56. Những ngày cuối cùng: Những giáo huấn cuối cùng

Những đám mây đen và ảm đạm bao phủ đường chân trời và có tiếng sấm ầm ầm ở phía xa và ánh chớp. Chúng tôi biết cơn bão đang đến – cái kết cuối cùng không thể thay đổi, kẻ không ngừng hủy diệt mọi thứ, kẻ bất khả xâm phạm.

Sinh lực của Vị Thầy kính yêu của chúng tôi đang tiêu hao dần bởi căn bệnh ung thư và chúng tôi biết rằng cơ thể yếu ớt của Ngài sẽ sớm ngã xuống, có lẽ sớm hơn cả so với chúng tôi e ngại. Nhưng chúng tôi sợ rằng nếu mình thể hiện sự sợ hãi với sự ra đi của ông ấy thì ông sẽ rất đau lòng khi biết rằng sự dạy dỗ của ông cho chúng tôi hoàn toàn uổng phí. Ông ấy đã dạy chúng tôi rằng con người chỉ là những hình thức mang tính quan niệm, chẳng hề thực hơn những nhân vật trong giấc chiêm bao, rằng chỉ có cơ thể là đối tượng của sinh và tử và chứ chân ngã không phải, thứ không chỉ là bất lão mà còn là bất sinh và bất diệt. Và ông ấy đã là Chân Ngã Tối Thượng. Vâng, chúng tôi đã biết tất cả những điều này, nhưng trước viễn cảnh ông ấy sẽ qua đời, chúng tôi đã bắt đầu cảm giác mình như những đứa trẻ mồ côi, vì chúng tôi vô cùng yêu ông ấy! Thật khó để vượt lên trên cảm xúc của con người và sự thất bại trong việc đó!

Trong những ngày cuối cùng của ông – từ tháng 5 đến tháng 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 1981, khi ông buông xuôi sợi dây sinh tử của mình, cơ thể của ông đã khô héo rõ ràng theo từng ngày, nhưng tinh thần của ông vẫn bất khuất cho đến giây phút cuối cùng. Ông ấy vẫn tiếp tục nói chuyện, mặc dù bằng một giọng yếu ớt, nhưng với sự uy quyền vốn có, và chỉ bằng lời nói của ông, như nó vốn có, những huyễn hoặc và ảo tưởng của người nghe sẽ bị thu nhỏ lại.

Tôi trích ra những kim ngôn ngọc ngữ dưới đây từ một số cuộc đối thoại của ông ấy trong những ngày cuối cùng này. Ông ấy không thể nói lâu dài; ông phải nói ngắn gọn, nhưng bất cứ điều gì ông nói đều có bản chất tinh tế và là một loại chất xúc tác cho người nghe. Đó là những lời nói của sự Siêu Việt, không phải là thứ từ một ông già yếu đuối trong nanh vuốt của tử thần!

Đã hơn hai tuần nay – tháng 6 năm 1981 – Maharaj đã không thể nói chuyện với các vị khách bằng sự hăng hái như cũ. Theo yêu cầu khăng khăng từ nhiều người trong chúng tôi, ông ấy đã đồng ý giới hạn các bài thoại xuống còn nửa giờ đồng hồ, và như vậy cũng vừa tầm với ông, bởi vì ngay cả ba mươi phút nói chuyện cũng đã khiến ông ấy mệt mỏi về thể chất đến nỗi không thể ngồi dậy sau đó.

Những lời nói của Maharaj, mặc dù ít hơn, nhưng lại thai nghén nhiều hàm ý nhiều hơn. Ông ấy đã nói rằng thể chất yếu đuối đã khiến ông gặp khó khăn khi triển khai những gì muốn truyền đạt. Ông ấy nói thêm rằng đây là một loại ân huệ được ngụy trang bởi vì người nghe bây giờ sẽ phải chú ý nhiều hơn đến những gì ông nói, mà không để tâm trí họ lang thang đi nhiều. Ngoài ra, họ sẽ phải tự suy ngẫm trong một thời gian nhất định cho chính bản thân họ!

Nhiều người trong số những người đến thăm, vì thấy tình trạng thể chất vô cùng yếu ớt của Thầy, đã hạn chế đặt câu hỏi ở mức tối thiểu, cho dù Maharaj vẫn thúc ép họ giải quyết sạch sẽ những khúc mắc của họ. Ông nói,”Bây giờ còn lại quá ít thời gian”.

***

Một buổi sáng, một trong những vị khách thường xuyên đến thăm, có lẽ với mục đích khiến tâm trí của Maharaj tránh xa khỏi nỗi đau về thể xác, bắt đầu nói về nhiều vấn đề khác nhau và hỏi nhiều câu khá hời hợt. Tất nhiên, Maharaj đã nhanh chóng nhìn thấu và ngồi thẳng vào chiếc ghế bành của mình. Ông ấy nói, tôi biết bạn đang cố gắng làm gì, , nhưng bạn quên mất rằng tôi không phải là thứ như bạn nghĩ. Tôi không chịu đựng đau khổ; tôi không thể đau khổ vì tôi không phải là đối tượng. Tất nhiên là có sự đau khổ. Nhưng bạn có nhận ra sự đau khổ này là gì không? Tôi là sự đau khổ. Bất cứ điều gì được biểu lộ, tôi là cái vận hành. Bất cứ điều gì có thể được cảm nhận được, tôi là người nhận thức về nó. Bất cứ điều gì được làm, tôi là người đang làm; tôi là người thực hiện nó, và, hãy hiểu điều này, tôi cũng là cái được thực hiện. Trên thực tế, tôi là sự vận hành tổng thể.

