38. Sự hiện hữu là Thượng Đế

Điều mà một số vị khách nhận thấy sau khi nghe Maharaj nói một thời gian là ông ấy hiếm khi sử dụng từ ‘tình yêu’ trong việc bộc lộ bản chất thực sự của con người. Trên thực tế, ông ấy thường nói rằng trong quá trình biểu lộ của cái bất biểu lộ, không có gì liên quan tới tôn giáo hoặc phải sùng kính như vậy.

Một vị khách có hỏi cụ thể Maharaj rằng liệu tình yêu có chỗ đứng nào trong những diễn giải của ông không, ông sẽ mỉm cười và hỏi một câu hỏi ngược lại: Bạn thực sự muốn nói gì khi dùng từ ‘tình yêu? Từ đó có ý nghĩa gì đối với bạn? Câu hỏi này thường sẽ làm cho các vị khách không nói nên lời bởi vì từ này là một trong những từ bị hiểu sai tới mức vô vọng và bị tự do lạm dụng một cách sai lầm.

Maharaj sau đó tiếp tục: Từ ‘tình yêu’ về cơ bản có nghĩa là ‘một nhu cầu’ nào đó, vì bạn yêu một người, hoặc một thứ làm thỏa mãn nhu cầu của bạn, có đúng không? Thật vậy, tình yêu giữa nam và nữ làm thỏa mãn nhu cầu của mỗi người cho nhau cho dù đó là nhu cầu về thể xác, bằng sự đồng hành, hoặc dưới bất kỳ hình thức hoặc cách thức nào khác. Khi một người thấy rằng người kia không còn thỏa mãn nhu cầu, ‘tình yêu’ đầu tiên chuyển sang thờ ơ và sau đó có lẽ là ‘ghét bỏ’. Tại sao các cặp đôi rất thường xuyên thay đổi bạn tình, nếu không kết hôn thì có kết cục khác, nhất là ở phương Tây? Vì lý do đơn giản là họ dường như không còn thỏa mãn được nhu cầu của nhau như lúc trước.

Một vị khách muốn tiếp tục truy vấn sâu hơn, đã đặt một số câu hỏi.

Khách: Nhưng thưa ông, đây chắc chắn là một cái nhìn hạn hẹp về từ ‘tình yêu’. Chắc chắn phải có một cái gì đó như tình yêu phi cá nhân hoặc tình yêu ‘phổ quát’?

Maharaj: À! Hãy làm rõ ràng rằng chúng ta đang nói về cái gì. Chúng ta có đang nói về một loại tình cảm, một mối quan hệ giữa hai người không? Nếu vậy, tình yêu không là điều gì khác hơn là sự đối lập của ‘ghét’ – cả hai đều là tình cảm mà một người dành cho người khác, đúng không? Một mối quan hệ chỉ có thể xảy ra trong biểu hiện nhị nguyên của chủ thể-đối tượng. Tuy nhiên, nếu bạn suy nghĩ theo hướng của cái bất biểu lộ tự thể, đó là trạng thái hoàn toàn chủ quan, (không có bất cứ điều gì khách quan có thể chạm vào), thứ chỉ có thể được đề cập tới bởi đại từ chủ quan ‘Ta’, sự nhất thể hoàn toàn, chỉ có thể được hình dung như một trạng thái sung mãn, trọn vẹn, thánh thiện, không ngôn từ nào có thể diễn tả được đầy đủ. Và, tất nhiên, trong trạng thái đó, một mối quan hệ yêu-ghét sẽ khá là bất khả thi. Mối quan hệ giữa ai và ai? Do đó, nếu bạn đang sử dụng từ ‘tình yêu’ để biểu thị trạng thái của vật tự thể, từ này cũng giống như bất kỳ từ nào khác, sẽ là bất toàn.

