37. Phân tích tư tưởng

Maharaj muốn các vị khách đặt câu hỏi, nhưng ông mong muốn họ không nên hỏi ở cấp độ đồng hóa với cơ thể – tâm trí. Ông nói những câu hỏi và vấn đề liên quan đến hành vi của một người và cách ứng xử trong thế giới này đã có trong hàng trăm cuốn sách đã được viết và có những Guru tự hào về khả năng đối phó với chúng.

Tại một phiên thoại, khi Maharaj mời gọi các câu hỏi như thường lệ, một vị khách đã hỏi một câu mà đã ngay lập tức khiến ông nở một nụ cười ấm áp, biểu thị rằng câu hỏi đã được đưa ra đúng và thích hợp. Người khách cho biết: Maharaj thường nói rằng bất cứ ai muốn được ‘thức tỉnh’ phải tránh những tư tưởng. Và không phải mọi tư tưởng đều là sự quan niệm hóa, thứ mà người cần tránh. Ví dụ, câu trả lời của Maharaj cho các câu hỏi thường rất thích hợp nhưng tự nhiên đến mức dường như không có tư tưởng nào đằng sau chúng, nhưng nhất thiết phải có những suy nghĩ nào đó làm cơ sở của những câu trả lời đó.

Maharaj nói: Quả thực có sự khác biệt rất lớn giữa những tư tưởng. Tư tưởng hình thành những ảo mộng nằm mơ giữa ban ngày, hoặc những suy nghĩ hối tiếc về những sự kiện trong quá khứ, hoặc những suy nghĩ về sự sợ hãi và lo lắng và dự đoán về tương lai chắc chắn khác rất nhiều so với những suy nghĩ
nảy sinh một cách tự nhiên từ sâu thẳm trong tâm thức của một người, người ta có thể gọi chúng là những suy nghĩ không cần bất kỳ lập luận và giải thích bằng trí óc. Những tư tưởng thuộc loại đầu tiên thì cần được loại bỏ và tránh xa; loại tư tưởng thứ hai không thể bị bỏ qua hoặc tránh được, bởi vì chúng cơ bản là tự phát và ngay lập tức và là phi khái niệm.

Maharaj sau đó tiếp tục: Ý nghĩ đầu tiên ‘Ta tồn tại’ chắc chắn là một tư tưởng, nhưng là một tư tưởng mà không cần bất kỳ lập luận hoặc xác nhận từ tâm trí. Thật vậy, nó là cơ sở của tất cả những suy nghĩ xa hơn, nó là suy nghĩ tiền-khái niệm – là cội nguồn của tâm trí. Sống theo tư tưởng gián tiếp hoặc trung gian, trong một tâm trí bị phân chia, có tính nhị nguyên là điều mà hầu hết mọi người đang làm bởi vì họ đã xác định đồng hóa với một thực thể giả lập tự coi mình là chủ thể của mọi hành động. Nhưng tư tưởng trực tiếp hoặc tư tưởng tuyệt đối là quá trình mà Cái Tuyệt Đối bất biểu lộ đã tự biểu lộ ra bên ngoài. Tư tưởng như vậy là tự phát và tức thời và do đó, không có yếu tố thời gian, thứ vốn là một khía cạnh của tâm trí phân chia. Bất cứ khi nào có khoảng thời gian, tư tưởng chắc chắn phải là hệ lụy từ một tư tưởng khác, được diễn giải theo tính hiện tượng và nhị nguyên.

Không thể có tư tưởng trực giác tự phát, bất nhị, xuất hiện trừ khi cơn bão của tư duy quan niệm đã lắng xuống và tâm trí nghỉ ngơi trong trạng thái ‘nhịn ăn’; và tư tưởng như vậy rõ ràng là không thể biết đến sự trói buộc. Suy nghĩ thuần khiết tức thời dẫn đến hành động thuần túy mà không có chút ràng buộc nào, bởi vì không có thực thể cá nhân nào liên quan.

Maharaj kết luận sự giải đáp của mình bằng cách nói rằng hầu hết các tôn giáo ban đầu dựa trên những tư tưởng thuần khiết trực tiếp. Theo thời gian, chúng biến đổi thành các quan niệm. Và trên những quan niệm này đã dần dần dựng lên một cấu trúc vô định hình khổng lồ, đủ mê hoặc để thu hút và đánh lừa hàng triệu người.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.