Phương pháp diễn giải một trọng điểm cụ thể của Maharaj là giải thích một cách sâu sắc với sự kiên nhẫn tuyệt vời, đưa ra các ví dụ và ẩn dụ tương đồng. Sau đó, ông hỏi xem mọi người có câu hỏi nào về những gì ông vừa nói không, các câu hỏi thường có xu hướng không bám vào điểm ban đầu mà ông đã rất mất công để giải thích mà thường liên quan đến những ví dụ mà ông đưa ra chỉ để minh họa một khía cạnh cụ thể của chủ đề đang thảo luận. Những câu hỏi như vậy rõ ràng cho thấy rằng người hỏi đã hoàn toàn bỏ sót ý chính. Maharaj, do đó, thường khuyến khích các vị khách viếng thăm rằng: Bạn có thể đặt câu hỏi về những gì tôi đã nói nhưng hãy hỏi mà không đồng hóa bản thân với cơ thể.
Nhiều vị khách cảm thấy mình như đang bị từ chối đưa ra câu hỏi vì họ cảm thấy điều kiện đó khá khó khăn, thậm chí không công bằng. Tại sao Maharaj nhấn mạnh rằng người hỏi nên tự tách mình ra khỏi cơ thể? Câu trả lời trực tiếp sẽ là: Bởi vì một đối tượng không thể giả định rằng nó có thể hiểu được chủ thể của nó; không có chuyện một cái bóng có thể hiểu được cái chủ thể thực chất của nó.
Khi mà vẫn còn một ‘cá nhân’ tạo thành từ quan niệm đang đồng hóa bản thân với cơ thể (thứ vốn chỉ đơn thuần là một bộ máy tâm thần, một ‘đối tượng’) như một thực thể độc lập tự trị, liệu anh ta có thể hiểu bất cứ điều gì về Cái Tuyệt Đối, cái mà sự đối tượng hóa hoàn toàn không thể chạm tới? Và hơn nữa, bất kỳ truy vấn nào từ một người mà suy nghĩ và nói như một thực thể tự trị cũng chỉ là những điều hoàn toàn vô nghĩa. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngụ ý rằng các câu hỏi chỉ có thể nảy sinh từ một người hoàn toàn giác ngộ. Một người giác ngộ, một Jnani, sẽ không có bất cứ câu hỏi nào cả!
Điều mà Maharaj có vẻ mong đợi ở người nghe của mình là một thứ gì đó ở giữa hai thái cực này. Như ông ấy thường nói, ông ấy giả định rằng những người đến với ông sẽ không chỉ là những người mới nhập môn mà sẽ là những người đã làm một lượng lớn nghiên cứu về chủ đề này, không phải là những Mumukshu mà là Sadhaka. Nói cách khác, Maharaj muốn người nghe không được quên rằng họ là cái ý thức phi cá nhân, và không phải là một bộ máy vật chất trong đó ý thức đã tự biểu lộ ra. Ông ấy mong đợi rằng người ta lắng nghe phải dựa trên cơ sở của việc nhận thức trực tiếp, không có bất kỳ sự can thiệp nào của quan niệm cá nhân và hiểu rõ cái gì đang hoạt động trong quá trình nói chuyện và lắng nghe. Trong bối cảnh này, Maharaj nói: Để có hiệu quả, phải tiếp thu lời nói của tôi giống như bị xuyên thấu bởi một mũi tên. Tôi nói cho cái ý thức nghe chứ không phải cho bất kỳ cá nhân nào.
Lời khuyên của Maharaj dành cho người nghe là ‘hãy nhận thức trực tiếp và quên đi ngay lập tức’; không sử dụng của ngôn từ của ông ấy làm một nền tảng để khởi chạy các quan niệm của riêng mình. Ông nói, quan niệm nảy sinh từ suy nghĩ, và tất cả những thứ này cùng nhau tạo thành một bó được gọi là tâm trí. ‘Suy nghĩ’ có nghĩa là ‘quan niệm hóa’, tạo ra các đối tượng trong tâm trí, và đây là ‘sự trói buộc’. Ngôn từ, về cơ bản là có tính nhị nguyên và quan niệm, là một chướng ngại cho sự giác ngộ. Chúng chỉ có thể phục vụ mục đích tạm thời là
giao tiếp, nhưng sau đó chúng là một trói buộc. Thoát khỏi tư duy quan niệm có nghĩa là giác ngộ, là sự thức tỉnh, thứ không thể ‘đạt được’, hoặc ‘có được’ bởi bất kỳ ai khác. Sự giác ngộ không phải là một ‘thứ’ có thể đạt được bởi bất kỳ ai, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Sự xuyên thấu của những lời nói của Maharaj như một mũi tên mang lại sự nhận thức này và đó là sự giác ngộ!