Nếu bạn đã nhận thức điều này, bạn không cần biết thêm gì nữa. Đây là Chân Lý. Nhưng cái từ khóa có ý nghĩa quan trọng ở đây là ‘nhận thức’. Những gì tôi vừa nói là tôi nói với chính mình. Nhưng nếu bạn đã nhận thức điều này, bạn cũng có thể nói điều tương tự. Bạn và tôi không phải là hai, mà là cùng một sự Nhất Thể Tuyệt đối.

Nếu sự nhận thức này là mạnh mẽ, bạn không thể cãi nhau với bất kỳ ai, bất kể anh ta làm hoặc không làm gì. Tại sao? Bởi vì sau đó bạn sẽ nhận ra rằng bất cứ điều gì xảy ra đều là một phần của sự vận hành chung trong ý thức và không có đối tượng hiện tượng nào (trên thực tế nó chỉ là một hình tướng trong ý thức của người khác) có bất kỳ sự tồn tại độc lập hoặc tự do ý chí hành động nào. Hãy suy ngẫm về điều này một cách sâu sắc.

***

Một buổi sáng khác, Maharaj ngồi tựa nửa người trên giường, nhắm mắt lại. Các vị khách đã từng người một đến và lặng lẽ ngồi vào chỗ của họ. Thấy Thầy đang yên nghỉ, họ ngồi xuống nhắm mắt thiền định. Thật đáng kinh ngạc khi tâm trí đi vào trạng thái ‘nhịn ăn’ dễ dàng đến thế trong sự hiện diện của Thầy. Đột nhiên, Maharaj bắt đầu nói bằng một giọng rất yếu.

Mọi người đến đây đều muốn một thứ gì đó. Những gì bạn muốn có thể là Tri Thức với chữ ‘T’ viết hoa – Chân Lý cao nhất – nhưng dù thế nào thì cũng là muốn một thứ gì đó. Hầu hết các bạn đã đến đây khá lâu. Tại sao? Nếu bạn có sự hiểu biết về những gì tôi đã nói, bạn đáng lẽ phải ngừng đến đây từ lâu! Nhưng điều thực sự đã và đang xảy ra là bạn cứ tới đây ngày này qua ngày khác, đã xác định mình là từng cá thể, nam hoặc nữ, với một số người và một số thứ mà bạn gọi là ‘của tôi’. Ngoài ra, bạn nghĩ rằng bạn đã đến đây, là nguyện vọng của riêng bạn, để nhìn thấy một cá nhân khác – một Guru – người mà bạn mong đợi sẽ cho bạn ‘sự giải thoát’ khỏi ‘trói buộc’ của bạn.

Bạn không thấy rằng tất cả những điều này nực cười đến thế nào sao? Việc bạn đến đây ngày này qua ngày khác chỉ cho thấy rằng bạn đã không chuẩn bị để chấp nhận lời của tôi rằng không có cái gọi là ‘cá nhân’; rằng ‘cá nhân’ không là gì khác ngoài vẻ hình tướng; rằng một hình tướng không thể có bất kỳ ‘trói buộc’ nào và do đó, có không có câu hỏi về bất kỳ sự ‘giải phóng’ nào cho hình tướng.

Bây giờ bạn thậm chí có nhận ra rằng nếu chính cơ sở của sự tìm kiếm của bạn là sai, bạn có thể đạt được điều gì không? Thật vậy, có điều gì cần đạt được không? Bởi ai? Bởi một hình tướng?

Đây chưa phải là tất cả. Bất cứ điều gì tôi nói đều được một số người ghi âm lại; một số người khác viết xuống ghi chú của riêng họ. Cho mục đích gì? Để làm cho sự điều kiện hóa mạnh hơn nữa? Bạn không nhận ra rằng chưa bao giờ có bất kỳ câu hỏi nào về ‘ai’? Bất cứ điều gì đã xảy ra (nếu có bất cứ điều gì đã xảy ra) đều là tự phát. Chưa bao giờ có chỗ cho một cá nhân trong tính tổng thể của sự biểu lộ; tất cả các hoạt động là ở cấp độ của không gian vật lý mang tính quan niệm (Mahadakash), được chứa đựng trong một hạt ý thức mang tính quan niệm là không gian thời gian tinh thần, sự nhận thức và nhận biết (Chidakash). Tổng thể của cái đã biết này sau cùng sẽ hợp nhất trong cái tiềm năng vô hạn đó là Thực Tại phi thời gian, phi không gian (Paramakash). Trong sự biểu lộ mang tính quan niệm này, vô số hình thức được tạo ra và phá hủy, Cái Tuyệt Đối nội hàm trong mọi hiện tượng của các hình thức. Các cá nhân tự định hình mình là cá nhân tại đâu? Không đâu cả. Và cũng ở khắp mọi nơi, bởi vì chúng ta là sự biểu lộ. Chúng ta là cái vận hành. Chúng ta là cuộc sống đang được sống. Chúng ta đang sống một giấc mơ. Nhưng không phải với tư cách cá nhân. Nhận thức về sự thật này phá hủy cá nhân người tìm kiếm; các người tìm kiếm trở thành cái được tìm kiếm và cái được tìm kiếm là sự nhận thức.

***

Tại một phiên khác, Maharaj đưa ra một khía cạnh khác của cùng chủ đề, tức là khi một người đến gặp ông với mong muốn có được tri thức. Lần này ông ấy hỏi: “Tri thức” mà bạn muốn là gì, là cái tri thức mà mà bạn ghi chú lại? Những ghi chú đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Bạn đã đưa ra bất kỳ suy nghĩ nào về khía cạnh này của vấn đề?

