Có những khoảnh khắc trong cuộc sống hàng ngày khi mà tâm trí không bị khuấy động. Đây là những cửa sổ mà Chân Lý có thể chảy vào. Chúng ta nên
ý thức về những khoảnh khắc này. Chúng không đến bằng ý chí hay kỷ luật, đúng hơn là do hoàn cảnh bên ngoài đã mang tâm trí đến sự yên tĩnh. Một khi tâm trí ngừng cố gắng nắm bắt, một khi ở đó không có sự nỗ lực để đạt được và trở thành một cái gì đó, một khi năng lượng không còn được sử dụng để phóng chiếu ra chiến lược và mục tiêu hướng tới, nó trở lại trạng thái cân bằng nơi mà mọi thứ luôn bình yên và trỏ hướng tới sự nhận thức tĩnh lặng, cái mà trong đó tất cả các suy nghĩ và cảm quan đến và đi.
Vậy thiền định không thể mang lại sự thanh tịnh cho tâm trí chúng ta được sao?
Tâm trí tĩnh lặng mà tôi đang nói đến không phải là trống vắng những suy nghĩ. Sự trống vắng suy nghĩ là một trạng thái được sản sinh một cách nhân tạo, nhưng tâm trí không bị khuấy động có nhịp điệu riêng của nó, xung động riêng của nó. Giữa những xung động này là những khoảng trống mà một người phải nhận thức được chúng. Chúng không phải là sự trống vắng hoặc trạng thái trống rỗng. Chúng là trọn đầy, là sự hiện hữu. Hãy cho phép chúng chiếm lấy bản thân bạn.
Chân lý không thể được nhận thức thấy. Nó chỉ có thể được ta sống trong tính bất nhị liên tục, trạng thái phi trạng thái nơi không có người quan sát cũng như thứ được quan sát.
Nhưng một số hình thức thiền định nhất định mang lại cho người ta một tâm trí yên tĩnh và giúp một người chuẩn bị sẵn sàng để được chiếm hữu bởi thứ ẩn sau câu mantra.
Phát âm đúng một mantra là một nghệ thuật bậc cao hiếm ai đạt được. Khi được phát âm chính xác, nó có khả năng làm yên lặng tâm trí. Khi tất cả công thức phát âm của câu thần chú bị tan biến thông qua rung động âm thanh, bạn là một với cảm quan, với sự rung động. Sự rung động này vẫn là một đối tượng quan sát nhưng như bạn đã học từ guru của bạn rằng bạn là cái ánh sáng đằng sau mọi cảm quan, ngay cả đối tượng vi tế nhất này cũng tan biến trong tánh nhận thức của bạn.
Nghệ thuật tụng mantra là ma thuật và để học nó cần rất nhiều năm và là một người thầy rất tài năng. Thường thì bạn sẽ chết trước bạn làm chủ nó!
Liệu chúng ta có thể tự do và yên bình thông qua việc giúp đỡ những người khác như Cơ Đốc giáo đã dạy?
Nếu bạn muốn giúp đỡ người khác, chính bạn phải hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ nhu cầu được giúp đỡ bởi người khác. Khi bạn trải nghiệm điều này, bạn là sự trợ giúp lớn nhất có thể cho tất cả những người xung quanh bạn. Trong sự vô hành động mà tất cả các hành động được hoàn thành. Bạn không phải là người thực hiện hành động của bạn, bạn là sự nhận thức mà từ đó hành động bắt nguồn. Trong các mối quan hệ giữa những cá nhân, giữa các đối tượng, chỉ có tìm kiếm sự an toàn, chỉ có yêu cầu. Ngay cả cái gọi là ‘cho đi’ cũng là cho với một quan điểm muốn được nhận lại. Sự cho đi một cách thuần khiết là bản chất thực của bạn, đó là tình yêu. Khi có những tình huống yêu cầu bạn giúp đỡ, bạn sẽ giúp đỡ một cách tự nhiên, và sự giúp đỡ đến từ sự toàn tâm, từ tình yêu thương, sẽ có hiệu quả cao. Nhưng khi bạn là một người trợ giúp chuyên nghiệp mà hành động dựa trên ý tưởng rằng có bản thân bạn và có thế giới được bạn giúp đỡ, thì sự giúp đỡ của bạn sẽ luôn duy trì ở dạng nhỏ bé mà thôi.
