Giống như cây sáo

Hôm nay rảnh rỗi mang sáo trúc ra thổi, bất giác tôi lại nhớ về những ngày đầu mình tập sáo, đó đã là mười mấy năm trước, khi tôi còn là sinh viên. Từ lâu tôi đã rất thích nghe tiếng sáo và ngày đó đã quyết định tự học sáo. Cái khốn khổ của tôi lúc đó không phải là việc thổi sáo quá khó, mà là tôi không có một nơi thích hợp để tập luyện. Tôi tự học hoàn toàn một mình, không có thầy giáo, cũng không có tham gia câu lạc bộ nào. Khi đó, tôi ở trong một xóm trọ nhỏ, đông đúc với đủ thành phần người thuê. Đặc điểm khác biệt của sáo trúc so với các loại nhạc cụ khác là đã thổi thì phải thổi to, thổi mạnh thì mới ra âm thanh chuẩn, không thể cho “nhỏ tiếng” được, nhất là khi thổi các nốt cao. Thành ra, mỗi lần tôi tập thổi sáo sẽ là gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người khác. Có lúc người ta lên nhắc nhở tôi. Điều này khiến cho tôi rất ngượng ngùng và xấu hổ. Do đó tôi rất ít dám tập thổi sáo ở xóm trọ, chỉ khi về quê mới có đủ không gian thoáng để tập luyện, tôi hết sức tận dụng thời gian đó. Dần dần tiếng sáo cũng ổn. Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ thích thổi sáo ở nơi không người. Có một nỗi sợ hãi vẫn luôn thường trực trong tôi.. Đó là do tôi sợ mình thổi dở làm người khác khó chịu, sợ họ đánh giá phán xét xấu về mình. Vâng, thực ra đây là một nỗi sợ rất phổ thông, sợ hỏng mất hình tượng bản thân, suy cho cùng cũng là sợ đánh mất bản ngã. Tôi học thổi sáo ngoài việc thỏa mãn bản thân, cũng là có mang một chút hy vọng xây dựng hình ảnh con người mình. Tôi có muốn mọi người nghĩ về mình là một người tốt đẹp, thêm một sự tốt đẹp là biết thổi sáo, biết chơi nhạc cụ, là người nghệ sĩ,… chứ không phải gây ấn tượng xấu là kẻ gây ồn ào phiền phức. Vậy có thể làm hỏng hình tượng bản thân mình trong mắt người khác. Tất nhiên, đó là do tôi sợ hãi, nên tôi có thể tượng tượng ra mọi trường hợp xấu đó. Thực tế là có thể người nghe không hề ghét tiếng sáo của tôi, thậm chí có thể là ưa thích nữa, hoặc có thể là chẳng có người nghe nào, chẳng có ai thèm để ý. Có thể tất cả chỉ là tôi đang tự TƯỞNG TƯỢNG ra. Ai mà biết được.

Nếu nhìn nhận cẩn thận, nỗi sợ hãi này có ở mọi phương diện, mọi khía cạnh trong đời sống chúng ta. Nỗi sợ bị phán xét là xấu, sợ hỏng mất hình ảnh bản thân, sợ đánh mất bản ngã. Tôi nhận ra rằng để vượt qua nỗi sợ này, có một cách. Nếu đã sợ mất bản ngã, vậy hãy cho nó mất luôn đi, (vì sau cùng thì nó cũng phải bị mất mà thôi) vậy thì không còn gì phải giữ nữa, vậy thì đâu còn gì để sợ. Khi ta đã mất tất cả, thì đâu còn gì nữa để sợ MẤT?

Có thể sẽ có người nói với tôi rằng: Nếu bạn nghĩ rằng cuộc sống là vô nghĩa và đằng nào cũng phải chết thì tại sao bạn không chết luôn ngay lúc này đi? Có thể bạn cũng đã từng tự nhủ như vậy. Câu hỏi này dường như là câu hỏi hợp lý, nhưng thực chất rất dễ dàng để phá hủy câu hỏi này. Sống và chết chỉ là hai mặt của đồng xu, nếu sống là vô nghĩa thì chết cũng là vô nghĩa. Vì thế có thể ta không cần lý do gì để sống, nhưng cũng không cần lý do gì để đi chết luôn. Nếu bạn có thể thuyết phục tôi rằng cái chết của tôi sẽ mang lại ý nghĩa hơn sự sống của tôi, thì tôi sẵn sàng tự hủy ngay. Thực tế trong nhiều trường hợp, có những bậc giác ngộ vẫn chủ động tọa hóa khi tới thời điểm. Tôi vẫn sống một cách bình thường, nhưng tôi sẽ không từ chối cái chết khi nó mở ra với tôi. Nhiều người có thể cho rằng đây là một cách sống tiêu cực, nhưng tôi hoàn toàn dựa vào vũ trụ này, hoàn toàn tin tưởng nó, thả trôi mặc cho nó chảy đi đâu thì chảy, giống như một chiếc là trên một dòng sông.

Mọi người có thể đang nhìn thấy tôi đang sống, sinh hoạt, nhảy nhót tưng bừng như một người bình thường, nhưng thực ra tôi đã chết rồi nếu nói theo một khía cạnh nào đó. Tôi cũng nhận ra rằng chỉ khi mình quên mất bản thân, quên luôn cả thế giới xung quanh, thì tiếng sáo của tôi mới hay nhất. Cây sáo, chỉ là một tử vật, một thanh trúc bị chặt ra khỏi cây, nó đã chết, nhưng nó vẫn phát ra âm thanh tuyệt diệu. Vì sao? Vì nó TRỐNG RỖNG. Nguyên bản, cây trúc không được thông lỗ hai đầu, người làm sáo chặt nó ra và đả thông các đốt trúc để tiếng gió có thể đi vào và đi ra được, nhờ kết cấu của ống trúc và lỗ thổi gió từ đó vào mà nó phát ra được âm thanh. Sau đó người ta đục thêm các lỗ khác để tạo thanh âm trầm bổng. Tôi cũng giống như thanh trúc kia vậy, đã là tử vật, bị đả thông, trống rỗng, có thể phát ra âm thanh. Những dòng chữ này là âm thanh của tôi. Tôi không biết nó đến từ đâu, nhưng tôi cứ viết ra nó như vậy một cách tự động. Những âm thanh của tôi có thể hay, có thể dở, cây sáo bản thân tôi có thể vẫn chưa được đục lỗ một cách hoàn hảo, nhưng ít nhất, tôi không còn nỗi sợ năm xưa, tôi không sợ bị người ta đánh giá, bị phán xét, không sợ gì cả. Một cây sáo bản thân nó có thể sợ gì sao? Chỉ có cái bản ngã giả tạo mới sợ.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.