Chúng ta đã đi tới kết luận rằng tất cả đều bắt nguồn từ Ý Thức. Tất cả giác quan, tâm trí, cảm xúc đều được biểu lộ trong Ý Thức. Vậy Ý Thức là gì? Làm thế nào để biết nó? Trước hết, ta cần định nghĩa là thế nào là ‘biết’. Ta biết một đối tượng chỉ khi ta có một trải nghiệm liên quan đến đối tượng đó, và đối tượng đó là thứ tách biệt khỏi ta. Ví dụ bạn biết một trái táo là do bạn có sự trải nghiệm nhìn thấy, sờ và nếm trái táo. Bạn biết tới mặt trời là do bạn trải nghiệm nhìn thấy ánh sáng, cảm nhận nhiệt độ,… Nếu bạn áp dụng tương tự, bạn biết đến cơ thể, tâm trí hay linh hồn là do bạn có trải nghiệm liên quan đến cơ thể tâm trí hay linh hồn, ba thứ trên đều tách biệt khỏi bạn, không phải là bạn. Bạn nghĩ rằng ý thức nằm trong cơ thể, cơ thể nằm trong vũ trụ, và vũ trụ tồn tại độc lập mà không liên quan đến bạn. Tuy nhiên trải nghiệm thực tế của bạn là cơ thể, tâm trí và toàn bộ vũ trụ nằm bên trong Ý Thức. Vũ trụ chỉ tồn tại khi có Ý Thức. Tất cả trải nghiệm đều xảy ra trong Ý Thức. Bạn là cái Biết, cái Ý Thức. Nó đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn.
Ý Thức có giới hạn không? Nếu nó có giới hạn tức là có thứ gì đó tồn tại bên ngoài Ý Thức. Nhưng theo trải nghiệm thực, chúng ta không thể biết được thứ gì khác bên ngoài Ý Thức. Lúc ở ngoài sân bạn nhìn thấy mặt trời, khi bạn vào trong nhà, không nhìn thấy mặt trời nữa, bạn nghĩ rằng mặt trời vẫn ở đó dù bạn có nhận thức được hay không. Tuy nhiên bạn chỉ có thể TIN rằng mặt trời vẫn tồn tại bên ngoài ý thức của bạn, chứ bạn hoàn toàn không có cách nào kiểm chứng điều đó. Nếu một ai đó bước vào và nói với bạn: ‘Tôi vừa ở ngoài vào và tôi vẫn thấy mặt trời ở đó trong lúc anh ở trong nhà.’ Tuy vậy, người đó đang hiện hữu trong ý thức của bạn, do vậy đó cũng là một trải nghiệm trong Ý Thức và do Ý Thức, do đó người đó không có thẩm quyền để xác minh điều gì tồn tại bên ngoài Ý Thức. Không hề có nhân chứng nào bên ngoài Ý Thức, không hề có tri thức khách quan nào nằm bên ngoài Ý Thức. Ý Thức là điểm đầu và cũng là điểm cuối, là cái Alpha và cũng là cái Omega. Nếu bạn suy nghĩ sâu sắc, bạn sẽ nhận ra toàn bộ thế giới quan của bạn là xây dựng hoàn toàn bằng niềm tin, không phải dựa trên sự thật. Vì thế Thánh nhân nói đời sống là một giấc mơ không thực. Nó thật điên rồ. Chỉ có điều bạn không dám đối mặt với sự thật, bạn thích sự tưởng tượng. Sự tưởng tượng luôn thú vị còn sự thật thì buồn tẻ. Đó là lý do các hình tướng khởi sinh liên miên bất tuyệt trong Ý Thức. Khi bạn đã hoàn toàn buông bỏ các chấp chước, dục vọng, không còn bám víu vào hình tướng. Ý Thức trở về nguyên điểm, trạng thái bất biểu lộ, vô hình tướng hay còn gọi là Niết Bàn.
Câu hỏi vẫn tồn tại ở đây là làm thế nào để Ý Thức tự biết chính nó? ‘Biết’ ở đây ám chỉ cái biết và cái được biết, cái chủ thể và cái đối tượng, và đó là Nhị Nguyên. Nếu ta nói ta biết Ý Thức vậy ta và cái Ý Thức đó tách biệt nhau. Vậy nó là sai với trải nghiệm của ta, sai với sự thật. Trong khi Ý Thức là chủ thể duy nhất. Ta chỉ có thể Biết Ý Thức bằng cách LÀ Ý Thức. Ta là Ý Thức cũng chính là chân tánh của mình. Ta là chân tánh của mình bằng cách loại bỏ hoàn toàn các quan niệm sai lầm về thân phận bản thân mình. Ta không là cái này, không là cái kia nưa, ta chỉ đơn thuần Là, chỉ Hiện Hữu. Ta không là bất cứ hình tướng nào khi ta không còn quan niệm nào. Khi đó, toàn bộ thế giới quan của bạn, toàn bộ cuộc sống, toàn bộ cái ngã của bạn sẽ bị phá hủy. Đó chính là cái giá của Chân Lý, cái giá của Giác Ngộ. Liệu đó có thực sự là điều bạn muốn? Nếu đúng, liệu bạn đã sẵn sàng?