8. Tôi không làm với trái tim

Điều hữu dụng nhất mà ta học được để sử dụng trong cuộc sống đó là xóa bỏ những thứ không đúng mà mình đã học.
-Antishenes-

Sự độc thoại của tôi có chút lỏng lẻo, nhưng nó đã có thể dễ dàng bị lỏng lẻo hơn thế nhiều. Tôi cần nỗ lực một cách có ý thức để giữ đúng mạch và không bị lạc đề sang những chủ đề hấp dẫn khác. Tôi thích đi theo con đường được chỉ ra bởi ấn tượng đầu tiên của tôi về học sinh về thứ mà họ cần được nghe, và tôi thường kết thúc bằng cách đẩy trái bóng về phần sân của họ. Tôi có thể nói ra nó và họ có thể gật đầu và đồng ý, nhưng điều đó không có gì tốt chút nào. Nếu bạn muốn có được lợi ích từ tri thức, bạn cần phải tự mình sở hữu nó và cách duy nhất là chiến đấu giành lấy nó. Emerson nói “Không ai có thể thấu hiểu thông suốt một sự thật cho đến khi anh ta tự mình tranh cãi phản biện lại nó.” Chỉ có đáp án không thôi là không đủ. Bạn phải tự mình làm phép toán.

Cái ghế Marla vừa bỏ trống không trống được bao lâu. Một kỹ sư hơn năm mươi tuổi tên Arthur xuất hiện và chờ đợi tôi cho phép ngồi xuống và tôi nhẹ nhàng ra dấu. Nó có vẻ như quá mức nghi thức, nhưng với Arthur thì đó đã là một sự tiến bộ. Lần đầu Arthur tới nói chuyện với tôi anh ấy đã ngồi trong tư thế bán kiết già dưới chân tôi, và điều đó đã làm cho tôi phiền muộn một chút. Sau đó tôi đã nhẹ nhàng thuyết phục anh ấy lên ngồi ghế và chúng tôi đã dành một giờ để thức tỉnh cho anh ấy khỏi khuynh hướng cho rằng giác ngộ tương đồng với sự thần thánh. Nó vẫn cắm sâu trong tư tưởng của anh ấy rằng người thầy phải được xem là một tồn tại cao cấp cho nên anh ấy không bao giờ ngồi mà chưa được cho phép và luôn nói một cách trang trọng. Arthur không sống trong ngôi nhà nhưng là một vị khách quen thuộc, nhất là vào mùa xuân, khi mà khu vườn rất cần người chăm sóc.

Arthur nói rằng anh ấy muốn một kỹ thuật. Nói đúng hơn, thực ra là anh ấy muốn cái kỹ thuật đó. Tôi thực sự chỉ có duy nhất một kỹ thuật và mọi người đều sẽ sớm biết nó là gì từ miệng những học sinh khác, nhưng, lạ thay, chẳng ai thực hành nó cho đến khi được tôi tự mình truyền cho họ. Tôi đã phải nói nó ra biết bao lần và đã thử đặt nó ở trong căn phòng sinh hoạt chung để bất cứ ai đều có thể đọc nếu muốn, nhưng thật kỳ lạ là nó vẫn là một thứ độc quyền, như thể là nó chỉ có thể có tác dụng nếu như người ta được tôi truyền dạy trực tiếp cho. Nó không có nhiều thứ để nói, tuy nhiên tôi đoán rằng việc nhắm mắt tụng mantra hay đếm hơi thở cũng chẳng có nhiều thứ để nói.

“Okay, Arthur,” tôi bắt đầu, “kỹ thuật được gọi là Spritual Autolysis (tự phân tâm linh). Autolysis (Tự phân) có nghĩa là tự tiêu hóa, phân hủy và Spritual (Tâm linh) có nghĩa là …khỉ thật, tôi mà biết thì chết liền. Cứ cho nó có nghĩa là cấp độ của cái ngã, thứ mà bao trùm các khía cạnh tinh thần, thể xác và cảm xúc. Ghép hai từ cùng nhau và anh sẽ có một quá trình mà anh sẽ từ từ, từng chút một, đem chính bản thân mình đốt trong ngọn lửa cắn nuốt thanh lọc.”