Nhưng trước khi tôi giác ngộ, chẳng phải trợ giúp nhỏ bé cũng tốt hơn là không có chút nào, đúng không?
Ý tưởng về việc giúp đỡ chỉ là sự dự đoán. Thực ra là hành động tự nảy sinh ra từ sự phản ứng. Hãy xem xét động cơ sâu xa của ham muốn giúp đỡ người khác của bạn. Sự giúp đỡ thực sự, như tôi đã nói, đến từ cái vô hành động. Khi mà thế giới yêu cầu giúp đỡ, tất nhiên là phải giúp đỡ, giúp đỡ với trí phân biệt chứ đừng giúp với tư cách là người trợ giúp.
Ý bạn là gì khi nói “giúp đỡ với trí phân biệt”?
Hãy cung cấp cho người ta những gì anh ta cần để hoàn thành thứ mà cuộc sống yêu cầu anh ta hoàn thành. Đừng áp đặt lên người khác ý tưởng của bạn về cách anh ta tốt nhất nên sống. Chúng ta luôn thấy những “sự giúp đỡ” một cách mù quáng ở mọi nơi quanh ta. Sự giúp đỡ bị ràng buộc, chưa thoát ra khỏi thân phận con người. Can thiệp theo cách như vậy là bạo lực, là chiến tranh.
Tại sao bạn nói rằng sự cảm quan ở gần với sự thật hơn một khái niệm?
Một cảm quan là thông điệp đầu tiên do các giác quan đưa ra trước khi bộ não đặt tên cho nó hoặc tâm trí định tính nó. Phần lớn cảm quan của mọi người về cơ thể của họ bị héo mòn đi vì họ rời ra khỏi cảm quan và ngay lập tức hình thành quan niệm về nó. Cảm quan luôn ở hiện tại, ngay tức thời, nhưng việc quan niệm hóa là ký ức. Hầu hết thời gian chúng ta cảm nhận và vận hành thông qua ký ức.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hiếm khi dành thời gian để cảm nhận các giác cảm. Chúng ta thường sớm can thiệp, quan niệm hóa và định tính chúng. Cảm quan và quan niệm không thể tồn tại đồng thời và chúng ta có xu hướng cắt ngắn cảm quan trước khi nó kịp hoàn toàn phát triển.
Vì vậy, nếu như tôi hiểu đúng, thì các giác quan đang tiếp xúc với môi trường xung quanh ta nhưng ta bỏ lỡ liên hệ này bởi vì ta đang sống trong ký ức của giác cảm cũ?
Đúng, chúng ta đã quan niệm hóa giác cảm, kết tinh nó, định tính nó. Cảm quan, đó là sự nhận biết, và đặt tên, chứng thực, là các chức năng tự nhiên xảy ra một cách tự nhiên mà không cần một trung tâm tham chiếu, một cái tôi, một người truyền bá ý kiến. Nhưng chúng ta rời bỏ khỏi các chức năng tức thời này, chúng ta không chờ đợi cảm quan mở ra trọn vẹn, chúng ta không hoan nghênh những gì môi trường xung quanh mang đến. Khi chúng ta sống ở trong ký ức, chúng ta tự cắt đứt khỏi vũ trụ, chúng ta đang sống trong sự cách ly. Đây là căn nguyên của mọi đau khổ.
Sự cảm quan có phải đã là tính bất nhị chưa hay chúng ta còn có thể tiến gần hơn nữa đến bất nhị?
Sự cảm quan tự nó đã là bất nhị, nó là một với cái nhận thức mà trong đó nó xuất hiện.
