Mọi thứ hoàn toàn giống như vẻ ngoài của chúng và đằng sau chúng chẳng có gì cả.
-Jean-Paul Sartre
ĐÂY LÀ MỘT CÂU HỎI THÚ VỊ: Trí tuệ có tồn tại không? Nếu có thì thì nó là tánh nhận thức hay hình tướng? Nếu là hình tướng thì trí tuệ không hề tồn tại trong chân lý và do đó hoàn toàn không tồn tại. Nếu là tánh nhận thức thì nó phải đồng nghĩa với ý thức chứ không phải là một thuộc tính của nó, nghĩa là ý thức vô hạn và trí tuệ hoàn hảo là cùng một thứ. Do đó, trí tuệ không tồn tại trong chân lý hoặc nó đồng nghĩa với ý thức.
Đó là lúc chúng ta chạm phải bức tường cứng rắn của sự thật và lùi lại một bước, nghĩa là từ điểm này trở đi, chúng ta không thể nói được cái gì là đúng, chỉ là những suy đoán vui đùa mà thôi. Chúng ta có thể làm tốt nhất có thể, nhưng giờ đây chúng ta vĩnh viễn bị dồn vào phía bên tường của niềm tin với những thứ như khoa học và tôn giáo. Chắc chắn chúng ta có thể làm tốt hơn họ, nhưng chúng ta vẫn không thể đạt được tới tri thức.
Trừ khi có lẽ chúng ta có thể.
*
Đã hết thời gian cho một vài lời giới thiệu. Brahman là ý thức; cái vô hạn vô ngã, vô thuộc tính. Maya là người tạo ra trạng thái mơ và Atman là khía cạnh của Brahman, thứ chứng kiến sự sáng tạo của Maya. Chúng không phải là những thực thể, chúng là công cụ để hiểu biết. Phía bên kia của bức tường cứng, phía chân lý, là Brahman. Maya và Atman đứng về phía niềm tin. Được rồi, đến lúc rồi.
*
Hãy bắt đầu bằng cách định nghĩa trí tuệ là gì. Rõ ràng, tôi có thể nói đó là sức mạnh để biểu hiện ra những hình tướng bên ngoài một cách liền lạc. Do đó, trí tuệ sẽ tạo thành một cỗ máy giấc mơ vĩnh viễn khép kín, trong đó ý thức vô hạn (Brahman) tạo ra hình tướng (với tư cách là Maya) chỉ để giải trí bản thân (với tư cách là Atman). Do đó, hình tướng liền lạc được sản sinh ra chắc chắn sẽ không có thực chất và ý nghĩa, và có thể gây cười hoặc không thú vị khi nhìn vào (trạng thái mơ).
Hình tướng là ảo ảnh. Tin rằng hình tướng là thật là ảo tưởng. Chỉ vì khía cạnh Maya của Brahman có thể tạo ra ảo ảnh không có nghĩa là khía cạnh Atman của Brahman có thể bị nó đánh lừa, và nếu không có điều đó thì không có giải pháp nào cho vấn đề buồn chán của Braman. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau, nhưng bây giờ tôi chỉ nói rằng giải pháp cho vấn đề này chính là bạn.
*
Nếu chúng ta nói rằng trạng thái mơ tồn tại thì nhất thiết chúng ta đang nói rằng trí tuệ tồn tại. Than ôi, vấn đề là chúng ta không thể nói trạng thái mơ có tồn tại, nên chúng ta không thể dùng nó để nói điều gì khác. Chúng ta cũng không thể nói rằng trí tuệ là một thuộc tính của ý thức bởi vì cái vô hạn chắc chắn không thể có thuộc tính.
Nhưng có một lỗ hổng. Trí tuệ hoàn hảo sẽ không phải là một thuộc tính của ý thức, nó sẽ đồng nghĩa với nó, vì vậy chúng ta sẽ nói rằng trí tuệ hoàn hảo và ý thức vô hạn là hai cách nói về cùng một thứ. Tôi không chắc chúng ta có thể nói điều đó, nhưng chúng ta có thể phải làm như vậy.
