34. Sự Đồng Nhất Vô Cấu

Vào lúc bắt đầu phiên thoại, Maharaj hỏi: Hôm nay chúng ta sẽ nói về điều gì? Hầu hết những người có mặt ở đây đều đã tham dự một số phiên thoại trước đó và họ biết rằng Maharaj thường tự mình lựa chọn chủ đề. Và như thế thì vốn luôn không có nhiều sự lựa chọn, như chính Maharaj đã nói nhiều lần, ông chỉ nói về một chủ đề – đó là chân tánh hay thân phận thực sự của con người. Vì vậy, một vị khách ở đó đã hỏi ông rằng liệu có thứ gì đó cho ta có thể bám vào để thường xuyên liên tục tự ý thức về thân phận thực sự của mình.

Maharaj cười và nói rằng đó là toàn bộ rắc rối.

Một ‘ai đó’ muốn một ‘thứ’ gì đó để anh ta có thể ‘bám vào’ để đạt được một điều gì đó! Bạn chưa nhận ra rằng toàn bộ ý tưởng này đã bị hiểu lầm sao? Trên thực tế, tất cả rất đơn giản khi bạn có thể nhìn thấy rõ nó. Nhưng tôi e rằng nhìn theo cách thông thường sẽ không tác dụng. Kiểu nhìn thông thường là có một người chứng kiến để nhìn thấy một cái gì đó – là hoàn toàn không thỏa đáng. Nó cần một cách nhìn rất đặc biệt, nhìn trực quan, ‘nhìn vào bên trong’, trong đó nó được thấy rằng không có người nhìn và cũng không có gì để nhìn!

Ông ấy nói tiếp, không, tôi không cố làm bạn rối trí. Bản thân cái chủ thể là như vậy – tuy không thể sờ thấy, nhưng rất đủ đầy và thai nghén mà không một chủ thể nào khác có thể có bất kỳ giá trị nào khi so với nó! Tuy tôi có thể đưa cho bạn một công thức mà bạn có thể bám vào, nhưng nó chỉ có thể giúp bạn nếu bạn ghi nhớ những gì tôi đã nói với bạn về cái ‘nhìn vào bên trong’. Nếu bạn chấp nhận nó chỉ đơn thuần như một công thức, bạn sẽ chỉ nhận được cái ngôn từ của Mantra chứ không nắm bắt được ý nghĩa của nó; hoặc dù có được ý nghĩa của Mantra, cũng không có được hiệu quả của nó. Mục đích thực sự của công thức, hay còn gọi là Maha-Vakya, đó là buông bỏ và quy phục sự tri kiến cho Brahman.

Hãy luôn luôn nhớ cái danh tính hoàn hảo của cái-mà-ta-thực-làcái-mà-ta-có-vẻ-là. Không bao giờ có lúc nào quên rằng cái bất biểu lộ và cái biểu lộ, vật tự thể và các hiện tượng, Cái Tuyệt Đối và Cái Tương Đối không hề khác nhau. Cái biểu lộ không phải là một sáng tạo của cái bất biểu lộ, mà chỉ đơn thuần là sự phản chiếu, hoặc một biểu hiện của nó. Nói cách khác, tính nhị nguyên không phải là thứ vốn có giữa chủ thể và đối tượng; thực sự thì không hề có đối tượng nào có thể tồn tại dù chỉ trong giây lát bên ngoài chủ thể và ngược lại. Cái-mà-ta-thực-là (vật tự thể) hiển nhiên vượt qua cái-mà-ta-có-vẻ-là (hiện tượng), nhưng cũng là cái nội tại trong nó. Có một sự đồng nhất không thể tách rời giữa vật tự thể và hiện tượng.

Điều gì xảy ra trong sư biểu lộ? Xét từ khía cạnh vật tự thể, ta tồn tại (mặc dù ta không biết về điều đó), và chưa có bao giờ, dù một giây phút nào ta ngưng là cái-mà-ta-thực-là. Trong khía cạnh hiện tượng, không phải ta tồn tại cũng không phải ta không tồn tại, bởi vì tất cả vật thể chỉ là sự xuất hiện hình tướng trong ý thức, hình ảnh trong gương. Thật vậy, mọi điều người ta có thể nhận thức chỉ có thể là một hình tướng trong ý thức, và không thể có bất kỳ sự tồn tại nào khác như vậy. Và cái ý thức là gì? ‘Ta’ là ý thức. Ngay khi ý nghĩ ta tồn tại nảy sinh, ‘tâm trí’ (cũng không là gì khác hơn là nội dung của ý thức) bắt đầu quá trình đối tượng hoá; nó chỉ có thể làm vậy thông qua khái niệm nhị nguyên, một sự tách biệt thành chủ thể và khách thể về mặt quan niệm, thành những thứ đối ngẫu và tương phản liên quan đến nhau như khoái cảm và đau đớn. Trong suốt quá trình này, xé từ khía cạnh vật tự thể, phi thời gian, cái ‘Ta’ chủ thể thuần túy vẫn duy tại bất biến, trọn vẹn, thần thánh và vĩnh hằng như bao giờ hết. Ở trong sự quan niệm hóa, để có thể nhận biết được các hình tướng về mặt cảm quan, các đối tượng phải được đưa ra hai khái niệm; đó là chúng sẽ cần phải có hình dạng hoặc khối lượng trong không gian và khoảng thời lượng trong thời gian để chúng có thể được nhận dạng.

Nếu bạn có thể thả neo cố định duy trì sự đồng nhất vô cấu giữa vật tự thể và hiện tượng, thứ là tổng tiềm năng của bạn, bạn sẽ thấy rằng cái sự trói buộc mà bạn muốn giải thoát đó chỉ là ảo tưởng, không thể có bất cứ cơ sở nào để tồn tại. Hãy hiểu rõ điều này. Ý niệm của bạn về sự trói buộc chỉ là ảo tưởng rằng bạn là một thực thể tự trị, chịu sự chi phối của thời gian và các nhân quả Karma. Tuy nhiên, nếu bạn đã nhận thức được danh tính căn nguyên cốt lõi của mình thì bạn sẽ thấy rằng yếu tố không-thời gian (cơ sở của khái niệm Nhân-Quả Karma và hậu quả là sự trói buộc) về cơ bản chỉ là một cơ chế tạo ra để có sự nhận biết cảm quan về các hiện tượng, và do đó nó không thể là một phương tiện có thể tồn tại độc lập.

Một lần nữa nhắc lại: sự biểu lộ tương đối – thế giới – không phải là ‘ảo ảnh‘ vì nó là biểu lộ của Cái Tuyệt Đối Bất Biểu Lộ, là cái tồn tại nội hàm trong đó; cái ảo ảnh chân chính là sự nhận dạng nhầm lẫn của bạn với một hiện tượng cụ thể. Hãy nhớ rằng: Cái bóng không thể ở đó mà không có cái chủ thể thực chất – nhưng cái bóng không phải là chủ thể thực chất.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.