Làm thế nào chúng ta có thể nhận thức được cái nhận thức mà trong đó cảm quan xuất hiện?
Sự cảm quan thuần khiết được chứa trong cái mà chúng ta gọi là sự nhận thức. Trong trường hợp này, cái chứa đựng và cái nội dung được chứa đựng là một như nhau. Người đang biết cái nội dung, hay nói cách khác, là người có khả năng nhận thức, người mà “biết” bản thân mình là sự nhận thức chứ không phải là tinh thần, nhận thức một cách có ý thức, hiện hữu tại thời điểm nhận thức. Anh ta là nhân chứng sống, đồng thời cũng là khán giả và
diễn viên. Một khi cảm quan này kết thúc, hoặc lúc giữa hai suy nghĩ, anh ta nhận thức được về sự hiện hữu bản thể, nhưng không có giác cảm nào liên kết với nó.
Cái nền giống như một tờ giấy trắng mà trên đó chúng ta vẽ: các đường kẻ xuất hiện, bản vẽ thành hình nhưng tờ giấy trắng không không biến mất vào không khí. Bản vẽ đè lên, che giấu đi màu trắng nhưng màu trắng vẫn còn đó đằng sau nó. Những giác cảm che phủ đi bản thể giống như hình vẽ, vì vậy người mà không biết chính mình, “người không nhận thức,” chỉ nhìn thấy các dòng kẻ ngắt quãng, tách biệt ra khỏi nhau, anh ta không nhìn thấy tờ giấy trắng. Anh ta chìm đắm trong giác cảm mà quên đi bản thân mình.
Chẳng phải sự nhận thức về bản thân này cũng là một cảm quan sao?
Không, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng sự nhận thức không bao giờ có thể trở thành một đối tượng; nó không ở bên ngoài cũng không bên trong, nó thoát khỏi thời gian và không gian. Đó là sự mênh mông, là vật chứa, trong đó tất cả các trạng thái, tất cả các đối tượng xuất hiện. Nó là thứ thân cận nhất với bạn và không bao giờ có thể cảm quan thấy, như là con mắt không thể nhìn thấy hành vi nhìn của chính nó. Cái biết tối hậu tự biết mình bằng chính bản thân mình. Không cần một trung gian nào để biết chính mình. Sự nhận thức không phải là một cảm quan. Đó là một sự trực nhận.
Sự khác biệt giữa trực nhận này và cái mà bạn gọi là cảm quan trực tiếp là gì?
Cảm quan yêu cầu một quan hệ chủ thể/đối tượng. Cảm quan trực tiếp
không đi thông qua tâm trí. Nó cũng như là một với trực nhận.
Tại sao không thể có một sự hồi quy vô hạn những người nhận thức?
Ý thức là tổng thể của chúng ta, toàn bộ biểu hiện của chúng ta ở bên trong
ý thức. Nếu ý thức có thể được nhận thức thì nó sẽ không phải là tổng thể của chúng ta.
Tại sao chúng ta phải có một tổng thể? Tại sao bản thể của chúng ta không thể là cái vô hạn hồi quy xuống?
Nếu chúng ta không sống với sự tổng thể của chúng ta, chúng ta sẽ sống trong một phần phân mảnh, trong mối quan hệ chủ thể/đối tượng, trong tính gián đoạn. Điều này mang đến những xung đột trong cuộc sống của chúng ta. Trước tiên hãy chấp nhận trạng thái của tất cả các hình tướng xuất hiện, sự gián đoạn của sự tồn tại. Trong sự chấp nhận chân chính, cái được chấp nhận là nằm trong cái thực hiện việc chấp nhận. Sự chấp nhận này là sự trọn vẹn của bạn. Nhưng nó không được là một quan niệm, một thông tin ‘second-hand’. Nó phải được sống, làm ‘first-hand’.
Có phải chúng ta có rất ít cảm quan thuần khiết?
