Trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử có một câu rất nổi tiếng về là: “Đạo sinh nhất, Nhất sinh nhị, Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.” (Chương 42). Câu này dường như mô tả bí ẩn của sự khởi nguyên và bản chất của vũ trụ nên có rất nhiều người nghiền ngẫm, tìm cách diễn giải nhưng tôi chưa từng đọc được sự diễn giải chính xác.
Đạo ở đây nên tạm hiểu là thứ không thể mô tả thành lời, là cái Thực duy nhất, bất biến. Là trạng thái nguyên thủy, là Chân Ngã. Ở trong trạng thái đó khởi sinh ý niệm về Ta – đó là cảm giác Ta tồn tại. Ta không thể biết Ta là gì nhưng Ta biết Ta tồn tại. Là bản thể thuần túy. Đó là khi Đạo sinh Nhất. Khi Ta biết Ta tồn tại. Cái Ta tồn tại ở đây bao quát toàn bộ mọi thứ tồn tại nên Ta không thể biết Ta là gì. Ta lại khởi sinh ham muốn biết Ta là cái gì vì thế Ta tự tách biệt mình khỏi với vạn hữu, Ta là chủ thể tách biệt khỏi những đối tượng được nhận thức, Ta tách biệt với phần còn lại của thế giới để tự định nghĩa. Vì thế Nhất sinh Nhị. Chủ thể sinh ra đối tượng. Chủ thể và đối tượng vốn không thể tự tách biệt khỏi nhau vì nó vốn là một. Vì để giả vờ rằng hai thứ khác nhau. Ta phải tạo ra thêm một phương tiện trung gian nữa đó là – sự nhận thức, nhận biết, ý thức. Chủ thể cần có ý thức để nhận thức những đối tượng khác. Khi không có ý thức thì không có gì được nhận thức. Từ đó Nhị sinh Tam. Bộ ba Chủ thể nhận thức – sự nhận thức – đối tượng được nhận thức tạo ra vạn vật. “Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.” Vạn vật có tồn tại thì phải có người nhận thức và vì thế thì không thể thiếu yếu tố chủ thể là Dương và đối tượng được nhận biết là Âm, ở giữa nguyên tố trung hòa đó chính là ý thức để tạo ra sự nhận thức.
Tất nhiên toàn bộ những thứ trên chỉ là trò chơi của ngôn từ. Rất nhiều bậc thánh hiền lãnh ngộ Chân Lý và cố gắng truyền đạt lại bằng ngôn từ, nhưng ngay từ đầu cuốn Đạo Đức Kinh đã có nói “Đạo có thể nói thì không phải là Đạo Vĩnh Hằng.” Vì thế để hiểu Đạo ta phải vứt bỏ toàn bộ câu chữ và xóa bỏ mọi quan niệm. Con đường chứng ngộ Đạo là nhận ra rằng vạn vật chỉ là bộ Tam, từ Tam ta giản lược xuống còn Nhị, từ Nhị xuống Nhất. An trú trong cảm giác Ta tồn tại là cánh cửa quay về trạng thái nguyên thủy. “Quy hồi là chuyển động của Đạo” (chương 40) chính là có ý này.