K: Thành thật mà nói, tôi đã không xem xét vấn đề một cách sâu sắc, kỹ lưỡng. Có lẽ những gì đã ở trong tâm trí tôi là những câu từ đã được truyền xuống như: ‘Thượng đế là tình yêu’, hay ‘Tình yêu là tôn giáo’.

M: (Cười) Đây lại một lần nữa, bạn của tôi, những thứ đó đâu là gì khác ngoài sự kết hợp của các từ ngữ dựa trên quan niệm của một ai đó mà anh ta thích và muốn đẩy cho người khác? Và ‘những người khác’ còn hơn cả sẵn sàng chấp nhận bất kỳ quan niệm nào mang lại cho họ một loại dây buộc đạo đức. Trong những trường hợp như vậy người tìm kiếm tâm linh sẽ sung sướng và tự mãn trong vị thế của người tìm kiếm. Anh ta cảm thấy mình vượt trội hơn nhiều so với những người khác, ‘những linh hồn lầm lạc đang lãng phí cuộc sống của họ’. Và trong tư thế ‘giác ngộ’ này, anh ta rất vui khi bám vào một quan niệm dựa vào tổ hợp những ngôn từ hoa mỹ dễ chịu, thứ sẽ nuôi dưỡng cái bản ngã của người tìm kiếm tâm linh.

K: Nhưng Maharaj, những câu ‘Chúa là tình yêu’, và ‘Người nào an trú trong tình yêu thì an trú ở trong Chúa và Chúa ở trong anh ta ‘đã được sử dụng bởi Thánh John, một vị thánh Cơ đốc vĩ đại, người cũng được cho là một Jnani.

M: Tôi không nghi ngờ về việc ông ấy là một Jnani. Nhưng thật không may, dường như không có tín đồ nào đã thực sự hiểu rõ ràng những lời đẹp đẽ này từ một vị thánh Cơ Đốc. Chắc chắn Thánh John không hề có ý rằng ‘Chúa’ là một thực thể mang tính đối tượng, hiện tượng, có bản chất là tình yêu.

Bây giờ, chúng ta hãy quay lại những gì tôi đã nói với bạn về việc nhu cầu là nền tảng của tình yêu. Hãy cân nhắc xem cái gì là vật sở hữu vô giá nhất của bất kỳ chúng sinh nào. Nếu một người có thể lựa chọn giữa việc sở hữu tất cả của cải trên thế giới và ‘sự hiện hữu’ của anh ta, hoặc ‘cái ý thức’, thứ mang lại cho anh ta cảm giác được sống và hiện hữu, và nếu không có thứ đó thì cơ thể sẽ chẳng là gì khác ngoài một cái xác, anh ta sẽ chọn cái nào? Rõ ràng, nếu không có ý thức, tất cả của cải trên thế giới sẽ chẳng có ích lợi gì đối với anh ta. Cái sư hiện hữu này, sự hiện diện có ý thức này của anh ta, là sự hiện hữu của mọi chúng sinh trên trái đất, chính linh hồn của toàn thể vũ trụ, – và do đó thực sự thì cái ở đây-bây giờ-này, ý thức này sự hiện hữu, không thể là gì khác hơn là Thượng Đế. Đây chính là thứ mà người ta yêu hơn bất cứ thứ gì khác bởi vì không có nó thì không có vũ trụ, không có Chúa. Do đó, đây là Hiện Hữu-Tình Yêu-Thượng Đế. Và, Thánh John rõ ràng là đã rất ý thức về điều này khi ông ấy nói ‘Chúa là Tình yêu. . . . ‘ Rõ ràng là tất cả những gì ông ấy muốn ám chỉ là ông ấy (John) và ngài ấy (Chúa) không khác nhau về tính chủ quan thuần túy, như vật tự thể. Và, do đó, người nào đã thả neo cố đính trong sự hiện diện có ý thức, đó là Tình Yêu, đó là Thiên Chúa, ‘an trú ở trong Chúa và Chúa ở trong anh ấy.’

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.