Chúng ta đều rất quen thuộc với thuyết Vụ Nổ Lớn – Big Bang. Các nhà khoa học quan sát thấy rằng vũ trụ đang liên tục giãn nở, họ cho rằng vũ trụ phát sinh từ một điểm ở một trạng thái vô cùng đâm đặc và nóng sau đó nó mở rộng đột ngột và giãn nở ra mọi hướng tạo thành vũ trụ khổng lồ như hiện nay. Từ đó họ đặt giả thuyết rằng vũ trụ sẽ kết thúc bằng một Vụ Co Lớn -Big Crunch, khi mà vũ trụ giãn nở tới kích thước tối đa, lực hấp dẫn của các thiên thể sẽ dần hút mọi thứ về với nhau, vũ trụ sẽ dần co lại trở về trạng thái của điểm kỳ dị cực đặc và nóng ban đầu. Và có thể sẽ lại bắt đầu một Vụ Nổ Lớn và chu kỳ này lặp lại vĩnh hằng.
Tôi không phải chuyên gia hay người làm khoa học, đó là đại khái những gì tôi hiểu về thuyết này. Nó có đúng về mặt giải thích nguồn gốc vũ trụ vật chất khách quan không thì tôi không biết, nhưng nó rất có lý với tôi trong vũ trụ chủ quan của tôi.
Vũ trụ của tôi bắt đầu khi tôi nhớ được là vào khoảng tôi ba tuổi. Bắt đầu với việc tôi bất chợt ý thức về sự tồn tại của bản thân mình, sau đó tôi ý thức được bối cảnh là bố tôi đang đưa tôi đi đâu đó, sau này tôi mới biết đó là nhà trẻ, sau đó bố tôi gửi tôi cho cô giáo,… và cứ thế rất nhiều sự kiện xảy ra. Vũ trụ của tôi bắt đầu từ một điểm vô cùng đậm đặc và nóng là sự ý thức về cảm giác tồn tại, trong quá trình tôi lớn lên, nó đã mở rộng thành không gian và thời gian, ở đó có gia đình, bạn bè, nhà trường. Khi tôi lớn hơn chút nữa, vũ trụ lại mở rộng ra thêm khi tôi nhận thức về đất nước, thế giới, trái đất, và lịch sử nhân loại. Cứ thế theo kiến thức tôi học hỏi, dần dần vũ trụ cá nhân của tôi không ngừng mở rộng ra cấp độ thiên hà, rồi cả các bình diện liên quan tới tâm linh và tinh thần. Vũ trụ của tôi như một cái vòng tròn cứ liên tục lớn dần lên. Nhưng tôi chắc chắn nó không thể cứ lớn mãi tới mức vô hạn. Vũ trụ cá nhân không thể lớn vô hạn vì năng lượng của cá nhân là có hạn. Tới một thời điểm nó sẽ ngừng lớn vì năng lượng bơm vào sẽ hết và vũ trụ sẽ co lại dần. Tôi phỏng đoán, khi tôi về già, năng lượng của tôi sẽ dần cạn kiệt, lúc đó tôi sẽ chẳng còn hơi sức đâu mà quan tâm tới những thứ mà tôi đã từng rất quan tâm như âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, hay thiên hà..Cứ dần dần tôi sẽ bớt quan tâm đi mọi thứ vì chẳng có năng lượng để bao quát hết chúng. Các lĩnh vực, các chủ đề, các đối tượng sẽ dần biến mất khỏi ý thức của tôi, tức là vũ trụ cá nhân của tôi đang nhỏ lại dần. Dần dần cuộc sống của tôi sẽ trở về với những mối bận tâm giống như khi tôi còn là đứa trẻ đó là gia đình, người thân. Và khi tôi nằm trên giường bệnh trong giây phút lâm chung, đó là lúc mà vũ trụ của tôi đã co lại tới trạng thái rất nhỏ và đậm đặc, và một khoảnh khắc trước lúc tắt thở, ý thức chỉ nhận thức duy nhất về sự tồn tại của bản thân mình và rồi ý thức đó cũng biến mất, tôi trở về nơi mà tôi đã bắt đầu: không bản thân, không có vũ trụ.
Đó là thuyết vụ nổ lớn và vụ co lớn trong vũ trụ quan cá nhân của tôi. Không chỉ thế, nó có thể áp dụng lên cấp độ nhỏ hơn đó là từng ngày. Tương tự như trên, mỗi sáng tôi thức dậy là một vụ nổ lớn, mỗi tối trước lúc tôi chìm vào giấc ngủ là một vụ co lớn. Tôi được sinh ra và chết đi mỗi ngày. Chu kỳ này đã lặp lại không biết bao nhiêu lần. Trên cấp độ nhỏ hơn nữa, tôi có thể mạnh dạn áp dụng lý thuyết này lên cả hơi thở. Mỗi lần hít vào là bắt đầu vụ nổ lớn, mỗi lần thở ra là một vụ co lớn. Ở cấp độ càng nhỏ thì càng cần phải có sự điều chỉnh lớn về thế giới quan trong tâm thức và quy tắc. Suy nghĩ tới đây tôi có thể hiểu tại sao một số tu sĩ Yogi luyện các pháp tu liên quan đến việc điều hòa hơi thở, các chu kỳ hơi thở của họ trở lên chậm lại và kéo dài ra, trong những khoảnh khắc hơi thở tự động ngừng lại như vậy họ có thể ngẫu nhiên lĩnh ngộ trạng thái không sinh không diệt.
Cuối cùng tôi tổng kết và tái định nghĩa lại các thuật ngữ: Còn ở trong vũ trụ cá nhân là còn ở trong một vòng tròn, nó sẽ lớn lên và nhỏ đi theo chu kỳ, đó gọi là sự luân hồi, còn ở trong vòng tròn là còn vô minh. Thức tỉnh – giác ngộ chân lý là xóa bỏ vòng tròn và cái còn tồn tại là sự vô ngã vô tận.