Chúng ta có thể nhận thấy dường như có rất nhiều người tu tập tâm linh cho rằng tiền bạc là thứ gì đó tiêu cực, họ thường là coi thường chuyện tiền bạc, không ham tiền, hoặc ít nhất là cố tỏ ra như vậy. Họ thường tôn sùng việc không sở hữu tiền bạc và coi đó như là một sự thanh cao, tôn quý. Họ thường không muốn nhắc tới tiền cũng như các loại vật chất nói chung mà đề cao sự hạnh phúc trong tinh thần, sự hạnh phúc nội tại. Trong tiềm thức họ ngầm cho rằng, nếu ta còn vướng mắc với tiền bạc thì vẫn còn chưa tinh tấn được, chưa phát triển tâm linh được. Hoặc nếu có một vị thầy nào đó mở miệng ra nhắc tới việc ông đang cần tiền, muốn kiếm tiền, dường như vị đó mất đi nhiều sự tôn nghiêm hay uy tín trước học trò. Có rất nhiều tư tưởng kiểu như vậy. Cái cốt lõi là chúng ta đã xây dựng nên một hình tượng về một bậc thầy giác ngộ lý tưởng là người đó phải thanh cao, giản dị, tự tại, không lệ thuộc vào vật chất thế gian, không sở hữu gì cả. Kiểu một tu sĩ hành khất hoặc một thánh nhân trong hang núi thâm sâu. Chúng ta có thể hiểu điều đó là do tư tưởng tâm linh phương đông đề cao sự buông bỏ, và buông bỏ dính mắc với tiền bạc dường như là thứ nên làm đầu tiên. Ở đây tôi lại vô cùng hâm mộ và khâm phục Osho, một bậc thầy ở thế kỷ trước đã có thể xây dựng một trường phái, một đế chế tâm linh hàng triệu đô, sở hữu cả trăm chiếc xe Rolls Royce và hoàn toàn công khai sự xa hoa của mình. Tại sao ông có thể đi ngược định kiến cổ xưa mà vẫn xây dựng được niềm tin cho các tín đồ và tạo nên hình ảnh một bậc thầy tâm linh khôn ngoan và thâm thúy?
Trước hết chúng ta hãy cùng đi ngược lại để tìm hiểu bản chất của tiền bạc và bản chất của tu tập tâm linh. Tiền đơn giản chính là năng lượng được cụ thể hoá. Đây là thứ năng lượng “ngoại thân”. Ta đi làm, ta bỏ ra năng lượng, năng lượng đó chuyển hoá và trả lại cho ta dưới dạng tiền. Hiệu suất, hệ số, của việc chuyển hoá này phụ thuộc vào công việc và trình độ của ta. Có trường hợp ta sẽ nhận tiền từ nguồn khác, giống như nhận năng lượng từ vật thể khác truyền cho. Giống như định luật bảo toàn năng lượng đã phát biểu: năng lượng không tự sinh ra hay mất đi mà nó chỉ chuyển hoá từ vật này sang vật khác, từ dạng này sang dạng khác. Việc năng lượng được cụ thể hoá dưới dạng tiền cho phép ta lưu trữ và tích lũy được năng lượng nhiều hơn nhiều so với khả năng bẩm sinh.
Hãy tưởng tượng, bạn là một chiếc xe máy còn tiền là những bình xăng. Nếu bạn có rất nhiều bình xăng dự trữ thì bạn sẽ được đảm bảo rằng bạn sẽ hoạt động được rất lâu (Miễn là bạn đổ xăng và chạy xe đúng cách). Nếu bạn có nhiều tiền thì bạn có sự đảm bảo là bạn sẽ sống lâu dài, không phải lo về việc sinh tồn trong xã hội này (miễn là bạn hoạt động và tiêu tiền hợp lý). Nếu xăng đủ nhiều, bạn có thể đi tới những nơi xa xôi, mới mẻ, thú vị. Nếu bạn có tiền đủ nhiều, bạn có thể tiêu xài nó vào những thứ tiêu khiển, giúp bạn có những trải nghiệm mới mẻ, thú vị, vui sướng. Mục đích của cuộc sống của hầu hết chúng ta cũng chỉ là vậy, cố gắng biến những trải nghiệm khổ đau, mệt mỏi, nhàm chán thành những trải nghiệm vui vẻ, sung sướng. Tiền là thứ giúp chúng ta đạt được điều đó. Nên ta có thể nói, tiền là một công cụ vô cùng hữu ích. Một ví dụ khác, nhờ có công cụ tiền, một người nông dân trồng 1 tấn cam, chỉ ăn 100kg, bán 900kg còn lại đổi ra tiền, ông sẽ dùng tiền đó để cải thiện đời sống của mình. Nếu không có công cụ tiền, lượng vật thực dư thừa 900kg đó sẽ bị hư hỏng và lãng phí, vì ông không thể ăn hết, không chuyển hoá được hoàn toàn thành năng lượng để phục vụ con người, năng lượng bị hao hụt lãng phí đi rất nhiều.
Một số người không có nhiều tiền, nên họ tìm kiếm phương pháp khác. Họ cho rằng tu tập tâm linh sẽ khiến cho họ đạt được những trải nghiệm vui vẻ hạnh phúc mà họ hằng khao khát. Có một số phương pháp tu tập giúp họ thu nhận được năng lượng từ nguồn khác, khiến thay đổi trải nghiệm cuộc sống của họ. Họ cũng đạt được những trải nghiệm sung sướng, ngây ngất, phúc lạc nào đó. Cũng giống như họ đã tìm được nguồn nhiên liệu khác thay thế cho xăng. Một số trường hợp khác, thất bại trong cả việc kiếm tiền lẫn việc tu tập tâm linh, nên cố tỏ ta thanh cao không cần tiền mà chỉ cầu đạo. Một số người đã rơi vào sự bất hoà nhận thức. Một mặt vẫn rất cần tiền và biết sự quan trọng của tiền; một mặt vẫn tích cực tỏ ra phủ nhận hay từ chối sự quan trọng của nó và cố tìm giải pháp lấp vào thay thế.
Chúng ta có thể đưa ra kết luận rằng tiền bạc không phải là vấn đề ở đây. Vấn đề là cái động lực, niềm khao khát trải nghiệm sự sung sướng, hạnh phúc bằng mọi giá. Điểu đó có đúng không? Điều đó có chính đáng không? Điều đó có phải là ý nghĩa của cuộc sống không? Đó mới là những câu hỏi chúng ta nên suy ngẫm.
Người ta thường nói: tiền không mang lại hạnh phúc thực sự. Và lấy lý do đó để phê phán đồng tiền. Tôi cũng có thể nói: tâm linh cũng không mang lại hạnh phúc thực sự. Những thứ trải nghiệm tâm linh chỉ mang lại những cảm giác ngây ngất thất thần nhất thời không đáng để cho chúng ta theo đuổi. Chúng ta phải nhận ra mình đang sống trong một thế giới nhị nguyên, một thế giới vô thường, nơi mà mọi thứ chỉ là tạm bợ, thay đổi chóng vánh. Mục tiêu của chúng ta nên là giải thoát khỏi thế giới này, là giác ngộ Chân Lý. Vì thế những trải nghiệm dù khổ hay sướng cũng không quan trọng. Nó sẽ tan biến và lãng quên và trở nên vô nghĩa giống như ta thức tỉnh khỏi một giấc mơ.