“Tôi có thể có một câu hỏi được không?” Arthur hỏi.

“Ừm, Arthur.”

“Anh đang khiến Spritual Autolysis nghe có vẻ như là thứ không hề dễ chịu.”

“Đúng vậy đó, Arthur, nó là một quá trình khó chịu.”

“Ồ. Tôi hiểu rồi. Cảm ơn anh.”

“Không có gì. Quá trình của Spritual Autolysis có bản chất là giống như một công án (koan) trong Thiền tông. Tất cả những gì anh phải làm là viết ra chân lý.”

“Viết ra chân lý?”

“Nghe đơn giản, đúng không? Đúng, nó là tất cả những gì ở đây. Chỉ cần viết xuống những gì anh biết là đúng, hoặc những gì anh nghĩ là đúng, cho tới khi anh có thể viết ra thứ gì đó thực sự đúng.”

“Một vòng tròn có ba trăm sáu mươi độ.” Arthur nói.

“Chắc chắn rồi,” Tôi đồng ý. “Hãy bắt đầu với một điều gì đó dường như không cần bàn cãi như vậy, và rồi xem xét lại cái nền tảng xây dựng nên phát biểu đó, và cứ tiếp tục truy theo xuống dưới cho tới khi anh chạm tới cái nền móng, một thứ vững chắc – một thứ đúng.”

“Một vòng tròn không có ba trăm sáu mươi độ sao?” Anh ấy hỏi.

“Câu hỏi đã giả định rằng có tồn tại một vòng tròn.”

“Chẳng lẽ không có một vòng tròn sao?”

“Có thể. Tôi không biết. Có không?”

“Well, nếu tôi vẽ một vòng tròn…”

“Tôi? Từ khi nào mà anh đã xác thực sự tồn tại của một cái Tôi? Vẽ? Anh đã vượt qua được phần trước để xác thực rằng mình là một tồn tại vật lý tách biệt trong một vũ trụ vật lý với khả năng để nhận thức, để vẽ? Anh đã xác thực rằng nhị nguyên là sự thật chưa?”

Arthur ngẫm nghĩ và yên lặng trong một lúc. “Tôi đoán rằng đó là ý nghĩa của việc anh nói truy theo xuống dưới. Việc này rất là phức tạp. Tôi thậm chí còn không biết phải bắt đầu từ đâu.”

“Anh bắt đầu ở đâu đều không quan trọng. Anh có thể sử dụng câu hỏi của Ramana Maharshi ‘Ta là ai?’ hoặc ‘Ta là cái gì?’, và làm việc với nó. Hãy cố phát biểu ra được một điều gì đó đúng cho đến khi anh thực sự làm được. Cứ viết và viết lại. Làm cho nó sạch sẽ hơn và cắt bỏ những phần thừa và phần bản ngã và đi theo nó tới bất cứ nơi nào nó dẫn tới cho đến khi anh xong.”

“Và thường thì nó mất bao lâu?”

“Tôi nghĩ là sẽ mất hai năm. Và khi anh xong thì anh xong.”

“Và xong theo anh nghĩa là..?”

“Xong.”

“Ồ. Vậy nó có giống như viết bút ký? Giống như ghi một cuốn nhật ký?”

“Ah, câu hỏi hay. Không. Đây không phải là việc nhận thức bản thân hay khám phá bản thân. Nó không liên quan đến cảm giác hay cái nhìn bên trong. Nó không phải về phát triển bản thân hay phát triển tâm linh. Nó là về cái mà anh biết một cách chắc chắn, và về cái mà anh chắc chắn rằng anh biết là đúng, và về cái mà anh , thứ thực sự đúng. Với quá trình này anh xé bỏ từng lớp từng lớp những thứ sai đang ngụy trang thành cái đúng. Bất cứ lúc nào anh đọc lại những thứ anh đã viết, ngay cả vừa mới hôm qua, anh cũng sẽ ngạc nhiên khi thấy được mình đã đi xa hơn từ đó nhường nào. Đó thực sự là một quá trình đau đớn và tàn khốc, một chuyện giống như sự tự hủy. Nó tạo ra những vết thương không bao giờ lành và phá hủy những cây cầu không cách nào tái xây dựng và chỉ có một lý do thực sự cho việc này đó là do anh không thể không làm.”

