4. Tiến sĩ Pillay phỏng vấn

Bốn câu hỏi này đến từ Tiến sĩ Kriben Pillay, biên tập viên và người sáng lập Tạp chí The Noumenon Journal.

H: Anh đã nhắc đến sự giác ngộ một vài lần như là ‘nhận thức bất nhị thường hằng’. Có thể nói thêm về điều này không?

Đ: Thuật ngữ nhận thức bất nhị là một nỗ lực để nắm bắt thực tại sống động của sự vô ngã bằng lời ngôn từ. Thuật ngữ này—Nhận Thức Bất Nhị —có vẻ như là một sự miêu tả hợp lý về trạng thái này từ bên trong nó. Từ Thường Hằng phân biệt nó với bất kỳ trạng thái phù du, tạm bợ nào thường bị nhầm lẫn hoặc được rao bán là Giác Ngộ Tâm Linh. Thực ra, tôi nghĩ thuật ngữ tệ nhất cho sự Giác Ngộ Tâm Linh chính là từ Giác Ngộ Tâm linh. Như tôi đã nói trong sách, tôi không nhận ra cho đến nhiều năm sau khi thức tỉnh rằng những gì tôi đã đạt được/trở thành chính là những gì mọi người muốn nói khi họ nhắc tới Giác Ngộ Tâm Linh; ít nhất, là những gì những người đó muốn nói đến khi họ sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái tuyệt đối chứ không phải trạng thái mơ ở cấp độ cao hơn như Ý Thức Hợp Nhất. Trải nghiệm về Ý Thức Hợp Nhất chắc chắn giống như thứ mà anh muốn gọi là Giác Ngộ Tâm Linh hơn, nhưng nó không kéo dài được lâu, vậy nó là gì? Một giấc mơ ngọt ngào. Tôi đồng ý rằng đó là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm, nhưng nó không phải là sự thức tỉnh vĩnh viễn khỏi ảo tưởng.
Thuật ngữ tốt nhất có thể là Giác Ngộ Chân Lý. Thuật ngữ Giác Ngộ Tâm Linh duy trì sự huyền bí trên đỉnh núi, phủ đầy sương mù, trong khi Giác Ngộ Chân Lý nghe có vẻ tự nhiên, hợp lý và ở trong tầm với. Sự Giác Ngộ Tâm Linh dành cho giới siêu ưu tú, còn chân lý là công việc của tất cả mọi người.

H: Phương pháp Spiritual Autolysis sẽ hoạt động như thế nào nếu một người (vẫn chưa giác ngộ) đi khắp nơi nói rằng giác ngộ là ‘nhận thức bất nhị thường hằng’?

Đ: Chính xác, đó là câu hỏi ở đây. Gọi nó là nhận thức bất nhị thường hằng có thể là một mô tả đầy đủ từ bên trong, nhưng liệu nó có hữu ích từ bên ngoài không? Liệu người tìm kiếm có đạt được ích lợi gì khi biết và gọi nó bằng cái tên đó không? Và câu trả lời là, tôi nghĩ, không nhiều lắm.

Trong cuốn sách, tôi đã cố gắng truyền tải thực tế hàng ngày, thậm chí là sự tầm thường, của trải nghiệm của tôi. Tôi muốn tự coi mình là một người đã thức tỉnh và nói rằng “Hãy nhìn xem, đây chính là nó. Đây chính là những gì nó thực sự là.” Vì vậy, thuật ngữ nhận thức bất nhị thường hằng phục vụ cho mục đích đó, nhưng có lẽ đó không phải là thuật ngữ sáng tỏ nhất đối với người tìm kiếm.

Với mục đích cố gắng đạt được trạng thái này, tôi nghĩ các thuật ngữ Vô Ngã, Giác Ngộ Chân Lý và Bất Nhị có giá trị thực tiễn hơn.

H: Anh có đề cập rằng anh thích những cuốn sách được viết bởi những người đã đạt được giác ngộ và những người viết rất hay về điều đó. Anh có thể kể tên một vài tác giả không?

