43. Nhận biết được cái Sai là Sai chính là Chân Lý

Tại một phiên thảo luận, chủ đề là: Chính xác thì điều gì tạo nên ‘sự trói buộc’? Maharaj giải thích rằng những gì chúng ta là vật tự thể – phi thời gian, phi không gian, là sự hiện hữu không thể nhận thức, chứ không phải là những gì chúng ta biểu kiến, các đối tượng riêng biệt – giới hạn thời gian, hữu hạn và có thể cảm nhận bằng các giác quan. ‘Sự trói buộc’ nảy sinh bởi vì chúng ta quên mất bản thể thực của mình, là vật tự thể, và đồng hóa bản thân mình với cái hiện tượng – cơ thể – thứ không là gì khác ngoài một bộ máy tâm thần.

Khi Maharaj mời đặt câu hỏi, một vị khách, người đã tham dự một số buổi và hầu như không hỏi bất kỳ câu hỏi nào trước đó, đưa tay lên và hỏi: Có phải sự đồng hóa với cơ thể—chỉ đơn thuần vì sự nhận dạng như vậy – nghĩa là trói buộc? Các Jnani không thể từ bỏ cơ thể của họ trong suốt cuộc đời và phải sống cuộc sống của họ như những con người khác khi mà các chức năng vật lý vẫn còn liên quan. Hơn nữa, tất cả các Jnani không hành động theo một cách thức thống nhất; mỗi người có cách đối nhân xử thế riêng. Ở mức độ này, ngay cả trong trường hợp của các Jnani, vẫn nói rằng không có một sự đồng hóa với cơ thể cá nhân sao?

Maharaj mỉm cười tán thưởng câu hỏi có cơ sở này. Ông ấy nói: Cơ thể là một công cụ cần thiết để ý thức duy trì trong sự biểu lộ. Làm thế nào hai thứ đó có thể được ‘tách biệt’ cho đến khi hơi thở rời khỏi cơ thể (thường được gọi là cái chết) và ý thức được giải phóng khỏi hình dạng hiện tượng của nó? Sự trói buộc không phải do đơn thuần do đồng hóa với cơ thể, thứ là một cấu trúc tâm thần của năm nguyên tố, một công cụ không có sự tồn tại độc lập của chính nó. Nguyên nhân gây ra ‘sự trói buộc’ là sự nhận dạng dẫn đến khái niệm tưởng tượng ra một thực thể độc lập, tự chủ, giả định là mình là người làm, người hành vi, và do đó gánh lấy hành động và chịu trách nhiệm về hậu quả.

Tôi nhắc lại rằng sự ‘trói buộc’ không chỉ đơn thuần là do định dạng với cơ thể. Cơ thể phải tiếp tục được sử dụng như một công cụ. Trói buộc chỉ có thể phát sinh khi có ý chí rõ ràng, tức là khi một hành động được tưởng tượng là do được lựa chọn làm bởi ‘người làm’, do đó tạo ra tiến trình của nhân quả, của Karma và ‘trói buộc’.

Cần phải hiểu cách mà cái thực thể biểu kiến này được phóng chiếu lên trên quá trình tổng quát của sự biểu lộ. Một khi bạn thấy cái sai là sai, không cần thiết phải tìm kiếm cái thật, mà dù sao đi nữa nó cũng là cái không thể được nhận biết như một đối tượng. Ở cấp độ nào thì câu hỏi về danh tính phát sinh? Cái hiện tượng tiềm ẩn trong vật tự thể (vật tự thể có sẵn trong cái hiện tượng), câu hỏi về danh tính thực sự không nên nảy sinh chút nào. Không cần bất kỳ sự phân định cụ thể nào giữa vật tự thể (Avyakta) và cái hiện tượng (Vyakta) như vậy. Nhu cầu này chỉ nảy sinh khi có sự biểu lộ của cái tự thể Tuyệt-đối trong các đối tượng hiện tượng riêng biệt, một quá trình đối tượng hóa nhất thiết phải có ‘tính nhị nguyên’ – phân tách thành hai yếu tố – một chủ thể (Vyakti), thứ nhận thức và nhận biết và một đối tượng được nhận thức và nhận biết. Điểm quan trọng là cả chủ thể người nhận thức này và đối tượng được nhận thức đều là các đối tượng phụ thuộc lẫn nhau và chỉ có thể tồn tại trong ý thức, trong đó quá trình biểu lộ xảy ra, và chúng ta thực sự cái ý thức.

