Phụ lục: Cốt lõi của giáo lý

Cốt lõi của sự giảng dạy của Sri Nisargadatta Maharaj là tri thức về thân phận thực sự của chính mình. Tri thức này thực sự là điểm then chốt vận hành mọi thứ. Nó là sự thật cốt yếu. Và sự nhận thức về sự thật này chỉ nảy sinh từ một trải nghiệm mạnh mẽ của cá nhân, chứ không phải từ một nghiên cứu về các văn bản tôn giáo, thứ mà theo Maharaj, chúng không là gì khác ngoài ‘tin đồn’. Dựng lập trường của mình trên nền tảng của những sự thật không thể chối cãi và hoàn toàn loại bỏ mọi giả định và suy đoán, ông ấy thường nói với những vị khách mới đến bằng những từ ngữ sau:

“Bạn đang ngồi đó, tôi đang ngồi đây, và có thế giới bên ngoài – và, vào lúc này, chúng ta có thể cho rằng phải có một đấng sáng tạo, hãy gọi đó là Thượng Đế. Ba trên bốn đối tượng đó là sự thật hoặc trải nghiệm, không phải ‘tin đồn’. Chúng ta hãy giới hạn cuộc trò chuyện của mình chỉ với những đối tượng này.” Cơ sở này tự động loại trừ những kinh sách truyền thống ‘tin đồn’, và do đó luôn có một cảm giác phấn khích, cởi mở và tự do trong các buổi trò chuyện với Maharaj. Lời nói của ông ấy không cần sự hỗ trợ từ những lời nói hoặc kinh nghiệm của người khác, mà xét cho cùng thì đó cũng là tất cả những gì mà các văn bản truyền thống có thể truyền tải. Cách tiếp cận này hoàn toàn tước vũ khí của những kẻ ‘có học’ đến để thể hiện trình độ của họ trước những vị khách khác, đồng thời hy vọng sẽ nhận được chứng chỉ công nhận từ Maharaj về trạng thái tiến hóa cấp cao của họ. Đồng thời, nó khuyến khích rất nhiều người tìm kiếm tâm linh chân chính, những người thích bắt đầu từ con số không.

Trên cơ sở này, một vị khách thường nhận ra rằng mình không có quá nhiều câu hỏi để hỏi bởi vì tất cả các câu hỏi trước đó của anh ta thường dựa trên “tin đồn”. Maharaj thường giúp một vị khách như vậy bằng cách đưa ra một truy vấn chẳng hạn như: Thứ mà nếu ta không có thì không ai có thể nhận thức được bất cứ điều gì hoặc làm bất cứ gì, thứ đó là gì? Nếu không có thứ đó, bạn sẽ không thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào và tôi cũng sẽ không thể trả lời, nó là gì? Nếu bạn và tôi không có ý thức, liệu chúng ta có thể có cuộc trò chuyện này không? ‘Ý thức’ là gì? Đó chẳng phải là cảm giác hiện hữu, cảm giác đang sống sao? Cảm giác Hiện Diện Có Ý Thức này không thực sự liên quan đến bất kỳ cá nhân nào đang có mặt: Đó chỉ là cảm giác về sự hiện diện có ý thức, chỉ đơn thuần thế thôi. Nếu không có ý thức này, ví dụ, khi ý thức rời khỏi cơ thể lúc chết, thi thể nhanh chóng bị vứt bỏ – chôn cất hoặc hỏa táng – bởi vì nếu không thì xác chết sẽ nhanh chóng sẽ bắt đầu bốc mùi. Vậy thì, một cá nhân có thể được coi là một thiên tài khi cái ý thức còn ở đó, khi ý thức không còn, cá nhân đó ở đâu? Anh ta được cho là đã ‘chết’.

Ý thức — Cơ sở của mọi sự Biểu Lộ

Maharaj nói với các vị khách rằng mọi thứ ông nói là chỉ xoay quanh cái ý thức hoặc cái Ta-tồn-tại . Mọi thắc mắc về bất cứ điều gì khác sẽ vô ích bởi vì ý thức này phải ở đó trước khi bất cứ điều gì khác có thể có được. Ông nói, nếu ta không tồn tại, thế giới không tồn tại (như trong giấc ngủ sâu). Chỉ khi ta có ý thức thì thế giới mới tồn tại đối với ta. Maharaj khẳng định, tất cả các câu hỏi của người tìm kiếm, do đó phải liên hệ với cái ý thức này: Nó đã phát sinh như thế nào? Nguồn của nó là gì? Điều gì duy trì nó? Bản chất của nó là gì? Câu trả lời cho những truy vấn này dẫn đến tri thức đích thực. Không có ý thức, không thể có tồn tại hiện tượng, và do đó ý thức là Thượng Đế cao nhất mà một cá nhân trong tính cá nhân của mình có thể nhận thức, dù cho anh ta có thể đặt cho nó bất kỳ tên nào – Krishna, Ishwara, Shiva, Christ, v.v … Khi ý thức rời khỏi cơ thể, không có cá nhân, không có thế giới, không có Thượng Đế.

Maharaj nói, mối quan hệ giữa cơ thể vật chất và ý thức phải được nhận thức cực rõ ràng. Ý thức chỉ có thể có ý thức về chính nó chừng nào nó đã tự biểu lộ ra ở một hình thức có tính hiện tượng, một cơ thể, cho dù đó là côn trùng, sâu kiến hay động vật hay con người hiện tại.

