thức ăn như nó đã quen thuộc và ngon miệng.
H: Với người đã giác ngộ, họ có quy tắc hạn chế thực phẩm nào không?
Đ: Không. Họ ổn định và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn họ ăn.
H: Để ăn thịt thì chẳng phải ta sẽ phải giết chóc sinh mệnh sao?
Đ: Ahimsa [bất bạo lực] đứng đầu trong quy tắc kỷ luật của các yogi.
H: Ngay cả thực vật cũng có sự sống.
Đ: Các tấm đá bạn ngồi cũng vậy!
H: Chúng tôi có thể dần dần quen với thức ăn chay được không?
Đ: Có. Đó chính là cách giải quyết.
H: Tiếp tục hút thuốc có hại không?
Đ: Có hại, vì thuốc lá là một chất độc. Tốt hơn là tránh khỏi nó. Nếu bạn đã từ bỏ thuốc lá thì rất tốt. Đàn ông bị nô lệ bởi thuốc lá và không thể từ bỏ nó. Nhưng thuốc lá chỉ mang lại hiệu quả kích thích tạm thời và tạo ra một phản ứng với sự thèm muốn nhiều hơn nữa. Nó cũng không tốt cho việc thực hành thiền định.
H: Ngài có khuyến khích bỏ ăn thịt và đồ uống có cồn không?
Đ: Nên từ bỏ chúng vì sự kiêng cữ này là một trợ giúp hữu ích cho người mới bắt đầu. Khó khăn trong việc buông bỏ chúng không bởi vì chúng thực sự cần thiết, mà chỉ vì chúng ta đã có thói quen với chúng.
H: Nói chung, một người khao khát tâm linh nên làm các quy tắc hành xử nào?
Đ: Điều độ trong thực phẩm, điều độ trong giấc ngủ và điều độ trong lời nói.