Đúng, thực sự là rất ít, vì khi bạn cân nhắc điều gì đó, một loại ngân hàng ký ức thường xuyên can thiệp vào. Khi một cảm quan là thuần khiết, ở đó không có ký ức. Ví dụ, tôi có thể hướng sự chú ý của mình về phía bông hoa và nghĩ rằng tôi đang cảm thấy nó nhưng tôi không thực sự cảm thấy nó, tôi chỉ đang kích động bộ nhớ mà thôi. Mặt khác, nếu tôi có thể vẫn hiện diện với bông hoa và không đề cập đến quá khứ, tới ký ức, bông hoa sẽ hiện ra nhiều hơn so với những gì đã được lưu trữ trong bộ nhớ của tôi. Nó sẽ vượt qua tất cả sự mong đợi, hiện ra đầy đủ trước con mắt thanh thuần của tôi.
Vậy việc duy trì hiện hiện hữu mà không để cho bộ nhớ can thiệp chính là cái mà bạn gọi là ‘lắng nghe’ đúng không?
Đúng. Việc lắng nghe không có trung tâm, nó là sự chào đón đa chiều.
Bạn nói rằng chúng ta không thể đi và thiền định. Bạn gọi là thiền định là
cái nền, là vật chứa, chứ không phải là việc ngồi và lắng nghe, duy trì hiện hữu, vậy thứ mà chúng tôi thường gọi là thiền định là gì?
Việc tọa thiền này như là một phòng thí nghiệm để khám phá ra động cơ cho việc thiền định là gì, để tìm ra thực thể đang tìm kiếm thượng đế, bình an, hạnh phúc là ai. Khi mà bạn còn chưa nhận ra bản chất của người thiền giả là gì, bạn sẽ vẫn tiếp tục ngồi và tìm kiếm những thứ đó. Nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy rằng người thiền giả không bao giờ có thể tìm thấy bình yên, thượng đế hay hạnh phúc bởi vì nó thuộc về tâm trí, về trí tuệ. Khi nhìn thấy rõ điều này, nó sẽ đột ngột xảy ra việc không có động lực “để thiền định”. Tất cả những gì còn lại là sự hiện diện mà ở đó không ai hiện diện trước bất cứ thứ gì.
Vì vậy, tôi có nên tọa thiền thường xuyên cho đến khi tôi tìm thấy thiền giả, hoặc đến khi thấy rằng mình không thể tìm thấy người đó?
Bạn có thể tìm thấy điều này ở mọi thời điểm trong cuộc sống. Đừng biến việc tọa thiền thành một thực hành, một thói quen, một sự nghiện ngập. Hãy chờ cho đến khi bạn cảm thấy lời mời gọi bạn chỉ đơn giản trở nên tĩnh lặng.
Tôi phải làm gì nếu lời mời gọi đó không thường xuyên đến? Tôi có một cuộc sống bận rộn và nó dường như che phủ đi những lời mời.
Hãy nhìn thấy rằng bạn đang bị lạc trong các hoạt động của bạn. Ngay khi bạn nhìn thấy điều này sẽ có một số khoảng trống giữa bạn và các hoạt động của bạn.
Nhưng tôi biết rằng mình đang lạc lối trong các hoạt động của mình. Tôi nhận thức rất rõ về sự thật này, đó là lý do tại sao tôi đến đây và hỏi bạn. Chỉ nhìn thấy điều đó thôi vẫn chưa đủ.
