17. Vật tự thể và hiện tượng

Một buổi sáng nọ, có lẽ là thứ Hai, khi đó chỉ có một vài kẻ ‘nghiện’ tham gia các phiên thoại là chúng tôi. Maharaj ngồi nhắm mắt, tĩnh lặng như một bức tượng. Sau một thời gian, ông ấy đột nhiên bắt đầu nói một cách nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đến nỗi chúng tôi bất giác phải tiến lại gần ông hơn. Ông ấy tiếp tục ngồi với đôi mắt nhắm lại và nói, hay đúng hơn là suy nghĩ thành tiếng: Mọi người nghĩ rằng tôi là một Jnani. Họ đến với tôi từ khắp nơi trên thế giới – từ Canada đến Úc và New Zealand, từ Anh đến Nhật Bản. Hầu hết họ đã đọc cuốn I Am That và đến tận Bombay chỉ để gặp tôi. Trải qua rất nhiều khó khăn họ mới có thể tới được ngôi nhà cũ kĩ nhỏ bé này của tôi trong một con phố hẹp và bẩn thỉu. Họ leo lên cầu thang và nhìn thấy một người đàn ông đen đúa nhỏ bé trong bộ quần áo đơn giản nhất, đang ngồi trong một góc. Họ nghĩ: Người đàn ông này trông không giống như một Jnani; Nisargadatta Maharaj không ăn mặc ấn tượng như một người nổi tiếng nên mặc. Liệu ông ấy có thể thực sự là một Jnani?

Tôi có thể nói gì với những người này? Tôi nói với họ khá thẳng thắn rằng trình độ học vấn của tôi gần như có thể xếp vào lớp mù chữ. Tôi chưa đọc bất kỳ kinh sách truyền thống tuyệt vời nào và ngôn ngữ duy nhất tôi biết là tiếng Marathi mẹ đẻ của tôi. Cuộc điều tra duy nhất mà tôi đã theo đuổi, nhưng đã theo đuổi nó không hề ngừng nghỉ- giống như một người thợ săn theo đuổi con mồi của mình – đó là: ‘Tôi biết tôi tồn tại và tôi có một cơ thể.’ Làm thế nào điều này có thể xảy ra khi mà tôi đã không biết và không đồng thuận? Và cái tri thức ‘Ta tồn tại’ này là gì? ‘ Đây là mục tiêu theo đuổi cả đời của tôi và tôi hoàn toàn hài lòng với những câu trả lời mà tôi đã có được. Đây là Jnana duy nhất của tôi, nhưng mọi người tin rằng tôi là một Jnani. Guru của tôi đã nói với tôi: “Con là Brahman, con là tất cả và mọi thứ. Không có gì khác hơn ngoài chính con. ” Tôi đã chấp nhận lời của Guru của tôi như một chân lý, và bây giờ, hơn bốn mươi năm lẻ tôi đã ngồi trong chính căn phòng này không làm gì khác ngoài việc nói về nó. Tại sao mọi người từ những vùng đất xa xôi đến với tôi? Thật là một điều kỳ diệu!