Câu hỏi về trí tuệ rõ ràng không phải là một câu hỏi đơn giản. Lý luận suy diễn cho chúng ta biết một cách chắc chắn rằng ý thức là đúng, rằng vũ trụ của các hình tướng là không có thật, và điều không thật đó không tồn tại. Tuy nhiên, nói rằng ý thức vô hạn và trí thông tuệ hoàn hảo đồng nghĩa với nhau là một ví dụ về lý luận quy nạp. Nó có vẻ ổn, phù hợp với dữ liệu có thể quan sát được, không có lựa chọn thay thế thuyết phục nào và nghe có vẻ đúng, nhưng nó không chắc chắn và không thể chắc chắn được.
Từ liền lạc trong hình tướng liền lạc đề cập đến cơ cấu tổ chức hoàn hảo về bề ngoài hình tướng mà chúng ta thấy ở mọi vật. Nếu chúng ta không nhìn thấy sự hoàn hảo này thì không phải vì nó không có hoặc không hoàn hảo, mà là vì chúng ta đang nhìn qua lăng kính của bản ngã. Hãy nhớ lại câu nói của William Blake: Nếu chúng ta có thể nhìn mà không bị ảnh hưởng méo mó của cái tôi, thì mọi thứ sẽ xuất hiện như nó vốn có, hoàn hảo.
Những cánh cửa nhận thức của tôi được thanh lọc nên tôi thấy tất cả những gì tồn tại và những gì không. Tôi có thấy trí tuệ không? Không. Về mặt kỹ thuật thì không, nhưng thực sự là có. Nhưng vẫn không. Và vâng. Tôi nhìn thấy trạng thái mơ, nhưng tôi cũng nhìn xuyên qua nó. Giống như một giấc mơ, tôi thấy nó, nhưng tôi thấy nó không thực sự ở đó. Liệu việc coi một sự vật chỉ là vẻ bề ngoài cũng có nghĩa là loại bỏ trí tuệ sáng tạo đằng sau vẻ bề ngoài đó? Có thể không, nhưng điều đó làm cho việc chứng minh trở nên khó khăn. Bạn có thể thấy việc này hơi phức tạp một chút. Có lẽ đây là lý do tại sao Descartes chọn cogito (tôi suy nghĩ) thay vì Sentio (tôi nhận thức); ông ấy chỉ muốn nhón chân lén bỏ qua toàn bộ cuộc trò chuyện nhức đầu này.
*
Tôi quan sát trí tuệ, nhưng không có câu châm ngôn nào của trường phái hệ Descartes chặt chẽ nào chứng minh có trí tuệ. Tôi có thể nói, “Tôi nhận thức, do đó tánh nhận thức tồn tại,” nhưng tôi không thể nói, “Tôi thông minh, do đó trí thông minh tồn tại.” Tôi không biết mình có thông minh hơn là tôi biết mình là một con cá heo đang hồi quy về kiếp trước. Thế giới chỉ đơn giản là một hiện tướng mà tôi có thể vui lòng chấp nhận. Khi ở Trái đất, hãy làm như người Trái đất làm.
Bởi vì chúng ta không thể biết được rằng chúng ta có đang suy nghĩ hay không, lẽ ra Descartes phải nói Sentio, Ergo Sum; Tôi nhận thức, vì vậy tôi tồn tại. Cogito chỉ là một hình tướng khác mà tôi có thể bị đánh lừa, Sentio thì không. Sự khác biệt giữa “Tôi suy nghĩ” và “Tôi nhận thức” chính là điểm mà chúng ta đang mắc kẹt vào lúc này. Tôi biết rằng tôi đang nhận thức, nhưng tôi chỉ tin rằng tôi đang suy nghĩ.
Chúng ta gần như có thể nói rằng trí tuệ phải tồn tại để được quan sát thấy, vì vậy việc quan sát nó chứng tỏ nó tồn tại. Gần như vậy, nhưng không hoàn toàn. Ảo tưởng nằm trước nhận thức, vì vậy thứ được quan sát thấy cũng không nhất thiết phải tồn tại. Chúng ta gần như có thể nói rằng trí tuệ phải là một ngoại lệ, nhưng một lần nữa, không hoàn toàn như vậy.
Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi thực sự. Mặc dù chúng ta biết nội dung của giấc mơ là không thực, liệu chúng ta có thể nói rằng trí tuệ của giấc mơ là thực không? Có khi nào những thứ ở trong giấc mơ của Brahman là không có thật nhưng việc Brahman đang nằm mơ lại là sự thật? Điều đó nghe có vẻ không tệ lắm, nhưng không, chúng tôi không thể nói chắc chắn. Ngay cả các yếu tố cấu trúc của trạng thái mơ cũng được tạo thành từ những mảnh mộng chất và bạn không thể tạo ra thứ gì đó từ hư không.
*
Vì vậy, đó là những mảnh ghép của bí ẩn tối hậu. Phần duy nhất chúng ta
có thể chắc chắn là ý thức vô hạn. Tất cả những điều còn lại chỉ là nỗ lực cố hữu của chúng ta nhằm giải thích sự tồn tại của hình tướng. Giải pháp mấu chốt cho bí ẩn về hình tướng là nó không tồn tại nên chẳng có gì bí ẩn cả. Đó thực sự là nơi nó kết thúc. Những gì chúng ta đang làm ở đây là phớt lờ sự thật phũ phàng đó để có thể cố gắng giải đáp bí ẩn về trạng thái mơ từ bên trong trạng thái mơ, điều mà chúng ta không thể, và đó là lý do tại sao chúng ta phải chuyển từ tri thức sang niềm tin vào thời điểm này.
*
Sự thật thú vị: Giờ đây chúng ta đã vượt ra khỏi mọi hệ thống niềm tin để đến những phạm vi xa nhất của triết học, và tất cả những gì chúng ta cần để đạt được điều này là một chút tôn trọng đối với cogito.
*
Tại sao Iago lại phát điên với Desdemona và Othello? Bởi vì Shakespeare đã nói như vậy nên mới thế. Đó là một giấc mơ trong một giấc mơ, và dù chúng ta có cố gắng hiểu nó đến đâu thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu xem Josef K. bị buộc tội gì trong vở kịch The Trial (Vụ án), nhưng chúng ta không bao giờ có thể biết vì không có dữ kiện nào để nghiên cứu. Không có Josef K., thì không có tội phạm và không có vụ án. Tất cả chỉ là điều gì đó từ trí tưởng tượng của Kafka. Một số điều có thể đúng trong bối cảnh của một câu chuyện, nhưng bản thân câu chuyện là một bối cảnh sai lầm. Điều này được áp dụng cho câu chuyện mà chúng ta gọi là thực tại; không có sự thật nào để làm việc, tất cả chỉ là trí tưởng tượng, kể cả vẻ ngoài liền lạc; trí tuệ. Chúng ta không thể giải thích trạng thái mơ, và chúng ta không thể triệu tập tác giả và yêu cầu một câu trả lời thẳng thắn vì tác giả chỉ là một nhân vật khác trong câu chuyện này.
Điều này tự nhiên đưa chúng ta đến câu hỏi tiếp theo. Hai hòn bi của Superman có chống đạn không? Câu trả lời, tất nhiên, là có. Tại sao? Bởi vì anh ấy là Superman, đó là lý do. Bạn có thể nung những viên bi của anh ấy trong lò rèn và đập chúng vào đe, ngâm chúng trong nước đá, cho chúng nghe nhạc đồng quê, pha trà một đàn cá piranha, đấm chúng như một quả bóng tốc độ, yêu cầu người phục vụ nướng chúng trên món Angel Hair Pasta của bạn với Tôm tỏi và Bông cải xanh, hãy để một chú chó con chơi với những chiếc răng nhỏ sắc nhọn đó, cuộn một chiếc khăn ẩm và đập cho chúng vài phát, thậm chí làm một bộ bi tà thuật và dán chúng bằng những chiếc ghim nóng đỏ, và Superman sẽ chỉ nhìn bạn như thể bạn đang lãng phí thời gian của anh ấy. Tại sao? Vì trong vũ trụ Superman, Siêu Nhân có những viên Siêu bi. Chúng ta thậm chí có thể áp dụng một nghịch lý; Nếu anh ấy rất siêu phàm thì anh ấy sẽ có thể nghiền nát viên bi của mình như quả nho, nhưng nếu viên bi của anh ấy có thể bị nghiền nát như quả nho thì anh ấy cũng chẳng siêu phàm đến mức thế. Tôi gọi nó là Nghịch lý của những viên bi của siêu nhân. Thôi đi, Xeno. Dù sao thì, vấn đề là, ừ… ôi chết tiệt, tôi quên mất vấn đề rồi. Điều đó cũng quá tệ, bởi vì tôi vừa định mở rộng toàn bộ câu hỏi về trí tuệ này. Nguyền rủa ngươi, những viên bi thép!
