Luân hồi tái sinh là một trong những quan niệm phổ biến trong tâm linh phương đông. Người ta tin rằng sau khi chúng ta chết đi chúng ta lại được sinh ra trong một thân thể khác và bắt đầu một cuộc sống khác. Điều mà tôi đã từng băn khoăn trăn trở đó là: nếu luân hồi tái sinh là đúng thì cái gì đã xác định cái “tôi” kiếp trước chính là cái “tôi” hiện tại kiếp này? Cái “tôi” kiếp này thì tôi biết, đó chính là cái bản ngã. Khi tôi vô ngã thì toàn bộ khái niệm về kiếp này đều sụp đổ chứ chưa nói tới kiếp trước hay kiếp sau, cho nên quan niệm về luân hồi là vô nghĩa. Vậy có thể nói, luân hồi chỉ tồn tại khi xét tới bản ngã và cái bản ngã chính là cái đi luân hồi. Nhưng lúc đó tôi vẫn chưa hiểu tại sao khi chết đi, bản ngã tôi lại có thể chuyển sang thân thể khác?
Nhiều năm sau, khi tôi lập ra đình và có con, tôi đã quan sát tâm trí mình nhiều hơn, tôi đã nhận ra mình đã mắc sai lầm trong tiền đề giả định của mình. Tôi vốn mặc nhận rằng luân hồi chỉ xảy ra sau khi người ta chết đi thân xác. Nhưng không, luân hồi đang xảy ra từng ngày từng giờ ngay cả khi tôi đang sống với thân thể này. Bản ngã đâu có là gì ngoài một tổ hợp của suy nghĩ, niềm tin, ý chí, và cảm xúc. Khi tôi dạy dỗ đứa con của mình, tôi đang truyền lại cho nó hệ tư tưởng, những niềm tin và cảm xúc của tôi, những hành động của tôi, những thứ mà tôi cho là đúng và con của tôi sẽ lĩnh hội tất cả những điều đó. Con của tôi sẽ ít nhiều giống như tôi trong suy nghĩ và tác phong. Và tôi cũng cảm nhận được rằng, bản ngã của tôi đang dịch chuyển sang con bé. Nó đại diện cho cuộc sống của tôi. Tất cả niềm vui của nó cũng là niềm vui của tôi, nỗi đau của nó cũng là nỗi đau của tôi, sự thành công của nó cũng là thành công của tôi, nó là gương mặt đại diện cho tôi…Nó là dính mắc lớn nhất của tôi với thế gian này. Chắc chắn sẽ tới thời điểm mà tôi sẽ trở nên già yếu, không thể làm được gì và tất cả những mối bận tâm của tôi chỉ dành cho con của tôi. Tôi có thể đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống tôi để cho con tôi được sống. Nếu như nó không còn thì tôi cũng không thiết sống. Tôi đã từng chỉ nghĩ tới bản thân mình, và hiện tại là lúc tôi chỉ nghĩ tới con gái tôi. Theo con mắt thế tục thì đây là tình phụ tử thiêng liêng, nhưng với tôi, khi quan sát một cách khách quan, thì đó vẫn là tình yêu bản ngã. Chỉ là bản ngã tôi đã có sự bao trùm lên một thân phận khác (là con gái tôi) và từ từ dịch chuyển toàn bộ năng lượng sang đó. Nói một cách kỹ thuật thì tôi đang truyền thừa bản ngã của mình xuống con tôi, và nó đã kế thừa bản ngã của tôi. Cũng giống như tôi đã kế thừa bản ngã của cha tôi. Và cứ như thế, đó là sự luân hồi bản ngã.
Tất nhiên, không ai kế thừa bản ngã của cha mẹ mình 100%. Nhưng tôi muốn nói rằng cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng là những người có ảnh hưởng nhất trong sự định nghĩa bản ngã của ta. Khi các bản ngã tiếp xúc với nhau, nó sẽ có sự giao thoa và hấp thụ. Tiếp xúc càng lâu và càng thân mật thì càng bị ảnh hưởng. Ta giao thoa với thầy cô, bạn bè, bạn đời, sếp, đồng nghiệp,…Tất cả những con người đó đều ít nhiều tác động cấu thành nên bản ngã của ta và ngược lại. Đó là sự tương tác hai chiều giữa các bản ngã. Ngoài ra còn có sự ảnh hưởng một chiều đó là khi ta xem phim ảnh, đọc sách truyện,…Chúng ta đều đã từng đọc một cuốn truyện mà cảm thấy rất được truyền cảm hứng, muốn mình trở nên giống nhân vật trong truyện đó, tính cách của chúng ta đã cố tính hoặc vô tình có một phần giống như họ.
Bản ngã không chỉ liên quan tới con người mà nó còn bao trùm lên cả sự sở hữu của con người. Ví dụ, tôi sở hữu một ngôi nhà, tôi rất yêu quý ngôi nhà này, nó đại diện cho sự thành công của tôi và vì lẽ đó nó là một phần quan trọng của bản ngã tôi. Khi tôi phá sản, tôi phải bán căn nhà cho người khác, vậy tôi đã đánh mất một phần bản ngã của mình còn người mua nhà đạt được một phần bản ngã đó.
Vậy ta có thể kết luận rằng, bản ngã không đơn giản là sinh ra rồi chết đi một lần. Mà nó được tạo ra, tăng trưởng, truyền thừa, giao thoa và chết đi theo từng phần, từng phần, vô cùng phức tạp và tinh tế. Rất khó để xác định giới hạn của bản ngã ở đâu. Nhưng ở đây vẫn tồn tại một câu hỏi: khi thân thể này chết đi, liệu tổ hợp suy nghĩ, niềm tin, tư tưởng kèm theo nó có tan biến hết luôn không? Hay là nó có thể tồn tại vất vưởng trong không gian rồi bay đi rồi nhập vào bộ não thân xác khác như cách ta truyền file từ máy tính này sang máy tính khác? Hay nói một cách khác: Thân thể này có phải là vật chứa của tâm trí bản ngã không? Rút gọn hơn nữa: Vật chất có phải là vật chứa của tinh thần? Nó lại đưa ta quay trở lại câu hỏi kinh điển nguyên thủy: Vật chất tạo ra ý thức hay ý thức tạo ra vật chất? Tôi chỉ có thể trả lời trung thực rằng vốn chẳng có thứ gì là vật chất cả, vì ngay từ đầu tất cả những gì ta biết chỉ là ý thức mà thôi. Vật chất chỉ là một ý tưởng nảy sinh bên trong ý thức. Tuy nhiên câu trả lời này rất không thỏa mãn, không ai chấp nhận thuyết này cả. Vì vậy, tôi có thể đưa ra một câu trả lời khác, cũng là một câu trả lời trung thực rằng: TÔI KHÔNG BIẾT. BỞI VÌ TÔI CHƯA CHẾT.