Sau khi theo đuổi cuộc điều tra của mình một cách logic, tôi đã đi đến kết luận gì? Toàn bộ thực sự đơn giản nếu người ta có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Cái ‘tôi’ mà tôi đang quan tâm đến đó là gì? Một câu trả lời ngay tức thì, tất nhiên là – ‘tôi này, cơ thể này’. Nhưng sau đó cơ thể chỉ là một bộ máy tâm thần. Điều kiện đủ để bộ máy này được gọi là một sinh linh là gì? Không nghi ngờ gì nữa, đó là ý thức, nếu không có nó thì bộ máy này dù có thể sinh tồn đi nữa thì các chức năng khác cũng trở nên vô dụng. Ý thức này rõ ràng cần một cấu trúc vật lý để thể hiện chính nó. Vì vậy, ý thức phụ thuộc vào cơ thể. Nhưng cơ thể được làm bằng gì? Làm thế nào để cơ thể tồn tại? Cơ thể chỉ đơn thuần là một sự phát triển trong tử cung của người phụ nữ trong khoảng thời gian khoảng chín tháng, sự phát triển từ sự thụ thai bởi sự kết hợp của dịch sinh dục nam và nữ. Dịch này là tinh chất từ thức ăn do bố mẹ hấp thụ. Do đó, về cơ bản, cả ý thức và cơ thể đều được cấu tạo và duy trì bằng thức ăn. Thật vậy, bản thân cơ thể là thức ăn – một cơ thể lại là thức ăn của một số cơ thể khác. Khi dung dịch sinh dục từ tinh chất thực phẩm phát triển từ khi thụ thai thành một cơ thể nhỏ bé và được sinh ra trong tử cung của mẹ, nó được gọi là ‘sinh’. Và khi tinh chất thực phẩm này bị phân hủy do đến tuổi già hoặc bệnh tật và bộ máy tâm thần bị phá hủy, nó được gọi là ‘chết’. Điều này là thứ đang xảy ra mọi lúc – cái vũ trụ khách quan phóng chiếu ra và tan rã vô số hình hài; bức tranh liên tục thay đổi mọi lúc. Nhưng ‘Ta’ thì lại có liên quan đến điều này? Ta chỉ đơn thuần chứng kiến ​​tất cả những điều đang xảy ra này. Bất cứ điều gì xảy ra trong khoảng thời gian diễn biến này, mọi trường hợp, đều chỉ ảnh hưởng đến bộ máy tâm thần, không ảnh hưởng đến cái ‘Ta’ mà ta là.

Về cơ bản, đây là mức độ ‘tri thức’ của tôi. Một khi đã hiểu rõ ràng rằng bất cứ điều gì xảy ra trong thế giới biểu lộ là một cái gì đó nằm ngoài tôi, với tư cách là cái ‘Ta’, tất cả các câu hỏi khác đều tự tan rã.

Chính xác thì tại giai đoạn nào mà tôi đã có tri ​​thức về ‘sự tồn tại’ của mình? Tôi đã là gì trước khi tri thức ‘tôi tồn tại’ này đến với tôi? Tri thức ‘tôi tồn tại’ này đã đến với tôi kể từ khi tôi có thể hồi tưởng, có lẽ là một vài tháng sau khi cơ thể này được sinh ra. Do đó, bản thân bộ ký ức phải đến cùng với tri thức ‘tôi tồn tại’, cái ý thức này. Vậy trước khi đó ta ở đâu? Câu trả lời là: Tôi không biết. Do đó, bất cứ điều gì tôi biết đều bắt đầu từ ý thức, bao gồm cả đau đớn và khoái lạc, ngày và đêm, thức và ngủ – thực sự nó là toàn bộ phạm vi của nhị nguyên và tính đối lập, trong đó cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia. Một lần nữa thì vị trí của ta trước khi ý thức khởi sinh là gì? Những mặt đối lập có quan hệ lẫn nhau này tất yếu đã phải tồn tại nhưng chỉ ở trong sự phủ định, trong tính thống nhất, trong tính toàn thể. Đây chắc hẳn là câu trả lời. Ta chính cái nhất thể. Nhưng cái nhất thể này, bản sắc này, cái toàn thể này không thể tự biết chính nó vì trong nó không tồn tại chủ thể như là một thứ tách biệt khỏi một đối tượng — đó là một vị thế cần thiết cho quá trình nhìn, biết hoặc nhận thức. Nói cách khác, ở trạng thái ban sơ của tính nhất thể, hoặc toàn thể, không có phương tiện hoặc công cụ nào tồn tại để thông qua đó phát sinh sự ‘biết’.