Ông tiếp tục: vấn đề thực sự là, bạn có bất kỳ nhu cầu về tri ​​thức nào tại thời điểm một trăm năm trước không? Cái mà bạn không biết và không thể biết là trạng thái thực sự của bạn. Cái mà bạn nghĩ rằng nó là thực chỉ bởi vì nó có thể được đối tượng hóa, chỉ là vẻ ngoài biểu kiến của bạn. Cái tri ​​thức mà bạn đang tìm kiếm về trạng thái thực sự của bạn là thứ không thể biết được, bởi vì bạn chính là thứ bạn đang tìm kiếm. Tất cả những thứ tri thức bạn có thể nhận được đều ở mức độ quan niệm – tri ​​thức mà bạn sẽ nhận được dưới dạng hình thức khách quan. ‘Tri thức’ như vậy không khác gì ‘thiếu hiểu biết’, bởi vì chúng là những mặt đối lập đến nhau ở cấp độ quan niệm. Nói cách khác, sự hiểu biết ở cấp độ tâm trí chỉ có nghĩa là sự hình thành quan niệm và do đó hoàn toàn là ảo tưởng. Xin vui lòng hiểu sự khác biệt giữa những tri​​ thức được khái niệm hóa đó với sự nhận thức trực quan không ở cấp độ quan . Thật vậy, nhận thức là nhìn thấy toàn bộ hoặc nhìn vào bên trong, điều này hoàn toàn khác với nhìn bằng trí tuệ đơn thuần. Một khi có sự nhận thức, tính nhị nguyên của các thứ đối lập, cái cơ sở của sự hiểu biết bởi trí tuệ đơn thuần, hoàn toàn biến mất. Không có câu hỏi về bất kỳ ‘ai’ nào nghĩ rằng anh ta đã hiểu một cái gì đó bằng cách sử dụng lý luận và logic. Sự hiểu biết thực sự là sự nhận thức tự phát, trực quan và không có lựa chọn, và hoàn toàn bất nhị nguyên. Hãy suy ngẫm về những gì tôi đã nói.

***

Một ngày nọ khi một vị khách đưa ra câu hỏi về ‘đạo đức’ và hành vi đạo đức (những vấn đề vốn luôn được coi là nằm ngoài phạm vi thảo luận ở đây) Maharaj đã rất hứng thú, mặc dù suy nhược cơ thể cực độ, ông vẫn ngồi dậy và nói rằng ông chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về sự nhầm lẫn trong suy nghĩ đã được hiển thị ngay cả bởi những người được cho là trí thức. Ông ấy đã thực sự cười cho tới mức ho kịch liệt. Ông ấy hỏi, khi đã hiểu rằng có một nơi riêng biệt được gọi là nhà vệ sinh dành cho những mục đích cụ thể, bạn có sử dụng phòng khách hay phòng ngủ cho những mục đích đó không?

Một khi có một nhận thức rõ ràng về chân tánh của bạn, một khi bạn thấy rõ cái giả là giả, đâu còn bất kỳ câu hỏi nào về việc phải quyết định xem một hành động có thích hợp hay không? Ai sẽ là người đưa ra quyết định? Một người có sự tự do ý chí để đưa ra quyết định không? Thực sự có bất kỳ sự lựa chọn nào không? Một khi được xác nhận rằng không có thực thể nào có bất kỳ hoạt động độc lập nào, việc ‘sống’ sau đó sẽ phải là sống hoàn toàn phi ý chí, đúng không? Nói cách khác, sự nhận thức này chính nó dẫn đến sự buông bỏ – hay chính xác hơn – sự chấm dứt tự phát của chính khái niệm hành vi có ý chí, đúng không? Người ta có thể nghĩ rằng họ sống; thực ra, người ta đang ‘bị sống’ (being lived).

Quá mệt mỏi với phát biểu ngắn gọn nhưng sống động này, Maharaj lại nằm trở lại trên giường của mình và nói rằng ông muốn mở rộng về điểm này hơn nữa, nhưng cơ thể ông không còn đủ sức lực. Ông ấy nói thêm, với một chút hài hước, rằng có lẽ bây giờ ông ấy chỉ có thể đủ sức đưa ra được phần vỏ ngoài của tri thức.

***

Vào một buổi sáng đặc biệt, Maharaj quá yếu, thậm chí không thể ngồi dậy được nhưng vẫn có tâm trạng để nói chuyện. Ông bắt đầu nói nhẹ nhàng và chậm rãi: Đây là một chủ đề tuyệt vời! Một chủ đề khó nắm bắt, cái người mà đang nghĩ rằng anh ta đang lắng nghe chỉ là ảo tưởng, nhưng không ai tin rằng cái người đó không tồn tại! Khi bạn đến đây, tôi chào đón bạn và mở rộng lòng hiếu khách khiêm tốn của tôi, nhưng khi làm như vậy tôi hoàn toàn nhận thức được cái vị thế chính xác là gì, đó là không hề có người nói và người nghe. Tại sao không một ai có thể thành thật nói rằng anh ta không tồn tại? Bởi vì anh ta biết rằng anh ta đang hiện hữu— hay đúng hơn là có cảm giác hiện hữu một cách trực quan – và, điều này mới là quan trọng, không có thực thể nào có thể nói rằng nó không hiện hữu. Nếu một thực thể khẳng định rằng nó không tồn tại thì chính khẳng định đó lại chứng minh sự tồn tại của nó!

Tuy nhiên, điểm quan trọng hơn mà không dễ nắm bắt được, đó là nguồn gốc của sự hiện hữu mang tính hiện tượng (là sự biểu lộ của cái bất biểu lộ) là sự trống vắng mang tính tự thể. Hơn nữa – tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong số các bạn hiểu được điều này – nó có nghĩa là bất cứ khi nào tâm trí ‘nhịn ăn’, khi hoàn toàn không có bất kỳ khái niệm nào, có sự trống vắng mang tính hiện tượng, và sự hiện diện của sự trống vắng mang tính hiện tượng này là tự thể.

