LÀM THẾ NÀO BẠN BIẾT MỘT VẬT CÓ TỒN TẠI?

Bạn có thể nói rằng ta có thể biết rằng một vật tồn tại nếu ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, nếu thông qua các giác quan ta nhận thức được thì đối tượng có tồn tại. Với những đối tượng mà giác quan không thể nhận biết được, nhưng thông qua các phương tiện trung gian như máy móc khoa học, nó được chuyển hóa thành các hình ảnh, thông số kỹ thuật mà ta có thể nhận biết qua giác quan. Vậy đối tượng đó cũng tồn tại. Điều này nghe có vẻ hợp lý, tất cả chúng ta đều có thể đồng tình và không cần tranh cãi.

Nhưng hôm nay tôi muốn mời các bạn thử suy nghĩ sâu hơn về bản chất của sự tồn tại. Sự nhận biết tồn tại của một vật được dựa vào hoàn toàn vào giác quan của chúng ta. Nhưng liệu các giác quan này có thể được tin tưởng hoàn toàn không? Có trường hợp chúng ta gặp ảo giác, nhìn thấy, nghe thấy nhưng thứ không hiện hữu với người khác. Có lúc toàn bộ những gì ta nhận thức đều không hiện hữu đối với người khác. Đó là lúc bạn nằm mơ. Giấc mơ là minh chứng rõ ràng nhất rằng ý thức có thể tạo ra các đối tượng của giác quan hoàn toàn y hệt nhưng lúc bạn thức. Trong giấc mơ bạn tin rằng mọi thứ đều là thực cũng giống như lúc này bạn đang tin mọi thứ đều là thực. Không hề có sự khác biệt giữa giấc mơ và trạng thái thức tỉnh.

Bạn có thể nói rằng, hiện tại trong lúc thức tỉnh tôi có những ký ức về dòng thời gian cuộc đời của tôi, từ lúc tôi còn rất nhỏ tới thời điểm hiện tại. Nhưng hãy nhớ lại một giấc mơ gần nhất của bạn, tròn giấc mơ bạn cũng có ký ức ảo, bạn nghĩ rằng mình đã ở trong thế giới giấc mơ đó từ rất lâu rồi, như một điều hiển nhiên. Bạn hoàn toàn có thể đang nằm mơ ngay lúc này.Từ đó ta có thể chấp nhận rằng các đối tượng được nhận thức qua giác quan không phải chân lý, từ đó ta không thể biết chắc được một vật có thực tồn tại hay không. Ta không thể BIẾT một vật có tồn tại hay không, Ta chỉ có thể TIN rằng nó tồn tại. Toàn bộ khoa học cũng chỉ được xây dựng trên niềm tin rằng vật chất có tồn tại. Đây là một nền móng yếu ớt mà có thể bị lật đổ dễ dàng. Một vài nhà khoa học cởi mở đưa ra giả thuyết rằng đời sống của bạn hoàn toàn có thể là thực tế ảo, bạn chỉ là một bộ não kết nối với máy tính, toàn bộ thế giới, nhận thức, ký ức của bạn chỉ là ảo được lập trình vào đầu bạn. Giả thuyết này có vẻ vô lý, nhưng không hề có cách nào phản bác, và nó cũng hoàn toàn có khả năng là thực.

Toàn bộ tri thức đều là chủ quan, không có tri thức khách quan. Câu nói trung thực nhất (cũng là trí tuệ nhất) bạn có thể thốt ra rằng: tôi không biết gì hết. Bạn không thể chắc chắn bất cứ điều gì ngoài một sự thật duy nhất: Bạn tồn tại. Bạn có thể không biết bạn là ai hay là thứ gì, nhưng sự tồn tại, sự hiện hữu của bạn là chắc chắn, không thể chối cãi, tự chứng thực. Sự tồn tại của TA chính là viên đạn kim cương xuyên thủng tất cả ảo ảnh. Đó là lý do Chân Sư Nisargadatta Maharaj hướng dẫn pháp tu vô cùng đơn giản là chỉ chú tâm và cảm giác ta tồn tại, ta hiện hữu này. Nếu bạn thực sự nghiêm túc và quyết liệt trong việc truy tìm ý nghĩa của cuộc sống và bản chất của sự tồn tại thì triết học chính là Vua, chứ không phải khoa học hay tôn giáo. Triết học là khi bạn phải tự mình suy nghĩ vô cùng tỉ mỉ, đào sâu và tự phân biệt đúng sai. Đề-các từng nói: Ta suy nghĩ, vì vậy Ta tồn tại. Câu này có thể sửa lại một cách chính xác hơn là : Ta ý thức, vì vậy Ta tồn tại.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.