27.Nhận dạng sai lầm là ‘trói buộc’

Một vị khách đã đặt câu hỏi cho Maharaj một cách khá ngập ngừng do không quá chắc chắn liệu câu hỏi của anh ấy nghe có ổn không, anh ấy nói rằng nếu vấn đề ‘trói buộc’ và ‘giải thoát’ thực sự là do cảm giác đồng hóa với cơ thể, vậy sự đồng hóa này đến như nào và tại sao. Anh ấy nói thêm (có lẽ đã quyết định rằng đã hỏi thì phải hỏi cho tới) rằng anh ấy hoàn toàn không thể hiểu tại sao một người nên phải có tri thức tâm linh, vì vào cuối cuộc đời của một người, cả Jnani và kẻ vô minh đều có kết cục như nhau; cơ thể quay trở lại năm nguyên tố và cái ý thức trở thành Nirguna.

Đôi khi Maharaj lắng nghe người hỏi với đôi mắt nhắm nghiền, đặc biệt nếu họ nói tiếng Marathi. Maharaj cũng lắng nghe vị khách này với đôi mắt nhắm nghiền, nhưng khi ông ấy lắng nghe những biểu hiện trên mặt ông liên tục thay đổi. Ông ấy trông nghiêm nghị và tôi nghĩ rằng ông sẽ đáp trả lại: “Đây là thể loại câu hỏi gì? “Nhưng ngay sau đó sự nghiêm khắc chuyển thành sự hòa hợp ngọt ngào và Maharaj đã mỉm cười.

Sau đó, ông ấy bắt đầu nói nhẹ nhàng, đôi mắt vẫn nhắm nghiền: Trước tiên, chúng ta hãy giải quyết các nguyên tắc cơ bản, ông nói. Toàn bộ vũ trụ biểu lộ là một hình tướng trong ý thức. Nếu bạn không có ý thức, thế giới không tồn tại với bạn, vì bạn không thể nhận thức bất cứ điều gì. Cái ý thức này (trong đó một người nhận biết vũ trụ hiện tượng), là tất cả những gì chúng ta đang có. Khi mà chúng ta còn đang ở trong thế giới hiện tượng, chúng ta chỉ có thể nhận biết được điều đó; chúng ta không thể là chính mình cho đến khi chúng ta thức dậy khỏi giấc mơ hiện tượng, hiểu nó giống như một giấc mơ vậy, ngừng quan niệm hóa và đối tượng hóa. Điều thiết yếu căn bản là: Vật tự thể là thực chất, hiện tượng chỉ là sự phản chiếu– những cả hai chúng không khác biệt.

Điểm tiếp theo cần hiểu là: Trong thế giới hiện tượng khi ‘bạn’ nhìn thấy ‘anh ấy’, cả hai đều là các đối tượng được người kia nhìn thấy như là một hình tướng trong ý thức. Nhưng, hãy hiểu điều rằng không hề có một chủ thể coi đối tượng kia như một đối tượng. Chỉ có sự nhìn, vận hành như một khía cạnh của vật tự thể. Điều này áp dụng cho mọi giác quan khác – nghe, chạm, nếm, v.v. Tất cả là về cơ bản ‘sự vận hành’.

Bây giờ, chúng ta hãy phát triển xa hơn: ‘Vận hành’ này diễn ra thông qua phương tiện hình thức vật lý, bộ máy tâm thần, như một hiện tượng, bản thân nó chỉ là một biểu lộ và, do đó, cũng là một khía cạnh của vật tự thể, là cái bóng của cái thực chất. Miễn là không có câu hỏi về một thực thể riêng lẻ giả định rằng mình có lựa chọn về hành động, tất cả các hoạt động hiện tượng diễn ra một cách tự nhiên và câu hỏi về ‘trói buộc’ và ‘giải phóng’ không nảy sinh.

