Sợ chết hay nói đúng hơn là sợ vô ngã. Điều mà chúng ta yêu quý nhất chính là cảm giác được tồn tại dưới một cái ta, một cái ngã. Ngay cả khi có vẻ như ta dường như yêu quý một người nào đó khác hơn chính bản thân mình (cha, mẹ, con cái, người thân,…) thì thực ra người đó cũng chính là một phần to lớn cấu thành nên của bản ngã của ta. Cái bản ngã này không chỉ bao gồm thân thể của mình mà nó là một mạng lưới phức tạp lan rộng ra các mối quan hệ, và cái đối tượng được sở hữu bên ngoài (những thứ được gọi là “của ta”). Nỗi sợ vô ngã, sợ không còn tồn tại, là nỗi sợ lớn nhất của con người.
Vậy có những trường hợp mà người ta sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ người khác thì sao? Tôi có thể tổng kết ra ba trường hợp chính như sau:
- Một là người đó tin tưởng rằng cái chết của mình sẽ đổi lấy một lợi ích nào đó lớn lao hơn cho những đối tượng khác, hoặc cho chính bản thân mình (có thể họ tin rằng sau khi họ chết vẫn còn có kiếp sau, hoặc về với Thượng Đế, lên thiên đàng…) Hành động này xuất phát từ một niềm tin to lớn rằng bản ngã của mình, hoặc một phần bản ngã của mình (có thể là gia đình, quốc gia,…) sẽ vẫn còn tồn tại sau khi thân thể này chết đi. Và cái chết của thân thể đổi lấy lợi ích cho phần tồn tại khác của bản ngã. Cái gọi là hy sinh vì gia đình, tổ quốc xét cho cùng chỉ là một niềm tin này.
- Hai là, hy sinh để người khác được sống vì nếu người kia chết thì họ sẽ vô cùng đau khổ về tinh thần, họ muốn được giải thoát. Giả sử nếu bạn bị tra tấn thể xác quá mức đau đớn, bạn sẽ cầu xin kẻ tra tấn cho bạn được chết vì bạn không thể chịu được giày vò. Tương tự, nếu một người bạn rất yêu thương chết đi, bạn cũng không chịu nổi sự đau đớn về tinh thần này (hoặc ít nhất là bạn đã tưởng tượng trước rằng bạn sẽ không chịu đựng nổi) nên bạn muốn được chết thay họ.
- Ba là đó là một hành động xuất phát từ chánh nghiệp, từ sự vô ngã thuần khiết, quên đi chính bản thân mình, đó là một hành động tự nhiên tự phát, xuất phát từ dòng chảy của Đạo. Những trường hợp như vậy thường là những giây phút tỉnh thức nhất trong cuộc đời của một người và nó thường diễn ra trong chớp nhoáng, họ rơi vào sự vô trí, vô ngã, không hề có tư tưởng hay mục đích cá nhân nào ẩn sau hành động, họ chỉ đơn giản là hành động.
Nhìn chung, niềm tin nguyên thủy ban đầu là: Ta được sinh ra trong một thế giới khách quan, ta sống và chết không thể ảnh hưởng tới sự tồn tại khách quan thế giới. Liệu điều này có đúng? Không ai kiểm chứng được. Trừ khi ta chết đi. Trải nghiệm thực của ta là ta xuất hiện đồng thời với thế gian, và ta biến mất đồng thời với sự biến mất của thế gian. Nếu như ta chết đi và thế giới này cũng tan biến theo như một giấc mơ, ngược lại đó lại như một sự giải thoát và nó dường như không quá đáng sợ như trước nữa.
Muôn vàn giáo lý tâm linh, tôn giáo đều hướng tới sự bất tử hoặc đưa ra những lý thuyết rằng con người là bất tử. Trở về với Chúa là bất tử, lên Thiên đàng là sống vĩnh hằng, luân hồi là sống mãi mãi vô tận,… Ai cũng sợ đối diện với cái chết của mình, sợ rằng mình sẽ không còn tồn tại nữa nên mới đưa ra đủ loại giáo lý, tin vào đủ loại thuyết giáo về sự bất tử này.
Con đường của ta không phải là trốn tránh cái chết. Mà là muốn tìm ra sự thật, muốn tìm ra chân lý, bất kể cái giá là gì. Và cái chết dường như là một ngọn núi to lớn khổng lồ chắn đường mà ta nhất định phải vượt qua. Để vượt qua cái chết thì ta phải chết đi và xem xem liệu sau đó có gì nữa không. Đó là lý do các thánh nhân nói ‘hãy chết trước khi bạn chết.’ Tự sát cũng có thể là một lựa chọn. Nhưng điều đó chỉ giết chết thân thể, chứ có thể giết chết tâm trí không? Ta không biết. Cái tâm trí là cái đang sợ hãi, vì thế ta sẽ bắt đầu giết chết tâm trí trước. Phải rơi tự do vào vực sâu vô ngã.