Khi không có cơ thể, trong trạng thái bất biểu lộ, ý thức không có ý thức về chính nó. Không có ý thức thì cơ thể chỉ là vật chất chết. Do đó, Maharaj nói, cơ thể là cái thức ăn duy trì ý thức và công cụ thông qua đó ý thức hoạt động. Trên thực tế, ông ấy nói, ý thức là ‘bản chất’, hay ‘tinh túy’, hay ‘hương vị’ của cơ thể vật lý giống như vị ngọt là bản chất của đường.

Sau khi chúng ta đã hiểu mối quan hệ mật thiết này giữa cơ thể và ý thức, Maharaj yêu cầu chúng ta tìm ra nguồn gốc của cái ý thức-cơ thể này. Nó đã xảy ra như thế nào? Nguồn của cơ thể con người là tinh trùng nam được thụ tinh trong noãn của tử cung nữ và khi sự thụ thai sẽ diễn ra, ý thức tiềm ẩn trong đó. Nó là như này – tinh trùng đực được thụ tinh với ý thức tiềm ẩn trong đó – phát triển trong tử cung người mẹ, được sinh ra trong quá trình sinh nở là một em bé sơ sinh, lớn lên thành một đứa trẻ và phát triển sau đó trong suốt cuộc đời của nó. Lực lượng đằng sau sự phát triển tự nhiên này là gì?
Nó đâu là gì khác ngoài cái ý thức tiềm ẩn trong tinh trùng nam giới, bản thân tinh trùng này vốn là tinh chất của thức ăn mà bố mẹ đã hấp thụ. Maharaj nói, cần phải rõ ràng rằng ý thức là bản chất của cơ thể vật lý (giống như vị ngọt của đường) và thể chất cơ thể được tạo thành và duy trì bởi thức ăn, cái có bản chất là thuộc năm nguyên tố. Trong quá trình tự nhiên tự phát này, cái cá nhân như vậy không hề có bất kỳ ý nghĩa nào. Cơ thể cá nhân được tạo ra từ thức ăn, và cái ý thức là phổ quát, xuyên suốt toàn khắp. Làm thế nào để một cá nhân có thể khẳng định sự tồn tại độc lập, hoặc sự trói buộc và sự giải thoát cho chính mình?

Có cá nhân nào được tham khảo ý kiến cho ‘sự ra đời’ của chính mình như một vấn đề thảo luận với một cặp cha mẹ cụ thể không? Cái ‘tôi’ và ‘của tôi’ chỉ xuất hiện sau khi sinh, đó rõ ràng là kết quả của một quá trình tự nhiên mà trong đó mà cả cha mẹ và em bé đều không có bất kỳ sự lựa chọn nào. Nói cách khác, Maharaj chỉ ra, cơ-thể-kiêm-thức là một đơn vị mang tính hiện tượng đã được tạo ra một cách tự nhiên từ năm nguyên tố (không gian, không khí, lửa, nước và đất) và ba thuộc tính (Sattva, Rajas và Tamas). Cái đơn vị này phát triển trong suốt vòng đời của nó và sau đó ‘chết’ – nghĩa là quay trở lại năm nguyên tố, và ý thức bị giới hạn bởi cơ thể được giải phóng vào Ý Thức Phi Cá Nhân.

Bây giờ, Maharaj hỏi, trong quá trình tự nhiên của việc tạo ra và phá hủy một đơn vị mang tính hiện tượng này, câu hỏi về ‘bạn’ có thể ở đâu? Bạn chưa bao giờ tham gia vào việc tạo ra một đơn vị mang tính hiện tượng mà ‘bạn’ cho rằng đó là mình. Bạn đã được cha mẹ của bạn nói rằng bạn đã được ‘sinh ra’ và một cơ thể cụ thể là ‘bạn’. Bạn thực sự không có kinh nghiệm thực tế về việc được sinh ra. Cái được sinh ra là một đơn vị mang tính hiện tượng, một bộ máy thần kinh hoạt động bằng ý thức. Nếu ý thức không có ở đó, bộ máy cơ thể không chỉ vô dụng mà còn phải được thải bỏ một cách nhanh nhất có thể.

Vậy bạn là ai? Maharaj nói, bạn là cái gì trước khi cái ý thức kiêm cơ thể này ra đời, ‘một trăm năm trước’ bạn đã là cái gì?

Câu hỏi tự nhiên nảy sinh ở giai đoạn này là: Vậy ai là người hoạt động trên thế giới với tư cách là cơ thể? Câu trả lời theo Maharaj là trong sự biểu lộ, ý thức là tất cả. Chính là cái ý thức hoạt động thông qua hàng triệu cơ thể theo đặc tính bẩm sinh của các thành phần của mỗi cơ thể. Có hàng triệu hình dạng sống có thần kinh nhưng không có hai dạng nào hoàn toàn chính xác giống nhau ở tất cả các khía cạnh bởi vì mỗi hình dạng đều có sự kết hợp đặc biệt của năm nguyên tố cộng với ba thuộc tính. Mỗi phần tử có đặc điểm riêng của nó và mỗi thuộc tính cũng vậy. Hãy tưởng tượng hàng triệu cấp độ mà mỗi khía cạnh trong số tám khía cạnh này có thể có, và kết quả là hàng tỷ và hàng nghìn tỷ hoán vị và tổ hợp có thể được tạo ra! Ý thức hoạt động thông qua cơ thể vật lý, mỗi cơ thể đều có tính khí và đặc điểm riêng, một phần dựa trên thành phần thể chất của nó và một phần dựa vào điều kiện nó đã nhận được. Nếu điều này được nhận thức rõ ràng thì ta cũng hiểu rằng không hề có cá nhân nào có quyền tự chủ để hành động một cách độc lập. Nhưng cá nhân, trong vô minh, tin rằng chính mình là người hành động; người lãnh hậu quả, Maharaj nói, những hành động mà anh ta tham gia là nơi giam hãm anh ta trong sự trói buộc ảo tưởng, và chịu đau khổ và khoái lạc. Đây là cách ‘trói buộc’ phát sinh.

