Chúng ta đều sợ chết vì sau khi chết chúng ta sẽ không còn cảm thấy thân thể, không còn tâm trí, vì thế không còn thế giới nữa. Đơn giản là một sự trống rỗng vô tận. Ít nhất thì đó là những gì chúng ta tưởng tượng ra.Tuy nhiên đó cũng chính xác là những gì bạn trải nghiệm trong một giấc ngủ sâu. Nhưng bạn không hề sợ hãi giấc ngủ sâu, thậm chí còn yêu thích nó, nó là một sự tuyệt vời. Giấc ngủ và cái chết đều là thứ chắc chắn sẽ xảy đến với cơ thể bạn, không thể trốn tránh.
Điểm khác biệt giữa cái chết và giấc ngủ là gì mà tạo ra hai thái cực cảm xúc như vậy? Đó là bạn chắc chắn rằng mình sẽ tỉnh dậy sau khi ngủ và tin rằng sẽ không còn gì sau khi chết. Cái thân thể – tâm trí này gây ra phiền phức và khổ đau cho bạn nhưng bạn vẫn yêu quý nó và mong muốn nó vĩnh hằng. Trong giấc ngủ sâu, bạn được giải thoát khỏi gánh nặng thân tâm này nên bạn cảm thấy tuyệt vời và nhẹ nhõm. Bạn sẽ thức tỉnh lại với cái thân thể cũ trước khi bạn đi vào giấc ngủ. Sau cái chết liệu bạn có thể sẽ thức tỉnh lại trong một thân thể khác không, bạn không thể biết được.
Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ chết là đối diện trực tiếp với cái chết và nhận ra rằng nó không tồn tại. Có một câu truyền ngôn rằng: Hãy chết trước khi bạn chết và bạn sẽ không chết khi bạn chết. Ý nghĩa của nó là gì? Đầu tiên phải quay lại với quan niệm về sinh và tử. Chúng ta thường cho rằng sinh là thời điểm cơ thể này được sinh ra, và tử là thời điểm cơ thể này không còn sự sống và bị hủy hoại đi. Tuy nhiên chúng ta không thể nhớ được thời điểm khi mình được sinh ra như thế nào, cũng càng không biết điều gì xảy ra sau khi thân thể chết. Vì thế chúng ta không hề có trải nghiệm trực tiếp về sinh và tử theo quan niệm này. Định nghĩa chính xác nhất về Sinh phải là khi bạn có sự tự ý thức về sự đồng hóa thân phận mình với thân thể này (thường là thời điểm bạn khoảng 2 đến 4 tuổi), cũng chính là ký ức đầu tiên, sớm nhất về cuộc đời bạn. Định nghĩa về Tử là khi bạn không còn đồng hóa thân phận mình với thân thể này nữa, bạn tách rời khỏi thân thể.
Với cách định nghĩa trên, bạn đó có sự trải nghiệm rõ ràng về Sinh. Cuộc sống của bạn với thân thể này bất chợt được hiển lộ ra từ hư vô, giống như một giấc mơ. Với trải nghiệm về Tử, không còn đồng hóa ‘Ta là thân thể này’ chính là nỗ lực tu tập tâm linh của chúng ta. Bạn nên nhận ra rằng thân thể này không hề chân thực như bạn tưởng. Nó xuất hiện và biến mất, nó đến và đi, nó luôn thay đổi thành các hình dáng khác, trong 3 trạng thái thức, ngủ, mơ luôn luôn luân chuyển trong Ý Thức. Thời điểm bạn an trú trong Ý Thức và tách biệt hoàn toàn khỏi thân thể, chính là thời điểm bạn ‘chết’. Từ đó bạn sẽ được tái sinh hoàn toàn, lột xác thành một tồn tại mới, tồn tại như một Ý Thức vô hình vô tướng, thứ mà quan sát tuồng ảo hóa gọi là cuộc sống này. Cơ thể bạn sẽ vẫn sinh hoạt như bình thường nhưng bạn sẽ không bao giờ còn nhầm lẫn thân thể này là bản thân mình nữa. Từ đó dù cơ thể có chết bạn vẫn bất tử. Những diễn biến của đời sống, vạn vật sinh ra và chết đi không hề ảnh hưởng đến thứ đang quan sát đời sống, cái Ý Thức thuần khiết. Đây cũng chính là cái Tánh Giác không sinh không tử thường được nhắc đến trong đạo Phật.