Anh ấy để những lời đó thấm vào trong một lát. “Vậy lý do cho việc phải viết ra là gì? Tại sao không thể tự làm trong đầu như những công án Thiền tông?”

“Lại một câu hỏi hay nữa. Đúng vậy, công án hoặc mantra được thực hiện trong đầu. Câu truy vấn ‘Ta là ai?’ của Ramana Maharshi được thực hiện trong đầu của anh. Lý do cho việc phải viết nó ra giấy hoặc trên máy tính, nơi mà anh có thể nhìn thấy nó là bởi vì bộ não của chúng ta, không giống như ta tưởng, nó không hề có chỗ cho việc suy nghĩ nghiêm túc. Bất cứ lúc nào anh phải suy nghĩ nghiêm túc, bước đầu tiên là phải đưa toàn bộ cuộc đấu súng đó ra khỏi đầu của anh và đặt nó vào một nơi nào đó mà anh có thể đi xung quanh và quan sát nó từ mọi phía. Tấn công, đổi cánh, phản công. Anh không thể làm điều đó khi mà nó vẫn ở trong đầu. Việc viết ra nó làm cho anh hành động như người thầy của chính mình, người phê bình và kẻ thù của chính mình. Bằng cách đưa ra ngoài những tư tưởng của mình, anh có thể là guru của chính mình – phán xét bản thân, đưa ra nhận xét, đưa ra một góc nhìn cao cấp và khách quan hơn.”

Arthur đang nhìn tôi đầy nghi vấn, vì thế tôi tiếp tục.

“Anh làm một kỹ sư, phải không?”

“Vâng.”

“Và anh là thiết kế xây dựng cái gì?”

“Những cây cầu.”

“Ở trong đầu của anh sao?”

Arthur ngừng lại một chút để suy nghĩ.

“Đúng và không đúng,” anh ấy nói.

“Okay. Anh nói là đúng vì có một quá trình hình dung trong đầu đúng không? Giai đoạn ý tưởng?”

“Đúng vậy.”

“Và những giai đoạn sáng tạo bên trong và giải quyết vấn đề khác?”

“Vâng.”

“Và rồi sao nữa? Tiếp sau quá trình quan niệm hóa ban đầu thì là gì?”

“Well, rồi có những cuộc họp và phác thảo sơ bộ rồi tiếp tục các cuộc họp nữa và các quản lý dự án…”

“Quá trình sáng tạo vào việc.”

“Well, đúng vậy.”

“Vậy căn bản là, nó bắt đầu từ một ý tưởng – một suy nghĩ trong đầu ai đó – và kết thúc với một cây cầu thực ở đâu đó trong thế giới thực.”

“Hmm, đúng thế.”

“Và trong suốt quá trình, nó phát triển, thành hình và được tập trung, đúng không? Nó chuyển động từ một ý tưởng tới bản phác thảo rồi bản vẽ chi tiết rồi đến sa bàn rồi thành một cây cầu thực tế và nó tồn tại cả trăm năm, đúng không?”

“Vâng. Đại loại như vậy.”

“Và đó là quá trình sáng tạo – từ tư tưởng thành thực tế. Dù nó có là một cây cầu, một bài thơ, tàu vũ trụ hay cuộc sống của anh, nó đều cùng là một quá trình. Có lý không?”

“Okay. Có.”

“Anh có nhận ra điều đó từ chính cuộc sống của anh? Từ chính công việc của anh?”

“Vâng.”

“Tất cả những thứ đó có thể diễn ra trong đầu của một ai đó không? Đầu của một người?”

Arthur cười. “Chắc chắn là không rồi.”