Bạn đã quan niệm hóa sự nhìn thấy của mình, bởi vì bạn sống trong các quan niệm. Bạn đã tạo ra tư tưởng về sự lạc lối và việc bận rộn. Khi tôi nói ‘nhìn’, tôi không có ý là nhìn bằng trí tuệ; nhìn thấy thực sự là cảm quan trực tiếp như chúng ta đã thảo luận trước đó. Nó là đối diện với sự thật,
với cảm giác, trạng thái của sự vật mà không có người biện minh, người điều khiển, không có lý trí hoặc suy nghĩ về chúng. Không có người nhìn trong sự nhìn. Nó là một trực nhận tức thời xảy ra khi bạn không còn cố gắng trốn tránh sự thật. Sau đó, tất cả các hoạt động là ở trong bạn chứ bạn không ở trong chúng. Bạn sẽ không còn cảm thấy bị lạc mất trong các hoạt động, không còn cảm thấy đồng nhất với chúng. Ngược lại, các hoạt động bị lạc mất bên trong bạn.
Khi thiền, đôi khi việc hít thở làm phiền tôi; tôi cảm thấy nó như một thứ gì đó cứng rắn mà tôi muốn dừng lại.
Ta không nên muốn thở cũng không nên muốn ngừng thở. Không được có bất kỳ ý muốn nào. Đơn giản chỉ cần quan sát những hơi thở đến và đi như quan sát một đám mây hoặc một con chim. Bạn sẽ thấy rằng hơi thở của bạn đầy căng thẳng. Khi để nó hoạt động đơn giản, hơi thở của bạn sẽ trở thành chuyển động sống theo tự nhiên của nó. Điều quan trọng là bạn sẽ đến với thời điểm mà bạn sẽ cảm thấy bản thân mình trong tánh nhận thức. Nhận thức là lắng nghe, lắng nghe bất cứ điều gì tự nó trình bày, giống như khi có nhiều âm thanh xảy ra, một đứa trẻ đang chơi, một động cơ ô tô đang chạy, một con chim hát trên cây và bạn không lựa chọn âm thanh nào trong số những âm thanh này cũng không cố nắm bắt chúng. Bạn không cố gắng phớt lờ chúng cũng không chú ý chúng. Bằng cách này, bạn không dính mắc vào những gì đang nghe và năng lượng thường được sử dụng trong việc nắm bắt, trong việc kiểm soát hơi thở hoặc âm thanh được nghe, sẽ tự quay trở lại, và bạn sẽ trải nghiệm sự lắng nghe chân chính.
Sự lắng nghe này không phải là một cảm quan sao?
Không, nó không phải là một cảm quan. Mặc dù thực tại này tự biết chính nó, nó không phải là biết với một chủ thể/đối tượng . Lắng nghe, sự chú tâm không bị định hướng, là hoạt động tự nhiên, sẵn có của bộ não.
Vậy lắng nghe có là một với ý thức không hay nó là một biểu hiện của ý thức?
Lắng nghe có cùng bản chất với ý thức. Lắng nghe vô điều kiện là chức năng tinh tế nhất. Khi việc lắng nghe được duy trì nó được mở ra trong ý thức.
Làm thế nào chúng ta có thể là ý thức này, sự tĩnh lặng này, và cũng đồng thời thực hiện một hoạt động đòi hỏi tới bộ nhớ, để xử lý các quan niệm và các hình thức chú tâm khác?
Tất cả các hoạt động hàng ngày của chúng ta đều tìm thấy ý nghĩa đầy đủ của chúng và hoàn thành tất cả các khả năng của chúng trong tri-thức-tự-biết-mình, trong cái ý thức này. Một khi bạn là sự nhận thức này một cách có ý thức, bạn không còn đồng hóa với tâm trí. Sau đó, bạn sẽ trải nghiệm một năng lượng sống động cho bất kỳ hoạt động nào bạn thực hiện, nhưng nó sẽ không còn là động lực bị chi phối bởi ý chí, ràng buộc bạn với một đối tượng. Nó cũng là một biểu hiện của ý thức.
Tri-thức-tự-biết-mình có hương vị như thế nào, cảm thấy như thế nào? Tôi cho rằng nó không phải hoàn toàn vô vị!