Hãy hiểu điểm cơ bản này: Chúng ta chỉ có thể tồn tại như những đối tượng của nhau; và điều đó cũng chỉ xảy ra ở trong ý thức của chủ thể-người nhận thức, cái đang nhận thức chúng ta, mỗi đối tượng đảm nhận vị trí của chủ thể-người nhận thức (Vyakti) khi nhìn thấy những người khác trở thành đối tượng. Và ở đây phát sinh ‘thực thể’ (Vyakti). Chủ thể-người nhận thức, khi xét tới chức năng chủ quan của mình, cho rằng ‘chính mình’ là một thực thể, một ‘tự ngã’ độc lập, tự chủ với ý chí và sự lựa chọn. Thực thể như một bóng ma này sau đó còn đi xa hơn khi theo đuổi nguyên tắc ‘thuyết nhị nguyên’ (là cơ sở của sự biểu lộ) để so sánh, phân biệt, đưa ra phán đoán và lựa chọn giữa các đối tượng của mình, trên quan điểm của các mặt đối lập tương quan như đúng và sai, tốt và xấu, chấp nhận được và không thể chấp nhận được v.v.

Không chỉ đơn thuần là sự đồng hóa với cơ thể, mà còn là cái ‘thực thể hư cấu’ ảo tưởng này là nguồn gốc của ‘trói buộc’. Một lần nữa nhắc lại: Chúng ta là Cái Tuyệt Đối Tự Thể (Avyakta) được biểu lộ dưới dạng tổng thể của hiện tượng (Vyakta) không có bất kỳ sự tồn tại khách quan của một cá nhân nào. Vì vậy, cái-mà-ta-thực-là không thể chịu bất kỳ sự ‘sinh’ hay ‘tử’ nào, không bị trói buộc cũng như không có giải thoát. Trói buộc và hệ quả của nó là đau khổ, cả hai đều hoàn toàn là quan niệm, dựa trên sự đồng hóa với môt thực thể-chủ thể-người nhận thức hoàn toàn tưởng tượng (Vyakti).

Trên đây là một ví dụ về những gì Maharaj đã nói khi mà ông đánh giá cao cuộc đối thoại hay về một chủ đề đã tự phát triển một cách thú vị. Trong các cuộc thảo luận về chủ đề trừu tượng, khi có một thính giả có tri kiến sâu sắc về những gì Maharaj nói, anh ta sẽ cảm thấy thích thú như một đứa trẻ đã nhận được món đồ chơi mong muốn. Anh ta có thể nói rằng chủ đề ngày hôm nay đã được triển khai thật hay. Đôi khi, anh ta có thể nói rằng một cuộc thảo luận cấp cao như vậy về Advaita sẽ không thể có ở bất cứ đâu khác! Dù nó có vẻ là tự khen ngợi bản thân trong những dịp như vậy, những đó thực sự là niềm vui tuyệt đối của sự tĩnh lặng. Sau đó anh ta là Vyakta, chứ không phải Vyakti.

Người ta nói về Ramana Maharshi rằng khi mọi người hát ‘Thánh ca ca ngợi Ramana’, chính ông ấy cũng sẽ cùng họ hát và vỗ tay như tất cả những người khác. Ông ấy đã hoàn toàn không còn xác định mình với bất kỳ một thực thể nào và do đó, hoàn toàn quên đi mọi hàm ý trong những hành động của mình. Các bài thánh ca đề cập đến ‘Ramana’, không phải một cá nhân. Jnani thực sự không có thực thể riêng lẻ nào cả để mà phải xấu hổ, và cơ thể, bộ máy tâm thần của ông, mang các chức năng bình thường của nó, vận hành theo cách bình thường mà ông không hề ý thức.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.