Maharaj muốn chúng ta hiểu rõ một điểm: Con người coi mình là một sinh vật đặc biệt, khác biệt với tất cả các tạo vật khác. Nhưng cho đến khi nghiên cứu các thành phần của cấu trúc vật lý cấu thành nên con người, không hề có sự khác biệt giữa các loại sinh vật có tri giác. Chỉ có quá trình của sáng tạo là khác nhau mà thôi.

Mục đích thiết yếu của Paramartha

Maharaj liên tục thúc giục chúng ta không được đánh mất, quên mất, bỏ qua hoặc phớt lờ mục đích thiết yếu của toàn bộ Paramartha, tức là sự hiểu biết tối hậu và để biết được Svarupa, tức là thân phận thực sự của chúng ta. Thân phận thực sự của chúng ta là gì? Maharaj sẽ nói rằng: Khi bất biểu lộ, ở trong sự tĩnh lặng, thân phận của chúng ta là Cái Nhất Thể Tuyệt Đối – Nhận Thức Thuần Túy không nhận thức được chính bản thân nó; khi được biểu lộ vận hành trong tính nhị nguyên, thân phận của chúng ta là cái ý thức tìm kiếm chính bản thân nó như là một ‘thứ khác’ bởi vì ‘nó không thể chịu đựng được sự hiện diện của chính nó.’ Maharaj nói, nói cách khác, ở trạng thái nguyên thủy của chúng ta, trạng thái phi thời gian, bất biến, là Vật Tự Thể Tuyệt Đôi, cơ thể kiêm ý thức đã xuất hiện giống như một căn bệnh tạm thời, không rõ nguyên nhân hoặc lý do, như một phần của ‘sự vận hành’ tổng thể của Ý Thức Phi Cá Nhân trong vai trò của nó là Tính Bát Nhã. Mỗi hình thức mang tính hiện tượng hoạt động trong thời gian được quy định của nó và vào cuối cùng nó biến mất một cách tự nhiên như cách nó xuất hiện, và ý thức, giải phóng khỏi sự giới hạn vật lý của nó, không còn ý thức về bản thân, hợp nhất trong Nhận Thức: một người không sinh ra cũng không chết đi. Để ý thức có thể tự biểu lộ ra cần có các hình thức vật lý để hoạt động và nó không ngừng tạo ra các hình thức mới và phá hủy các hình thức cũ.

Nếu đây là quá trình tự nhiên của sự vận hành tổng thể của ý thức, câu hỏi đặt ra: Làm thế nào mà thực thể riêng lẻ và sự ràng buộc của nó lại phát sinh? Một câu trả lời ngắn gọn, Maharaj nói, có thể nói rằng ý thức, bị giới hạn bởi nhà tù của hình thức vật lý và không tìm thấy bất kỳ hỗ trợ khác, tự lừa dối chính mình đồng hóa vào một cơ thể cụ thể và do đó tạo ra một thực thể giả lập; và thực thể giả lập này, tự nhầm lẫn mình là người thực hiện các hành động (mà thực sự tạo thành một phần trong sự vận hành tự phát của Tính Bát Nhã) và phải chấp nhận những hậu quả và do đó tự nó chịu sự trói buộc của nhân quả của khái niệm Karma.

Câu hỏi về sự tái sinh

Maharaj bác bỏ ý tưởng về sự tái sinh hoặc luân hồi, và cơ sở cho sự phủ nhận đó đơn giản đến mức khiến chúng ta phải xấu hổ: thực thể được cho là sẽ được tái sinh lại không thực tồn tại, nó chỉ là một quan niệm đơn thuần! Làm thế nào một quan niệm có thể được tái sinh?

Maharaj hỏi một người truyền bá học thuyết tái sinh một cách hoàn toàn hồn nhiên: “Làm ơn, tôi muốn biết, cái người sẽ được tái sinh đó là ai? “Cơ thể ‘chết đi’ và sau khi chết, được phá bỏ – chôn cất hoặc hỏa táng – một cách nhanh nhất có thể. Nói cách khác, cơ thể đã là không thể sửa chữa, không thể phục hồi, bị phá hủy không thể thay đổi được. Do đó, cơ thể đã là một vật thể không thể tái sinh. Sau đó làm thế nào mà những thứ phi vật thể như sinh lực (hơi thở), thứ mà khi cơ thể chết đi, hòa với không khí bên ngoài, hoặc ý thức đã hợp nhất với Ý Thức Phi Cá Nhân, có thể được tái sinh?

