35. Hoàn toàn không có cảm giác ‘ta là Người Làm’

Một buổi sáng nọ, trong số những vị khách tham gia có một giáo sư triết học đến từ miền bắc Ấn Độ. Ông ta đã gặp Maharaj vài lần. Sáng nay ông ta được tháp tùng bởi một người bạn của mình, một nghệ sĩ tài năng, nhưng dường như anh ta không đặc biệt quan tâm tới chủ đề Maharaj nói.

Vị giáo sư bắt đầu cuộc thảo luận. Ông ta nói mình đã rất ấn tượng trước những gì Maharaj nói trong lần gặp mặt trước, mỗi lần ông nghĩ về nó, ông ta cảm thấy một sự rung động dâng trào qua cơ thể. Maharaj đã nói với ông ta rằng con đường duy nhất để quay lại chính là con đường mà ta đã đi đến đây, và không có cách nào khác. Giáo sư nói, câu nói này đã đánh một âm vang sâu sắc trong ông và không để lại chút nghi ngờ hoặc câu hỏi nào cả. Nhưng sau đó, khi ông ta bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về vấn đề này, đặc biệt là về cái ‘làm thế nào’, ông đã thấy mình bị cuốn vào một mớ ý tưởng và quan niệm hỗn độn, ma mãnh một cách vô vọng. Ông ta nói rằng ông cảm thấy mình giống như một người đã nhận được món quà là một viên kim cương quý giá nhưng sau đó đã làm mất nó. Ông ta phải làm gì bây giờ?

Maharaj bắt đầu nói nhẹ nhàng. Ông ấy nói: Làm ơn, hãy hiểu. Không có chân lý nào vẫn là chân lý tại thời điểm nó được diễn tả. Nó đã trở thành một quan niệm! Thêm vào đó là để giao tiếp với nhau, các từ ‘tôi’ và ‘bạn’, và ‘chúng tôi’ và ‘họ’ nhất thiết phải được sử dụng. Do đó, ngay chính suy nghĩ đầu tiên đã phá vỡ tính nhất thể và tạo ra tính hai mặt nhị nguyên; thực sự thì chỉ trong tính nhị nguyên thì giao tiếp mới có thể diễn ra. Bản thân các ngôn từ càng mở rộng sự phân chia. Nhưng đó không phải là tất cả. Sau đó, người nghe, thay vì nhận thức trực tiếp và trực quan những gì đang được truyền đạt, lại bắt đầu quá trình lập luận tương đối với những hạn chế ngầm của nó khi áp dụng cho chủ thể và vật tự thể.

Bạn có theo kịp với tôi tới thời điểm này không, Maharaj hỏi, và sau đó tiếp tục. Sự suy luận tương đối là gì? Nó là quá trình lý luận theo đó một chủ thể tạo ra những đối tượng với những phẩm chất hoặc đặc điểm có thể được so sánh ở trong ý thức của mình. Nói cách khác, quá trình này không thể hoạt động ngoại trừ trên cơ sở đối ngẫu chủ thể-đối tượng. Sự suy luận tương đối như vậy có thể hiệu quả, và thực sự cần thiết, để mô tả các đối tượng bằng cách so sánh. Nhưng làm thế nào nó có thể ứng dụng với chính cái chủ thể? Cái mà nhận thức – cái chủ thể – rõ ràng không thể tự nhận thức chính nó như một đối tượng! Mắt có thể nhìn thấy mọi thứ khác ngoại trừ chính nó!

Do đó, Maharaj nói, không có gì ngạc nhiên khi bạn sa vào vũng lầy của những ý tưởng và khái niệm mà không thể tự thoát ra. Nếu bạn có thể nhìn được cái vị thế thực tế, bạn sẽ thấy nó đúng là một trò đùa.

Đó là cái nền tảng. Bây giờ, đi đến vấn đề thực sự: Ai là ‘bạn’, kẻ đang cố gắng quay trở lại theo con đường mà ‘anh ta’ đã đến? Dù bạn có quay lưng lại đuổi theo cái bóng của mình bao xa, thì cái bóng đó sẽ vẫn luôn đi trước bạn. Quay lại nghĩa là gì? Nó có nghĩa là quay trở lại vị trí khi mà hoàn toàn không có ý thức. Nhưng – và đây là mấu chốt của vấn đề – khi mà vẫn còn có người đang phủ định, người liên tục phủ định và phủ định (đuổi theo cái bóng), ‘bạn’ sẽ vẫn không bị phủ định. Cố gắng nhận thức những gì tôi đang nói, không phải bằng trí tuệ của bạn, không phải bằng ‘bạn’ sử dụng trí tuệ của bạn, mà chỉ đơn thuần nhận thức như vậy.