Đ: Tôi sẽ tránh câu hỏi này để đưa ra một câu trả lời phù hợp hơn. Mục tiêu của người tìm kiếm chân chính luôn là thực hiện bước tiếp theo, mở cánh cửa tiếp theo. Thức tỉnh không phải là một sự theo đuổi học thuật hay một thách thức về mặt khái niệm. Khả năng mở cánh cửa tiếp theo là điều duy nhất quan trọng, và chìa khóa có thể nằm trong bất kỳ gói nào; một cuốn sách, một ngón chân bị vấp, một câu quảng cáo, một chiếc lá cỏ. Nếu ý muốn của anh được đặt vào đúng chỗ, thì vũ trụ sẽ đóng vai trò là người thủ thư của anh và anh sẽ luôn có những gì anh cần khi anh cần.

H: Một số vị thầy như U.G Krishnamurti cho rằng cá nhân không thể làm gì để trở nên giác ngộ bởi vì điều đó có nghĩa là sự kết thúc của ý thức cá nhân. Anh nhấn mạnh rằng điều đó có thể xảy ra thông qua ý muốn có chủ đích và rằng nó sẽ không mất quá hai năm sau khi bước đầu tiên xảy ra. Anh sẽ xem quan điểm của U.G như thế nào (và của Balsekar, người mà anh trích dẫn), vì nó đưa đến cuộc tranh luận cũ về định mệnh và tự do ý chí trong việc theo đuổi sự giác ngộ?

Đ: Đầu tiên, cuộc tranh luận về định mệnh và tự do ý chí không phải là vấn đề; một cái hố khô. Nó dựa trên những giả định sai lầm và tri kiến sai lầm. Thông qua sự nhìn nhận rõ ràng, thay vì niềm tin, bất kỳ câu hỏi nào như vậy đều có thể được vượt qua/phá hủy, và toàn bộ vấn đề được bỏ lại phía sau. Đó chỉ là một cánh cửa khác làm ta bị kẹt lại một thời gian và cuối cùng vượt qua khi anh phát hiện ra nó thực sự không hề tồn tại ở đó. Rõ ràng là không có câu trả lời nào là khả thi. Bí quyết là phải thấy rằng câu hỏi cũng không khả thi.

Thứ hai, vâng, tôi nhấn mạnh. Nó không chỉ có thể xảy ra thông qua ý muốn có chủ đích, mà nó chỉ có thể xảy ra thông qua ý muốn có chủ đích.
Việc nói rằng cá nhân không thể làm gì để thoát khỏi nhận thức nhị nguyên vì nó dẫn đến nhận thức bất nhị là vô lý, nó giống như đang nói một sinh vật sống không thể bước xuống vách đá vì điều đó dẫn đến cái chết, hay một người mơ không thể thức dậy vì anh ta đang mơ.

Tuy nhiên, nếu U.G Krishnamurti và những người khác nói rằng bản ngã không thể đạt được vô ngã, thì điều đó hoàn toàn đúng. Sự kết thúc của cái này đánh dấu sự khởi đầu của cái kia. Không ai có thể vừa ăn bánh mà vừa vẫn còn có cái bánh, bất chấp thứ mà rất nhiều kẻ ích kỷ và kẻ trục lợi muốn chúng ta tin.

Có phải là nghịch lý không? Có. Có thể giải thích để mọi người hiểu không? Không. Mọi người có thể tự mình đến xem và hiểu trực tiếp không? Có. Làm thế nào? Vuốt, cào, cắn và đốt. Đốt cháy mọi thứ. Hãy tự suy nghĩ và tìm ra điều gì là đúng. Anh tìm ra cái gì là đúng thông qua quá trình loại trừ, bằng cách tìm ra cái gì không đúng. Đó là chìa khóa chính; hãy theo đuổi sự thật. Cuối cùng là lời khuyên duy nhất của tôi. Đồng hồ đang tích tắc và anh hoàn toàn phải tự thân vận động. Hãy quên đi các khái niệm, quên đi triết lý, quên đi tâm linh, quên đi những gì người khác nói, đừng cố gắng áp đặt các thuật ngữ. Chỉ cần tự suy nghĩ độc lập và tìm ra điều gì là đúng.

Anh có thể làm được.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.