***

Đó là một ngày Chủ nhật và căn phòng nhỏ của Maharaj đã chật kín chỗ. Hầu hết các vị khách là những người thường xuyên tới, nhưng có một nhóm nhỏ đến từ một vùng xa xôi của đất nước. Người trưởng đoàn nhận thấy tình trạng thể chất yếu ớt của Maharaj và tự thuyết phục với thực tế rằng họ sẽ chỉ hài lòng với Darshan (Nd: cơ hội hoặc một dịp gặp mặt một thánh nhân hoặc hóa thân của thần linh). Tuy nhiên, Maharaj đã ngồi dậy trên giường của mình, nhìn thẳng vào nhóm mới và tươi cười hỏi xem họ có bất kỳ câu hỏi nào. Ông ấy nói thêm rằng ông ấy thể chất của ông không ổn chút nào và hy vọng rằng các câu hỏi sẽ ở mức độ phù hợp. Cả nhóm đã thì thầm trao đổi ý kiến một cách nhanh chóng, và người trưởng đoàn nói một cách rất tôn trọng rằng anh ta chỉ có một câu hỏi: Có thực sự là một thứ gọi là ‘giác ngộ’ không? Anh ta nói thêm rằng câu hỏi này được hỏi không phải là do chuyện phù phiếm mà dựa trên bối cảnh của một nhiệm vụ tâm linh lâu dài. Maharaj mỉm cười và bắt đầu nói bất chấp sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt ông. Ông ấy ngồi dậy khá thẳng và giọng nói của ông ấy có một sức sống bất ngờ.

Mặc dù tôi đã nói lặp đi lặp lại liên tục, ông ấy nói, ngay cả những vị khách ghé thăm thường xuyên dường như cũng không thể chấp nhận sự thật cơ bản rằng nhu cầu của một cá nhân về sự giác ngộ là hoàn toàn vô nghĩa. Về cơ bản, chỉ có mình ‘Ta’; không có ‘tôi’, hay ‘bạn’, để được giác ngộ. Làm thế nào có thể có một đối tượng hiện tượng, thứ vốn chỉ là vẻ ngoài, được ‘giác ngộ’, biến đổi thành một cái gì đó khác đi so với nó vốn là – chỉ là một hình tướng đơn thuần?

Khi ‘sự giác ngộ’ xảy ra, có một sự nhận thức rằng những gì chúng ta nghĩ là trạng thái bình thường của chúng ta – của một đối tượng hiện tượng – chỉ là một tình trạng tạm thời, giống như một căn bệnh, thứ đã đè lên trạng thái chân thực bình thường của vật tự thể. Người ta đột nhiên nhận ra rằng những gì đang được coi là ‘bình thường’ đã không thực sự bình thường. Kết quả của sự nhận thức như vậy là một loại điều chỉnh tức thời từ một tồn tại mang tính cá nhân thành sự tồn tại thuần túy; ý chí cá nhân biến mất và bất cứ điều gì xảy ra đều có vẻ đúng đắn và thích hợp, một người sẽ giữ vị thế của mình như là nhân chứng của tất cả những gì xảy ra, hay đúng hơn là chỉ còn lại sự quan sát.

***

Sáng nay Maharaj nằm trên giường, rõ ràng là trong trạng thái không có tâm trí. Vì là ngày làm việc, nên không có quá nhiều khách đến thăm, họ ngồi yên lặng trong vài phút. Đột nhiên vị Thầy mở mắt ra, và nói rất nhẹ nhàng rằng sẽ không có bất kỳ cuộc nói chuyện nào – bởi vì ông ấy quá yếu để nói. Nhưng ông mỉm cười hòa nhã và nói thêm rất chậm rãi: Nếu bạn mà hiểu một cách sâu sắc và trực quan rằng, hãy nói rằng cách đây một trăm năm, bạn đã từng là như thế nào trước khi bạn có được cái ý thức kiêm cơ thể này, thì bây giờ thậm chí ngay cả khi ở trong nhà tù vật chất này, bạn sẽ nhìn thấy thế giới mà không có cảm giác nhị nguyên— không phải nhìn với thân phận một cá nhân ảo tưởng. Việc quan niệm hóa sẽ chấm dứt.

Sau đó, vị Thầy vẫy tay ra hiệu rằng phiên thoại đã kết thúc, và các vị khách đã giải tán.

***

Chủ nhật, ngày 12 tháng 7 năm 1981 — Như thường lệ, những ngày này Maharaj đang nằm trên giường, chân của ông ấy đang được mát-xa bởi người một tín đồ chân thành và người hầu cận của ông, Anna. Hơi thở của ông ấy khá khó nhọc, chủ yếu là thông qua miệng, và ông ấy dường như đang ngủ say. Sau đó, đột nhiên ông cố gắng ngồi dậy và đã được giúp đỡ để có một tư thế ngả lưng, dựa vào những chiếc gối kê cao. Ông ấy bắt đầu nói, và giọng nói của ông chắc nịch một cách đáng ngạc nhiên. Những gì tôi muốn nói với bạn là đơn giản một cách đáng kinh ngạc nếu như nó được nhận thức. Và phần thú vị của nó là nó có thể được nhận thức chỉ khi ‘người nghe’ hoàn toàn vắng mặt! Sau đó, chỉ còn lại sự nhận thức và bạn là sự nhận thức đó.

Điều đang xảy ra là Cái Tuyệt Đối bất biểu lộ đã tự nó thể hiện trong sự biểu lộ: diễn ra qua hàng triệu hình thức; ý thức hoạt động thông qua mỗi hình thức, hành vi và hoạt động của mỗi hình thức, nói chung, tuân theo bản chất cơ bản của loại hình thức đó (cho dù đó là thực vật, côn trùng, hoặc sư tử, hoặc con người), và đặc biệt, tuân theo bản chất của sự kết hợp cụ thể của các nguyên tố cơ bản trong mỗi hình thức.