“Đúng là không thể. Tư tưởng, cho dù là ở trong bộ não hay không, là một công cụ sáng tạo và Spritual Autolysis là một quá trình sáng tạo, cũng như các quá trình sáng tạo khác. Cũng như xây cầu.”

“Nhưng những người xây cầu là những người có học vấn cao,” Arthur chỉ ra. “Nó vừa là nghệ thuật vừa là khoa học mà có thể mất cả đời đề phát triển hoàn toàn. Nỗ lực sáng tạo được dựng lên từ nền tảng của tri thức và thực nghiệm.”

“Hoàn toàn đúng,” tôi đáp lại, “và tôi có thể đảm bảo với anh rằng khi anh ở trong quá trình tự tiêu hóa này, anh sẽ phát triển một khẩu vị ngấu nghiến tất cả các loại kiến thức – tôn giáo, bí truyền, siêu hình, tâm linh, Kỷ Nguyên Mới, triết học Đông phương và Tây phương, tất cả những thứ đó và hơn nữa. Anh sẽ phải dựa vào tri thức và kinh nghiệm của những người đàn ông và phụ nữ xuyên suốt lịch sử bất kể chủng tộc và quốc gia của họ là gì, nhưng cuộc tìm kiếm của anh sẽ đưa anh vượt xa bên trên trí tuệ nhân loại. Chân lý vượt qua thời gian và các giới hạn, và cuộc tìm kiếm chân lý của anh cũng thế. Anh tuyệt đối sẽ muốn có một thư viện hoặc một cửa hàng sách cũ tốt ở gần.”

“Vậy điều đó có làm Spritual Autolysis trở thành một con đường của trí tuệ, đối ngược với con đường của trái tim hoặc con đường của sự tận tâm hoặc con đường phụng sự?”

Eo ôi.

“Rõ ràng, là anh đang có chút hiểu sai tôi ở đây rồi, Arthur.”

Anh ấy nhìn tôi một cách khó hiểu.

“Tôi không biết các con đường khác biệt đó là gì, Arthur à. Spritual Autolysis là một nỗ lực mang tính trí tuệ, nhưng tôi do dự khi gọi nó là con đường trí tuệ. Nó là một quá trình của tính phân biệt, của việc xóa bỏ, không còn biết những thứ không đúng, xóa sổ dần dần những thứ sai và chỉ để thứ đúng ở lại. Trí phân biệt ở đây được sử dụng như một con dao rựa để chặt phá ra con đường thoát khỏi đám cây cỏ bụi rậm um tùm của ảo ảnh, hoặc, nói cách khác nếu anh thích, là giống như cầm kiếm chặt phăng một cái đầu bị huyễn hoặc ảo tưởng. Trí tuệ như một thanh gươm mà mà bản ngã sử dụng nó để tự kết liễu một cách từ từ và đau đớn – chết bằng ngàn vết cắt. Dù nó có là con đường này hay con đường khác đều không liên quan tới chúng ta ở đây. Đó chỉ là thứ mà một học sinh học theo con đường sẽ để tâm. Nếu có một câu hỏi nào vẫn cứ bám lấy anh thì đó chính là thứ anh cần tự quăng vào với quá trình Spritual Autolysis.”

Tôi đã từng khá thông thạo văn học tâm linh và tôi nhớ rằng có rất nhiều đàm thoại về các con đường khác nhau, nhưng từ vị trí mà tôi đang ngồi, tôi thấy rằng đó chỉ là một cách để phân tâm chính bản thân bạn khỏi công việc khó nhằn là đột phá ra tự do. Không có lý thuyết nào về các con đường có giá trị trong việc thức tỉnh. Chính cái ý tưởng rằng có một con đường đặt sẵn, hoặc hơn thế nữa là có sự lựa chọn con đường, mà một người chỉ cần đi theo đó, là một sự lường gạt tai hại. Nó ngắn gọn, vấn đề về con đường này nọ chỉ là một trường hợp minh họa của một kẻ mù dẫn đường cho kẻ mù – một phần của những truyền thuyết mênh mông tạo ra bởi những con sâu bướm dạy những con sâu bướm khác về cách trở thành bươm bướm.