Có lẽ, Maharaj nói, bạn sẽ nói rằng cái thực thể có liên quan sẽ được tái sinh. Nhưng điều đó sẽ hoàn toàn nực cười. Bạn có biết rằng ‘thực thể’ không là gì khác ngoài một quan niệm, một ảo giác nảy sinh khi ý thức đồng nhất một cách nhầm lẫn chính nó với một hình thức cụ thể.

Làm thế nào mà ý tưởng về tái sinh lại nảy sinh? Nó có lẽ được hình thành như một loại lý thuyết nào đó có thể chấp nhận được để làm hài lòng những người đơn giản hơn, những người không đủ thông minh để nghĩ vượt xa hơn những tham số của thế giới biểu lộ.

Thực thể giả lập

Tuy nhiên, để thấy rõ làm thế nào thực thể giả lập, hay bản ngã (người được cho là nguyên nhân và đối tượng của sự trói buộc giả định) phát sinh, cần phải hiểu quá trình mang tính quan niệm của sự biểu lộ. Thứ mà ta là Tuyệt Đối, tự thể, là cái chủ thể-nhất thể-tuyệt đối, mà không có một chút ảnh hưởng nào của đối tượng. Cách duy nhất mà cái-mà-ta-là này có thể tự biểu lộ là thông qua một quá trình nhị nguyên, mà khởi đầu của nó là sự khuấy động của ý thức, cảm giác rằng ‘ta tồn tại’. Vốn là hoàn toàn không tồn tại lúc đầu, quá trình biểu lộ -đối tượng hóa này dẫn đến sự phân đôi thành chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức; người nhận thức và vật được nhận thức.

Vật tự thể- cái chủ thể thuần túy – phải luôn luôn là chủ thể duy nhất. Do đó, cả người nhận thức và vật được nhận thức đều là đối tượng trong ý thức. Đây là yếu tố cần thiết để ghi nhớ. Duy chỉ trong ý thức mà quá trình này có thể xảy ra. Mọi điều có thể tưởng tượng – mọi loại hiện tượng – mà các giác quan của chúng ta cảm nhận được và tâm trí của chúng ta diễn giải là cái hình tướng trong ý thức của chúng ta. Mỗi chúng ta chỉ tồn tại với tư cách là một đối tượng, một hình tướng trong ý thức của người khác. Người nhận thức và vật được nhận thức đều là đối tượng trong ý thức nhưng (và đây mới là điểm quan trọng liên quan đến thực thể giả lập) cái mà đang nhận thức lại giả định rằng nó là chủ thể của sự nhận thức đối với các đối tượng khác, trong một thế giới bên ngoài bản thân nó, và cái chủ thể đang nhận thức này coi cái tính chủ thể giả lập của nó như một thực thể độc lập, tự chủ một cái ‘ngã’ – với sức mạnh của hành động theo ý chí!

Nguyên tắc nhị nguyên, bắt đầu với cảm giác ‘Ta tồn tại’, và dựa trên đó là toàn bộ sự biểu lộ hiện tượng, được tiến thêm một bước khi thực thể giả lập, với vai trò là chủ thể giả lập, bắt đầu quá trình tư duy bằng cách so sánh các đối tượng phụ thuộc và đối lập nhau (chẳng hạn như tốt và xấu, tinh khiết và vấy bẩn, công đức và tội lỗi, hiện diện và vắng mặt, lớn và nhỏ, v.v.), và, sau khi so sánh, tự phân biệt chúng. Điều này tạo thành quá trình hình thành quan niệm.

Ngoài sự phân đôi giữa chủ thể và đối tượng, quá trình biểu lộ hiện tượng phụ thuộc vào khái niệm cơ bản về không gian và thời gian. Trong trường hợp không có khái niệm ‘không gian’, không có đối tượng nào có thể trở nên rõ ràng với dung lượng ba chiều của nó; tương tự, trong trường hợp không có ‘thời gian’, đối tượng ba chiều không thể được nhận thức – cũng như không có bất kỳ chuyển động nào có thể được đo lường – khi mà không có khoảng thời lượng cần thiết để làm cho đối tượng có thể nhận biết được. Do đó, sự biểu hiện hiện tượng diễn ra trong khái niệm không-thời gian, trong đó các đối tượng trở thành những hình ảnh xuất hiện trong ý thức, được nhận thức và nhận biết bởi ý thức, thông qua một quá trình của sự hình thành quan niệm, cơ sở của nó là sự phân tách thành chủ thể giả lập đang nhận thức và đối tượng được nhận thức. Kết quả của việc đồng hóa với người nhận thức trong quá trình của sự biểu lộ là quan niệm về một nhân cách giả với sự lựa chọn hành động của cá nhân. Và đây là toàn bộ cơ sở của sự ‘trói buộc’ ảo ảnh.

