Hãy tưởng tượng rằng ngày mai bạn bỗng nhiên chết một cái chết bất ngờ, chẳng hạn như trong một vụ tai nạn. Mọi người thân của bạn vẫn còn sống ở đó, đau khổ tiếc thương và mất mát. Một thời gian sau họ phải thích nghi với cuộc sống mà không có bạn. Đó dường như là điều gì đó vô cùng đáng sợ .
Hãy tưởng tượng một trường hợp khác: bạn bất ngờ chết và toàn bộ mọi người trên thế gian cũng chết cùng lúc đó, chẳng hạn như trong một thảm họa diệt thế, hoặc đơn thuần là bạn và toàn bộ mọi thứ đều tan biến. Ở trường hợp này bạn không thấy quá đáng sợ và có thể còn cảm thấy nhẹ nhõm là đằng khác. Nghe có vẻ ích kỷ nhưng tại sao bạn là nhẹ nhõm?
Sự khác biệt ở hai trường hợp là do bạn cho rằng bạn phải có trách nhiệm trong cuộc đời này. Ở trường hợp một, bạn chết và trách nhiệm của bạn với gia đình, người thân, bạn bè, xã hội,… bị dang dở không thể hoàn thành, dường như bạn như một kẻ thất bại trong cuộc đời này. Bạn không hoàn thành được trách nhiệm của bạn trong trò chơi cuộc đời này, bạn bị loại bỏ khỏi trò chơi và người khác tiếp tục chơi. Ở trường hợp hai thì khác, bạn chết và toàn bộ môi trường sống của bạn cũng bị hủy luôn, trò chơi cũng bị hủy và thế là cũng chẳng còn trách nhiệm hay nghĩa vụ gì nữa. Bạn không thắng nhưng cũng không tính là thua.
Ta đến với cuộc đời này không phải do ta quyết định, nhưng ta lại tự vác thêm gánh nặng cho bản thân mình bằng cách đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ mà mình bắt buộc phải hoàn thành. Nếu không hoàn thành chúng, ta là kẻ thất bại, vô dụng và cuộc sống trở nên vô nghĩa. Nếu hoàn thành trách nhiệm, ta cảm thấy nhẹ nhõm, bởi vì gánh nặng đã không còn. Trách nhiệm càng lớn, gánh nặng càng nặng nề, và việc giải tỏa càng nhẹ nhõm. Một số người, do cảm thấy bản thân đã quá bất lực, không mang nổi gánh nặng đó nên lựa chọn vứt bỏ trách nhiệm luôn, bỏ gia đình, người thân, con cái, để đi TU. Đến với tu hành bằng động cơ như vậy quả thực quá sai lầm. Có lẽ nhiều người đã được “truyền cảm hứng” từ câu chuyện thái tử Tất Đạt Đa bỏ vợ con, gia đình hoàng gia để đi tu, cuối cùng thành Phật. Họ đã hiểu sai ông ấy. Bản ngã tự cho rằng việc mang vác trách nhiệm đang làm nó khổ, nên nó tìm cách bỏ đi trách nhiệm. Nhưng thái tử Tất Đạt Đa thì khác, ông nhìn ra nguồn gốc khổ đau là do bản ngã, không có bản ngã thì không còn vấn đề. Vì vậy không phải ông ấy buông bỏ tất cả để nhẹ gánh, để nhẹ cái thân ông để cho không còn vướng bận để dễ tu, mà ông tìm cách phá bỏ bản ngã, buông bỏ luôn bản ngã của mình. Ông bắt đầu từ việc hủy bỏ đi môi trường, cái bối cảnh đã tạo ra bản ngã của mình, ông bỏ gia đình và cung điện và rời đi. Đây có thể là một phương pháp khá cực đoan, điều đó đã gây ra đau khổ cho vợ con ông, cho cha mẹ ông. Tuy nhiên xét cho cùng, đó là vì truyền thống tu đạo thời đó luôn đề cao việc buông bỏ vật chất và buông bỏ mọi mối quan hệ để ẩn tu, tu hành xác. Lúc đó ông Tất Đạt Đa còn lần mò trong bóng tối, việc ông bắt đầu con đường đi tìm chân lý với lựa chọn như vậy khá là dễ hiểu, sau nhiều năm vất vả và khổ đau ông đã giác ngộ thành đạo, và lấy danh là Phật. Đến ngày nay, chúng ta không cần thiết phải bắt chước như ông ấy, ngài Tất Đạt Đa cũng như các bậc chân sư đã để lại cho chúng ta phương pháp tu trực tiếp và hữu hiệu mà có thể bỏ qua giai đoạn bỏ nhà và ẩn tu hành xác đó.
Trong thế giới của tôi, trong mô thức sống của tôi, hệ quy chiếu của tôi, vốn không có cái gì gọi là trách nhiệm (của cá nhân), mà chỉ có cái cần làm hoặc không cần làm. Cái gì vũ trụ bày ra trước mắt tôi thì tôi làm, nhưng đó cũng không phải là cá nhân tôi làm, đó không phải là trách nhiệm của cá nhân tôi mà là sự phối hợp của tôi theo dòng chảy của vũ trụ. Nếu phải dùng đến từ “trách nhiệm” thì đó là trách nhiệm của toàn bộ vũ trụ. Giống như một bông hoa, liệu việc nở hoa có phải là trách nhiệm của cá nhân bông hoa đó? Là nó nỗ lực để nở hoa? Hay là do toàn bộ vũ trụ sắp đặt và phối hợp mọi thứ để cho nó nở hoa? Thật là khó nói.