Hướng ngoại v.s Hướng nội

Nếu bạn ở cùng một đứa trẻ nhỏ, bạn sẽ thấy nó hỏi muôn vàn câu hỏi tại sao về thế giới xung quanh. Từ lúc ở trong bụng mẹ đến khi dưới hai năm tuổi, đứa trẻ chủ yếu hướng nội, (đó là lý do nó ngủ rất nhiều) dần dần nó bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh và trở nên hướng ngoại. Khi đứa trẻ bắt đầu tìm hiểu học hỏi về mọi thứ xung quanh là nó đang dần chấp nhận rằng thế giới bên ngoài là thực tại và nó phải học cách vận hành trong thực tại này. Quá trình này có thể diễn ra mãi mãi tới suốt một đời người. Con người luôn tò mò và muốn khám phá mọi thứ về thế giới bên ngoài, sâu trong lòng đất, vươn ra bầu trời, tới tận những thiên hà xa xôi,…Nếu ta có thấy bất cứ điều gì bất thường, chẳng hạn như bỗng một ánh sáng kỳ lạ xuật hiện trong căn phòng, ta sẽ rất kinh ngạc và khó hiểu và băn khoăn. Tuy điều đó kỳ lạ nhưng vẫn chỉ là những thứ nhỏ nhặt. Đó chỉ là một đối tượng của giác quan bất chợt xuất hiện trong nhận thức. Câu hỏi nên đặt ra ở đây là: Tại sao cả thế gian này xuất hiện ở trước mắt ta? Tại sao sự tồn tại lại tồn tại? Tại sao lại có Ta?…Nếu đã hướng ngoại, hãy hướng ngoại một cách toàn phần, một cách trọn vẹn, bằng cách đặt câu hỏi về toàn bộ sự hiện hữu. Và bằng cách nào đó, sự hướng ngoại toàn phần này lại quay về sự hướng nội, giống như hai cực âm dương xoay tròn đổi chiều, ”vật cực tất phản”. Muốn trả lời những câu hỏi đó, ta lại phải quay về tìm hiểu về bản thể của mình. Những người như vậy có thể được gọi là triết gia, nhà tư tưởng, tu sĩ,…Nhưng sự hướng nội của những con người như vậy vẫn chưa phải sự hướng nội như trẻ em, sự hướng nội của họ vẫn mang theo một ham muốn, một tham vọng nào đó, một mục tiêu nào đó. Sự hướng nội của trẻ em là thuần khiết vô sở cầu.
Bất giác tôi lại nhớ tới một câu nói của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh:  “Cứ để trẻ em đến với Tôi, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19, 14).
Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta nên cố gắng để trở nên giống như trẻ em sao? Câu trả lời là: Không hẳn. Sự hướng nội thuần túy phải là thứ đến theo một khuynh hướng tự nhiên chứ không thể gượng ép hay cố gắng bắt chước trẻ em. ”Trở về là chuyển động của Đạo.” Kể cả bạn là người cực kỳ hướng ngoại, sau cùng đến thời điểm già yếu, nằm trên giường chờ chết, bạn sẽ tự nhiên trở nên cực kỳ hướng nội. Bạn sẽ không còn hơi sức đâu mà để ý, quan tâm mấy chuyện bên ngoài. Hướng nội là sự khởi đầu và cũng là sự kết thúc. Sự kết thúc này vốn là không thể tránh khỏi, vì thế tại sao ta không hướng nội ngay lúc này và xem xem có gì ở bên kia (bên trong)?

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.