Ta không thể sử dụng tâm trí để vượt qua tâm trí. Mắt không thể tự nhìn thấy chính nó; vị giác không thể tự nếm chính nó; âm thanh không thể tự nghe thấy chính nó. Cái ‘Hiện tượng’ (Phenomena) không thể là hiện tượng nếu không có vật tự thể (noumenon) (triết học: vật tự tồn tại mà không phải như là một đối tượng trong sự nhận thức của một chủ thể khác). Giới hạn của sự khái niệm hóa – cái trừu tượng của tâm trí – chính là vật tự thể, cái vô cực của cái chưa biết. Vật tự thể, chủ thể duy nhất, tự khách thể hóa chính nó và nhận thức vũ trụ, tự biểu lộ tính hiện tượng bên trong chính nó, nhưng lại có vẻ giống như ở bên ngoài, nhằm trở thành một đối tượng có thể cảm nhận được. Để vật tự thể có thể biểu lộ một cách khách quan thành vũ trụ hiện tượng này, khái niệm không-thời gian phải ra đời để các đối tượng có thể hoạt động, để có thể được nhận biết, phải mở rộng không gian để cho chúng thể tích, phải kéo dài thời gian bởi vì nếu không thì chúng không thể được cảm nhận.

Vì vậy, bây giờ tôi có bức tranh toàn cảnh: Chúng sinh chỉ là một phần rất nhỏ trong quá trình phản chiếu biểu kiến ​​của vật tự thể vào vũ trụ hiện tượng. Nó chỉ là một đối tượng trong sự đối tượng hóa tổng thể và như vậy, ‘chúng ta’ không thể có bản chất của riêng chúng ta. Chưa hết – và điều này mới là quan trọng— hiện tượng không phải là cái gì đó được tạo ra một cách riêng biệt, hoặc thậm chí không phải được phóng chiếu ra, mà nó thực sự là vật tự thể bị quan niệm hóa hoặc được đối tượng hóa. Nói cách khác, sự khác biệt hoàn toàn là tưởng tượng. Khi không có quan niệm, chúng luôn luôn không thể tách biệt, và không có tính nhị nguyên thực sự giữa vật tự thể và hiện tượng.

Thân phận này – tính bất phân này – là chìa khóa cho sự hiểu biết, hay đúng hơn là nó thể hiện bản chất thực sự của chúng ta, bởi vì nếu ta không nhìn thấy sự thống nhất cơ bản giữa vật tự thể và hiện tượng này, chúng ta sẽ sa vào vũng lầy của sự đối tượng hóa và các khái niệm. Một khi người ta hiểu rằng vật tự thể là tất cả những gì chúng ta là, và rằng các hiện tượng là khi chúng ta có vẻ như là các đối tượng riêng biệt, ta cũng sẽ hiểu rằng ta không phải một thực thể liên quan nào, và do đó, khái niệm về một thực thể cần ‘giải thoát’ sẽ bị coi là vô nghĩa; và cho dù có ‘giải thoát’ thì đó cũng sẽ là giải thoát khỏi chính khái niệm trói buộc và giải thoát.

Khi tôi nghĩ về tôi là gì trước khi tôi được ‘sinh ra’, tôi biết rằng ý niệm ‘tôi tồn tại’ không có ở đó. Trong trường hợp không có ý thức, không có khái niệm hóa; và khi ta nhìn bất cứ điều gì cũng khong phải là việc nhìn từ một thực thể – không nhìn thấy như chủ thể / đối tượng, mà là nhìn từ bên trong, từ nguồn của tất cả sự tri kiến. Và sau đó, thông qua ‘sự thức tỉnh’ này, tôi nhận ra rằng tính toàn vẹn bao trùm của Cái Tuyệt Đối không thể có một chỗ nào bất toàn dù chỉ là tương đối; và vì vậy, theo một cách tương đối, tôi phải sống thông qua hết khoảng thời gian được phân bổ của đời sống cho đến khi nó kết thúc, ‘tri thức’ tương đối này hợp nhất trong trạng thái không biết của Cái Tuyệt Đối. Điều kiện tạm thời của ‘tôi biết’ và ‘tôi biết-rằng tôi biết’ sau đó sẽ hòa vào nhập vào trạng thái vĩnh cửu ‘tôi-không-biết’ và ‘tôi-không-biết’ rằng ‘tôi-không-biết’.

.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.