Arthur ngắt mạch suy nghĩ của tôi. “Tôi đọc rằng Don Juan nói…”

“Whoa,” tôi nhảy vào, “đợi một giây. Đó có phải là con đường liên quan gì đó tới trái tim đúng không?”

“Vâng.”

Tôi quen thuộc với sách của Carlos Castaneda mà trong đó Don Juan khuyên Carlito chọn một con đường với trái tim. Tôi quen thuộc với nó với cùng một lý do mà rất nhiều người tìm kiếm tâm linh khác quen thuộc với nó, bởi vì nó có những điều tốt đẹp của thánh hiền, thứ làm cho nó trở thành một trong những cuốn sách được ghi nhớ rộng rãi của Castaneda. Điều đó có làm cho nó trở nên đúng hoặc có giá trị? Rõ ràng là không, chỉ là một công thức dập khuôn khác. Chỉ là một sự đánh lạc hướng hoa mỹ khác. Tôi nhận ra khá rõ rằng hầu hết các học thuyết tâm linh vĩ đại nổi tiếng thế giới đều ủng hộ một cách tiếp cận tới sự phát triển tâm linh mà lấy trái tim làm trung tâm, nhưng sự nổi tiếng giữa những kẻ say ngủ không phải là một tiêu chuẩn để đánh giá một phương pháp thức tỉnh.

“Hãy để tôi nói thẳng nhé, Arthur: Tôi không làm với trái tim. Trong trường hợp mà tôi phải biện hộ cho bất cứ một con đường nào, nó sẽ phải là con đường không có trái tim, không có lòng từ bi, không hề có chỗ cho suy nghĩ đến người khác. Tư tưởng ở đây rất đơn giản: Thức tỉnh trước. Thức tỉnh rồi anh có thể quay ngược trở lại và có thể giúp đỡ người khác nếu anh vẫn còn có ham muốn đó. Thức tỉnh trước, với sự ích kỷ thuần túy và không ân hận, hoặc anh sẽ chỉ là một nạn nhân trong vụ đắm tàu vùng vẫy giữa đại dương và tất cả lòng từ bi trên thế giới này cũng hoàn toàn chẳng có một tác dụng gì với những nạn nhân khác đang vùng vẫy xung quanh anh. Giải quyết tình huống của chính bản thân anh trước, rồi sau đó sự từ bi của anh mới có thể chuyển thành một thứ gì đó có giá trị với người khác. Tôi cho rằng điều này nghe có vẻ độc ác hoặc không tâm linh hoặc bất cứ như nào, nhưng nó chỉ hoạt động theo cách mà nó hoạt động. Có lý không?”

Arthur gật đầu một cách suy tư.

“Này, hẳn là anh đã ghé thăm những xưởng đúc nơi mà họ đổ thép nóng chảy vào trong những cây cầu của anh đúng không?”

“Chắc chắn rồi, rất nhiều lần.”

“Trời ơi, những nơi như vậy trông thật đáng sợ. So với chúng thì địa ngục cũng chỉ như là thành phố Aspen. Anh tính toán xem có bao nhiêu cách mà họ có thể làm công việc đó và họ có chọn cách làm với trái tim không?”

Arthur thầm cười. “Khó lắm.”

“Tất nhiên là không, bởi vì nó chỉ hoạt động theo cách mà nó hoạt động. Công việc thức tỉnh này không chỉ là thứ toàn ngọt ngào và ánh sáng. Nó là một công việc nghiêm túc mà tỉ lệ thất bại gần như là tuyệt đối. Hãy nghĩ về điều đó. Anh đang dấn mình vào công việc mà hàng triệu trên hàng triệu đàn ông và phụ nữ, chân thành, trí tuệ, đã ký thác cả cuộc sống của họ tới mà không thành công. Đó là một câu nói nghiêm túc. Đây là một quá trình mà nó chỉ hoạt động theo cách nó hoạt động hoặc không hoạt động một chút nào. Anh không thể kê đơn hoặc ra điều kiện. Nó không liên quan tới sự ưa thích của anh.”