Maharaj nói, hiểu toàn bộ quá trình của sự biểu lộ hiện tượng không phải theo từng chút một và từng mảnh ghép một, mà nó là chỉ trong một khoảnh khắc của sự nhận thức. Cái Tuyệt Đối, vật tự thể là khía cạnh bất biểu lộ và cái hiện tượng, là khía cạnh được biểu lộ, chính là chúng ta. Cả hai vốn không khác nhau. Một sự ví von thô thiển sẽ là cái thực chất và cái bóng của nó, nhưng cái được biểu lộ sẽ là cái bóng của cái bất biểu lộ vô hình vô tướng! Vật tự thể Tuyệt Đối là phi thời gian, phi không gian, không thể cảm nhận được bằng giác quan; cái hiện tượng bị ràng buộc về thời gian, với một hình thức giới hạn và có thể nhận biết được bằng các giác quan. Vật tự thể là cái mà ta thực là; cái hiện tượng chỉ là vẻ ngoài của ta, là những đối tượng riêng biệt trong ý thức. Chúng ta là sự đồng hóa nhất thể tính, nhưng có vẻ như là bị tách biệt trong tính nhị nguyên, tạo thành ‘sự trói buộc’ và sự không đồng hóa (thoát khỏi sự nhận dạng sai lầm này) tạo nên ‘giải thoát’. Nhưng cả ‘trói buộc’ và ‘giải thoát’ đều là ảo ảnh bởi vì không hề có thực thể nào đang bị trói buộc để mà mong muốn được giải thoát; thực thể chỉ là một quan niệm phát sinh từ sự đồng hóa của ý thức với một đối tượng biểu kiến, thứ vốn ​​chỉ đơn thuần là một hình tướng trong ý thức!

Giấc mơ cuộc đời

Một khi điều trên được nhận thức một cách rõ ràng, thì ta không thể không hiểu rằng ý tưởng ‘sống một cuộc đời’ của chúng ta đúng chỉ là một trò đùa, bởi vì ý tưởng sống cuộc sống của chúng ta dựa trên niềm tin sai lầm rằng những gì chúng ta làm đều là hành vi do ý chí của chúng ta. Ai là người có thể thực hiện những hành động này khi mà ta vừa nhận thức rằng không hề có một thực thể nào để thực hiện nó? ‘Sống’ thực sự không có gì khác hơn là sự vận hành của ý thức thông qua hàng triệu dạng thức vật lý, nhưng bị nhầm lẫn với một đời sống của cá nhân.

Maharaj cũng giải thích rằng sự nhận thức cơ bản này sẽ kết hợp sự hiểu biết rằng cuộc sống chỉ là một giấc mơ sống động. Ở giai đoạn này, ta cần rõ ràng rằng bất cứ điều gì người ta nhìn thấy, nghe thấy, nếm, ngửi hoặc cảm giác được nhận biết cảm quan và sự nhận biết này trên thực tế chỉ đơn thuần là một nhận thức bên trong ý thức – thực sự thì cái thực thể sở hữu các giác quan đang nhận thức đó, bản thân nó cũng chỉ đơn thuần là một hình tướng bên trong ý thức của ‘người khác’, một người đang nhận thức thực thể này như một đối tượng! Do đó, các đối tượng bị nhầm lẫn là các thực thể trong ý thức của nhau, chứ chúng vốn không phải là các thực thể độc lập tự trị, điều thực sự xảy ra là không hề có người nhận thức như vậy, mà chỉ có sự nhận thức về một đối tượng mang tính quan niệm chuyển động trong không gian mang tính quan niệm, và trong khoảng thời gian mang tính quan niệm. Chẳng phải tất cả những điều này rõ ràng đều là các khía cạnh của một giấc mơ chúng ta trải qua khi nằm ngủ? Khi người mơ tỉnh dậy, giấc mơ kết thúc, và khi người nằm mơ đã tỉnh táo thì họ không còn quan tâm đến các ‘thực thể’ khác trong giấc mơ. Tương tự, trong giấc mơ cuộc đời, người thức tỉnh (người nhận ra rằng bất cứ thứ gì có thể cảm nhận được bằng các giác quan, bao gồm cả ‘thực thể’ mà người ta nghĩ rằng mình là, không là gì khác hơn là hình tướng đơn thuần trong ý thức) không còn bận tâm về những những nhân vật khác trong giấc mơ đang sống. Người thức tỉnh nhận ra rằng anh ta là Chủ Thể Tuyệt Đối vô điều kiện, trên đó sự khuấy động của ý thức đã bắt đầu giấc mơ cuộc sống này một cách tự nhiên, không có nguyên nhân hay lý do, và chỉ ‘sống’ cho hết giấc mơ cho đến cuối khoảng thời gian quy định, ý thức một lần nữa hòa nhập một cách tự nhiên vào Chủ Thể Tuyệt Đối.

Tu tập tâm linh: Ý Chí

Đi theo Maharaj cho đến nay, tôi thấy phản ứng từ hầu hết các vị khách đều giống nhau một cách đáng kinh ngạc. Các câu hỏi được đặt ra: Những gì ông đã nói rất sâu sắc và tôi nghĩ rằng tôi hiểu nó về mặt trí tuệ, nhưng chính xác thì người ta nên làm gì để thực sự trải nghiệm được nó? Maharaj đôi khi che giấu sự hoàn toàn thất vọng và có những lúc khác, ông ấy bùng lên với câu hỏi này, nhưng câu trả lời thông thường của ông ấy cho câu hỏi là một câu hỏi phản bác: Ai là ‘người’ nghĩ rằng anh ta phải làm điều gì đó – và để đạt được điều gì? Một khi người ta hiểu rằng một thực thể chỉ đơn thuần là một khái niệm sai lầm, thì một cơ thể giống như bất kỳ cơ thể hiện tượng nào khác, đều chỉ là một trải nghiệm trong ý thức, và không có ai để thực hiện bất kỳ ý chí nào, vậy câu hỏi về ai đó cần làm gì đâu phát sinh? Hiểu biết – nhận thức – là tất cả. Đắm chìm một cách triệt để và hoàn toàn vào sự nhận thức này là tất cả những gì cần ‘làm‘ cho sự giải thoát; và nếu không diệt bỏ quan niệm sai lầm về một thực thể độc lập với quyền tự chủ hành động thì dù có ‘làm’ bao nhiêu thứ cũng không đắc được giải thoát. Cái ‘Ta’ không thể xuất hiện nếu chưa tiêu diệt cái ‘tôi’. Khi cái ‘tôi’ biến mất, bạn là Ta.

