Gần đây tôi có đi một đôi giày có kích thước hơi chật so với bàn chân mình. Nó khiến chân tôi cảm thấy bức bối khó chịu và đôi khi đau đớn. Hiển nhiên là lúc bình thường, tôi chẳng bao giờ để tâm hay suy nghĩ về bàn chân của mình. Nhưng giờ đây, kể từ khi tôi mang đôi giày đó tôi không thể ngừng chú ý tới đôi bàn chân mình, tôi cảm thấy nó mọi lúc mọi nơi.
Điều tương tự cũng xảy ra với bất cứ bộ phận nào trong cơ thể chúng ta. Chúng ta sẽ không cảm thấy cơ thể mình trừ khi nó bị thứ gì đó tác động vào hoặc ở vào một trạng thái bất thường. Ta không cảm thấy bộ não của mình nếu như mình không có một cơn đau đầu, chúng ta không cảm thấy bàng quang nếu như nó không bị căng tức lên, chúng ta không cảm thấy trái tim của mình trừ khi nó rơi vào trạng thái bất thường hoặc đập rất mạnh trong lồng ngực mình,…Thực sự, nếu chúng ta chân chính bất động (không còn sự tương tác) và để cho toàn bộ cơ thể trở về trạng thái tự nhiên nhất, thì chúng ta không còn cảm thấy cơ thể và nó giống như đã biến mất. Đó là hiện tượng thường thấy mỗi khi ta thiền định, đó là một yếu quyết để nhập môn trong thiền.
Tuy nhiên, dù không cảm thấy cơ thể, nhưng sự đồng hóa với cơ thể vẫn còn ở đó. Niềm tin ta là cơ thể vẫn còn đó. Trên thực tế thì việc đồng hóa với cơ thể thực tế vẫn là một sự bất tự nhiên đối với Bản Thể. Bản Thể của ta vốn là vô tận và cơ thể chỉ là một phần trong đó. Việc đồng hóa với cơ thể giống như là tự giới hạn bản thân, tự đưa mình vào một trạng thái hữu hạn, ngột ngạt, khó chịu, cũng giống như đi một đôi giày chật. Vì thế ta cảm thấy sự đồng hóa với thân thể này mọi lúc mọi nơi. Bản Thể khi ở trạng thái nguyên thủy, là vô tận, là tự nhiên, vì thế Ta tồn tại nhưng không cảm thấy mình tồn tại. Khi tự giới hạn trong một bối cảnh hữu hạn ngột ngạt, ta có được cảm giác tồn tại và cảm giác này rất vi diệu, nó vừa khó chịu mà vừa ngọt ngào. Nó khiến ta vừa muốn vứt bỏ mà vừa không nỡ bỏ. Nếu ta chỉ chú ý đến mặt khó chịu và ngột ngạt này, ta sẽ cảm thấy phát điên lên, nó là một nguồn động lực thôi thúc ta tìm cách thoát khỏi nó. Có thể đơn giản là làm giải tỏa nó tạm thời như là làm việc, chơi thể thao, game, sex, ngủ, dùng chất kích thích,…Ngược lại, nếu ta chỉ trú trong cảm giác ngọt ngào của sự tồn tại, ta biết rằng mình tồn tại, mình hiện hữu, chỉ đơn thuần thế thôi, đó là một niềm hạnh phúc vượt qua mọi khái niệm mô tả.
Mục đích của đời sống với thân thể hữu hạn này chỉ đơn giản là làm cho ta biết rằng Ta Tồn Tại. Rất đơn giản. Nếu hiểu điều này , thì cảm giác khó chịu đó sẽ không còn quá khó chịu nữa. Nó chuyển thành một ân huệ, một cảm giác biết ơn. Ta biết ơn thân thể này vì nó đã khiến cho ta có cảm giác Ta Tồn Tại. Cơ thể này đã hoàn thành mục tiêu và ý nghĩa của nó. Và ta sẵn sàng buông bỏ nó đi bất cứ lúc nào. Buông bỏ đi niềm tin rằng ta là thân thể để trở lại Bản Thể nguyên thủy. Sớm muộn gì ta cũng phải đi tới bước này thôi. Trở về là cái động của Đạo. Hãy sẵn sàng buông ngay cả khi cơ thể vẫn đang còn sống. Hãy chết trước khi chết để khi cái chết đến, nó không còn đáng sợ mà là một ân huệ.
Đôi giày chật có thể giúp ích cho bạn nhưng hãy luôn sẵn sàng cởi bỏ đôi giày chật vì nó làm bàn chân bạn mất tự nhiên. Hoặc là bạn có thể làm cho nó rộng ra, hoặc đổi đôi giày khác, (nếu như bạn vẫn chưa muốn buông bỏ).
Điều tiên quyết trước tiên ta phải tồn tại đã, để ta tồn tại thì phải có cơ thể, phải có sức khỏe, phải bảo vệ cái body. Suy ra bảo vệ body nó vô cùng quan trọng đến mức đồng hóa ta là một với body.
Không có body là không có thế giới, là vô nghĩa.