Chân Ngã tự biết chính nó, theo cách riêng của nó, mà không cần sự can thiệp của bất kỳ phương tiện nào. Nó không thể được mô tả bởi vì nó không trong lĩnh vực so sánh hoặc bổ sung. Bạn không thể ngửi mùi cây nhang đang cháy cũng như không thể nhìn thấy lá cây mà không sử dụng cơ quan cảm giác tương ứng, nhưng ý thức tự biết chính nó trong khi các khía cạnh khác nhau của sự biểu lộ xảy ra. Nước không bị thay đổi bởi nhiều loài cá khác nhau bơi trong độ sâu của nó, nó luôn là nước. Tôi có thể cho bạn một ẩn dụ khác. Bạn chỉ nếm những thứ có trong miệng, là những vật khác, chứ không nếm được vị của chính cái miệng.
Có thể bạn không thể hiểu hết tầm nhìn thực sự của mọi thứ bởi vì bạn vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục rằng không có gì có thể tự nó tồn tại bên ngoài bạn, mọi thứ đều tồn tại bên trong bạn. Những gì bạn thấy và làm là những sáng tạo của thời điểm này. Chỉ là ký ức đang tạo ra ảo tưởng về tính liên tục. Là ký ức tuyên bố rằng bạn đã ở đây ngày hôm qua hoặc
ngày hôm trước nữa.
Vậy, ta có thể nói rằng tri thức này là mật ong và chúng ta đang đồng thời nếm nó?
Cái biết chỉ biết có chính bản thân nó. Nó nhận thức được môi trường xung quanh đồng thời cũng nhận thức được việc nó đang có nhận thức.
Trở ngại lớn nhất của tôi là khi thiền định tôi có trực nhận về một thế giới khác biệt nhưng thực tế là mọi thứ sẽ bị lãng quên ngay khi tôi thực hiện các hoạt động thường ngày của mình. Sau cùng thì tôi bắt đầu tự hỏi tại sao tôi lại thiền, trong một giờ sau đó, tôi đã quên tất cả mọi thứ và một lần nữa bị nhấn chìm vào trong các đối tượng.
Vấn đề là đây: trong khi thiền định, bạn trải nghiệm và chiêm nghiệm một trạng thái trống rỗng của tâm trí, những gì bạn nhận thấy là sự trống vắng không có hoạt động. Bạn biết sự trống vắng này nhưng chưa biết được người biết. Một khi bạn ý thức được về người biết, bạn sẽ là cái biết, cho dù tâm trí đang hoạt động hay bị động. Sẽ không có sự khác biệt, không có sự thay đổi. Từ đó trở đi sự nhận thức này sẽ là chắc chắn không thể lay chuyển.
Toàn bộ sự trống rỗng mà bạn sẽ trải nghiệm trong thiền định theo một cách nào đó vẫn là một đối tượng. Sự vắng mặt của tư tưởng chắc chắn cũng bao hàm rằng cuối cùng cũng có sự bổ sung, sẽ lại có sự hiện diện của tư tưởng. Vì vậy, cho dù bạn cảm thấy một trạng thái yên bình sâu sắc thoát ra khỏi mọi hoạt động, điều rất quan trọng là không được nhấn mạnh vào trạng thái trống rỗng này, tâm trí trống rỗng này. Thiền trong đời sống không phải là vắng bóng hoạt động của tâm trí mà thiền là “cái hỗ trợ” của hoạt động và vô hoạt động. Nếu bạn nhấn mạnh vào người đang biết về tâm trí trống rỗng chứ không phải nhấn vào cái tâm trí trống rỗng, thì một ngày nào đó khoảng trống này, sự trống rỗng này, cũng sẽ biến mất và bạn sẽ tri kiến sự tĩnh lặng tối hậu. Sự tĩnh lặng này sẽ vẫn duy trì trong tất cả các hoạt động.
Cho đến bây giờ bạn đã chiêm nghiệm về một tâm trí bình tĩnh, nhưng nếu một con chim hót hay ai đó nói, thì sự tĩnh lặng bên trong của bạn là
bị phá vỡ. Đó là lý do tại sao bạn hỏi câu hỏi này. Bởi chính bản chất của tâm trí thì thỉnh thoảng nó tự trống rỗng; nhưng dù sao nó cũng không là gì ngoài công cụ.