*
Bây giờ hãy ngừng cười khúc khích như trẻ con và suy ngẫm về âm dương đồ. Phần trắng là tánh nhận thức, phần đen là hình tướng, vòng tròn là sự hữu hạn nhân tạo, và khoảng trắng vô tận là biểu tượng của ý thức. Màu đen là Maya, màu trắng ở trong vòng tròn là Atman, và màu trắng của trường vô tận là Brahman. Tổng hợp lại, âm dương đồ là biểu tượng của bạn khi bạn lầm tưởng chính mình là một cái ngã, và cánh đồng trắng vô tận chính là con người thật của bạn, vô ngã.
Đó là toàn bộ trạng thái mơ nằm trong một biểu tượng duy nhất, vậy chúng ta đặt trí tuệ ở đâu trong biểu tượng? Nếu trí tuệ nằm trong màu đen thì đó là hình tướng, không tồn tại. Nếu trí tuệ nằm trong phần màu trắng của vòng tròn thì đó là thuộc tính của ý thức, thứ không có thuộc tính. Nơi duy nhất nó có thể ở là trong trường vô tận của ý thức, và cách duy nhất nó có thể ở đó là khi trí tuệ và ý thức là một.
Vì vậy, nếu trí tuệ tồn tại trong chân lý thì nó phải tồn tại như là ý thức, và nếu vậy thì đúng là trí thông minh hoàn hảo và ý thức vô hạn là cùng một thứ chứ không phải là một đặc điểm của cái kia. Chúng ta chỉ có thể nói tất cả những điều đó khi mà chúng ta biết được rằng trí tuệ có tồn tại, nhưng đó lại là điều chúng ta không thể chắc chắn. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng rằng thực sự, dường như nó thực sự tồn tại.
*
Nếu ba lựa chọn cho trí tuệ của ý thức là: số không, không hoàn hảo và hoàn hảo, thì thông qua quá trình chọn lọc loại bỏ, sự hoàn hảo trông khá tốt. Liệu ý thức có thể không có trí tuệ? Tôi sẽ nói là không, và trí thông minh không hoàn hảo chắc chắn có thể bị loại trừ, vì vậy ở đây chúng ta quay lại nói rằng trí tuệ hoàn hảo đồng nghĩa với ý thức vô hạn.
Chúng ta gần như không thể nói rằng trí thông tuệ không tồn tại, và chúng ta không thể nói nó tồn tại như một thuộc tính của ý thức, nên chúng ta đi tìm kẽ hở và nói rằng trí tuệ hoàn hảo đồng nghĩa với ý thức vô hạn và hy vọng rằng không ai gọi đó là chuyện nhảm nhí, mà thực ra nó vốn là nhảm nhí. Rất gần nhưng vẫn rất xa.
Và đó là nơi ranh giới được vẽ ra. Chúng ta có thể biết rằng ý thức là tất cả, nhưng chúng ta chỉ có thể suy đoán rằng trí tuệ có tồn tại nên chúng ta chỉ có thể tin rằng ý thức và trí tuệ là một.
Vậy trí tuệ có tồn tại không? Chúng ta không thể nói một cách chắc chắn rằng nó có hay không, vì vậy tôi đang viện dẫn giấy phép nghệ thuật cho mục đích của cuốn sách này và nói là có; ý thức vô tận và trí tuệ hoàn hảo là hai cách nói về cùng một thứ.
Trí tuệ hoàn hảo là đúng. (nháy mắt)