Không hề có hai con người nào giống nhau (không có hai người nào có dấu vân tay hoàn toàn giống nhau) bởi vì sự hoán vị và tổ hợp của hàng triệu sắc thái của tám khía cạnh (năm nguyên tố cơ bản và ba Guna) dẫn đến hàng tỷ và nghìn tỷ hình thức, không có hai hình thức nào hoàn toàn giống nhau. Hàng triệu hình thức như vậy liên tục được tạo ra và phá hủy trong quá trình biểu lộ.

Nhận thức rõ ràng về quá trình biểu lộ này bao gồm sự hiểu biết về: (a) rằng thực sự không có câu hỏi nào về bất kỳ danh tính nào với bất kỳ hình thức cá nhân nào bởi vì chính cơ sở của màn trình diễn của sự biểu lộ này là thời lượng (của mỗi hình thức) và thời lượng là một khái niệm về thời gian; và (b) bản chất thực sự của chúng ta là nhân chứng của màn trình diễn này. Việc chứng kiến này chỉ có thể diễn ra chừng nào chương trình còn tiếp tục, và chương trình chỉ có thể tiếp tục chừng nào còn ý thức. Và ai là người hiểu tất cả những điều này? Là ý thức, tất nhiên, cố gắng tìm kiếm nguồn gốc của nó và không tìm thấy, bởi vì người tìm kiếm chính là cái đang được tìm kiếm. Nhận thức sự thật này là sự giải thoát cuối cùng và duy nhất và cái ‘không ngờ được’ là thực tế rằng ngay cả ‘sự giải thoát’ cũng chỉ là một quan niệm! Bây giờ, hãy đi và suy ngẫm về điều này.

Sau khi nói vài lời này, Maharaj cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Ông nằm lại giường. Trong sự yếu ớt, ông nói thêm: Những gì tôi đã nói sáng nay là tất cả Sự Thật mà bất cứ ai cũng cần biết.

***

Thứ ba, ngày 14 tháng 7 năm 1981 – Một nhóm ba người đã đến thăm Maharaj lần đầu tiên. Mặc dù mệt mỏi trên giường và vô cùng yếu ớt, Maharaj hỏi cả nhóm xem họ có bất kỳ câu hỏi nào. Họ đã thảo luận nhanh với nhau và quyết định chỉ hỏi một câu: “Maharaj, cả ba chúng tôi đã thực hiện một số Sadhana nhất định trong một thời gian, nhưng sự tiến bộ dường như không tương xứng. Chúng tôi nên làm gì? “Maharaj nói rằng mục đích của bất kỳ nỗ lực nào là đạt được một thứ gì đó, một lợi ích nào đó mà một người chưa sở hữu. Các bạn đang cố gắng đạt được điều gì? Câu trả lời rất nhanh chóng và tích cực: Chúng tôi muốn trở nên giống như ngài – giác ngộ.

Maharaj cười và ngồi dậy trên giường. Khi ông ấy thoải mái hơn một chút khi được kê hai chiếc gối đỡ lưng, ông nói tiếp: Quan niệm sai lầm nằm ở chính chỗ này; nghĩ rằng bạn là một thực thể cần phải đạt được điều gì đó để bạn có thể trở thành một thực thể mà bạn nghĩ rằng tôi đang là! Đây là ý nghĩ tạo thành ‘trói buộc’, đồng nhất với một thực thể – và không có gì, hoàn toàn không có gì, có thể mang lại sự ‘giải thoát’ ngoài việc ngừng đồng hóa với nó.

Như tôi đã nói, bạn xem bản thân bạn và tôi như những thực thể, những thực thể riêng biệt; Tôi thì thấy bạn chính xác như tôi thấy chính bản thân tôi. Bạn là chính tôi, nhưng bạn đã xác định bản thân với những gì bạn nghĩ – một đối tượng – và tìm kiếm sự giải thoát cho đối tượng đó. Đây chẳng phải là một trò đùa lớn sao? Có bất kỳ đối tượng nào có thể có tồn tại độc lập và hành động? Một đối tượng có thể bị ràng buộc? Và được giải thoát?

Người đặt câu hỏi đã chắp tay và trân trọng quy thuận rằng những gì Maharaj đã nói hoàn toàn hợp lý trên lý thuyết, nhưng, anh ta nói, mặc dù con người có thể là những thực thể hư cấu, không hơn gì những hình tướng đơn thuần trong ý thức, nhưng làm thế nào chúng ta sống trong thế giới, trừ khi chúng ta chấp nhận rằng các thực thể khác nhau đó đủ ‘chân thực’ trong cuộc sống?

Cuộc thảo luận này dường như mang đến cho Maharaj một niềm say mê phi thường, và sự yếu ớt trong giọng nói dần biến mất. Ông ấy nói: Bạn thấy chủ đề này tinh vi đến mức nào. Chính bạn đã tự trả lời cho câu hỏi của bạn, nhưng câu trả lời đã lẩn tránh bạn. Những gì bạn đã nói dựa trên thực tế là bạn đã biết rằng thực thể như vậy là hoàn toàn hư cấu và không có tính độc lập của riêng nó; nó chỉ là một quan niệm. Nhưng mà thực thể hư cấu này phải sống cuộc sống bình thường của nó. Vấn đề ở đâu? Có phải rất khó để dẫn dắt một cuộc sống bình thường, khi mà ta biết rằng sống chính nó chỉ là một quan niệm? Bạn đã hiểu chưa? Khi bạn đã thấy cái giả là giả, một khi bạn đã thấy bản chất nhị nguyên của cái mà bạn gọi là ‘cuộc sống’ – cái mà đang thực sự sống – phần còn lại trở nên đơn giản; đơn giản như một diễn viên diễn xuất vai diễn của mình với niềm say mê, biết rằng đó chỉ là một vai mà anh ấy đang đóng trong một vở kịch hoặc một bộ phim, và không có gì hơn.

