Một ý tưởng phổ biến của những người tập thiền định là cứ cố gắng dẹp bỏ mọi ý nghĩ, cố gắng làm trống rỗng tâm trí của mình, để tìm kiếm một trạng thái hư vô nào đó. Như thể những ý nghĩ là kẻ thù của mình. Đó lại là phương pháp bỏ gốc lấy ngọn, thật là vô nghĩa.
Ở đây, trước hết ta cần phải làm rõ quá trình suy nghĩ, quá trình phát sinh tư tưởng trong tâm trí là như nào. Ở đây tôi sẽ tái định nghĩa lại một số khái niệm theo quan điểm của cá nhân tôi.
Tâm trí bao gồm hai thứ là “tâm” và “trí”. Ý niệm bao gồm phần “ý” và phần “niệm”. Ý tạm hiểu là nguồn động lực vô hình của tâm đưa ra khiến ta hướng tới một điều gì đó, một đối tượng nào đó, một hành vi nào đó. Niệm chính là phần biểu hiện của ý thành những tư tưởng hữu hình, những biểu tượng, những ngôn từ, do trí điều phối.
Tâm phát sinh ra ý. Ý tác động cho trí phát sinh ra niệm. Ví dụ: con bạn ốm, tâm của bạn phát sinh ra ý đưa con bạn đi khám, ý tác động tới trí tạo ra những niệm, những suy nghĩ về việc: đi khám ở đâu, bác sĩ nào, đi bằng cái gì,…Tâm còn bao gồm tâm bản lai và tâm ngoại lai. Về phần tâm tôi sẽ nói chi tiết hơn ở lúc khác. Hôm nay chúng ta chỉ tạm thời lần mò xuống phần trí, ý và niệm.
Cái trí là nguồn năng lượng sẵn có trong mỗi người, và nó có thể được lập trình để sử dụng theo những quy tắc nhất định. Như trong ví dụ trên, nếu trí chưa được học tập rèn luyện, khi con bạn ốm bạn sẽ không biết phải làm gì, bạn có thể còn không biết nên đi nơi nào khám. Nguồn năng lượng trong trí vẫn ở đó, nhưng nó chưa được mài dũa để đưa vào sử dụng. Ngược lại nếu trí của bạn đã được học tập ngành y sĩ, bạn có thể tự khám chữa cho con mình. Có rất nhiều phương pháp rèn luyện trí, để cho nó học tập, tăng trưởng, nhạy bén, và linh động, và đó là mục đích chủ yếu của nền giáo dục.
Vậy tại sao trí lại sản sinh niệm? Đó là một quá trình quan niệm hóa, biểu tượng hóa nguồn năng lượng đó xuống một khái niệm hữu hạn, để phục vụ cho quá trình hiện thực hóa Ý. “Thế giới bên ngoài” là một tổ hợp những biểu tượng, vật thể hữu hình, hữu hạn và “thế giới bên trong” cũng thế. Thế giới bên ngoài tạo ra thế giới bên trong và thế giới bên trong cũng tạo ra thế giới bên ngoài. Hai thế giới này tương tác với nhau theo hai chiều và nếu chúng muốn kết nối với nhau thì chúng phải sử dụng chung một ngôn ngữ lập trình. Đó là ngôn ngữ của những biểu tượng, ngôn từ, hình ảnh, khái niệm,cảm xúc…Trí chuyển hóa năng lượng trừu tượng thành một đối tượng cụ thể nào đó, tôi gọi nó là niệm. Ví dụ: một người muốn xây một ngôi nhà cho mình, trước hết tâm anh ta động, phát sinh ra ý (muốn xây nhà), ý tác động lên trí, trí sử dụng năng lượng và tri thức đã được lập trình của nó để tạo ra một hình dung về ngôi nhà trong đầu, một thiết kế trong tưởng tượng, rồi sau đó một bản vẽ trên giấy, rồi thuê người xây thành một ngôi nhà. Trong quá trình này niệm sản sinh không ngừng: xây nhà cao bao nhiêu, bao nhiêu phòng, vật liệu gì,…Nếu không có những niệm đó thì quá trình hiện thực hóa này chắc chắn bế tắc.
