Suy nghĩ về các giác quan

Con người có nhiều giác quan được khoa học công nhận nhưng ở đây chúng ta hãy chỉ nói về năm giác quan chính. Đôi khi tôi suy nghĩ về các giác quan đó và cảm thấy thật nực cười khi đó là những công cụ duy nhất để chúng ta nhận thức về thực tại, hay nói chính xác hơn là chúng là những công cụ định hình thực tại cá nhân của chúng ta. Thế giới của tôi sẽ như nào nếu như tôi bị khiếm khuyết đi một hai giác quan? Nhiều lần tôi đã tự tưởng tượng ra thế giới của mình sẽ ra sao nếu như mình bị mù, hay điếc. Tôi cố hình dung thế giới quan của một người mù bẩm sinh sẽ là như nào. Chắc chắn rằng họ sẽ vẫn phát triển nên một sự nhận thức về thực tại theo phiên bản của riêng họ và họ sẽ không biết rằng mình bị khiếm khuyết một giác quan (thị giác), trừ khi có ai đó nói cho họ biết điều đó.

Và tôi bắt đầu suy diễn ra rằng: liệu tôi có đang bị khiếm khuyết đi một (hoặc nhiều) giác quan nào đó, nhưng tôi không hề hay biết vì không có ai nói cho tôi biết điều đó? Làm thế nào để tôi tự mình xác thực được? Đó là một thuyết âm mưu khá thú vị để chơi đùa. Tôi đọc tin tức trên mạng nói rằng trên thế giới có người tự nhận mình có khả năng “nhìn” thấy không gian chiều thứ tư và họ cố gắng diễn tả lại những gì họ thấy cho chúng ta. Chúng ta chỉ có thể nửa tin nửa ngờ vì cho dù họ có nói thật, chúng ta cũng không có cách nào xác thực, cũng không thể hiểu hay tưởng tượng được những gì ở không gian chiều thứ tư; cũng như một người mù bẩm sinh không thể nào tưởng tượng được các màu sắc là gì dù, cho người ta cố gắng diễn tả bằng hết khả năng ngôn ngữ của họ. Cách duy nhất để xác thực là bằng cách thần kỳ nào đó, ta tự mở mắt ra và tự thấy cho bản thân.

Tôi có thể tự tưởng tượng rằng mình có nhiều hơn năm giác quan, là có sáu giác quan hoặc là một trăm giác quan đang bị ẩn đi, bị thoái hóa, bị khóa lại,…Nếu mỗi lần mở được một giác quan thì thực tại của tôi lại mở rộng hơn, phức tạp hơn. Tôi có thể trở thành một giống loài mới. Đó là những suy nghĩ viển vông mơ mộng và đầy kỳ thú. Nhưng tôi lại có một suy nghĩ khác khiến tôi sợ hãi, khiến tôi kinh hoàng: sẽ như thế nào nếu như tôi chỉ có 0 giác quan, không có bất cứ giác quan nào, tôi không cảm thấy bất cứ gì hết, chỉ tồn tại mà thôi. Trên lý thuyết sinh học, không thể có người nào hoàn toàn không có giác quan được sinh ra, đó là trái với quy luật tự nhiên, cá thể như vậy có thể sẽ chết luôn từ lúc bào thai. Tôi nghi ngờ rằng trong toàn bộ các loài sinh vật cũng không thể có sinh vật nào hoàn toàn không có giác quan. Sinh vật đã tồn tại thì phải có cảm nhận giác quan dù nhiều hay ít.
Tại sao suy nghĩ về người không giác quan lại khiến tôi sợ hãi? Suy cho cùng nó cũng là bắt nguồn từ nỗi sợ đánh mất bản ngã. Điều này không quá khó hiểu. Nhưng vẫn còn nỗi sợ khác tinh tế hơn ẩn trong đó: Nỗi sợ đánh mất trí tưởng tượng. Thật vậy, sự tưởng tượng của tôi đều dựa trên những dữ kiện giác quan: hình ảnh, âm thanh, xúc giác,…Nếu ngay từ khi tôi sinh ra, tôi không hề có giác quan nào, có lẽ tôi cũng không có khả năng tưởng tượng. Tôi có thể giống như một chiếc máy tính đã được cắm điện, có hệ điều hành để chạy những bộ phận cơ thể, nhưng không được cài đặt bất cứ chương trình phần mềm nào, không hề có dữ liệu đầu vào, nên nó không thể hiển thị ra một điều gì ngoài một màn hình xanh (hoặc trắng?) Liệu tôi có thể tự nhiên tưởng tượng ra được một thứ gì đó không? Tôi lại nghĩ tới các thuyết về Đấng Sáng Tạo, muốn tạo ra vũ trụ thì Ngài phải hình dung, tưởng tượng nó trước, liệu Ngài có thể tự nhiên tưởng tượng ra một vũ trụ phức tạp như này để tạo ra mà trước đó Ngài chưa từng nhìn thấy một vũ trụ khác? Con người muốn sáng tạo ra cái gì thì phải tưởng tượng ra cái đó trước dựa trên những dữ liệu có sẵn, còn Thượng Đế thì tưởng tượng ra vũ trụ và tạo ra vũ trụ vô hạn từ không gì cả. Có lẽ đây chính là sự khác biệt giữa người và Thần. Triết lý từ không sinh có, vô cực sinh thái cực của Đạo giáo. Từ việc vô hiệu hóa mọi giác quan và tắt đi sự tưởng tượng, trở về chân không, trạng thái tồn tại thuần túy, có điều thần kỳ xảy ra. Trong trạng thái bị động thì đó là trong giấc ngủ sâu, điều thần kỳ là cơ thể và tinh thần được nghỉ ngơi, phục hồi và nạp năng lượng. Trong trạng thái chủ động thì đó là sự thiền định sâu, điều thần kỳ là gì? Rất khó nói.
Đó là một vài ý tưởng mà chúng ta có thể chơi đùa và chiêm nghiệm.



Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.