Nếu mũi tên đã trúng mục tiêu, như Maharaj nói, không thể có thêm bất kỳ câu hỏi nào nữa. Nhưng nhận thức trực tiếp và trực quan về các sự thật – là đường bay của mũi tên – bị chướng ngại bởi sự can thiệp của sự quan niệm hóa của trí tuệ. Sự hiểu biết trí tuệ dựa trên nguyên nhân và kết quả, một trong những khía cạnh của thuyết nhị nguyên, thứ là cơ sở của sự quan niệm hóa. Mặt khác, sự thấu hiểu trực giác – sự nhận thức trực tiếp là phi thời gian, nơi mà nguyên nhân và kết quả là một. Chính sự hiểu biết về mặt trí tuệ dẫn đến câu hỏi: Nếu không có thực thể độc lập tự trị để thực hiện bất kỳ ý chí nào, làm thế nào có thể hoàn thành một cuộc sống không có ý chí? Hoặc, người ta phải sống và hành động trên thế giới như thế nào?

Khi một câu hỏi như vậy được đặt ra, câu trả lời thông thường của Maharaj sẽ là: “Một khi bạn đã thực sự hiểu những gì tôi đang nói, sau đó thì bạn có làm gì cũng không quan trọng. Theo một cách khác, nếu bạn đã không hiểu thì dù bạn có làm gì cũng vẫn không quan trọng! “Rõ ràng vấn đề là tất cả cái trải nghiệm trong quá khứ của chúng ta, nếu được phân tích cẩn thận, sẽ cho thấy rõ ràng rằng cuộc sống của chúng ta, không phải là chúng ta sống như
chúng ta đang tưởng, thực tế nó đang được sống cho chúng ta xem giống như tất cả các nhân vật trong một giấc mơ của một người và điều đó, do đó, ý chí thực sự không phải là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chỉ suy nghĩ một chút chúng ta cũng thấy rằng chỉ có một phần vô cùng nhỏ trong tổng số hoạt động vật lý hoặc hữu cơ của chúng ta phụ thuộc vào ý chí của chúng ta. Maharaj hỏi: Bạn có thể sống được bao lâu mà không ngủ, không có thức ăn hoặc nước uống? Bạn có thể trụ được bao lâu mà không bài tiết? Bạn nhịn thở trong bao lâu? Bạn có ý chí tuyệt đối để sống ngay cả trong năm phút tới không? Bạn có góp ý chí khi bạn được thụ thai? Và khi vật chất được thụ thai lớn lên trong tử cung người mẹ có cần ý chí của bạn không?

Khi Maharaj nói với chúng ta rằng việc chúng ta làm thực sự không quan trọng, ông ấy rõ ràng muốn chúng ta hiểu rằng không thể có bất kỳ thực thể nào đang thực hiện bất kỳ hành động có ý chí nào – ngay cả làm hoặc không làm – rằng những gì chúng ta coi là kết quả của ý chí của chúng ta chỉ là điều không thể tránh khỏi. Khi một điều tương ứng với những gì chúng ta cho là hợp với ý với mình vào thời điểm đó, chúng ta tự hào về ‘hành động có ý chí’ và coi đó là một thành tích cá nhân, và khi không đạt được điều đó, nó sẽ trở thành một vấn đề tức giận, bất hạnh và thất vọng với chúng ta. Thật vậy, Maharaj nói, chấp nhận quyền làm chủ hành động theo ý chí là một phần của toàn bộ sự vận hành của ý thức, là chuỗi liên kết cá nhân hiện tượng với sự ‘trói buộc’ biểu kiến — gọi là biểu kiến bởi vì vốn không có thực thể nào để mà bị ràng buộc – và nhận ra sự vô lý của chủ thể giả lập đang cố gắng hành động độc lập với sự vận hành của tính Bát Nhã là ‘sự thức tỉnh’. Chỉ có nhận thức như vậy mới có thể dẫn đến một sự chấp nhận hoàn toàn bình tĩnh với bất kỳ sự kiện nào có thể xảy ra từ lúc bắt đầu vòng đời cho tới lúc kết thúc, và do đó cuộc sống là được sống. Sau đó, rõ ràng sẽ có một cảm giác về một sự thống nhất bao trùm tất cả bởi vì ‘những người khác’ sẽ không được xem là đối tượng của một chủ thể giả lập, mà sẽ là các khía cạnh được biểu lộ từ cùng một cái chủ thể tự thể mà ta . Nói cách khác, sống sẽ là sống tự do, ở đó cả hành động tích cực cũng như không hành động tiêu cực của một thực thể giả lập không thể khởi lên, bởi vì khi không có bất kỳ ý định nào, cũng không có ý chí nào. Nếu không có ý định khái niệm, tất cả các hành động sẽ tự phát; diễn viên đóng vai của mình trong vở kịch cuộc đời này hoặc sống trong giấc mơ cuộc đời với những gì nó mang tới. Maharaj nói, một khi có sự nhận thức về cái-thực-tồn-tại, toàn bộ cuộc sống sẽ trở thành thứ mà nó luôn luôn là – Lila, một vở kịch, một ‘sự tiêu khiển’.