Nhận thức sự thật này với sự tin chắc, xác nhận vị thế này, tất cả đều là sự thật. Phần còn lại là chỉ là vấn đề diễn kịch.

***

Thứ năm, ngày 16 tháng 7 năm 1981 – Chỉ có một số vị khách quen thuộc có mặt. Maharaj, mặc dù rõ ràng là mệt mỏi và kiệt sức, yêu cầu ai đó nên hỏi một số câu hỏi hoặc nói chuyện! Cho nên, một người đã bắt đầu bằng những từ này: “Ý thức mà tôi có…..”

Nếu là một trong những vị khách mới đến nói điều này, Maharaj có thể sẽ bỏ qua ngụ ý của những gì đang được nói. Nhưng đây là một ‘vị khách quen’, người đáng lẽ phải hiểu tốt hơn. Maharaj đột nhiên hét lên “Dừng lại”. Bất chấp tình trạng suy nhược của ông ấy, lời đó giống như tiếng súng nổ. Ông trừng mắt nhìn người nói và nói: Ý bạn là gì khi nói: “ý thức mà tôi có. . . ..? “Bạn có nhận ra mình vừa thốt ra những điều vô nghĩa gì không? Làm thế nào mà ‘bạn’, hoặc bất cứ ai khác, cái ý thức được? Bạn có nhận ra sự vĩ đại, sự thần thánh không thể tưởng tượng được của thứ mà bạn ngẫu nhiên gọi là ‘ý thức’ đó? Đặt cho nó bất cứ cái tên nào bạn thích, ngôn từ không thể diễn tả ý nghĩa của nó. Làm sao bạn có thể quên được sự thật cơ bản rằng ý thức là sự biểu hiện của cái-ta-là. Nhờ sự khuấy động của ý thức mà Cái Tuyệt Đối bất biểu lộ nhận thức được về sự nhận thức của nó thông qua sự biểu lộ, và toàn bộ vũ trụ ra đời.

Có thể do vô tình mà bạn đã sử dụng những từ này, tôi không biết, nhưng chính sự vô tình đó đã hiển thị sức mạnh của sự điều kiện hóa đã khiến bạn đồng hóa mình với cơ thể người. Bạn nghĩ rằng bạn là cơ thể và rằng cơ thể có ý thức. Nếu bạn phải suy xét điều kiện xem cái này có sở hữu cái kia, chắc chắn nó phải là ý thức sở hữu cơ thể, không chỉ cái cơ thể mà bạn nghĩ là mình mà còn là hàng triệu cơ thể khác thông qua đó ý thức hoạt động dưới như trí tuệ Bát Nhã.

***

Thứ sáu, ngày 17 tháng 7 năm 1981 – Đó là ngày thiêng liêng của Guru Purnima và Maharaj khi đã nói xong vài lời trong ngày tốt lành nhất này, chắc hẳn đã hao kiệt rất nhiều khí lực. Ông ấy ngồi trên giường, với một chiếc áo len dày, mặc dù căn phòng nhỏ nhưng khá ấm áp do có quá đông tín đồ. Ông bắt đầu nói rất yếu ớt, nhưng ngay sau đó giọng nói của ông dường như đang tập hợp một sức mạnh mới.

Các bạn đã đến đây suốt thời gian qua với hy vọng rằng tôi sẽ cung cấp cho các bạn một chương trình về những gì bạn nên làm để có được ‘sự giải thoát.’ Và tôi không ngừng nói với bạn là vì không hề có thực thể như vậy, câu hỏi về trói buộc không phát sinh; và nếu một người không bị trói buộc thì không cần giải thoát. Tất cả những gì tôi có thể làm là cho bạn thấy rằng bạn không phải là thứ như bạn nghĩ.

Nhưng những gì tôi nói không được hầu hết các bạn chấp nhận. Và một số người đi nơi khác, nơi mà họ rất sung sướng khi được cung cấp một danh sách những việc nên làm và không nên làm. Hơn thế nữa, họ hành động theo những chỉ dẫn như vậy với đức tin và sự siêng năng. Nhưng họ không nhận ra là bất họ thực hành bất cứ thứ gì như một ‘thực thể’ đều chỉ tăng cường sức mạnh của sự đồng hóa với thực thể ảo tưởng đó và do đó, sự hiểu biết về Chân Lý trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Mọi người tưởng tượng rằng bằng cách nào đó họ phải thay đổi bản thân từ những con người bất toàn thành một con người hoàn hảo được gọi là thánh nhân. Giá như họ thấy được sự phi lý trong suy nghĩ này. Một người nghĩ dọc theo những tư tưởng này, bản thân anh ta chỉ là một quan niệm, một hình tướng, một nhân vật trong giấc mơ. Làm thế nào một bóng ma hiện tượng đơn thuần có thể thức tỉnh khỏi giấc mơ bằng cách hoàn thiện bản thân?

Sự ‘thức tỉnh’ duy nhất là nhận thức về cái-thực-tồn-tại. Thật vậy, không có câu hỏi về ‘ai’ trong sự nhận thức này bởi vì bản thân sự nhận thức là bản chất thực sự của một người; và điều kiện tiên quyết của sự nhận thức đó là sự biến mất của hiện tượng. Cái được nhận thức là sự biểu lộ trong tính trọn vẹn, không phải bởi một ‘người’ tự cho mình là một người quan sát tách biệt. Nhận thức là sự vận hành tổng thể của Cái Tuyệt Đối – nhận thức là chính bạn. Vũ trụ xuất hiện trong ý thức là một tấm gương phản chiếu mọi chúng sinh, tức là ý thức là cội nguồn của vũ trụ biểu kiến. Ý thức không khác với nội dung được biểu lộ của nó.