Đối với điều này, phản ứng tự nhiên của các vị khách là: Nếu không có một ‘ai’ để đạt được bất kỳ ‘thứ’ nào, vậy chúng ta sẽ nên làm gì? Câu hỏi phản bác nhanh không kém của Maharaj là: ‘Chúng ta’ là ai? Câu trả lời thường đến, nếu nó đến cũng là đến chậm rãi, ngập ngừng: Ý ngài là bản thân ‘chúng ta’ cũng là một phần của tư duy quan niệm? Là thứ hoàn toàn huyễn hoặc?
Ở giai đoạn này, Maharaj lặp lại những gì ông luôn nói: Tất cả kiến thức đều là quan niệm, do đó, không đúng. Hãy nhận thức trực tiếp và từ bỏ việc tìm kiếm kiến thức. Nhưng có bao nhiêu người sẽ sẵn lòng làm như vậy? Có bao nhiêu người trong số các bạn hiểu những gì tôi đang cố gắng truyền đạt cho các bạn? Mục đích của tất cả các cuộc nói chuyện của tôi là gì? Maharaj hỏi. Nó là để làm cho bạn hiểu, để nhìn thấy, để thẩm định bản chất thực sự của bạn. Nhưng đầu tiên có một trở ngại cần được loại bỏ; hay đúng hơn, một trở ngại phải biến mất trước khi bạn có thể thấy và là cái-tồn-tại. Tất cả “tư duy”, “quan niệm hóa”, “đối tượng hóa” phải chấm dứt. Tại sao? Bởi vì cái-tồn-tại không có chút liên quan nào đến tính khách thể. Nó là chủ thể của tất cả các đối tượng, và không phải là một đối tượng có thể được quan sát. Con mắt nhìn thấy mọi thứ khác, nhưng không thể nhìn thấy chính nó.
Đối với câu hỏi ‘người ta phải làm gì, nỗ lực như nào để dừng việc quan niệm hóa ‘, câu trả lời của Maharaj là: Không có gì; không nỗ lực. Ai là người thực hiện nỗ lực? Bạn đã có phải nỗ lực gì để phát triển từ một tế bào tinh trùng nhỏ bé thành một đứa trẻ trưởng thành hoàn chỉnh trong bụng mẹ của bạn không? Và sau đó, trong vài tháng khi bạn lớn lên từ một đứa trẻ sơ sinh bất lực, bạn đâu có cần nỗ lực gì để tự cảm nhận sự hiện diện của mình? Và bây giờ bạn lại nói về ‘nỗ lực’, điều mà ‘bạn’ phải thực hiện! Những nỗ lực nào để mà một cái ‘tôi’ ảo tưởng, mang tính quan niệm có thể thực hiện để biết được bản chất thực sự của nó không? Những nỗ lực nào mà một cái bóng có thể thực hiện để biết thực chất của nó? Nhận ra bản chất thực sự của một người không cần một nỗ lực phi thường. Giác ngộ không thể đạt được, cũng không thể bị ép buộc. Nó chỉ có thể xảy đến, khi nó được trao cơ hội để làm như vậy, khi chướng ngại của các khái niệm chấm dứt. Nó chỉ có thể xuất hiện khi nó được cung cấp một không gian trống để xuất hiện. Maharaj nói, nếu người khác sẽ chiếm ngôi nhà này, trước tiên tôi phải dọn trống nó đi. Nếu cái ‘tôi’ quan niệm vẫn còn chiếm chỗ ở đó, làm sao có thể có giác ngộ? Hãy để khái niệm ‘tôi’ bỏ trống và cho sự giác ngộ một cơ hội để nhập cuộc. Thậm chí nỗ lực tích cực để ngừng suy nghĩ như một phương pháp thoát khỏi sự quan niệm hóa, cũng là một bài tập vô ích, và bất kỳ loại ‘nỗ lực’ nào khác cũng vậy!
Nỗ lực hiệu quả duy nhất là nhận thức chân lý ngay lập tức. Xem cái sai là sai và cái còn lại là cái đúng. Cái vắng mặt bây giờ sẽ xuất hiện khi cái bây giờ tồn tại biến mất. Nó đơn giản như vậy. Sự phủ định là câu trả lời duy nhất.