Vài năm trước tôi đã từng viết một bài với tiêu đề tương tự như này, nhưng tôi nghĩ cái chết luôn là một chủ đề truyền cảm hứng vì vậy tôi lại viết tiếp. Gần đây, mẹ tôi thông báo cho tôi biết con chó mà chúng tôi nuôi đã chết. Nó đã rất già và gần đây thì ốm yếu, bỏ ăn và chết. Nhiều năm trước đây, tôi hay chơi cùng nó và chăm sóc nó. Từ khi tôi chuyển ra khỏi nhà bố mẹ để ở riêng thì nó không còn ai để chơi cùng, nửa sau của cuộc đời nó chỉ mãi mãi nằm ở trong chuồng ở sân sau nhà. Nếu tôi ở tình cảnh tù túng giống như nó thì cái chết có lẽ là một sự giải thoát. Nhưng con chó của chúng tôi luôn có vẻ bình thản và an nhiên, dường như ngôi nhà này là cả thế giới của nó và nó không cần gì thêm, không đòi hỏi hay than trách gì cả. Tôi không chắc đó là một điều đáng thương hay đáng ngưỡng mộ.
Cô con gái bốn tuổi của chúng tôi cũng biết điều đó. Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải giải thích với nó rằng chết là gì, có đau không, chôn cất là như nào,..Nó hỏi” “bạn ấy có trở lại không?”. Tôi đáp “Không, bạn sẽ không trở lại.” Con bé không có cơ hội được tiếp xúc với con chó nhiều nên cũng không có mấy cảm tình, nên nó sẽ không suy nghĩ nhiều về chuyện này. Nhưng sẽ thế nào nếu như người chết đi là một người thân yêu của nó như ông bà của nó, hoặc là chính tôi? Chúng ta nên chuẩn bị cho viễn cảnh đó. Cho nên tôi quyết định sẽ nói chuyện về cái chết nhiều hơn với nó, mỗi khi có cơ hội.
Chúng ta vẫn thường quan niệm rằng cái chết là một điều gì đó tiêu cực, bất hạnh, và hạn chế tối đa việc nhắc đến nó. Nói không cẩn thận sẽ thành việc trù ẻo người ta chết. Đây là kết quả của nền văn hoá và giáo dục lệch lạc. Tôi đang liên tưởng tới con gái đang đi học mẫu giáo của chúng tôi. Tôi không rõ các cô giáo rèn theo phương pháp gì mà nó rất sợ hãi việc đi ị ở trường, giống như đó là một việc làm tội lỗi, có mắc ị cũng không dám lên tiếng xin cô đi, luôn nhịn tới khi được về nhà để “xả”. Hỏi phụ huynh các bé khác thì đứa nào cũng như vậy. Cái chết cũng như việc đi ị vậy. Có ăn thì phải có ị, có ra sinh thì phải có chết đi. Nó là phần tất yếu phải xảy ra. Nó là kết thúc cho một quá trình nhất định. Một quá trình tự nhiên. Nhưng chúng ta cứ coi cái chết như một thứ gì đó xấu xa, tiêu cực, ghê gớm, và chỉ nghĩ về nó khi nó sắp tới cận kề. Tôi thì nghĩ về cái chết thường xuyên, nó là một bài thực hành của tôi. Tôi nghĩ về việc nếu bất chợt một ngày nào đó, ai đó trong gia đình tôi chết thì sẽ ra sao. Hoặc nghĩ về cái chết của chính bản thân tôi. Tôi thường hay xem các video về tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động. Mỗi lần đi xe máy ra đường tôi luôn biết rằng mình có thể bị chết bởi tai nạn giao thông. Mỗi khi đi qua xe tải, tôi tưởng tượng ra việc mình có thể bị ngã vào bánh xe và thân thể tan nát. Mỗi lần ốm, tôi biết rằng mình có thể bị ốm nặng hơn và không tỉnh dậy được. Tâm lý học nói rằng đó là một cơ chế tự rèn luyện để chuẩn bị tinh thần, để có thể dễ dàng hơn vượt qua cú sốc đau đớn đó khi sự kiện thực sự xảy ra. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Với tôi sự thực hành suy nghĩ về cái chết cũng là thực hành sự biết ơn. Biết ơn rằng mình vẫn còn sống và tồn tại trong một thân xác này dù chỉ thêm một ngày hay một giờ nữa. Vì biết ơn thì mới có thể sống một đời sống trọn vẹn không nuối tiếc. Vì biết ơn mới có nhiều năng lượng tích cực để hoạt động và yêu thương nhau hơn. Nghe có vẻ sến nhưng nó là thật.
Tôi chắc chắn sẽ dạy con tôi về những điều này. Thậm chí tôi đã chuẩn bị trước kịch bản cho một số câu hỏi.
_Sau khi chết chúng ta sẽ đi về đâu?
_Vậy trước khi sinh ra con đã ở đâu, con sẽ trở lại nơi đó.
_Con không biết con đã ở đâu trước khi sinh ra.
_Bố cũng không biết. Nhưng con có thể cố gắng nhớ lại. Sự sống đã xảy ra với con. Sự chết sẽ xảy ra với con. Con phải tự tìm ra thôi.
…..