Và sự nhận thức như vậy không liên quan gì đến ‘ai’, với một hiện tượng, một hình tướng trong ý thức, thứ vốn chỉ là một phần nhỏ trong sự vận hành tổng thể. Sự thấu hiểu trực quan sâu sắc về sự thực này là ‘sự thức tỉnh’, hay ‘sự giác ngộ’ duy nhất, cái ‘giải thoát’ ảo ảnh khỏi một ‘trói buộc’ ảo ảnh, sự thức tỉnh khỏi giấc mơ cuộc đời.

Vậy Guru làm gì? Một Guru giác ngộ sẽ chỉ làm những điều có thể làm được; điểm một ngón tay hướng về Sadguru ở bên trong. Sadguru luôn ở đó dù bạn có nhớ người hay không, một sự liên kết thường hằng với người – bất kể bạn có đang làm gì – là tất cả những gì cần thiết. Bất cứ điều gì khác thực hiện bằng nỗ lực sẽ không những không giúp ích được mà còn là trở ngại và một mối nguy hại.

***

Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 1981— một sáng chủ nhật đông đúc như thường lệ. Căn phòng đã được lấp đầy dung tích. Maharaj mỉm cười và nói rằng mặc dù họ đã biết tình trạng của ông đã khó thể nói chuyện nhưng mọi người vẫn tiếp tục đến gặp ông. Họ mong đợi nhận được gì? Với nỗ lực đáng kể và sự hỗ trợ từ người tín đồ hầu cận của mình, ông đã ngồi dậy. Ông ấy nhìn xung quanh và nói rằng ông không thể nhận ra mọi người, nhưng nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy để chúng được mở ra. Tuy nhiên, hãy cố gắng, hãy nhớ rằng nếu ta vẫn ở cấp độ trí thức thì không thể có sự kết thúc cho vô vàn câu hỏi.

Một vị khách đã hỏi: Trong quá trình tìm kiếm bản chất thực sự của một người, thế giới bên ngoài và tâm trí bên trong tạo ra vô số chướng ngại vật. Tại sao? Và người ta nên làm gì? Maharaj đã nhanh chóng trả lời: Hãy trụ vào cái người đang tìm kiếm. Đó là tất cả những gì bạn cần làm, và thực chất thì không có gì khác mà bạn có thể thực sự làm. Nếu bạn làm điều này – tức là không bao giờ để cái người-đang-tìm-kiếm thoát khỏi tầm ngắm của bạn – bạn
cuối cùng sẽ thấy rằng người tìm kiếm không là gì khác hơn là chính cái ý thức tìm kiếm nguồn gốc của nó, và rằng bản thân người tìm kiếm vừa là cái tìm kiếm vừa là cái được tìm kiếm, và đó là bạn.

Có một số câu hỏi khác mà Maharaj đã ít nhiều loại bỏ một cách tóm lược, vì chúng liên quan đến hành vi của một người trên thế giới, điểm nhấn chính của ông là đó là bản chất, hoặc cái ý thức vận hành, chịu trách nhiệm cho sự phát triển tự phát của cơ thể từ thời điểm thụ thai để sinh ra cơ thể và xa hơn nữa là từ thời thơ ấu cho đến khi phát triển đầy đủ và cuối cùng là phân rã. “Tại sao bạn đột nhiên nhận trách nhiệm cho những hành động của thân thể, và do đó bị trói buộc bởi hậu quả của những hành động như vậy? ” ông hỏi.

Cuối cùng, khi gần cuối buổi, câu hỏi đặt ra là: ‘Có sự khác biệt nào giữa một Avadhuta và một người khác là Jnani? “Tôi đặt câu hỏi vì tôi muốn biết cách người đã giác ngộ hành động trong thế giới này. ‘

Maharaj cười và nói: Tất cả những câu hỏi của bạn và tất cả những câu trả lời của tôi dường như đi vào hư vô. Chỉ cần nhận ra ý nghĩa của một câu trả lời duy nhất của tôi, thì sẽ không cần phải có bất kỳ câu hỏi nào nữa. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, điều xảy ra luôn là điều tốt nhất; các câu hỏi liên tục của bạn và câu trả lời của tôi đều góp phần hướng tới một sự giải trí để giết thời gian! Thật vậy, chẳng có gì để được thực hiện vì không hề có ‘mục đích’ nào đối với cái được coi là Vũ Trụ này – tất cả đều là Lila, và chúng ta tham gia vào trong đó. Nhưng chúng ta phải hiểu điều này.

Tuy nhiên, hãy để chúng ta giải quyết câu hỏi của bạn. Avadhuta, Jnani, tất cả đều là tên gọi của một trạng thái, sự cơ bản của nó là sự phủ định hoàn toàn rằng không tính riêng biệt của một thực thể riêng lẻ, và câu hỏi lại dựa trên sự giả định rằng Jnani là một ‘người’ và bạn muốn biết làm thế nào một người như vậy hành động trong thế giới này. Bạn có thấy sự mâu thuẫn trong các thuật ngữ đó? Ngay khi có sự chứng ngộ, sự khác biệt giữa bản thân và những thứ khác biến mất, và tất nhiên, cùng với quyền làm chủ của cá nhân hư giả. Do đó, một khi quá trình giác ngộ xảy ra – hãy hiểu rằng ‘một người’ không ‘đắc được’ sự giác ngộ — cảm giác về ý chí, hoặc mong muốn, hoặc sự lựa chọn hành động không thể tồn tại ở đó.

