TU TẬP TÂM LINH? CÓ THỂ LÀ MỘT CÁI BẪY CỦA BẢN NGÃ

Tôi nhận ra càng ngày càng có nhiều người bước vào con đường “tâm linh”. Cái Tâm Linh thực sự mà tôi biết đó là giết đi bản ngã để biết rằng mình là Đại Ngã (Vô Ngã). Bây giờ tôi không biết được thuật ngữ “tâm linh” ngày nay đang được định nghĩa như nào vì nó có muôn vàn hình thái, giáo lý, thể thức, phương pháp tu tập. Khai mở luân xa, thức tỉnh Kundalini, xuất hồn, chữa lành bằng tâm linh, du hành các cõi giới, giấc mơ sáng suốt, thăng tiến linh hồn, tự nhận mình là các chủng đến từ vì sao khác(?),v,v… Khi bắt đầu tìm hiểu bạn cảm tưởng nó như một ma trận, một mê cung và được thương mại hóa rất nhiều.Tại sao bạn lại muốn đi vào con đường này. Rõ ràng là bạn muốn đạt được một điều gì đó từ nó. Cách giáo lý giả dối luôn đề cập đầu tiên đến các ích lợi, những lời hứa hẹn rất hấp dẫn sau khi bạn tu tập. Các quyền năng tâm linh, khả năng ngoại cảm, sức khỏe, trí tuệ, khả năng chữa lành, hấp dẫn tiền tài, thịnh vượng… Đều là những thứ vô cùng quyến rũ với bản ngã và bạn dễ dàng sa ngã. Nếu bạn đã từng tìm hiểu về “thị trường tâm linh” này bạn sẽ đồng tình với tôi. Hãy tự thực lòng trả lời những câu hỏi dưới đây:

– Bạn nghĩ rằng tu tập tâm linh sẽ làm bạn giàu có, thuận lợi trong công việc?

– Bạn nghĩ rằng tu tập tâm linh sẽ khiến bạn trở nên cao siêu, được kính trọng hơn người thường?

– Bạn có nghĩ rằng tâm linh sẽ giúp bạn giải quyết những khó khăn trong cuộc sống bạn?

Nếu câu trả lời là có thể rất có thể bạn đã rơi vào cái bẫy của bản ngã. Bản ngã của bạn đang cảm thấy mờ nhạt, thấp kém và thất bại trong cuộc sống vật chất, vì vậy nó tìm kiếm thành công trên mặt trận khác là mặt trận tâm linh. Nếu bạn đang có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc, thuận lợi, bạn thì bạn có nghĩ đến tu tập tâm linh không? Những người tu tập tâm linh do bản ngã như trên hầu như không có thành tựu gì (chưa kể tiền mất, tật mang). Hoặc có thể có thành tựu một chút nhưng lại phát sinh nhiều vấn đề khác. Con đường tâm linh đích thực là con đường phá bản ngã. Và hiển nhiên bản ngã không ưa điều này.Một người tu chân chính sẽ không coi tâm linh là con đường chạy trốn khỏi thực tại. Họ đến với tâm linh như một bản năng. Bởi một tiếng gọi từ phía sâu trong tâm hồn. Một khao khát tìm hiểu được Chân Lý của sự sống nảy sinh trong họ, vì họ đã nhìn ra được sự giả tạm và vô thường của đời sống này. Chỉ một lần nghe thấy thuật ngữ “Giác Ngộ”, họ sẽ không bao giờ quên, và sẽ tìm mọi cách để ‘đạt’ được nó. Và họ sẽ không thất bại. Họ sẽ luôn tìm được hướng đi đúng đắn vì ham muốn giác ngộ là ham muốn tối thượng nhất. Một khi bạn thành tâm, cả vũ trụ sẽ chỉ dẫn và giúp đỡ bạn.Người thầy giả tạo sẽ luôn tìm kiếm học viên vì họ muốn một điều gì đó từ người học viên. Một Chân Sư thì sẽ luôn có đệ tử tìm đến tận nơi để quỳ bái. Nisargadatta Maharaj hay Ramana Maharshi là những ví dụ điển hình. Họ không hề làm gì phô trương cả, nhưng học giả từ khắp mọi nơi trên thế giới tìm đến để học hỏi. Giáo lý chính của họ không hứa hẹn cho bạn bất cứ lợi ích nào ngoại trừ việc biết được Ta là Ai. Nó nghe rất đơn giản và tầm thường vì thế dễ dàng bị coi nhẹ bởi vì bản ngã luôn thích những thứ đao to búa lớn, phức tạp, có lợi ích rõ ràng. Tuy nhiên nó lại là Chân Lý tối thượng nhất, món quà to lớn nhất mà bạn có thể nhận được. Thứ đơn giản nhất lại có thể là thứ vĩ đại nhất. Bạn đâu cần tìm kiếm phép màu nào, chẳng phải sự Tồn Tại của bạn chính là Phép Màu kì diệu nhất sao? Thấu hiểu được phép màu này chính là Giác Ngộ. Bất kể lựa chọn của bạn ra sao, Chân Lý vẫn luôn mở cửa chờ đón bạn.

1 Comment

  1. Đây cũng chính là cái bẫy mà 99,99% những người đang tu theo Đạo Phật đã và đang bị mắc kẹt trong đó.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.