Những niệm phát sinh ra nhằm mục đích hiện thực hóa ý, (giống như niệm khi xây nhà, khi làm việc, khi đưa con đi khám,…) tôi gọi chúng là chính niệm. “Chính” ở đây không có nghĩa là thứ đối lập với “tà”. “Chính” ở đây nghĩa là “chính đáng”. Những niệm sinh ra một cách chính đáng do ý, chúng không có gì xấu hay tốt, chúng chỉ đơn giản là công cụ giúp ta xây dựng và điều hướng cuộc sống này. Còn một loại niệm khác, thứ chính xác là cái mà chúng ta muốn loại bỏ trong quá trình tu tập, đó là tạp niệm. Tạp niệm là những niệm dường được trí sản sinh ra một cách “ngẫu nhiên, tự động”. Giống như khi ta đang cố gắng ngủ, bỗng nhiên ta nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa, những tiếc nuối nào đó, hoặc khi ta đang làm việc bỗng nhiên ta xao nhãng và suy nghĩ bỗng lang thang khắp mọi nơi. Đại khái là ta không hề có ý, những suy nghĩ vẫn cứ tự động nảy sinh vô chủ đích. Đáng tiếc là những tạp niệm này chiếm gần như tới 99% trong toàn bộ niệm của hầu hết mọi người trong một ngày. Những tạp niệm này tiêu tốn quá nhiều năng lượng của trí, khiến ta không còn đủ trí năng để tập trung cho những công việc thiết yếu.
Tại sao những tạp niệm này cứ tự động sản sinh ra không ngừng? Bởi vì cái trí giống như một máy nạp điện và phát điện. Khi nó được nạp năng lượng thông qua những giấc ngủ, thì nó phải phát năng lượng ra thông qua đầu ra, nó không thể trữ năng lượng, nó nhất định phải phát ra. Một ngày, chúng ta thường không có quá nhiều ý, trong thời gian trống đó, trí liên tục phát năng lượng và chuyển hóa thành những tạp niệm, vậy là năng lượng bị thất thoát một cách vô ích. Nếu một người đủ bận rộn với đủ thứ công việc, họ phát ra rất nhiều ý liên tục, vậy thì tự động không có chỗ, cũng không đủ năng lượng cho những tạp niệm. Với một người không bận rộn thì sao, năng lượng của trí sẽ được sử dụng như nào mới hợp lý? Vậy thì ta có thể phát ra một ý cực lớn, hoặc cực khó khăn, khiến cho trí năng không thể xử lý được ngay trong nhất thời nửa khắc. Giống như khi bạn phát ra ý muốn giải một bài toán rất khó, có thể toàn bộ niệm của một ngày ta chỉ dành cho việc đó. Hoặc khi con bạn bị ốm nặng, cả ngày bạn chỉ lo lắng cho nó, vậy toàn bộ niệm của một ngày đó chỉ dành cho việc chăm sóc và tìm cách cho con bạn khỏe lên. Vậy khi bạn phát một ý cực kỳ to lớn và vĩ đại như việc đạt được giác ngộ thì sao? Toàn bộ năng lượng trí của bạn, toàn bộ niệm của một đời bạn sẽ dành cho ý đó, không có chỗ cho tạp niệm, bất cứ lúc nào. (Đùa thôi, không mất tới một đời đâu, nếu bạn đã thực sự bước ra được một bước kia, thì chỉ cần vài năm là đủ.)
Toàn bộ sự tu tập ở mức độ nhập môn có thể nói tóm gọn xuống rằng: đây là quá trình tập trung toàn bộ trí năng vào cái ý muốn giác ngộ. Là một quá trình kiểm soát cái trí thực hành đúng theo ý. Giống như nhà vua ban hành thánh chỉ, toàn bộ quan viên và dân chúng đều phải toàn tâm toàn ý vâng mệnh. Vâng, điều này cũng rất là khó. Cái Ý phải đủ mạnh và nó liên quan tới Tâm. Đó là lý do chúng ta phải tiếp tục đào sâu xuống Tâm. Làm thế nào cho Ý đủ mạnh? Làm thế nào mà Tâm phát sinh ra Ý? Tu tâm như nào đây?