Theo giáo lý đạo Phật, một nhân tố quan trọng khiến cho con người mãi luân hồi đó là vasana. Vasana có thể được định nghĩa theo kinh sách là những khuynh hướng vi tế của tâm trí, những dấu ấn trong tàng thức, chủng tử,…những thứ âm thầm ảnh hưởng đến hành động hiện tại của chúng ta. Ở đây, tôi sẽ sử dụng một thuật ngữ đơn giản hơn đó là “thói quen”. Cách làm của chúng ta sẽ dỡ bỏ hết những quan niệm rườm rà không cần thiết để đưa về cái cốt lõi, cái tối giản. Thói quen là từ những thói quen nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, mỗi khi thức giấc bạn sẽ đều đi vệ sinh, đánh răng, rửa mặt. Khi nó đã hình thành thói quen của bạn thì ngày nào bạn cũng làm những việc đó mà không cần suy nghĩ gì về chúng. Nếu ta phải làm một điều gì đó khác thói quen thường ngày , ta sẽ phải suy nghĩ về nó. Chẳng hạn, sáng nay tôi buộc tôi dạy sớm hơn để chạy bộ, ngay lúc tỉnh dạy, đầu tôi tự động nảy ra các suy nghĩ liên quan tới việc chạy bộ (chạy ở đâu, chạy bao lâu, hay là không chạy nữa, ngủ tiếp,…) Việc đi xe máy đi làm cũng vậy, khi nó đã thành thói quen của bạn, khi ngày nào bạn cũng đi chiếc xe máy đó, đi quãng đường đó, trong thời gian đó, bạn sẽ không hề suy nghĩ gì về việc lái xe, không hề tập trung về những gì đang xảy ra trên đường mà tâm trí bạn sẽ lang thang tới những suy nghĩ khác.
Nếu chúng ta suy tư kỹ lưỡng, ta sẽ thấy phần lớn các hành động trong ngày của ta đều là do thói quen. Khi ta đã hình thành thói quen, ta sẽ luôn có khuynh hướng tiếp tục thực hiện điều đó, và tôi gọi điều này là “luân hồi”. Luân hồi là thứ xảy ra hàng ngày chứ không phải chỉ xét với kiếp này kiếp khác. Tức là nó xảy ra từ cấp độ nhỏ nhất cho tới lớn nhất. Chúng ta chưa thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh, chưa thể nhìn thấy cái lớn, vậy hãy bắt đầu nhìn từ cái nhỏ nhất, định hình nó rồi dần dần lùi lại, lùi ra xa hơn, lùi xa hơn nữa để có được cái nhìn toàn cảnh.
Những thói quen nhỏ bắt nguồn từ một thói quen lớn, những thói quen lớn bắt nguồn từ một thói quen lớn hơn, và cứ thế. Chẳng hạn, bạn có thói quen dạy lúc 7h, thói quen uống một cốc cà phê mỗi ngày, nó bắt nguồn từ thói quen làm việc mỗi ngày. Nếu không làm việc thì bạn có thể sẽ không có hai thói quen kia. Thói quen làm việc mỗi ngày lại có thể bắt nguồn từ thói quen kiếm tiền và tiêu tiền. Nếu chưa có thói quen kiếm tiền/tiêu tiền thì có thể bạn sẽ không cần tiền và sẽ không hình thành thói quen làm việc. Chẳng hạn nếu bạn đã luôn được bố mẹ cho tiền tiêu, không cần phải kiếm tiền, thì bạn sẽ chẳng có thói quen làm việc mỗi ngày,… Cứ như thế, một thói quen có thể do nhiều thói quen khác tác động gây ra và ngược lại.
Có một điều rất quan trọng cần lưu ý là chúng ta đang tự định nghĩa bản thân mình qua những thói quen đó. Ví dụ, bạn ngày nào cũng dậy sớm để tập thể dục và làm việc thì bạn đang tự nghĩ mình là một người chăm chỉ. Ngày nào bạn cũng ngồi thiền thì bạn nghĩ mình là một người tâm linh,… Việc thay đổi thói quen là khó khăn vì nó tương đương thay đổi bản thân, tức là giết đi một phần nhỏ của bản thân và thay thế nó bằng một phần khác (có thể là tốt hơn hoặc xấu hơn). Và điều đó khá là khó chịu lúc đầu, cho tới khi cơ thể mới của bạn thích nghi với phần mới và nó quen thuộc, vậy là bạn có thói quen mới.
Khi truy tố tới tận cùng ta có thể nhận ra rằng hầu hết mọi thói quen của ta đều bắt nguồn từ một thói quen LỚN: tự đồng hóa bản thân với cơ thể này. Tại sao tôi nói việc đồng hóa với cơ thể là thói quen? Vì nó chính là một khuynh hướng của tâm trí, của tiềm thức đã được hình thành cố định sau một thời gian. Hãy nhớ lại rằng từ lúc ta được sinh ra cho tới khi khoảng 3-4 tuổi, ta không hề có thói quen định nghĩa mình là cơ thể. Nó được hình thành do bố mẹ dạy chúng ta, khi bố mẹ ôm ấp chúng ta, khi họ nói cho chúng ta biết đâu là tay của ta, đâu là chân, cái gì là vật bên ngoài, cái gì là cơ thể, có thể là khi chúng ta sờ vào thứ gì không nên sờ, bố mẹ sẽ đánh vào tay ta và gạt đi,…Tất cả những điều đó dần dần hình thành và định hình thói quen đồng nhất rằng ta là cơ thể này, những thứ bên ngoài cơ thể không phải là ta. Để rồi mỗi sáng tỉnh dậy, ngay lập tức ta ý thức rằng mình là cơ thể này và cơ thể này sẽ làm những gì.
Thói quen lớn này chính là thứ đang đưa chúng ta luân hồi từng giây từng phút từng ngày, và có thể là từng kiếp sống? Và nếu ta thay đổi thói quen lớn này, điều đó đâu có khác gì tự giết chính bản thân mình? Và cái gì sẽ thay thế vào đó? Ai biết được, trừ khi chính ta đi vào con đường này.