Tôi tự hỏi liệu những gì tôi nói đã rõ ràng chưa, Maharaj hỏi.

Ngay sau đó tôi tình cờ nhìn vào người bạn nghệ sĩ của giáo sư và bị ấn tượng bởi sự tập trung mãnh liệt của anh ta. Thay vì tỏ ra buồn chán, hoặc chỉ hứng thú một chút, anh ta đang lắng nghe mọi lời của Maharaj như thể bị thôi miên. Maharaj chắc cũng nhận ra điều này vì ông ấy đã cười với anh ta. Người nghệ sĩ sau đó không thốt lên lời nào, chắp tay kính phục và gật đầu lia lịa với cử chỉ của một sự hiệp thông tĩnh lặng.

Tuy nhiên, vị giáo sư dường như đã gặp một chướng ngại tinh thần, một khối không thể xuyên thủng, và ông ta đã nói như vậy. Maharaj sau đó nói với ông ta rằng ‘khối’ này là một vật cản tưởng tượng gây ra bởi một ‘bạn’ tưởng tượng, đã tự đồng nhất với cơ thể. Ông ấy nói: Tôi nhắc lại, phải có sự phủ định tối hậu và hoàn toàn để chính bản thân người phủ định biến mất! Những gì bạn đang cố gắng làm là cố hiểu bạn gì thông qua quan niệm về sự ‘tồn tại’, trong khi trong thực tại, ‘Ta’ không tồn tại, cũng không phải không tồn tại, ‘Ta’ vượt trên chính khái niệm về sự tồn tại, vượt ra ngoài khái niệm của sự hiện hữu tích cực và tiêu cực. Trừ khi đã hiểu được điều này rất sâu sắc, bạn sẽ vẫn tiếp tục tạo ra những chướng ngại tưởng tượng, mỗi vật cản sẽ mạnh hơn cái trước đó. Bạn đang tìm kiếm thứ mà bạn đã vốn là.

Sau đó, vị giáo sư hỏi: Vậy nó có nghĩa là không ai có thể dẫn tôi trở lại với con người thực của tôi? Maharaj xác nhận rằng điều đó thực sự là như vậy. Bạn đang ở – bạn luôn ở – nơi mà bạn muốn được dẫn dắt đến. Trên thực tế, thực sự không hề có ‘nơi’ mà bạn có thể được dẫn đến. Nhận thức về vị trí hiển nhiên này chính là câu trả lời — chỉ cần sự nhận thức; không cần phải làm gì cả. Và điều trớ trêu bi thảm là sự nhận biết và nhận thức không thể là một hành động của ý chí. Trạng thái thức dậy của bạn có tự xảy ra không, hay là bạn tự đánh thức bản thân như một hành động của ý chí? Thật vậy, nỗ lực từ ​​phía ‘của bạn’ dù là nhỏ nhất ngược lại sẽ ngăn chặn những gì có thể xảy ra một cách tự nhiên và tự phát. Và trò đùa trong đùa là việc bạn cố tình không làm gì cả cũng sẽ ngăn trở điều đó! Nó thực sự đơn giản; ‘làm’ điều gì đó và ‘không làm’ điều gì đó đều là những nỗ lực mang tính ý chí. Phải hoàn toàn không có người-làm nào, sự vắng mặt hoàn toàn của cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực của ‘làm’. Quả thực, đây chính là ‘quy hàng’.

Khi vào cuối phiên thoại, giáo sư và người bạn nghệ sĩ của ông đang rời đi, Maharaj mỉm cười với nghệ sĩ và hỏi anh ta liệu anh ta có quay lại nữa không. Người nghệ sĩ bày tỏ lòng kính trọng theo cách khiêm nhường nhất, mỉm cười và nói rằng anh ấy không thể tránh khỏi điều đó được, và tôi tự hỏi ai đã thực sự thu được lợi ích của buổi nói chuyện sáng hôm đó, vị giáo sư tích cực bộc bạch với trí tuệ uyên bác của mình, hay người nghệ sĩ tiếp thu một cách thụ động bằng tri kiến sâu sắc nhạy bén của mình.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.