Giấc ngủ và cái chết

Khi còn nhỏ, mỗi khi đám bạn bè của tôi nói chuyện gì đó liên quan tới cái chết, tôi thường nói với chúng: “Thực ra tao thấy cái chết cũng không có gì đáng sợ lắm, nó chỉ giống như giấc ngủ sâu không mơ và không tỉnh lại nữa.” Tôi không thể nhớ mình đã có được ý tưởng này từ đâu ra, nhưng nó xuất hiện khoảng những năm tôi 10 hay 11 tuổi. Tôi cảm thấy có sự tương đồng vì khi ngủ mình không cảm thấy các giác quan, không cảm thấy có thân thể và không có tâm trí. Cái chết cũng tương tự như vậy (ít nhất là theo quan niệm của đại đa số). Vậy tại sao ta lại sợ cái chết mà không hề sợ hãi, thậm chí còn yêu thích việc ngủ? Lý do duy nhất tôi có thể nghĩ ra đó là do ta mang niềm tin rằng chết là chấm hết, còn ngủ thì chắc chắn có tỉnh dậy và tiếp tục cuộc sống. Và chúng ta yêu giấc ngủ nhưng cũng yêu cả đời sống khi thức nữa.

Một thời gian trước, tôi có đọc được một bình luận của một ai đó trên mạng rằng: “Giấc ngủ là một phiên bản dùng thử của cái chết và những giấc mơ là những quảng cái nảy ra do chưa trả phí.” Trong ngữ cảnh của chủ đề, nó vốn là một câu nói đùa giỡn và nó nhận được rất nhiều tiếng cười của người khác. Với tôi, nó cũng rất thú vị và hài hước nhưng đó còn là một ý tưởng diễn đạt chuẩn xác hơn nhiều so với ý tưởng trước đó của tôi về cái chết và giấc ngủ. Một câu nói này đã đem lại cho tôi một cách nhìn khác.

Chúng ta đều biết và công nhận rằng một giấc ngủ sâu không mơ là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Một giấc ngủ mà có nhiều giấc mơ hỗn loạn thì sẽ khiến ta mệt mỏi và phần nào rối loạn cảm xúc sau khi thức dậy. Vậy tại sao có những “quảng cáo” này nảy ra? Những nội dung trong tiềm thức, những cảm xúc, những suy nghĩ, khao khát, những hành động mà ta đã kiềm nén, ức chế trong đời sống sẽ thường được tái tạo trong những giấc mơ, nhưng hầu hết sẽ bị bóp méo, phóng đại theo một cách lệch lạc đi nhiều. Khi tâm trí chúng ta bị ám ảnh một vấn đề nào đó, các giấc mơ xảy ra rất nhiều và hỗn loạn. Vì thế chúng ta có ngành phân tích giấc mơ, nơi mà những chuyên gia sẽ dựa vào nội dung những giấc mơ của bạn để giải thích tâm lý, hành vi của bạn và có phương pháp trị liệu tâm lý cho bạn. Vì chúng ta chưa trả “phí” nên mới có những “quảng cáo” là những giấc mơ này. “Phí” chính là sự buông bỏ, buông xả, quy hàng. Nếu chúng ta buông các chấp niệm, những lo lắng, suy tưởng,… thì chúng ta thường dễ dàng có một giấc ngủ sâu không mơ. Đã bao giờ bạn uống rượu mà say tới mức ngủ gục luôn tại trận chưa? Đó là lúc bạn “quy hàng”, buông bỏ hoàn toàn. Bạn không còn lo lắng, không có suy nghĩ hay e sợ gì nữa tới mức bạn hoàn toàn ngủ luôn trên bàn nhậu, thả lỏng hoàn toàn cơ chế phòng vệ bản ngã. Vì thế, giấc ngủ lúc say thường khá sâu và tuyệt vời. Tuy nhiên nó chỉ đến bởi tác động ngoại lực là rượu, và khi tác động hết thì nó cũng kết thúc, hoặc nó còn có thêm tác dụng phụ khác làm cơ thể bạn khó chịu, cho nên bạn có thể sẽ bị tỉnh dậy giữa chừng và chuếnh choáng, hoặc đau đầu,…

Tôi đã nảy ra một ý tưởng táo bạo rằng: do ta vẫn còn chấp trước, níu bám, suy tư,…về những vấn đề dang dở trong cuộc sống ban ngày mà ta không thể buông xả, nên ý thức ta tạo ra những giấc mơ. Vậy có thể là sau khi ta chết, ta không buông bỏ nổi những chấp trước, những dang dở, những khát vọng của một cuộc sống vừa rồi, nên ý thức kéo ta đến tái sinh trong một thân thể mới, để tiếp tục cuộc sống? Xét trên khuôn mẫu rộng hơn, liệu toàn bộ sự hiện hữu này có phải là một giấc ngủ vĩnh hằng, đời sống này chỉ là một giấc mơ, xảy ra do ta có chấp trước, do những “nghiệp quả” từ những giấc mơ trước. Còn việc tu tập buông xả trở nên vô chấp trước, vô ngã, sẽ khiến ta trở về trạng thái Niết Bàn, trạng thái không sinh không diệt, chính là giấc ngủ sâu không mơ vĩnh hằng?

Hmm,… Tôi phải suy ngẫm thêm.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.