“Nghe có vẻ như là tôi có thể thậm chí không hề nghĩ tới chuyện giúp đỡ người khác nữa một khi bản thân tôi đã giải thoát.”

“Tôi không biết. Có thể có, có thể không. Tùy thuộc vào hứng thú của anh như nào, tôi cho là vậy. Anh thấy thứ tôi đang làm, việc giảng dạy này, đúng không?” Anh ấy gật đầu. “Có thể anh sẽ làm điều gì đó tương tự. Có thể anh sẽ dạy. Hoặc có thể anh sẽ quay trở lại tiếp tục xây cầu và giữ bí mật cho riêng mình.”

“Khó mà tưởng tượng được.” Anh ấy nói.

“Không có khả năng tưởng tượng được. Vì anh đang cầm đèn chạy trước ô tô. Sự thật đơn giản là anh không hề có tác dụng gì với những người khác nếu anh cũng đang ở trong cùng một hoàn cảnh với họ.”

“Lạy Chúa,” anh ấy lẩm bẩm. Đó là thứ ngôn ngữ đặc sắc nhất mà tôi từng nghe được từ anh ấy.

“Ý tưởng là đây,” tôi tiếp tục. “Khi anh viết, Spritual Autolysis, hãy làm cho một người khác. Hãy viết nó cho một người khác. Bộc lộ tri thức của anh cho một người nào khác hưởng lợi. Hãy viết nó cho công chúng, như thể cả thế giới sẽ đọc nó. Hoặc viết nó như một seri các lá thư gửi tới con trai của anh hoặc tới một người bạn tưởng tượng hoặc gửi tới đứa trẻ mà anh đã từng là. Gì cũng được. Sử dụng quá trình của Spritual Autolysis như một phương tiện để bộc lộ tri thức cao nhất của anh cho một ai đó hưởng lợi. Và, tất nhiên, cứ tiếp tục cải thiện cho tới khi anh phát biểu ra được chân lý.”

“Thứ mà tôi không bao giờ có thể làm được?”

“Gì, phát biểu ra chân lý sao? Không, tất nhiên là không rồi.”

***

Ngôi nhà đang thoát dần ra khỏi quãng thời gian yên tĩnh và trong thời gian khoảng mười lăm phút nó chuyển hóa từ một sảnh thiền tĩnh lặng thành một nhà hàng ồn ào hay một câu lạc bộ xã hội. Tôi đã kinh ngạc khi thấy rằng có hơn ba mươi người ở đây bao gồm cả một số người tôi không nhớ là mình đã từng nhìn thấy, và tôi tự hỏi rằng có phải một số người có mặt chỉ nhằm để thưởng thức đồ ăn do Sonaya nấu. Những thành viên trong nhóm Ý Thức Krishna nhấn mạnh vào việc ẩm thực và tôi sẽ không bất ngờ nếu nhiều thành viên trong số đó ghé nhanh bếp để xem món gì mà thơm vậy. Sonaya là một đầu bếp bậc thầy mà tất cả các nhà hàng Ấn Độ trên thế giới sẽ đều dang tay chào đón. Khi cô ấy nấu ăn tôi lại tiếc rằng mình lại không ăn được nhiều lắm.

Tôi nghĩ rằng tôi nên nói thêm về bản thân mình, không phải để chứng minh rằng tôi đặc biệt như nào, mà là tôi đã phổ thông như nào. Rõ ràng là tôi đã từng không phải là một gã giác ngộ. Tôi đã từng là một em bé đáng yêu, một đứa trẻ vui vẻ, một vị thành niên nhiều vấn đề, một người lớn ương ngạnh. Lúc đó, chẳng ai nhìn tôi mà nghĩ rằng tôi trong tương lai sẽ trở thành trái tim thông thái của một dự án đạo tràng ở miền quê Mỹ. Tuy nhiên, tôi vốn luôn sở hữu một bản tính nhận thức sâu sắc. Tôi đã bắt đầu vật lộn với tư tưởng triết học cogito ergo sum (tôi tư duy nên tôi tồn tại) trong đầu những năm thiếu niên. Xuyên suốt thuở thiếu niên và đầu hai mươi tôi đã viết những câu chuyện và bài luận ngắn để thử nghiệm tấn công vào bản chất của thực tại, việc đó đã giúp tôi đưa dòng tư tưởng của tôi trở nên tập trung.