Ta nên làm gì khi ta mang một nỗ lực hướng tới một điều gì đó trong khi thiền định?
Bạn chỉ cần đơn thuần quan sát nó. Chẳng bao lâu nữa sự chú tâm sẽ chuyển sang sự quan sát này chứ không phải tới đối tượng bạn quan sát. Bạn sẽ là sự chú tâm, chú tâm mà không có đối tượng. Nghe thì có vẻ nó là một cách nói vô nghĩa về sự chú tâm bởi vì chúng ta đã quen với việc chú tâm đến một điều gì đó. Nhưng sự chú tâm thuần túy là hoàn toàn trống rỗng của tất cả các hướng. Nó không tập trung vào một đối tượng, nó không có bất kỳ bộ nhớ nào. Nó chỉ đơn giản là sự cảnh tỉnh được mở rộng.
Bạn đã nói về âm thanh. Một khi không còn tập trung vào nó nữa, chúng ta
có còn nghe thấy nó không?
Khi mà đứa trẻ còn khóc bạn vẫn còn nghe thấy vì chức năng của tai là nghe. Khi không còn tập trung vào âm thanh, nghĩa là, khi bạn không còn hướng sự chú tâm của mình tới nó, và gọi tên cho nó, sau đó thì còn lại cái gì? Cái chức năng bẩm sinh tiếp tục vận hành, đó là sự rung động. Cái âm thanh cụ thể bị chết đi hoàn toàn và những gì còn lại là sự lắng nghe thuần khiết.
Đó chẳng phải là phong bế các giác quan sao?
Hoàn toàn không phải. Phong bế giác quan là một quá trình cố ý và đòi hỏi phải có sự tập trung. Phong bế vẫn là đang tìm kiếm một kết quả và duy trì tính nhị nguyên chủ thể/đối tượng ở mức độ vi tế. Bạn không bao giờ có thể đi đến lắng nghe vô điều kiện thông qua phong bế.
Thông qua việc phong bế, tất nhiên bạn có thể loại bỏ rung động, chức năng tự nhiên của các giác quan. Nó là một loại samadhi, một trải nghiệm mà bạn nhập vào và rời đi. Nhưng tại sao lại theo đuổi những trải nghiệm như vậy? Chúng không liên quan gì đến sahaja.
Từ thiền định đã bị lạm dụng bởi quá nhiều truyền thống và đã áp dụng rất nhiều kỹ thuật.
Mọi biểu lộ sản sinh trên ý thức, cái ý thức đó là một sao?
Từ quan điểm này, ta không thể nói bạn và tôi. “Bạn” và “Tôi” là cái cơ thể và tâm trí xuất hiện và biến mất cùng với những tính chất riêng của chúng, nhưng chúng không là gì khác hơn là một bộ tổ hợp của những ký ức, những thứ vốn không có sự tồn tại. Cũng như sóng và bọt không là gì ngoài biển, những thực thể riêng biệt chỉ có một sự tồn tại tạm thời.
Chúng ta không thể gán những ký ức này cho con người sao?
Khi mà bạn còn coi mình là “sóng” hoặc “bọt”, bạn không thể nhìn thấy sự thật này. Tất cả những gì tôi yêu cầu là bạn ngừng đồng hóa bản thân với chúng. Sau đó bạn sẽ biết bản chất thực sự của mình: là “biển.”
Nhưng điều này không ngăn cản chúng ta nhìn thấy sóng, chúng ta có thể nhìn thấy chúng và vẫn biết rằng chúng ta là biển không?
Chỉ khi người ta nhìn mọi thứ từ quan điểm của biển thì người ta mới có thể nói về sóng và bọt, từ đó chúng thực sự là sóng và bọt. Chúng không có một thực thể riêng biệt, chúng không còn là những phóng chiếu bị cô lập của trí nhớ. Chúng đạt được ý nghĩa thực sự và mối quan hệ thực sự của chúng dưới dạng các biểu hiện cái toàn thể.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không cần tới ký ức sao?
