14. Quan điểm để đọc Gita

Tại một trong các phiên thoại, một vị khách phụ nữ trông có vẻ ngoài nổi bật muốn hỏi một câu hỏi về Bhagavad Gita (Chí Tôn Ca). Trong khi cô ấy đang định hình câu hỏi của mình bằng những từ thích hợp, Maharaj đột nhiên hỏi cô ấy: “Bạn đọc Gita từ quan điểm nào?”

Khách: Từ quan điểm rằng Gita có lẽ là sự hướng dẫn quan trọng nhất cho những người tìm kiếm tâm linh.

Maharaj: Tại sao bạn lại đưa ra một câu trả lời ngu ngốc như vậy? Tất nhiên nó là một hướng dẫn rất quan trọng cho người tìm kiếm tâm linh; nó không phải là một cuốn sách hư cấu. Câu hỏi của tôi là: Bạn đọc cuốn sách từ quan điểm nào?

Một người khách khác: Thưa ông, tôi đọc nó là như thể mình là một trong những Arjuna trên thế giới, và Chúa (Krishna) đã ban ẩn điển bằng việc hướng dẫn trong Gita. Khi Maharaj nhìn xung quanh để tìm các câu trả lời khác, có chỉ có một vài tiếng xì xào chung chung đồng thuận câu trả lời này.

M: Tại sao không đọc Gita từ quan điểm của Đấng Krishna?

Trước đề xuất này đã có sự nảy sinh đồng thời hai kiểu phản ứng giật mình từ hai vị khách. Một kiểu là bị sốc trong cảm thán, rõ ràng có ám chỉ rằng đó là một sự báng bổ thánh thần. Kiểu còn lại như là một cái vỗ tay rõ ràng, một hành động phản xạ rõ ràng là biểu thị một cái gì đó giống như ‘eureka’ (Tìm ra rồi!) của Ác-si-mét . Cả hai vị khách liên quan này đều tỏ ra khá ngượng ngùng trước cách biểu lộ vô tình của mình lại là hai phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau. Maharaj đã vỗ tay duyệt nhanh và tiếp tục:

M: Hầu hết các sách vở tôn giáo được tin rằng đó là lời dạy của một số người chứng ngộ. Tuy nhiên, dù một người đã giác ngộ tới mức nào đi nữa, anh ta cũng phải nói trên cơ sở những khái niệm nhất định mà anh ta thấy chúng có thể chấp nhận được. Nhưng sự khác biệt đáng chú ý của Gita là Chúa Krishna đã nói từ quan điểm rằng anh ta là nguồn gốc của mọi biểu lộ, tức là không phải từ quan điểm của cái hiện tượng, mà là từ quan điểm của cái bản thể, từ quan điểm rằng ‘toàn bộ cái biểu lộ là chính ta’. Đây là điểm độc nhất vô nhị của Gita.

Bây giờ, Maharaj nói, hãy xem xét điều gì đã phải xảy ra trước khi bất kỳ văn bản tôn giáo cổ đại nào có được được ghi lại. Trong mọi trường hợp, người chứng ngộ phải có những suy nghĩ và rồi anh ta phải đặt vào từ ngữ, và những từ ngữ được sử dụng có thể không hoàn toàn phù hợp để truyền đạt chính xác những tư tưởng của anh ta. Những lời của bậc thầy sẽ được người nghe ghi chép lại, và những gì anh ta ghi lại chắc chắn sẽ tuân theo sự hiểu biết và diễn giải của riêng anh ta. Sau cái bản viết tay đầu tiên này, nhiều bản sao khác nhau của nó sẽ được thực hiện bởi một số người và các bản sao có thể có nhiều lỗi. Nói cách khác, tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào, những gì độc giả đọc và cố gắng tiếp thu có thể khá khác biệt với những gì chính chủ thực sự dự định chuyển tải ban đầu. Thêm vào đó là vô số những suy luận vô tình hoặc cố ý của các học giả khác nhau trong hàng thế kỷ, và bạn sẽ hiểu vấn đề mà tôi đang cố gắng truyền đạt cho bạn.

Tôi được biết rằng chính Đức Phật chỉ nói bằng ngôn ngữ Maghadi, trong khi giáo lý của ngài lại được ghi chép lại bằng tiếng Pali hoặc tiếng Phạn, những gì mà lẽ ra chỉ có thể được thực hiện nhiều năm sau đó; và những gì chúng ta đọc được về sự thuyết giảng của ông ấy chắc hẳn đã qua tay rất nhiều người. Hãy tưởng tượng con số những thay đổi và bổ sung chắc hẳn đã len lỏi vào nó trong một thời gian dài. Sau đó ta cũng không ngạc nhiên rằng có vô số những quan điểm và tranh cãi khác nhau về những gì Đức Phật đã thực sự nói hoặc đã muốn nói.

Trong những hoàn cảnh này, khi tôi yêu cầu bạn đọc Gita từ quan điểm của Chúa Krishna, tôi yêu cầu bạn từ bỏ ngay lập tức sự đồng hóa với tổ hợp cơ thể-tâm trí khi đọc nó. Tôi yêu cầu bạn đọc nó từ quan điểm rằng bạn là cái ý thức sinh động – ý thức Krishna – chứ không phải cái đối tượng hiện tượng có được tri giác nhờ ý thức – thì kiến thức về Gita mới có thể thực sự được mở ra cho bạn. Sau đó, bạn sẽ hiểu rằng trong Vishva-rūpa-darshan mà Chúa Krishna cho thấy Arjuna không chỉ là thân phận của riêng ông, mà còn là phận thực sự của chính Arjuna, và do đó, cũng là của tất cả độc giả của Gita.

Nói tóm lại, hãy đọc Gita từ quan điểm của Chúa Krishna, với tư cách là ý thức Krishna; bạn sau đó sẽ nhận ra rằng một hiện tượng không thể được ‘giải thoát’ bởi vì nó không có sự tồn tại độc lập; nó chỉ là ảo ảnh, một cái bóng. Nếu Gita được đọc trong tinh thần này, thì ý thức, cái đang sai lầm đồng hóa bản thân với cấu trúc cơ thể-tâm trí, sẽ nhận thức được bản chất thực sự của nó và hợp nhất với nguồn của nó.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.