Sự hiển linh sét đánh đã tới vào lúc tôi gần ba mươi tuổi, khi bắt đầu đọc khoảng năm mươi trang trong cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc được về bản chất tâm linh đặc biệt. Như những sự hiển linh tốt đẹp khác, nó giáng mạnh vào não của tôi như một viên đạn ánh sáng và tái định nghĩa lại toàn bộ cuộc sống của tôi trong một khoảnh khắc tức thì. Sự ngộ ra lúc đó không nhiều không ít hơn dưới đây:

Chân lý tồn tại.

Tôi tuyệt đối choáng váng. Những đường nét của bản thể của tôi được kẻ lại chỉ trong một ánh chớp. Tôi loạng choạng chỉ bởi tuyên bố đơn giản như vậy, bởi sự hoàn toàn phi lý của nó. Sau cùng thì, làm thế nào mà người ta có thể không nhận ra rằng chân lý tồn tại? Nhưng chân lý tồn tại, còn tôi thì không. Những tư tưởng của tôi đã liên tục hướng tới việc phủ nhận cái không tồn tại để rồi tôi bị mù không thấy cái tồn tại. Chính cái hành động đấu tranh giành giải thoát lại cầm tù tôi. Để đối nghịch với cái sai, tôi phải trú ở trong một nơi sáng lờ mờ, nơi mà cái sai có thể phát triển. Cuối cùng cũng hiểu rằng chân lý tồn tại, nó giống như việc bò ra khỏi ống cống hôi thối để bước ra ánh sáng mặt trời – thứ mà tôi đáng lẽ nên hoài nghi về sự tồn tại của nó từ lâu rồi, nhưng tồi gần như chưa từng.

Nhưng giờ đây tôi đã ở dưới ánh sáng mặt trời và nó hoàn toàn làm tôi sững sờ. Trong khoảnh khắc đó, tôi cuối cùng cũng được sinh ra. “Chân lý tồn tại!” tâm trí tôi đã hét lên.”Không quan trọng nó là gì hay nó ở đâu. Ở đâu đó, bằng cách nào đó, chân lý tồn tại. Tôi không quan tâm là nó ở đạo Cơ Đốc hay Do Thái hay Hồi giáo hay ở một dị giáo bị khinh bỉ nhất ở nơi sa đọa nhất, nó tồn tại và tôi sẽ không tốn một giây phút cuộc đời nào để mò mẫm một cách mù quáng xung quanh bầu chướng khí và bụi bẩn của sự vô minh với bất kỳ lý do nào khác ngoài việc tìm ra chân lý. Vũ trụ không mơ hồ và vô minh, là tôi mơ hồ và vô minh. Có một thứ gì đó là đúng (true) và không quan trọng nó là thứ gì, tôi sẽ không là cái sai (false) nữa. Và sự thật là tôi kiên quyết đến mức không giữ lại một chút gì dù là nhỏ nhất và rằng tôi thà chết trong lúc cố gắng tìm ra cái gì là đúng còn hơn là tiếp tục sống tạm bợ như là nô lệ của những sự lừa dối và vô minh.

***

Tôi vừa đọc lại những đoạn trên và chúng tới phần nào giống như bộ não của tôi sau sự bùng nổ đó. Những sự kiện chết/tái sinh đến theo mọi hình dạng và kích cỡ, và đó là lần đầu tiên của tôi. Bước Đầu Tiên của tôi. Đó chính là bước đã làm tách biệt thứ tôi đã từng là và thứ mà tôi hiện đang là. Đó là ngày mà tôi đã đốt lên ngọn lửa thiêu đốt cuộc sống của mình và khởi động chiến tranh.