Hãy cố gắng hiểu ý nghĩa của những gì tôi vừa nói. Nếu bạn đã hiểu nó, bạn cũng sẽ hiểu rằng không thể có một ‘người’ giác ngộ và do đó, không nảy sinh câu hỏi về cách một người giác ngộ hành động trong thế giới. Vậy điều gì xảy ra với cơ thể? Phản ứng của cơ thể với các tình huống bên ngoài là tự phát, trực giác, không có sự can thiệp của tâm trí cá nhân bị phân chia, và do đó loại bỏ mọi câu hỏi về sự hành động theo ý chí.

***

Thứ bảy, ngày 8 tháng 8 năm 1981 – Một phụ nữ trẻ hỏi Maharaj về ý nghĩa và tác dụng của việc tụng niệm một Japa. Maharaj nói rằng ông ấy sẽ giải thích từ ‘Japa’ theo nghĩa của nó là một danh từ ‘có mục đích’, nó sẽ có nghĩa là ‘sự bảo vệ’.

Ông ấy tiếp tục: Bằng cách liên tục tụng niệm lặp lại một Japa, hoặc một Mantra, hoặc là một từ hoặc một tổ hợp của các từ, bạn có ý định ‘bảo vệ’ một cái gì đó. Người ta muốn bảo vệ điều gì? Là một thứ gì đó mà họ ‘yêu thích’ nhất. Điều gì làm một người yêu thích nhất? Thứ mà người ta ‘cần’ nhất: Và cái mà người ta cần nhất là gì? Đó là thứ mà khi không có nó thì mọi thứ khác thì không có bất kỳ ý nghĩa nào, không có bất kỳ giá trị nào. Nó chẳng phải là ‘cảm giác’ về sự hiện hữu sống động, là cái ý thức, nếu không có nó thì bạn không thể biết được bất cứ điều gì hoặc thưởng thức bất cứ điều gì? ‘Nhu cầu’ quý giá nhất này chính là cái ý thức mà bạn muốn bảo vệ nó bằng bất cứ giá nào, và cách tốt nhất để bảo vệ bất cứ thứ gì là không được rời xa nó. Có đúng không?

Vì vậy, mục đích chính của việc tụng niệm một Japa liên tục là để duy trì làm một với ý thức trong toàn thời gian. Nhưng bạn phải hiểu rằng ‘thực hành’ này sẽ giúp bạn chỉ đạt được ‘mục đích’ của mình trong khoảng thời gian giới hạn khi bạn tụng niệm Japa. Về mặt khác, nhận thức rõ ràng về bản chất thực sự của bạn, hoàn toàn không dựa trên khái niệm thời gian; sự nhận thức là phi thời gian.

***

Chủ nhật, ngày 9 tháng 8 năm 1981 – Cũng chính người phụ nữ trẻ đó muốn biết liệu việc thực hành việc quan sát trong một ngày mỗi tuần, gọi là ‘ngày của sự tĩnh lặng’ có phải là một cách tốt. Maharaj mỉm cười và nói rằng nó sẽ là một thực hành tuyệt vời nếu ý nghĩa của từ ‘tĩnh lặng’ được hiểu rõ ràng.
Maharaj giải thích: Tôi đã nghe nói về một số Mahatma và Guru nhất định, rất quan tâm đến chính trị, thực hành quan sát ‘những ngày tĩnh lặng’, tuy họ không nói chuyện nhưng có giao tiếp với sự trợ giúp của giấy và bút. Tôi chắc chắn rằng cổ họng của họ đã được nghỉ ngơi rất tốt, nhưng ngoài điều đó, tôi nghi ngờ rằng không thể có bất kỳ lợi ích nào khác.

Tôi có thể hiểu sự ‘tĩnh lặng’ nghĩa là hoàn toàn không có lời nói và tư tưởng. Bạn đã bao giờ tự hỏi rằng ngôn từ xuất phát từ đâu ra? Trước khi một từ trở nên thành âm thanh, nó phải là một tư tưởng; một chuyển động trong ý thức, và do đó, nguồn gốc của từ ngữ cũng như tư tưởng là ý thức. Một khi bạn hiểu điều này, bạn cũng sẽ hiểu rằng sự tĩnh lặng hoàn hảo chỉ có thể là trường hợp không có suy nghĩ – chỉ khi suy nghĩ chấm dứt, và quá trình hình thành quan niệm và sự đối tượng hóa cũng bị đình chỉ. Khi sự hình thành quan niệm chấm dứt, cái ngã, là cơ sở của việc quan niệm hóa, không thể tồn tại, và khi không có một cái ngã thì không có trói buộc.

***

Thứ Ba, ngày 18 tháng 8 năm 1981 — Sáng nay Maharaj quá yếu để nói chuyện. Người ta đề nghị rằng họ sẽ phát một trong những đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện của ông ấy, và ông đã chấp thuận. Sau khi nó diễn ra khoảng hai mươi phút, ông ấy đã yêu cầu dừng cuốn băng. Ông khó khăn ngồi dậy trên giường, và thì thầm một thông điệp: “Hãy nghĩ về những gì bạn đã nghe vừa rồi – những gì bạn đã nghe và quan trọng hơn thế nữa, cái người nghe đó là ai”.

Sau lời nhắn nhủ ngắn gọn này, Thầy đã không thể thốt nên lời. Cổ họng ông bị nghẹn lại. Ông ấy nhắm lại đôi mắt, nguồn thể chất yếu ớt của ông đang vật lộn với một nỗi đau tột cùng. Và chúng tôi chỉ biết lặng nhìn một cách bất lực.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.