Không, tình huống luôn cung cấp một thái độ thích hợp, không phải ký ức. Bạn là chủ nhân của tất cả những ký ức nhưng bạn không phải là ký ức. Bạn phải nhận ra rằng bạn bây giờ chỉ là một đống những quy ước, thói quen, là những gì xã hội đã tạo ra bạn. Một khi tất cả những thứ này đã rời bỏ bạn, bạn sẽ nhận ra rằng chúng đã được lớp phòng thủ và những hành động tấn công được tích lũy chỉ để duy trì cái bản ngã này, thứ vốn chỉ đơn giản là không tồn tại. Sau đó, Chân Ngã thực sự tỏa sáng. Nó không thuộc về trí nhớ. Nó ở đó bởi vì nó vốn vẫn ở đó. Hãy thấy điều này! Hãy lắng ghe! Bạn không phải là bộ nhớ này. Hãy biết tới những những khoảnh khắc mà bạn không là gì cả, bạn sẽ cảm thấy tự do như vậy! Sau đó, tất cả đều khả thi.
Ở giữa ký ức và tự do có trạng thái trung gian không?
Không, không có chặng đường nửa vời. Trong sự tĩnh lặng mà chúng ta đang nói đến, chúng ta tự do vô điều kiện. Trong sự tĩnh lặng này, chúng ta không là gì cả. Ký ức chỉ can thiệp khi chúng ta tin rằng mình là một ai đó. Khi chúng ta không là gì cả, mọi thứ đều có thể xảy ra. Sự tự do này có hương vị độc đáo của riêng nó; nó không phải là kết quả của một quan điểm chính trị hoặc xã hội mà cái ngược lại tạo ra nó. Chừng nào trải nghiệm này chưa được sống thì sẽ không có tự do, bất kể là chính trị hoặc xã hội; chỉ có sự độc tài mà thôi.
Có sự khác biệt nào giữa sự tự do này và ân điển không?
Sự tự do này là ân điển và ân điển là sự tự do này.
Ân điển này có vĩnh viễn không?
Ân điển đã và luôn luôn tồn tại, chờ đợi được đón nhận. Khi ân điển đã được thiết lập, chúng ta không thể nói về ân điển nữa, nếu không thì nó vẫn chỉ là một quan niệm. Chúng ta chỉ có thể nói rằng nó đang thực sự sống trong thời điểm này. Ở đây là niềm vui, sự an toàn hoàn mà không có tác nhân bởi vì cuộc sống trong khoảnh khắc vượt thời gian này là vô tác nhân.
Nhưng đó thuần túy là một cực hình khi chỉ nghe nói về điều này mà không sống nó!
Ý tưởng về cực hình của bạn là trở ngại duy nhất ngăn cản bạn sống nó.
Khi tôi chuyển đổi trải nghiệm này thành một quan niệm, khi tôi đối tượng hóa nó, là tôi rời bỏ khỏi chân lý để trở về với những bộn bề của cuộc sống. Tôi không thể hiểu tại sao trải nghiệm đó có thể xảy ra nhưng tôi có cảm giác nó thực sự đúng là như vậy.
Theo bản chất tự nhiên của chân lý mà nó thể hiện mình như là một đối tượng, nhưng vì đối tượng nảy sinh từ chân lý, người tìm kiếm bằng trực giác vẫn giữ được tri thức về nguồn gốc của nó. Biết được điều đó, người tìm kiếm không còn bị phân tán mà tập trung vào sự thật và hương vị của thực tại là rất mạnh mẽ. Sự thấu hiểu này mang lại sự buông bỏ, một bước quy hồi dẫn bạn đến ý thức thuần khiết, tới sự hiện hữu tự nhiên của bạn.