Hai năm tiếp theo đó trải qua trong một trạng thái thiêu đốt ám ảnh. Tôi bỏ việc, vứt hết đồ, và chuyển từ Chicago về một thị trấn nhỏ ở Iowa. Tôi đã lùng sục các hiệu sách và tận dụng tối đa chương trình mượn sách thư viện toàn tiểu bang. Tôi đã mua một cái máy tính và dành hàng giờ mỗi ngày cắm mặt trước bàn phím để cố gắng diễn đạt chân lý. Tôi đọc và viết. Tôi chỉnh sửa và hủy bỏ, và viết lại. Cứ sau vài tuần tôi lại xóa hết toàn bộ file, định dạng lại ổ đĩa và đốt – theo đúng nghĩa đen, trên một cái bếp nướng – mọi ghi chú và giấy tờ viết tay. Tôi gần như không bao giờ đọc lại những gì tôi đã viết vì chỉ riêng hành động viết ra chúng đã làm chúng trở nên lạc hậu khỏi mạch tư tưởng của tôi. Tôi cắt đứt mọi liên lạc – không nghề nghiệp, không bạn bè, không gia đình – và tôi chỉ sở hữu một vài của cải. Tôi đã không làm gì khác. Tôi đã không hề có suy nghĩ nào khác. Tôi thường đi bộ thật xa, suy ngẫm, đập phá bất cứ cánh cửa nào đang làm tôi mắc kẹt ở thời điểm đó.

Và rồi một ngày sau khoảng hai năm đó tôi đã bất chợt xong. Chỉ như vậy thôi: Xong. Mặc dù lúc đó tôi đã không nghĩ dưới các thuật ngữ đại loại như: tôi đã giác ngộ, satori (đốn ngộ), thức tỉnh, chứng ngộ chân lý, một jnani, Phật, hay bất cứ từ ngữ nào bạn muốn gọi. Tuy nhiên, việc làm quen với trạng thái mới này đã tốn của tôi mất một thập kỷ nữa.

Có người từng hỏi tôi rằng nếu tôi có thể quay ngược thời gian để lựa chọn lại thì tôi có làm điều này nữa không, nhưng ngay từ đầu nó đã không phải là một thứ mà tôi đã lựa chọn. Chưa bao giờ có một quyết định nào. Chưa từng có một lựa chọn nào cho tôi. Đó không phải là một con đường sự nghiệp để mà bạn xác định địa điểm rồi theo đuổi. Đúng hơn là nó giống như bạn đang bước dọc theo một con đường núi rồi bỗng nó hóa thành bùn, rồi bạn thấy mình lao với vận tốc chóng mặt vào cái không biết và không lâu sau, việc lao với vận tốc chóng mặt vào cái không biết trở thành thực tại của bạn. Và rồi một ngày, không hề được cảnh báo trước, bạn bị phóng vào không gian trống rỗng, và rồi không lâu sau, không gian trống rỗng trở thành thực tại của bạn.

Và đó là nơi tôi đang ở hiện tại. Không gian trống rỗng là thực tại của tôi. Sự hư không. Vô ngã. Tôi an trú trong nhận thức bất nhị, bất tương đối. Đây là phần mà tôi không thể giải thích. Tôi thậm chí không thể định hình được ngôn từ về nó với chính bản thân mình. Không ai có thể nói “Tôi đã giác ngộ” bởi vì không còn có cái Tôi trong đó nữa. Không hề có thứ gọi là “người giác ngộ”. Cái người đang viết những từ này, cái người nói chuyện với học sinh, không phải là cái người giác ngộ. Nhân vật của tôi, bản ngã của tôi, những gì có vẻ là tôi, chỉ là một dư ảnh – chỉ là một bóng ma không có thực chất dựa trên những khuôn mẫu năng lượng còn sót lại. Jed McKenna giống như trang phục của một người vô hình mặc vào để anh ta có thể tương tác với mọi người mà không dọa họ sợ.

Vậy đó, dù sao đó cũng là một chút về bản thân tôi.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.