Khi người ta hỏi ông ấy sẽ làm gì trong một số hoàn cảnh nhất định, Maharaj đã trả lời rằng hồn nhiên tuyệt đối: “Tôi không biết.” Điều này hoàn toàn chính xác bởi vì, trong những hoàn cảnh có vẻ như giống hệt nhau, hành động của ông vẫn không thể đoán trước, nhưng trên mỗi trường hợp như vậy, hành động đều sẽ là tự phát! Maharaj thường nói rằng bất cứ điều gì tự phát đều là đúng đắn bởi vì, trong trường hợp không có quan niệm hóa, tính tự phát là tự nhiên và do đó nó chính xác mà không cần có bất kỳ lý luận, so sánh hay bất kỳ nguyên nhân-kết quả nào.

Việc lắng nghe những lời dạy của Guru được Maharaj ưu tiên hàng đầu. Ông ấy nói rằng cách nhanh nhất cách để chứng ngộ chân ngã (mặc dù ông ấy nói rõ rằng thực sự không có ‘cách’ nào và không ‘một người’ nào để đi đến bất cứ đâu) là lắng nghe (Shravana), suy ngẫm (Manana) và thiền định (Nididhyasana). Ngay cả những từ này, Maharaj thúc giục nhiều lần, chỉ được sử dụng đơn thuần cho giao tiếp, và một khi mục đích và ý nghĩa đã được nắm bắt, các ngôn từ – toàn bộ ngôn từ – phải được vứt bỏ để ngăn trí tuệ khởi lên cấu trúc quan niệm trên đó.

Maharaj liên tục khẳng định rằng lời nói của ông không nhằm vào bất kỳ thực thể cá nhân nào mà là dành cho ý thức. Lời nói phát sinh từ ý thức và được đề cập đến ý thức. Cái nên lắng nghe lời nói là cái ý thức, và sau khi ý nghĩa được nắm bắt bằng trực giác, các từ ngữ nên được phép hợp nhất trong ý thức. Maharaj cảnh báo, nếu việc lắng nghe được thực hiện bởi ‘một cá nhân’ với mong muốn rằng sẽ đạt được một số lợi ích nhất định với sự hỗ trợ của trí tuệ, tất cả sẽ bị mất đi. Thật vậy, cái ta nên tránh chính xác là sự can thiệp của trí tuệ. Như đã được nói rõ trước đó, chúng ta cần nhận thức được sự trống rỗng của cái thực thể giả lập. Khi mà nó còn là một thực thể đang lắng nghe, làm thế nào ngôn từ có thể đạt được mục đích, ngay cả mục đích hạn hẹp của việc chỉ vào đúng hướng, cái phương hướng đúng là tránh xa cái hiện tượng vốn là nguồn gốc của cả thực thể và bản thân ngôn từ! Các từ chỉ có thể mang lại ý nghĩa sâu sắc và tinh tế nếu chúng được chấp nhận một cách trực giác mà không có sự can thiệp diễn giải của trí tuệ; nếu không thì kết quả sẽ chỉ là sự hiểu biết đơn thuần về thế giới ‘bên ngoài’ bởi một thực thể tự cho rằng mình tách khỏi những gì nó thấu hiểu, đó là ảo ảnh. Maharaj nói, bạn không thể lấy ra một miếng nhỏ trong tổng thể hiện tượng và gọi đó là cái tôi riêng biệt của bạn mà đồng thời hiểu được cái-thực-tồn-tại. Chỉ khi hủy diệt hoàn toàn thực thể giả lập thì sự nhận thức thực sự mới có thể xảy ra.

Sự giả dối tráng lệ

Maharaj nói, ý thức là kẻ lường gạt, là Mahamaya quyến rũ, mê hoặc, là sự lừa dối tráng lệ nhất! Cảm giác hiện hữu đầy mê hoặc này chỉ là một cảm giác, một khái niệm xuất hiện trên cái Bất Biểu Lộ Tuyệt Đối, giống như một vị khách không mời mà đến tiếp quản ngôi nhà một cách ngấm ngầm đến nỗi chủ nhà bị ru ngủ trong một cảm giác an toàn và hạnh phúc giả tạo. Maharaj cũng gọi nó là ‘một căn bệnh tạm thời’, cái tạo ra sự mê sảng trong quá trình nó xuất hiện!