Tuy nhiên, cái lõi chức năng của một bộ máy tâm thần (chúng ta có thể gọi nó là cái ý thức ‘cá nhân’ trong sự phân tích của chúng ta, mặc dù ý thức không thể được phân chia như vậy) được gán cho một chủ thể giả lập như một thực thể riêng biệt, mặc dù bản thân nó chỉ là một đối tượng bên trong cái vật tự thể, thứ là chủ thể duy nhất. Do đó, thực thể giả lập được cho là được sinh ra, để sống và chết. Thực thể giả lập này cũng được cho là có quyền tự do lựa chọn và quyết định; và, với quyền tự do độc lập giả định khiến cho nó đảm nhận trách nhiệm đối với tất cả những gì xảy ra trong hoạt động của thế giới biểu lộ, tức là đau khổ trong thế giới này, kế thừa những tội lỗi và công đức, và hậu quả là tạo ra sự ‘trói buộc’ và nhu cầu ‘giải thoát’.

Bây giờ bạn đã hiểu rõ ràng vị thế của mình chưa? Cái-ta-là tự sai lầm đồng nhất với cái-ta-không-là trong tính tương đối, cái sau đó chỉ là một thực thể giả lập. ‘Trói buộc’ phát sinh từ sự nhận dạng này. Chính cái thực thể giả lập này phải chịu cảm giác tội lỗi và trói buộc và tìm kiếm sự giải thoát. ‘Ta’ không thể đau khổ bởi vì ‘Ta’ vốn không được trang bị bất kỳ công cụ nào có thể trải nghiệm cảm giác. Bất kỳ trải nghiệm nào, dù dễ chịu hay khó chịu, chỉ có thể được trải nghiệm bởi một đối tượng bị nhận dạng sai lầm gọi là cái ‘tôi’ này, giống như một bóng ma không có thực chất.

Cuối cùng, hãy tìm hiểu điều gì xảy ra trong trường hợp của một Jnani. Jnani đã nhận thức được ảo ảnh căn bản của vũ trụ biểu lộ này cũng như vai trò rõ ràng của anh ấy là một hiện tượng trong sự vận hành tự phát của sự biểu lộ. Anh ấy đã tự thích nghi một cách suôn sẻ với bất cứ điều gì có thể xảy ra với cái hiện tượng khi nó trải qua hành trình cuộc sống đã được định sẵn của nó, và sau đó ‘trở về nhà’. Anh ấy dường như đang sống cuộc sống của mình như bao người khác, nhưng sự khác biệt đáng kể là anh ấy không còn đồng hóa bản thân với cái thực thể giả lập, và do đó, không trải nghiệm đau khổ.

Trong trường hợp của một người vô minh, thực thể giả lập (bản thân nó là một ảo ảnh) tiếp tục trải nghiệm thế giới giấc mơ, là cái biểu lộ, như một thực thể độc lập với ý chí rõ ràng. Và nó đau khổ bởi vì bản thân nó liên quan đến quan niệm nhân quả, được gọi là Karma, bao gồm cả quan niệm về luân hồi tái sinh.

Cái Tuyệt Đối Tự Thể biểu lộ qua hàng triệu hình thức được tạo ra và bị phá hủy trong mọi khoảnh khắc, và trong sự vận hành tự phát này, không có chỗ cho khái niệm về bất kỳ thực thể nào. Do đó, bất kỳ hành động nào – tích cực hay tiêu cực – dựa trên quan niệm về một thực thể độc lập, tự do đã ngụ ý thất bại cơ bản trong việc nắm bắt những nguyên tắc căn bản của Advaita. Cho nên miễn là vẫn còn có một thực thể giả lập tự coi mình là kẻ tìm kiếm và nỗ lực hướng tới ‘giải thoát’, nó sẽ vẫn tiếp tục ở trong ‘trói buộc’. Cần phải nhận thức một cách sâu sắc, trực quan rằng người tìm kiếm là thứ được tìm kiếm. Khi điều này xảy ra, người tìm kiếm biến mất.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.