Cảm giác được sống – hiện hữu – say mê đến mức người ta bị mê hoặc bởi biểu lộ mà nó trình bày. Một người tham gia vào cảnh tượng này mà hiếm khi quan tâm đến việc tìm hiểu xem cảnh tượng có thực sự tồn tại hay chỉ đơn thuần là một huyễn ảnh, một ảo giác, một giấc mơ, một ảo ảnh. Một người nhìn thấy cái cây và bị nó mê hoặc đến nỗi người ta quên rằng cây không là gì khác hơn là sự lớn lên của hạt giống, thứ là nguồn gốc thực sự của nó. Mục đích của Paramartha (Parama-artha, ý nghĩa cốt lõi) là tìm kiếm cái nguồn gốc, hạt giống. Hạt giống của sự biểu lộ này là gì? Maharaj hỏi, nếu bạn không có ý thức, liệu có thể có bất kỳ thể loại biểu lộ nào không? Nếu bạn không có ý thức, thì vũ trụ có tồn tại với bạn? Chỉ khi bạn tồn tại (có ý thức) thì thế giới mới tồn tại như vậy. Vì vậy, rõ ràng là vũ trụ được chứa trong hạt ý thức (thứ được cho là tồn tại ở lỗ nhỏ nhất ở trung tâm của hộp sọ). Ý thức không thể tự biểu lộ, không thể tự ý thức được, trừ khi có một bộ máy tâm thần, là cơ thể. Nguồn gốc của cơ thể là gì? Rõ ràng là tinh trùng của nam được thụ tinh trong noãn của tử cung nữ. Nguồn gốc của tinh trùng và noãn là gì? Là thức ăn do bố mẹ hấp thụ. Bây giờ, Maharaj hỏi, chúng ta đi đến kết luận gì? Cái Tuyệt Đối, cái tiềm năng tối hậu, nguồn gốc của mọi thứ không thể là trần tục như ‘thức ăn’ vậy! Do đó, cái tôi này, ý thức, cảm giác hiện diện này không thể là gì khác ngoài một quan niệm, một huyễn ảnh, một giấc mơ, một ảo giác! Và ý thức này là nguồn gốc của mọi biểu lộ- mà quả thực thì nó chính là sự biểu lộ!

Có một câu hỏi là nền móng cơ bản ở giai đoạn này. Ai là người đã đưa ra kết luận này? Đâu là ai khác ngoài ‘Ta’? ‘Ta’ là người chịu trách nhiệm cho mọi loại biểu lộ, tôi là người chịu trách nhiệm cho mọi loại hiện tượng hiển hiện, Ta, người đã có mặt một trăm năm trước, Ta đã có mặt trước khi ‘thời gian’ được hình thành, Ta là cái phi thời gian, Ta là sự nhận thức mà không tự nhận thức được chính nó bởi vì thế mà trong đó, trạng thái thực sự của Toàn Vẹn, Tính Nhất Thể, không có sự hiện diện cũng không có sự trống không; không tồn tại sự hiện diện, cũng không tồn tại sự trống không, là cái-Ta là (Và mọi chúng sinh đều có thể nói điều này – nhưng không phải là họ nói, mà là ‘Ta’ nói)

Chúng ta có cần nói lại tất cả một lần nữa, ngắn gọn? Nó đây:

1) Sự tồn tại được biểu lộ là hiện tượng, và các hiện tượng là hình tướng được nhận biết một cách cảm quan và bị ràng buộc về thời gian là một huyễn ảnh, một giấc mơ, một ảo giác và do đó không có thật. Sự tồn tại bất biểu lộ là Tuyệt Đối, không thời gian, không khoảng cách, không nhận thức được sự hiện hữu, không thể nhận thức được về mặt cảm quan, vĩnh cửu, do đó là thực. Ai nói điều này? Ý thức, tất nhiên, cố gắng nhận thức chính nó và không thành công bởi vì cái nhận thức (không có thứ gọi là người nhận thức) không thể tự nhận thức chính nó là gì, cái mà đang nhận thức: Một con mắt không thể tự nhìn thấy chính nó mặc dù nó nhìn thấy mọi thứ khác. Người tìm kiếm chính là cái đang được tìm kiếm: Điều này là chân lý cơ bản quan trọng nhất.

(2) Ta, bất biểu lộ, là tổng tiềm năng, sự trống vắng tuyệt đối của cái đã biết và cái có thể biết được, sự hiện diện tuyệt đối của cái không biết và cái không thể biết được. Ta, biểu lộ ra, là tổng thể của tất cả các hiện tượng, tổng thể của cái biết trong cái không thể nhận thức của cái không biết bất biểu lộ.

(3) Chỉ có thể có Ta – cái Ta vĩnh cửu – hoàn toàn không bị điều kiện, không có bất kỳ thuộc tính nào chạm tới, tính chủ thể thuần túy. Ý nghĩ đơn thuần về ‘tôi’ là sự trói buộc ngay lập tức và tự phát (nhưng là huyễn hoặc): Hãy để cái tôi biến mất và ngay lập tức và tự nhiên, bạn là Ta.

(4) Hiện tượng, ‘tôi’ (và ‘bạn’ và ‘anh ấy’) chỉ là hình tướng trong ý thức: Làm sao một hình tướng lại ở trong trói buộc? Về mặt tự thể, làm sao Ta- chủ thể thuần túy – lại có thể cần bất kỳ sự giải thoát nào? Giải thoát chỉ là sự loại bỏ ý tưởng rằng có bất kỳ ‘ai’ nào cần được giải thoát.

(5) Làm thế nào để biết một người có đang tinh tấn về mặt tâm linh hay không? Dấu hiệu chắc chắn nhất của ‘sự tiến bộ’ có thể là việc không quan tâm đến sự tiến bộ và không lo lắng về giải thoát trong sự thức tỉnh của nhận thức rõ ràng? Một nhận thức tức thì về toàn bộ sự ‘vận hành’ của Nisarga (tự nhiên) mà trong đó không có chỗ cho một thực thể tự trị.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.